Hùng Cường – Bạch Tuyết: Cơn “sóng thần” của sân khấu cải lương trước 1975

Nền nghệ thuật Cải lương Việt Nam giai đoạn những năm 1960 – 1970 sinh ra nhiều cặp đào – kép đã trở thành tượng đài trong lòng người mộ điệu. Bên cạnh những tên tuổi đã quá quen thuộc như Thanh Sang – Thanh Nga, Thành Được – Út Bạch Lan, Minh Vương – Lệ Thủy… trong đó ghi được dấu ấn sâu đậm nhất phải kể đến đôi nghệ sĩ tài danh Hùng Cường và Bạch Tuyết.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Tân cổ Hùng Cường – Bạch Tuyết trước 1975

Năm 1966, bầu Xuân đã mời được một nghệ sĩ toàn tài là Hùng Cường về đoàn cải lương của ông là Dạ Lý Hương. Nắm bắt được thị hiếu của công chúng và khả năng kết hợp của các nghệ sĩ, bầu Xuân đã ghép Hùng Cường và cô đào Bạch Tuyết để lăng xê trở thành đôi nghệ sĩ được yêu thích nhất trên sân khấu cải lương, trở thành “cặp sóng thần” huyền thoại trong lòng công chúng.

Trước khi đến với cổ nhạc, Hùng Cường đã có một sự nghiệp tân nhạc lừng lẫy. Năm 1953, khi mới 17 tuổi, ông được giải khôi nguyên cuộc thi tuyển lựa ca sĩ đài Pháp Á với ca khúc Ông Lái Đò. Khi mới 20 tuổi, ông nổ danh và giọng hát gắn liền với nhiều nhạc phẩm tiền chiến như: Sơn Nữ Ca, Ông Lái Đò, Vọng Ngày Xanh,… với chất giọng tenor khoẻ khoắn và nam tính.

Năm 23 tuổi, song song với tân nhạc, Hùng Cường bước chân vào lĩnh vực cổ nhạc với một điều kỳ lạ là một kẻ “tay ngang” trong cải lương như ông lại được giao vai trò kép chính ngay trong vở cải lương đầu tiên, đó là vai Roméo trong vở Mộng Đẹp Đêm Trăng của đoàn cải lương Ngọc Kiều – vị trí mà một nghệ sĩ tài năng thực sự phải học hỏi, rèn luyện, lăn lộn nhiều năm để đạt được.

Ngay sau thành công ngay trong vở diễn đầu tiên, Hùng Cường tiếp tục được đoàn Ngọc Kiều mời ký hợp đồng vào vai kép chính cho vở Tuyết Phủ Chiều Đông của soạn giả Bạch Yến Lan. Sau một tháng miệt màu tập luyện ngày đêm, vở cải lương được công diễn lần đầu tiên tại rạp Viễn Trường (Mỹ Tho, Tiền Giang). Vở diễn được ví như một sự kiện chấn động “thánh địa cải lương” Mỹ Tho, khách ùn ùn kéo đến chật cứng trong ngoài rạp hát. Sự thành công của vở kịch thứ hai không chỉ đưa Hùng Cường bước vào hàng sao trong làng cải lương, mà còn giúp đoàn Ngọc Kiều bước đầu vực dậy sau khoảng thời gian khó khăn, khủng khoảng cả về tài chính lẫn danh tiếng. Sau vở này, Hùng Cường còn tham gia vở Màu Tím Đèn Hoa Giấy cùng đoàn Ngọc Kiều, ra mắt tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo năm 1960 và đi lưu diễn qua nhiều tỉnh miền Tây. Sau đoàn Ngọc Kiều, có thời gian Hùng Cường đầu quân cho đoàn Kim Chung và có nhiều vai diễn thành công với đoàn.

Nhỏ hơn Hùng Cường tròn 10 tuổi, Bạch Tuyết đã đi hát từ năm 9 tuổi (1955), ban đầu cũng là hát tân nhạc với những ca khúc như Nắng Đẹp Miền Nam, Làng Tôi, Tiếng Còi Trong Sương Đêm,…

Năm 1960, Bạch Tuyết vào học trường nội trú của các ma-sơ Công giáo, thời gian này bà giao du học hỏi với nhiều nghệ sĩ, trong đó có soạn giả Điêu Huyền. Nhờ đó tên tuổi của bà dần được xuất hiện trên các đài phát thanh, trên báo chí. Điêu Huyền nhận bà làm con nuôi, cho gia nhập đoàn Kiên Giang, sự kiện này giúp đỡ bà rất nhiều trong bước đường sau này.

Năm 1961, Bạch Tuyết lần đầu được giao đào chính của tuồng Lá Thắm Chỉ Hồng trong một lần đào chính đến trễ. Vai diễn cô lái đò Lệ Chi của Bạch Tuyết được khán giả tán thưởng, từ đó về sau tên tuổi của cô bắt đầu được biết đến với các vai diễn khác trong “Kiếp Chồng Chung”, “Suối Mơ Rền Áo Cưới”…

Năm 1964, Bạch Tuyết về đoàn Dạ Lý Hương, đến năm 1966 thì Hùng Cường cũng gia nhập Dạ Lý Hương từ bên đoàn Kim Chung. Ban đầu, hai người tỏ ra khắc khẩu, nhưng khi lên sân khấu hát là thăng hoa, cùng nhau tạo nên cặp đôi đào – kép mới sáng chói trong thời kỳ cực thịnh của cải lương.

Thời điểm Bạch Tuyết và Hùng Cường kết hợp biểu diễn cũng là lúc đoàn Dạ Lý Hương chuyển mình sang một làn sóng đề tài mới, khai thác các khía cạnh của xã hội đương đại, đi sâu vào tâm lý của giới trẻ, chuyện đời của những cô gái quán bar… Thể loại tuồng xã hội được khán giả đón nhận nhiệt liệt, lấn lướt các thể loại trước đó như dã sử, kiếm hiệp… Dạng tuồng này hợp với lối diễn của Bạch Tuyết – Hùng Cường, từ đó giúp Dạ Lý Hương trở thành đại bang, vượt qua nhiều đoàn lớn để trở thành điểm diễn ăn khách số một ở Sài Gòn.

Năm 1971, cả hai rời Dạ Lý Hương để cùng nhau mở gánh hát Hùng Cường – Bạch Tuyết, diễn hàng loạt tuồng kinh điển là Yêu Người Điên, Yêu Người Say, Tiền Rừng Bạc Biển, Tuyệt Tình Ca, Trăng Thề Vườn Thúy, Má Hồng Phận Bạc, Cho Trọn Cuộc Tình… rất cuốn hút khản giả vào thời điểm tân nhạc lên ngôi và cổ nhạc đã bắt đầu thoái trào. Tên tuổi và hình ảnh của Hùng Cường – Bạch Tuyết xuất hiện dày đặc trên mặt báo, pano quảng cáo hay khắp các nẻo đường Sài Gòn.

So với các đôi bạn diễn khác có thời gian gắn bó đến hàng thập kỷ thì Hùng Cường – Bạch Tuyết khá ngắn ngủi khi chỉ kéo dài hơn 5 năm nhưng để lại dấu ấn sâu đậm dù đã qua hơn nửa thế kỷ mà đi đến bất kỳ nơi đâu khán giả vẫn nhắc “thấy Bạch Tuyết là nhớ Hùng Cường”.

Billy Trương biên soạn

Exit mobile version