Kỷ niệm về những trang vở cũ

Bất ngờ gặp lại cuốn tập, lòng tôi chùng xuống, bồi hồi có cảm giác như bắt gặp lại tuổi thơ ấu của mình.

Quyển tập trong hình, xưa lắm, có lẽ nó được sản xuất khoảng những năm hồi thập niên 1960, nhìn quyển tập tôi ngờ ngợ đó là loại tập giấy trắng láng, bìa giấy dày là loại tập mà học sinh con nhà khá giả thường hay mua để viết.

Nhắc lại cuốn tập, cuốn tập mà tôi nhìn thấy trong hình là một trong những loại tập tôi từng thấy bà chủ tiệm đặt từng chồng với nhiều kiểu bìa khác nhau trong hàng tủ kiếng cao đặt áp sát dài theo tường bên cạnh những cuốn sách gáy dày đủ loại. Mỗi lần mua tập, tôi thích mua những cuốn tập hình con gái, như là hình vẽ 3 thiếu nữ yểu điệu với phong thái đặc biệt 3 miền của họa sĩ Lê Trung. Ngày đó, bọn con gái nữ sinh thường giữ gìn tập vở cẩn thận hơn mấy chàng nam sinh, chúng tôi thường viết chữ gò cho thật đẹp, giữ cho góc tập phẳng phiu. Chúng tôi quý từng cuốn tập học trò với tấm lòng trắng tinh và thơm như tờ giấy mới.

Trải qua bao nhiêu tuổi, đi qua bao nhiêu biển rộng sông dài, nếm đủ vị cuộc đời. Ngày hôm nay, tôi còn gắn bó với chữ nghĩa, chắc chắn tôi còn nợ bà chủ tiệm sách nơi góc chợ Kiến Tường ngày xưa một lời cảm ơn. Bà đâu biết rằng chính nụ cười độ lượng của bà ngày đó là niềm khích lệ đầu đời cho bước đường văn học của tôi.

Cuốn tập dắt tôi về một kỷ niệm đã hằn sâu trong tiềm thức – nó dắt tôi lộn về gặp lại một tiệm sách thân thương, gắn bó với tuổi thơ tôi trong một tỉnh lỵ buồn ngắt mà mỗi trưa tôi thường ghé qua, bước vào ngó nghiêng ngó ngửa những bìa sách đầy màu sắc cùng những tờ nhựt trình thơm hực mùi giấy, mùi mực in treo lủng lẳng trong tiệm.

Ngày đó mỗi buổi đi học về, tôi thay áo dài, lật đật xách cơm ra sạp vải trong nhà lồng chợ ăn cơm trưa với bà ngoại, sau đó ngồi bán hàng cho ngoại ngủ trưa một chút rồi đem thức ăn về nấu cơm chiều. Trên đường về, thế nào tôi cũng tạt vào tiệm sách nằm ngay đầu dãy phố chợ. Tiệm sách có 2 cửa, một nhìn đối diện với tiệm Nhựt Quang ở dãy bên kia, một là cửa hông mở ra nhìn thấy con đường tráng nhựa nhưng bị cào nát bởi những trận lụt, thường tung đầy bụi màu đỏ chấp chới trong ánh nắng chói gắt với tiếng lao xao nhộn nhịp không ngớt của bến xe đò nằm ngay trước cửa chợ trên bãi đất do xáng thổi lên. Bà chủ tiệm sách hiền lắm, mỗi lần thấy tôi vào – thường là chỉ để “coi cọp” những tờ báo thiếu nhi, nhưng lúc nào bà cũng cười. Giờ này, hình như tôi còn mường tượng được khuôn mặt với nụ cười của bà thường đãi tôi sau quầy kiếng đựng đầy các món văn phòng phẩm. Nhớ lại nụ cười của bà, nụ cười thật dễ dãi đến nỗi khiến con bé quên đi sự ngại ngùng, có khi “đứng đồng” coi hết cuốn báo thiếu nhi này đến truyện tranh kia, thật tự nhiên….

Giờ này tôi mới kịp cảm ơn bà chủ nhà sách Rạng Đông.

Nguồn: FB Thuy Vi

 

Exit mobile version