Khúc Thụy Du là một trong những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng sau năm 1975, được ông phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Du Tử Lê. Đây là một tuyệt khúc mà hình ảnh, ca từ cũng như giai điệu đã chất chứa những nỗi buồn và tiếc nuối về một ân tình dĩ vãng, và những cảm xúc đó trong bài hát dường như là ai cũng đã một lần trải qua.
Có một điều là nguyên tác bài thơ của tác giả Du Tử Lê không chỉ viết về tình yêu, mà còn là những trăn trở về thời cuộc với những cảnh tượng hãi hùng của một thời binh lửa.
Nhà thơ Du Tử Lê đã từng tâm sự về Khúc Thụy Du: “Thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên trường dược… Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ”
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những gì
Về bên kia thế giới
Ngoài trống vắng mà thôi
Thụy ơi, và tình ơi!
Mở đầu bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng là một lời ca vút cao lên như tiếng kêu trăn trở về thân phận nhân sinh trước đời người hữu hạn. Và chúng ai cũng có đôi lúc nghĩ sao mà định luật “sinh là ký tử là qui” ở trên đời buồn đến thế. Nhưng điều đó cũng không buồn và trống vắng bằng nghe câu nhạc mở đầu của bài hát, cảm như có làn gió lạnh buốt từ hư vô thổi về khi nghe người hát buông lơi câu hát: “Ngoài trống vắng mà thôi”.
Với cảm quan tinh nhạy của thi sĩ, hơn ai hết Du Tử Lê đã cảm thấy nỗi “trống vắng” hoang lạnh của cuộc đời khi ông chứng kiến sự mất mát đau thương của thời ly loạn. Ám ảnh bởi nỗi buồn này, bài thơ Khúc Thụy Du đã ra đời, và khi phổ thơ, nhạc sĩ Anh Bằng đã lọc hết nỗi tang thương chιến cuộc trong bài thơ gốc, để chọn và soạn lại thành một bản tình ca tình yêu đôi lứa, đã đi vào lòng muôn triệu người yêu nhạc.
Và người nghe nhạc cảm được nỗi buồn kia vơi đi khi ở cuối khổ, lời ca dịu mát hẳn khi được tiếp bằng “Thụy ơi và tình ơi!”. Tiếng gọi tên người tình như chút nắng lên giữa ngày đông, sưởi ấm lòng tan đi nỗi sầu phiền trong tâm tưởng.
“Thụy ơi và tình ơi!” không còn là câu chữ ca từ của tác giả nữa, mà đã trở thành tiếng kêu chung của công chúng nghe nhạc, của những ai đã từng gọi tên của người yêu của mình một lần như thế, để dàn trải tâm sự, để cảm thấy mình không còn cô đơn với nỗi buồn thân phận làm người. Điều kỳ diệu là tình yêu luôn mang ngọn gió trong lành mát rượi thổi đến khi lòng ta nghĩ đến, nhớ đến bạn lòng.
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Thụy ơi, và tình ơi!
“Như loài chim bói cá. Trên cọc nhọn trăm năm” có lẽ là lời ca hay nhất, hình tượng nhất của bài hát. Chim bói cá là ẩn dụ hình ảnh của con người đi tìm lý tưởng hạnh phúc của mình trên đường đời. Lại thêm lần nữa, nghe như lạnh buốt tâm can trước lời hát đầy triết lý về cuộc nhân sinh trầm phù dâu bể trên cuộc đời, và chợt đau nhói lên như mình đang ở trên “cọc nhọn trăm năm” chịu vết đau vô hình.
“Tôi tìm đời đánh mất” ở “Trong vũng nước cuộc đời” là những lời ca day dứt xót xa vương vấn chút gì thương tiếc. Tôi như loài chim bói cá đậu trên cọc nhọn, tìm kiếm những gì đã đánh mất “trong vũng nước cuộc đời”. Tuổi thơ ngày xưa thân ái, hạnh phúc tuổi trẻ của tôi đang ở nơi đâu trong mù mịt bụi đỏ cuộc đời này đây, hỡi Thụy ơi và tình ơi!
Vì sao ta yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh run
Vì sao chân không vững
Vì sao và vì sao…
Những câu hỏi dồn dập nối tiếp nhau, nhưng “Đừng bao giờ em hỏi”, vì làm sao mà cắt nghĩa được tình yêu này. Cảm xúc biến đổi từ trạng thái khác nhau làm người nghe cảm được sức mãnh liệt của tình yêu từ “môi anh nóng”, đến “tay anh lạnh” và “thân anh run”. Một loạt câu hỏi không có câu trả lời và cũng một loạt ngọn lửa nồng cháy, đang đốt lửa đam mê trong trái tim người đang yêu đang bày tỏ tình yêu của mình.
“Vì sao và vì sao” như là hỏi chính mình tại sao mình lại bị cuốn vào vòng “tình lụy” như thế. Những nốt nhạc như những dấu hỏi thảng thốt rồi lơ lửng rơi rơi… Cho người nghe nhạc liên tưởng đến ý tình thờ thẫn của câu hỏi “định nghĩa về tình yêu” mà từ xưa đến nay chưa ai trả lời được.
Hãy nói về cuộc đời
Tình yêu như lưỡi dao
Tình yêu như mũi nhọn
Êm ái và ngọt ngào
Cắt đứt cuộc tình đầu
Thụy bây giờ về đâu?
Không trách móc giận buồn gì đến người yêu, chỉ biết đổ hết cho “Tình yêu” như lưỡi dao như mũi nhọn. Ở phần cuối bài này, người nghe nhạc không cảm nhận sự nhói đau như khi nghe “cọc nhọn trăm năm” ở phần trước đó, bởi vì vết thương này là vết “Êm ái và ngọt ngào”. Lưỡi dao êm ngọt đã “cắt đứt cuộc tình đầu” nên người tình ở lại ôm kỷ niệm đằm thắm này mãi trong lòng. Biết thuở nào quên…
“Thụy bây giờ về đâu?” nghe như có niềm ưu tư và nỗi cô đơn bủa vây. “Thụy bây giờ về đâu?” – Câu kết thúc của bài hát nhưng chưa chấm hết được cảm xúc của người nghe nhạc, thương cảm về một đường đời cô quạnh, có một người bơ vơ đi tìm Khúc Thụy Du ngày xưa…
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn