“Những chiều nghỉ học, tôi hay tới,
Đón chuyến tầu đi, đến những ga.
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt,
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”
(Tế Hanh)
Đó là tâm sự của nhà thơ Tế Hanh khi còn đi học. Tuổi thơ của tôi cũng có những gắn bó với tiếng còi tầu nhưng chắc chắn không thi vị như của nhà thơ thời tiền chiến.
Trong Nhạc Việt có nhiều bài lấy chủ đề đường sắt, con tàu và sân ga. Chẳng hạn như bài “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” của nhạc sĩ Minh Kỳ & Hoài Linh với những ca từ đi sâu vào lòng người:
“Chiều nao tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà.
Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta.
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài.
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi”
Năm 1953, gia đình tôi rời Hà Nội để vào Đà Lạt vì ông cụ thân sinh phục vụ trong Ngự Lâm Quân của vua Bảo Đại. Khi đó, Đà Lạt còn thuộc vùng được gọi là “Hoàng triều Cương thổ”, đất của nhà vua! Gia đình chúng tôi mua một căn nhà trên lưng chừng đồi, rất gần với ga Đà Lạt.
Kiến trúc của ga Đà Lạt được xếp vào loại đẹp nhất Đông Dương với hình ảnh ba ngọn núi Lang Bian trên cao nguyên Lâm Viên. Hai kiến trúc sư người Pháp, Moncet và Reveron, đã xây dựng trong khoảng thời gian 6 năm, từ năm 1932 đến năm 1938.
Toàn quyền Đông Dương, Paul Doumer, phê duyệt đường sắt từ Tháp Chàm (Tourcham) lên Đà Lạt vào năm 1908. Vì địa hình đồi núi phức tạp trên cao nguyên lắm dốc cao nên phải xây dựng thêm “đường răng cưa” (cog railway) ở giữa. Đây cũng là một trong những tuyến đường sắt răng cưa đầu tiên của thế giới.
Nhân công xây dựng đường sắt vào thời đó chỉ có người Thượng sinh sống trên cao nguyên. Ở Mỹ, những người đi làm đường sắt đầu tiên là người Á Đông, đa số là người Tầu. Dù ở Việt Nam hay ở Mỹ, công nhân đường sắt là những người chịu nhiều gian khổ nhất với đồng lương ít ỏi nhất.
Trên tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt có 3 vị trí phải làm hệ thống đường ray có móc răng cưa, cộng thêm 5 vị trí phải làm đường hầm xuyên qua núi. Tổng cộng công trình xây dựng này mất 30 năm để hoàn hoàn thành 84 cây số đường xe lửa từ Phan Rang lên Đà Lạt.
Khi tàu chạy đến gần đoạn răng cưa, lái tàu giảm tốc độ, khởi động giàn bánh răng ở đầu tàu, cho móc vào đường ray răng cưa nằm giữa 2 thanh ray rồi khóa hệ thống bánh răng. Bánh răng của đầu máy bám chặt vào răng cưa đường ray để tàu leo dốc hoặc xuống dốc một cách an toàn, không bị trơn trượt.
Mới 8 tuổi tôi đã được nghe tiếng còi tầu rúc lên trong từng chuyến tầu Đà Lạt – Tháp Chàm đi và đến sân ga. Thật ra, từ vị trí căn nhà không thể nhìn thấy sân ga nhưng đoạn đường tầu dẫn vào ga chạy ngay trước mắt. Nhìn sang bên kia thung lũng là con đường sắt và gần đó còn thấy bóng dáng Biệt điện Mộng Điệp, thứ phi của Bảo Đại.
Mỗi sáng, khoảng 8 giờ là chuyến tầu rời ga để trực chỉ Tháp Chàm. Buổi chiều, độ 4 giờ, tầu từ Tháp Chàm về Đà Lạt. Tiếng còi tầu rúc lên tựa như chiếc đồng hồ báo sinh hoạt hằng ngày của mọi người. Riêng đối với bọn trẻ chúng tôi, tất cả đều ngưng mọi cuộc chơi đùa để ngắm nhìn con tầu xình xịch lướt qua bên kia thung lũng.
Đôi khi chúng tôi giơ tay lên vẫy một cách bâng quơ và cũng có khi người trên tầu vẫy lại. Những chuyến tầu qua lại trở thành quen thuộc đến độ thân thương. Có những ngày tầu từ Tháp Chàm về trễ vì những trục trặc dọc đường… bỗng thấy lòng tự nhiên nôn nao như thiếu một cái gì đó.
Sau 1975, đường sắt Đà Lạt – Tháp Chàm ngưng hoạt động. Các đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước được nhập từ Thụy Sĩ nằm hoang phế trên sân ga Đà Lạt và Tháp Chàm. Số phận của các đường ray cũng không kém phần bi đát: được tháo dỡ để trở thành sắt vụn.
Tất cả chỉ còn là hoài niệm về tiếng còi tầu của tuổi thơ. Sau này, những ký ức đó lại trở thành một niềm nuối tiếc của cả đất nước khi Thụy Sĩ đề nghị mua lại những đầu máy xe lửa cũ để tân trang làm phương tiện phục vụ khách du lịch tại đèo Furka.
Các kỹ sư Thụy Sĩ đã đến tận nơi hoang phế để khảo sát những “phế tích”. Họ cẩn thận, hay đúng hơn là “nâng niu”… đống sắt vụn lâu nay vẫn nằm trơ gan cùng tuế nguyệt. Đầu máy xe lửa được di chuyển về trạm Sóng Thần, rồi ra Cảng Sài Gòn để vượt đại dương “tái hồi Thụy Sĩ” trong chiến dịch được mệnh danh là “Back to Switzerland”
Tại Thụy Sĩ, từng chi tiết được các kỹ sư và công nhân tái tạo để bảo đảm đúng nguyên mẫu ban đầu. Và câu chuyện cũng đi đến đoạn kết “có hậu”: những đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước đã hoạt động trở lại để phục vụ khách du lịch.
Dĩ nhiên đầu máy xe lửa “trông bắt mắt” hơn hẳn những ngày nằm lăn lóc như những đống sắt vụn phế thải tại Việt Nam. Khách du lịch chắc ít người biết được chúng đã từng tung hoành trên đường sắt tại Việt Nam.
Hai hình bên trên là đầu xe lửa Đà Lạt 80 năm trước, hiện nay đang phục vụ du lịch tại Thụy Sĩ. Bạn có thể xem video ở dưới đây:
Các đầu máy xe lửa tại ga Đà Lạt hiện nay là các đầu máy của Liên Xô để phục vụ du lịch, chứ không phải là các đầu máy nguyên bản của thời xưa nữa.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Chính