Hình ảnh bên trên chắc hẳn là sẽ gợi lại bao nhiêu ký ức không thể nào quên đối với nhiều người.
Vào những năm đầu của thập niên 1980, ở nơi hẻo lánh như quê tôi, mỗi lần có xe chiếu bóng lưu động từ huyện về chiếu phim cho bà con dân làng xem là từ già đến già trẻ ai nấy cũng náo nức vui mừng rủ nhau đông như đi hội.
Khoảng vài ba tháng mới có một lần xe chiếu phim về, nên mỗi lần trông thấy chiếc xe Jeep lùn cà tàng cũ quen thuộc chở theo cỗ máy quay phim của phòng thông tin văn hóa dưới huyện về, ngang ngã 3 chợ rồi từ từ quẹo vào đậu trước sân ủy ban xã, là bọn trẻ nít đã nhảy tửng lên reo hò inh ỏi.
Xe chiếu phim sau đó chạy dọc theo đường lộ chính của xã để phát loa thông báo có buổi chiếu phim tối nay, tiếng loa phát thanh vang khắp mọi nẻo đường thôn xã, vang đến tận nương rẫy ruộng đồng, đem đến niềm vui nôn nao cho tất cả mọi người. Giọng thông báo quen thuộc của anh thuyết minh đội phim: “Kính mời bà con đúng vào lúc 7 giờ tối nay, đến sân ủy ban để thưởng thức chương trình chiếu phim đặc sắc do đội chiếu phim lưu động của chúng tôi được về phục vụ cho đồng bào”.
Tin có xe chiếu bóng về được truyền đi rất nhanh, nông dân ngoài đồng lo thu dọn việc đồng áng để về sớm hơn mọi bữa, các bà mẹ quê lo nấu cơm chiều ăn nhanh để cả nhà cùng dắt nhau đi xem phim. Dân làng í ới gọi nhau khắp mọi nẻo đường, nhà ai dù có xa cách sân chiếu phim mấy km, cũng đều đi bộ từng đoàn trò chuyện rôm rả với nhau vì hồi đó chưa có bãi giữ xe, và nhà nào khá giả lắm mới sắm được chiếc xe đạp thồ. Có những ông bố tay dắt lưng cõng con nhỏ đi theo, những ánh mắt trẻ thơ vui mừng hướng nhìn về bãi chiếu có ánh điện sáng trưng, có tiếng loa vang vang thúc giục.
Sân chiếu bóng là bãi cỏ rộng trước ủy ban xã, buổi chiếu phim nào cũng đông nghẹt người, được xem phim không bán vé nên không có nhà nào là không đi. Những nhà có con nhỏ đi theo thường rất sớm để trải bạt giành chỗ gần sát trước màn ảnh rộng, còn người lớn thì lót dép làm chỗ ngồi. Màn ảnh là tấm phông vải màu trắng to đùng được dựng lên sơ sài có đóng 4 cọc giăng dây cho gió khỏi làm ngã. Chỗ được đám khán giả vây quanh đông nhất là nơi để máy quay phim, đám đông hiếu kỳ thích thú đứng nhìn cái cỗ bánh quay phim chạy ro ro bên những máy móc lạ mắt. Ngối xem phim ngoài trời có máy lạnh thiên nhiên mát mẻ, đôi khi còn được tắm mưa tập thể là một trải nghiệm thú vị.
Đối với con trẻ thời đó, việc được nhìn thấy hình ảnh người, nhà và xe cộ hiện lên trên tấm vải rộng màu trắng đó như là một điều kỳ diệu không khác gì cổ tích, và không thể nào hiểu được những diễn viên đó “chui” ra từ đâu. Có đứa còn quả quyết là những người đó đi ra từ chiếc xe tải đậu ở bên cạnh, nên bèn chạy ra mặt sau của màn chiếu bóng để canh xem họ đi ra đi vô cái màn đó như thế nào.
Quanh năm suốt tháng làm lụng ngoài đồng, mỗi lần được đi xem chiếu bóng ngoài trời là mỗi dịp cho bà con có buổi giải trí quên đi nỗi vất vả nhà nông. Ở nhà đêm nào cũng thắp tù mù ngọn đèn dầu, đi xem chiếu bóng dù phim có hay hoặc dở, nội cái nghe tiếng máy nổ xè xè của máy phát điện, nhìn ánh điện thắp sáng đem văn minh của thị thành về là dân quê làng cũng đủ vui lắm rồi.
Những bộ phim đã làm say mê khán giả thời đó là phim Ván Bài Lật Ngửa hoặc Pho Tượng do Nguyễn Chánh Tín đóng vai chính, hay những bộ phim Cánh Đồng Hoang, Vỹ Tuyến 17 Ngày Và Đêm, và những bộ phim cổ tích thần thoại như Ruslan và Ludmila hoặc các loại phim của Liên Xô. Thích nhất là nghe anh thuyết minh đọc từng lời thoại cho phim Liên Xô thật hay quá, nghe say mê từng câu chữ.
Xen đoạn tái dựng chiếu bóng lưu động ngày xưa, trích từ phim Người Chiếu Bóng
Sau này đến những năm cuối thập niên đó thì những buổi xem chiếu bóng màn ảnh rộng trên sân cỏ không còn nữa, nhường chỗ cho những buổi chiếu video. Một đầu video và một đầu tivi được chủ kinh doanh đem từ Sài Gòn về chiếu trong hội trường, đêm nào bà con cũng chen chúc nhau mua vé vào coi nhưng không đông đảo như những buổi chiếu phim bóng ngoài sân bãi như hồi trước nữa, vì khuôn viên hội trường chật chội và nhất là phải tốn tiền để mua vé vào cửa.
Những buổi chiếu bóng ngày xưa đã ghi dấu vào ký ức của lớp người đã qua một thời nghèo cơm áo nghèo luôn cả những phương tiện truyền thông giải trí, nên những âm thanh nhộn nhịp và hình ảnh rộn rã một thời của sân cỏ chiếu bóng ngoài trời ấy, mãi mãi là kỷ niệm thân thương khó quên.
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn