Cùng với Tình Em Biển Rộng Sông Dài, thì Hoa Cài Mái Tóc là 2 ca khúc được nhạc sĩ Văn Giảng sáng tác vào đầu năm 1973 tại Sài Gòn, là dịp hiệp định Paris được ký kết, trong niềm hy vọng rằng lửa binh sẽ kết thúc và hoà bình được lập lại trên quê hương sau nhiều năm đau khổ. Cả 2 bài hát đều được ký bút hiệu là Thông Đạt.
Click để nghe Trúc Mai hát Hoa Cài Mái Tóc trước 1975
Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắc
Nghe đâu đây tiếng vọng hòa bình
Hình ảnh “Mẹ Việt Nam mắt ngời sáng quắt” khi thoáng nghe “tiếng vọng hòa bình” được nhạc sĩ điểm tô bằng thứ âm nhạc hoan ca rộn rã, sôi nổi, trào dâng thể hiện chính xác tâm trạng mong chờ, khát khao hoà bình của người dân Việt Nam khi đó. Sau bao nhiêu năm trầm luân, khổ ải loạn lạc, chẳng điều gì quý giá hơn hai chữ “hoà bình”.
Lệ mừng nhòa đôi mắt long lanh
Nghe tin con vẫn còn ngày xanh
Những giọt nước mắt mừng vui nhoà ra trên đôi mắt Mẹ, bởi khi tiếng súng chấm dứt tức là những đứa con sẽ được trở về, sẽ không phải vùi thân nơi vùng biên địa. Mẹ vỡ oà trong niềm vui khôn xiết: “Nghe tin con vẫn còn ngày xanh”. Những “ngày xanh” tưởng như chẳng bao giờ còn có được khi tiễn bước con đi. Niềm vui sướng, hân hoan ấy của Mẹ cũng chính là tâm trạng của người trai chinh ᴄhιến xa nhà.
Một cành hoa em cài mái tóc
Anh đưa em qua quãng đường dài
Về thành đô ta may áo cưới
Ta thương nhau xây dựng ngày mai
Chàng trai nghĩ đến ngày trùng phùng với người yêu, hân hoan cài hoa lên tóc cô gái, đưa cô về thành đô may áo cưới, cùng nhau vun đắp xây mộng tương lai. Nhưng thời gian xa cách của họ hẳn cũng đã lâu rồi, kẻ hậu phương người đầu hỏa tuyến, tin tức qua lại chẳng hề dễ dàng, thông suốt. Vậy nên dù đang trong tâm trạng vô cùng hân hoan, mong đợi, chàng trai vẫn thoáng chút lo âu, bối rối:
Ta yêu người, ta yêu đời, ta yêu mình
Tình đừng phai
Xin em đừng qua vùng cỏ hoa
Xin em đừng đến những nơi chim xanh hoan ca
Những lời ca dồn dập, gấp gáp thể hiện tâm trạng nôn nóng của chàng trai muốn thật nhanh đưa tin về cho người yêu rằng trái tim của chàng dù qua bao mưa bom bão đạn vẫn ấm nóng, nồng nàn một tình yêu nồng nhiệt dành cho đời sống, con người và cho cả “mình”: “Ta yêu người, ta yêu đời, ta yêu mình”. Vì vậy, xin “mình” đừng để tình phai.
Click để nghe Elvis Phương hát Hoa Cài Mái Tóc trước 1975
Hai câu hát “Xin em đừng qua vùng cỏ hoa / Xin em đừng đến những nơi chim xanh hoan ca” như lời khẩn cầu của chàng trai dành cho cô gái rằng, xin cô hãy chờ chàng thêm một chút nữa thôi, hoà bình trở lại rồi, chàng sẽ cấp tập mau chóng trở về bên cô. Xin cô đừng đi qua “vùng cỏ hoa”, kẻo bông hoa lạ nào đó sẽ cài lên mái tóc cô trước khi chàng về kịp. Xin cô “đừng đến những nơi chim xanh hoan ca” kẻo lại bị xao động, ngả nghiêng vì những lời đường mật của “chim xanh”. Chàng trai van nài cực đoan như vậy là bởi chàng hiểu rằng, chẳng điều gì ngăn cấm được trái tim loạn nhịp, đam mê:
Vì tình nào không vào đam mê
Anh xin em giữ trọn lời thề
Dù tình nghèo người đời khen chê
Ta thương nhau giữ trọn tình quê
Trong thời loạn lạc, những lời thề non hẹn biển dễ dàng phai nhạt khi niềm hy vọng trùng phùng mau chóng tan theo cùng khói trắng lửa binh. Nhưng chàng trai vẫn nuôi giữ hy vọng rằng khi chàng trở về, người yêu vẫn còn đó, vẫn “giữ trọn lời thề” thuỷ chung với mình, không hề đổi thay.
Có thể thấy, là một tình khúc khá nổi tiếng của dòng nhạc vàng, ẩn chứa nhiều tâm sự nhưng nhạc phẩm Hoa Cài Mái Tóc không hề lê thê, sầu muộn, bi luỵ, thê thiết mà ngược lại tràn đầy niềm hân hoan, reo vui, lạc quan, đầy hào khí.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn