Ký ức về những trang sách được “thừa kế” ở bậc tiểu học năm xưa

“Sách này còn dùng cho các niên-học sau, cho các em đến sau mượn, vậy các em đừng để ai vẽ gạch bậy-bạ. Các em đừng ghi-chú gì vào sách. Nếu cần lắm thì chỉ ghi rất nhẹ tay bằng bút chì để sau tẩu đi (ví-dụ như trong sách Toán)”

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Đó là lời ngỏ trong một cuốn sách giáo khoa miền Nam được xuất bản trước năm 1975, khuyên học trò nên giữ gìn sách cẩn thận để các lớp sau có thể sử dụng lại. Một lời khuyên nhẹ nhàng, hữu ích và chân thành của nhà xuất bản giúp các em có ý thức tiết kiệm tiền bạc vì đó là công lao mồ hôi nước mắt của cha mẹ, vừa có thể giúp đỡ các đàn em không có điều kiện mua sách mới. Qua đó, cũng tỏ lòng tri ân những người thầy đã dày công biên soạn sách để dạy các em nên người.

Những dòng chữ này được lấy từ cuốn sách “Em Học Vần Lớp 5” (tức lớp 1 ngày nay) được in năm 1969. Dòng chữ này cũng được in ở những trang đầu tiên của sách học Việt ngữ của các lớp sau đó (lớp tư, lớp ba…). Bạn có thể xem thêm các trang khác của cuốn sách này ở cuối bài viết.

Tôi vẫn còn nhớ những năm học tiểu học của mình, hầu như không phải mua sách hay vở mới. Vì sách học đều được “tái sử dụng” đến đời thứ 3, sau anh (7 năm trước đó) và chị (3 năm trước đó), còn vở thì được lãnh thưởng nhờ thành tích học hành của năm trước hoặc là học kỳ trước, thường là dùng không hết. Ngay cả tấm bảng đen để tập viết bằng phấn tôi cũng được “thừa kế”, vì đó là tấm kim loại rất bền, có thể dùng được cả chục năm.

Tôi chỉ có được niềm vui dùng “đồ mới” khi được cha mẹ mua cho cái cặp mới, vì cặp của anh chị thì được chính anh chị sử dụng tiếp tục trong nhiều năm. Tôi vẫn nhớ lên cấp 2 vẫn dùng lại cái cặp màu đen của tiểu học, có cái nút gài bằng kim loại đã gỉ sét, mỗi lần mở cặp ra phải ấn mỏi tay mới nghe được tiếng “cạch” mở khoá. Tuy nhiên dù như vậy thì tôi vẫn còn rất may mắn, vì nhớ rằng có nhiều bạn thậm chí phải bỏ sách vở – bút viết vào trong một cái túi nilon để đi học.

Thời gian ngắn sau đó, vì cấp 2 phải mang nhiều sách vở hơn, nên tôi được phép giã từ cái cặp cũ còn sử dụng khá tốt để mua 1 cặp sách khác nhìn không trẻ con như cấp 1 nữa để sử dụng suốt thời cấp 2.

Tôi vẫn còn nhớ những cuốn sách của mình học lớp 1, lớp 2 ngày xưa, vì đã tồn tại qua 7 năm, dù được anh chị mình có ý thức giữ gìn lại, nhưng không thể tránh việc bị cũ sờn. Đôi khi cảm buồn vì ba mẹ đã sinh mình ra là con út nên không được tận hưởng “mùi sách mới”, vì tôi rất mê mẩn việc được lật từng trang sách còn lán bóng và được ngửi mùi thơm rất đặc trưng của những trang sách mới.

Đó là tâm tư bình thường của một đứa trẻ con lúc nào cũng mê có được quà mới, nhưng sau này nhớ lại, tôi lại thấy trân trọng những cuốn sách “tái sử dụng” như vậy, vì nó lưu giữ được biết bao nhiêu kỷ niệm qua nhiều thế hệ, những buồn vui của bước đầu chập chững học làm người của cả 3 anh em.

Rất nhiều năm sau đó, vô tình lật lại những trang sách đầu tiên trong hành trình học chữ của mình, tôi vẫn có nhiều bồi hồi xúc động, như là nhìn thấu lại được những quá khứ thần tiên thuở ấu thơ của mình.

Sau đây, xin đính kèm thêm những trang sách xưa đã gắn liền với thế hệ học sinh những năm thập niên 1980-1990:

      

Ngược về quá khứ trước đó 30-40 năm trước đó nữa, xin đăng lại một số trang sách học Việt ngữ của thế hệ tiểu học thập niên 1960-1970 sau đây:

Vy Hoàng – nhacxua.vn biên soạn
Hình ảnh từ fanpage Sách Đẹp và thuongmaitruongxua.vn

Exit mobile version