Hoàng Oanh – Một đời âm nhạc (Phần 3 – 4: Cố hương xa nửa địa cầu)

Bài viết dài và công phu này của tác giả Duy An, thống kê chi tiết được hầu như tất cả hoạt động âm nhạc của ca sĩ Hoàng Oanh trong gần 70 năm qua.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Bài viết này chia làm 4 phần, bạn có thể đọc lại phần 1 và 2 tại link: https://nhacxua.vn/hoang-oanh-mot-doi-am-nhac/, dưới đây là phần 3 và 4, viết về cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Hoàng Oanh ở hải ngoại sau năm 1975

1. Những Ngày Đầu Tha Hương:

Cuối tháng 04 năm 1975, Hoàng Oanh cùng gia đình đến Hoa Kỳ, cư ngụ tại tiểu bang New Jersey sau khi tạm trú ba tháng trên đảo Guam. Thời gian đầu, cô chỉ hát cho một vài chương trình ở Washington D.C. Cho đến năm 1980, cô đi hát thường xuyên trở lại vào mỗi cuối tuần và các dịp lễ, Tết ở nhiều tiểu bang Hoa Kỳ cũng như sang Pháp và các nước khác trình diễn cho đồng bào Hải Ngoại tại những nơi đó.

‘Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng
Nhớ chăng non nước Hương Bình
Có những ngày xanh lưu luyến bao tình
Vương mối tơ mành…’

(Đêm Tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, Hoàng Oanh hát trong lúc ở đảo Guam và nhìn thấy ai cũng rơi lệ)

Năm 1976, Hoàng Oanh cùng Khánh Ly sang Pháp trình diễn bốn suất tại Salle Bleu (Palais des Congrès – Paris) do ông Lê Văn của đài VOA tổ chức. Chương trình chỉ có hai ca sĩ là Khánh Ly và Hoàng Oanh, cùng với hai nhạc sĩ đệm đàn là Trần Quang Hải (đàn tranh) và Mai Châu (đàn guitar) nhưng đã khơi mào cho những chương trình ca nhạc sau này của người Việt tại Paris.

Cũng trong năm này, cô tham gia vào đoàn văn nghệ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ trình diễn tại rạp Maubert Mutualité (Paris) cùng với vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ – Thúy Nga (ca sĩ), Thanh Thúy và Phương Oanh (đàn tranh)…

2. Hoàng Oanh Music Center:

Trở về Hoa Kỳ, cô thành lập Trung tâm băng nhạc Hoàng Oanh (Hoàng Oanh Music Center), sản xuất và phát hành các cassette và khoảng 30 CD về nhiều thể loại: Nhạc quê hương, nhạc tình, nhạc Đạo, ngâm thơ và hai video Hai Vì Sao Lạc (1988) và Những Ngày Thơ Mộng (1999).

‘Người về, một mùa thu gió heo may
Về đâu, có nhớ chăng những vì sao long lanh
Đưa tiễn người một đêm không trăng

Nói chăng nên lời, lòng buồn như chiều rơi
Như trong đêm khuya, những bước chân qua thềm
Gợi niềm thương nhớ vô vàn…’

(Hai Vì Sao Lạc, Anh Việt Thu)

Ban đầu, Trung tâm Hoàng Oanh tọa lạc tại thành phố Bridgewater, New Jersey. Sau năm 1990, được chuyển về Fountain Valley, California.

Hoàng Oanh Music Center gần như là trung tâm băng nhạc đầu tiên của người Việt tại Hải Ngoại. Những CD tiếng hát Hoàng Oanh được thính giả yêu chuộng nhất có thể kể đến như: Nhạc Vàng Tuyển Chọn, Thương Người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa (phát hành lần đầu năm 1987), Dân Ca Cổ Truyền, Mẹ Tôi… và 10 CD Souvenir Kỷ Niệm tập hợp những bài hát đã được thu âm trước 75.

Thời gian sau 1975, Hoàng Oanh nhiều lần trình diễn cho các chương trình ca nhạc của nhạc sĩ Lam Phương tổ chức tại Houston (Texas) và lưu diễn nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ (kể cả Hawaii).

3. Tiếng Hát Cho Người Lính:

Hoàng Oanh là ca sĩ của lính. Cô luôn luôn kính trọng người lính và thương yêu đời lính. Trước 75, chúng ta vẫn thường được nghe cô hát những nhạc phẩm về lính. Phổ biến là các bản như: 24 Giờ Phép (Trúc Phương), Trăng Tàn Trên Hè Phố (Phạm Thế Mỹ), Chuyến Tàu Hoàng Hôn (Minh Kỳ & Hoài Linh) và Để Trả Lời Một Câu Hỏi (Trúc Phương)… Sang đến Hải Ngoại, tiếng hát Hoàng Oanh vẫn thủy chung ngợi ca người lính, những người đã hy sinh cho đất nước.

Những bài hát như: Một Người Đi và Một Ngày Tôi Đi Qua (Mai Châu), Thương Về Mùa Đông Biên Giới (Nguyễn Văn Đông), Thúc Quân (Văn Giảng), Hoa Biển (Anh Thy), Người Ở Lại Charlie hay Rừng Lá Thấp (Trần Thiện Thanh)… với tiếng hát Hoàng Oanh đã gợi lại những ký ức oai hùng, bi tráng.

‘Anh, anh, hỡi anh ở lại Charlie
Anh, anh, hỡi anh giã từ vũ khí
Vâng, chính anh là ngôi sao mới
Một lần này chợt sáng trưng
Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng…’

(Người Ở Lại Charlie, Trần Thiện Thanh)

4. Tiếng Hát Thánh Ca:

Năm 1988, Hoàng Oanh trình diễn tại Vatican (Rome) nhân ngày Lễ nghi phong 117 vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, với sự tham dự của khoảng 25 ngàn tín hữu trên toàn thế giới (có khoảng 8 ngàn người Việt từ hơn 25 quốc gia) và sự chủ tế của Đức Giáo Hoàng John Paul II tại công trường Thánh Phêrô. Hoàng Oanh giữ phần đơn ca trong ca đoàn Công Giáo Việt Nam (ca đoàn Dũng Lạc) gồm 100 ca viên, dưới sự điều khiển của Linh mục Ngô Duy Linh. Ngoài ra, Hoàng Oanh còn trình bày ca khúc Mẹ Ơi Đoái Thương Nước Việt Nam (Hải Linh) được sự hưởng ứng ca theo của đông đảo người tham dự trong không khí thật xúc động. Trong lần yến kiết Đức Giáo Hoàng lần đầu tiên, cô đã được dịp hôn tay ngài. Đó là ngày 19 tháng 06 năm 1988.

‘Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam
Trời u ám, chiến tranh điêu tàn
Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an
Cho Việt Nam qua phút nguy nan…’

(Mẹ Ơi Đoái Thương Nước Việt Nam, Hải Linh)

Hoàng Oanh là ca sĩ đầu tiên sau 1975 thực hiện những cassette (sau là CD) về Thánh nhạc. Giọng ca cao vang như những hồi chuông Thánh cất lên trong không khí trang nghiêm của giáo đường, tiếng oanh vàng líu lo ca hót trên nóc nhà thờ, hay những tiếng lòng lặng lẽ, ưu tư của một tâm hồn lẻ loi, buồn bã đón những ngày Giáng Sinh đang đến rộn ràng nơi xóm Đạo, hoặc những lời khấn nguyện chân thành của một con chiên ngoan đạo cầu cho người Việt Nam đang sống lưu vong nơi đất khách… Tất cả đều hiện lên rõ ràng, rực rỡ qua tiếng hát Hoàng Oanh.

Bởi thế, trong quyển sách Công Giáo Việt Nam Trong Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc, xuất bản năm 1996 tại Orange County, California, cố Linh mục Vũ Đình Trác đã dành một bài viết nhận định về Hoàng Oanh, người ca sĩ của Thánh ca (trang 600). Xin giới thiệu toàn văn của ngài dưới đây:

‘Ca sĩ Hoàng Oanh là một tiếng oanh vàng lúc nào cũng trong sáng, bao la và phong phú. Nếu con oanh của Truyện Kiều ‘học nói trên cành mỉa mai’, thì con oanh ở đây chính là con oanh muôn giọng ‘chuông vàng thánh thót trên đài yêu đương’. Cô vẫn giữ được tài nghệ và phong cách nghệ sĩ ở bất cứ nơi đâu. Càng lớn càng hay, càng điệu và càng hấp dẫn. Giọng oanh vàng lúc nào cũng vương lên cao vút, cho tới nước Thiên Đàng, vì cô là tiếng hát cao sang, thánh thiện và trong lành. Cô đã biểu diễn tận nét tình tự Việt Nam muôn thủa, hòa hợp với đạo vị siêu thoát mặn mà. Cô được dư luận sùng mộ như một ca sĩ trong sạch nhất.

Tiếng hát của người nghệ sĩ đạo đời hòa điệu đã vang động khắp nơi thành thị nhộn vui cũng như thôn quê hẻo lánh, khắp khung trời quê nhà thầm lặng cũng như thế giới bao la phồn tạp. Hễ đâu có người Việt chính hiệu Rồng Tiên thì đó có giọng oanh vàng yêu dấu. Hễ đâu có lời kinh của người Việt đạo hạnh là có tiếng hát Hoàng Oanh. HOÀNH OANH ĐỜI là một nghệ thuật núi sông, thì HOÀNG OANH ĐẠO là một tinh hoa nguyện cầu.

Người ta thường nói: Hoàng Oanh có vẻ cô độc. Đúng vậy, vì băng nhạc của cô ít khi hát chung với ai. Mà băng nhạc, compact disc hay video thường cô chỉ độc diễn. Nhưng không vì thế mà cô mất cảm tình của người nghe. Trái lại mọi người đều thấy người nghệ sĩ tài ba là của họ, nên hát chung hay riêng cũng thế thôi. Nhiều khi hát riêng còn biểu lộ được những nét độc đáo của mình. Hoàng Oanh là một hiện tượng hát Đạo độc đáo nhất, cả về phẩm cũng như lượng. Cô đã lên cao, còn đang lên và vẫn lên mãi. Cô là niềm an ủi lớn cho các bậc cao niên, vì nhờ tiếng hát thánh thiện của cô, các cụ cảm thấy được bay bổng trên bầu trời hy vọng. Vì thế không nhà nào không có mấy cuốn băng đạo của Hoàng Oanh. Những băng Tiếng Hát Hoàng Oanh, Giọt Lệ Trong Lời Kinh, Hoàng Oanh Thánh Ca từ 1 cho đến 5 là những cuốn băng được ưa chuộng nhất, vì tất cả những cuốn audio đó như những tiếng lòng chân thành và lưu luyến nhất, không chỉ là của Hoàng Oanh, mà là của tất cả những người mộ đạo ngày đêm cùng dâng lên trong hương vị nguyện cầu.’

6. Tiếng Hát Gợi Nhớ Quê Hương:

Năm 1990, gia đình Hoàng Oanh chuyển sang cư ngụ tại miền nam California và định cư tại Orange County cho đến ngày nay. Trong năm này, cô cộng tác với đài truyền hình Văn Nghệ Việt Nam (của ông Lương Văn Tỷ) và đài truyền hình Người Việt tại Cali với nhiều show diễn.

Năm 1993, Hoàng Oanh trình diễn tại Denver trong chương trình Catholic World Youth Day In Denver – Colorado dưới sự chủ tọa của Đức Giáo Hoàng John Paul II. Dịp may này là lần thứ hai cô được hôn tay Đức Giáo Hoàng.

Kể từ năm 1993, Hoàng Oanh nhiều lần hát cho Đại Hội Công Giáo chi dòng Đồng Công tại Missouri. Năm 1994 và 1996, Hoàng Oanh hát cho cộng đồng Công Giáo Âu Châu ở Tây Đức.

Thời gian này, cô thu âm và phát hành nhiều CD về nhạc quê hương, nhạc tình, thể loại được nhiều khán thính giả yêu mến nhất, như: Hòn Vọng Phu, Cô Lái Đò, Sao Chưa Thấy Hồi Âm, Đi Trên Cỏ Non và Hoàng Oanh Tao Đàn 1 – Chuyện Tình T.T.Kh… Những nhạc phẩm xưa được chọn lọc và chuyên chở bằng giọng hát thiết tha, tình cảm của Hoàng Oanh càng làm dâng cao nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của những người Việt xa xứ. Những người hâm mộ cô sẽ luôn nhớ đến: Cô Lái Đò (Nguyễn Đình Phúc & Thơ: Nguyễn Bính), Em Đi Trên Cỏ Non (Bắc Sơn), Khúc Ca Ngày Mùa (Lam Phương), An Giang Quê Tôi (Song Ngọc), Ai Về Sông Tương (Thông Đạt) và Chiều Tây Đô (Lam Phương)… với tiếng hát ngọt ngào, mến thương của Hoàng Oanh.

‘Một đêm tôi mơ mình ríu rít đưa nhau về
Thăm quê xưa với vườn cau thề
Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô
Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô…’

(Chiều Tây Đô, Lam Phương)

Năm 1994, Hoàng Oanh tham dự đại nhạc hội do Nhật Trường tổ chức lần đầu tiên tại Hải Ngoại, ngay sau khi ông đến Hoa Kỳ. Hoàng Oanh và Nhật Trường đã hát chung trong nhạc cảnh Lan Và Điệp 1.

‘Tôi kể người nghe đời Lan và Điệp một chuyện tình cay đắng
Lúc tuổi còn thơ, tôi vẫn thường mộng mơ đem viết thành bài ca
Thưở ấy Điệp vui như bướm trắng, say đắm bên Lan
Lan như bông hoa ngàn, thương yêu vô vàn
Nguyện thề non nước sẽ không hề lìa tan…’

(Chuyện Tình Lan và Điệp 1, Mạc Phong Linh & Mai Thiết Lĩnh, Nhật Trường và Hoàng Oanh song ca)

7. Thơ ngâm Tao Đàn Hoàng Oanh:

Trong hai năm liền từ 1994 – 1995, Hoàng Oanh thực hiện chương trình thi văn Tao Đàn, phát thanh hàng tuần trên Đài Quê Mẹ. Sau đó, cô cộng tác với đài truyền hình Việt Nam Program do Nam Trân phụ trách.

Có lẽ nhờ Hoàng Oanh, bộ môn ngâm thơ vẫn được gìn giữ và tiếp nối ở Hải Ngoại. Cô là ca sĩ duy nhất phát hành nhiều CD ngâm thơ như: Hận Tha La, Chuyện Tình T.T.Kh, Thơ Và Nhạc Đức Mẹ và Thơ Nhạc Hoàng Oanh – Mẹ Tôi… Thính giả khắp nơi được dịp nghe lại những bài thơ nổi tiếng như: Hận Tha La (Vũ Anh Khanh), Động Hoa Vàng (Phạm Thiên Thư), Hai Sắc Hoa Tigôn (T.T.Kh), Buồn Trong Kỷ Niệm (Nhất Tuấn) và Thơ Xuân Đất Khách (Thanh Nam)… qua giọng ngâm của Hoàng Oanh hợp cùng những giọng ngâm kỳ cựu của trước 75.

‘Tết tha hương nhớ mùa xuân Đà Lạt
Lòng bâng khuâng thương người cũ năm nào
Tình tưởng phai theo ngàn cánh anh đào
Bỗng giây phút lại thắm hồng nỗi nhớ…’

(Buồn Trong Kỷ Niệm, Nhất Tuấn)

 

1. Trình Diễn Trong Các Chương Trình Asia:

Kể từ năm 1996, Hoàng Oanh bắt đầu hát và thu hình cho Trung tâm Asia theo lời của Thy Vân và Trúc Hồ. Cuốn video Asia đầu tiên có sự xuất hiện của ca sĩ Hoàng Oanh là Asia 11 – Thơ Và Nhạc với bài hát Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy của Trầm Tử Thiêng. Từ đó, Hoàng Oanh góp mặt thường xuyên trong những chương trình thu hình đặc biệt của Trung tâm Asia. Dưới đây là danh sách những tiết mục mà Asia đã thực hiện cùng với tiếng hát Hoàng Oanh:

  1. Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng) trong Asia 11: Thơ Và Nhạc
  2. Một Ngày Việt Nam (Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng) hát cùng Hợp Ca trong Asia 11: Thơ Và Nhạc
  3. Chuyến Đò Vỹ Tuyến (Lam Phương) trong Asia 12: Việt Nam Niềm Nhows
  4. Việt Nam Về Trong Nỗi Nhớ (Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng) hát cùng Hợp Ca trong Asia 12: Việt Nam Niềm Nhớ
  5. Hoa Xuân (Phạm Duy) trong Asia 13: Hoa Và Nhạc
  6. Liên khúc 24 Giờ Phép (Trúc Phương), Một Người Đi (Mai Châu) & Sao Không Thấy Anh Về (Duy Khánh) hát cùng Duy Khánh trong Asia 14: Yêu
  7. Nửa Đêm Biên Giới (Anh Bằng) trong Asia 15: Tình Ca Anh Bằng
  8. Trộm Nhìn Nhau (Trầm Tử Thiêng) trong Asia 16: Giã Từ 1997
  9. Chuyện Một Đêm (Anh Bằng) trong Asia 18: Nhớ Sài Gòn
  10. Ngày Trở Về (Phạm Duy) trong Asia 21: Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến
  11. Cám Ơn Anh (Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng) hát cùng Hợp Ca trong Asia 21: Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến
  12. Những Con Đường Trắng (Trầm Tử Thiêng) trong Asia 23: Tình Đầu Một Thời Áo Trắng
  13. Mưa Trên Phố Huế (Minh Kỳ & Tôn Nữ Thụy Khương) trong Asia 26: Mưa
  14. Xin Thời Gian Qua Mau (Lam Phương) trong Asia 27: Chào Mừng Năm 2000
  15. Hẹn Nhau Năm 2000 (Trúc Hồ & Trầm Tử Thiêng) hát cùng Hợp Ca trong Asia 27: Chào Mừng Năm 2000
  16. Trăng Thanh Bình (Lam Phương) hát cùng Hợp Ca trong Asia 29: Chiến Tranh & Hòa Bình
  17.  Anh Đi Chiến Dịch (Phạm Đình Chương) trong Asia 29: Chiến Tranh & Hòa Bình
  18. Trường ca Hội Trùng Dương (Phạm Đình Chương) hát cùng Thanh Lan, Thanh Tuyền trong Asia 31: Giải Âm Nhạc Nghệ Thuật Asia
  19. Chiều Tây Đô (Lam Phương) trong Asia 32: Hành Trình Tìm Tự Do
  20. Ta Hát Tình Thương Về Biển Đông (Trầm Tử Thiêng) hát cùng Hợp Ca trong Asia 32: Hành Trình Tìm Tự Do
  21. Hành Trình Tìm Tự Do (Trầm Tử Thiêng) hát cùng Hợp Ca trong Asia 32: Hành Trình Tìm Tự Do
  22. Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (Huỳnh Anh & Thơ: Kiên Giang) trong Asia 33: Nét Đẹp Phương Đông
  23. Trường ca Hòn Vọng Phu (Lê Thương) hát cùng Thanh Lan, Duy Quang trong Asia 34: Kỷ Niệm 20 Năm Asia
  24. Từ Tiếng Hát Tiếp Nối (Trầm Tử Thiêng) hát cùng Hợp Ca trong Asia 34: Kỷ Niệm 20 Năm Asia
  25. Tạ Ơn Cha Mẹ (Anh Bằng) hát cùng Hợp Ca trong Asia 38: Tạ Ơn Cha Mẹ
  26. Lòng Mẹ (Y Vân) trong Asia 38: Tạ Ơn Cha Mẹ
  27. Câu Chuyện Đầu Năm (Hoài An) trong Asia 39: Tìm Lại Mùa Xuân
  28. Ly Rượu Mừng (Phạm Đình Chương) hát cùng Hợp Ca trong Asia 39: Tìm Lại Mùa Xuân
  29. Chuyến Đi Về Sáng (Mạnh Phát & Trần Thiện Thanh) hát cùng Trung Chỉnh trong Asia 50: Trần Thiện Thanh – Tình Yêu, Cuộc Đời & Sự Nghiệp
  30. Anh Không Chết Đâu Anh (Trần Thiện Thanh) hát cùng Hợp Ca trong Asia 50: Trần Thiện Thanh – Tình Yêu, Cuộc Đời & Sự Nghiệp

2. Tham Gia Và Tổ Chức Những Đêm Nhạc Kỷ Niệm:

Năm 1999, Hoàng Oanh hát cho Hội Bạn Người Cùi ở California cùng với Tuấn Ngọc, Phương Dung, Carol Kim, Ngọc Minh và rất nhiều nghệ sĩ khác. Sau đó, cô sang Úc trình diễn trong chương trình Giai Điệu Quê Hương (có Bạch Yến và Trần Quang Hải tham dự).

Năm 1999 và 2000, Hoàng Oanh hát cho Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long ở San José và Washington D.C.

Năm 2000, cô tổ chức chương trình Đêm Thơ Nhạc Hoàng Oanh tại California với ca sĩ: Hoàng Oanh, Trung Chỉnh, Kim Tước, Trọng Nghĩa, Xuân Sơn, Mỹ Thúy và Như Quỳnh.

Năm 2002, Hoàng Oanh hát cho ca sĩ Nhật Trường trong đêm nhạc Tạ Từ Sân Khấu – Tạ Tình Bạn Nhạc, chương trình do Nhật Trường thực hiện để từ giã sân khấu. Cô đã hát Người Yêu Của Lính và Hoa Trinh Nữ để vinh danh ca nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh.

Năm 2003, cô hát cho ca nhạc sĩ Duy Khánh trong đêm nhạc Tạ Tình Tiếng Hát Và Dòng Nhạc Duy Khánh tại California khi sức khỏe của ông đã đến giai đoạn cuối. Trong lần hội ngộ này, ca sĩ Hoàng Oanh đã hát lại nhạc phẩm nổi tiếng của Duy Khánh – bản Ai Ra Xứ Huế. Chương trình còn có sự đóng góp của Thanh Thúy, Nguyễn Hưng, Kim Tuyến, Xuân Phát, Thanh Mai, Trang Thanh Lan và Trần Quốc Bảo…

Năm 2005, Hoàng Oanh tổ chức đêm nhạc hội cứu trợ nạn nhân bão Katrina cùng với Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao, Phương Dung, Trung Chỉnh và Trọng Nghĩa.

Năm 2006, cô hát cho Hội Ái Hữu Nữ Trung Học Gia Long Miền Đông trong chương trình Vinh Danh Phụ Mẫu với bài hát Lòng Mẹ (Y Vân).

Năm 2007, Hoàng Oanh phụ trách chương trình Thơ Và Nhạc trên đài phát thanh Mẹ Việt Nam (của Như Hảo) liên tục trong một năm liền (phát thanh hai tuần một kỳ).

Tháng 5 năm 2007, cô tham gia tổ chức đêm nhạc Vinh Danh Nhạc Sĩ Nguyễn Đức ở Toronto (Canada) cùng với Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Phương Hoài Tâm, Thanh Lan và Kim Loan… Điều khiển chương trình là Trần Quốc Bảo.

Năm 2012, Hoàng Oanh tham dự Đại Hội Thánh Mẫu tại Missouri cùng với ca sĩ của Trung tâm Asia: Quốc Khanh, Mỹ Huyền, Lê Anh Quân, Tâm Đoan và Carol Kim… MC là Việt Dzũng và Diệu Quyên.

Năm 2012, Hoàng Oanh sang Úc trình diễn cho đại nhạc hội Một Thời Để Nhớ. Chương trình quy tụ những giọng ca nổi tiếng của trước 75: Minh Hiếu, Elvis Phương, Lệ Thu, Khánh Ly, Hoàng Oanh, Mai Lệ Huyền, Trung Chỉnh, Anh Khoa, Tuấn Ngọc, Xuân Phát và MC – nhạc sĩ Nam Lộc trình diễn tại ba thành phố của nước Úc là: Sydney, Adelaide và Melbourne. Sau đó, cô và Anh Khoa được yêu cầu ở lại trình diễn thêm một đêm dạ vũ trước khi từ giã khán giả Úc Châu trở về Mỹ.

Một năm sau, năm 2013, ban tổ chức lại thực hiện thêm chương trình Một Thời Để Nhớ 2 gồm các nghệ sĩ: Nam Lộc, Thanh Thúy, Bạch Yến, Kim Loan, Hoàng Oanh, Trúc Mai, Mai Lệ Huyền, Thanh Lan, Trang Mỹ Dung, Elvis Phương, Giang Tử, Thanh Phong và Xuân Phát diễn tại Sydney và Melbourne. Cô đã hát Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy, Nỗi Buồn Hoa Phượng và Chuyến Đò Vỹ Tuyến trong chương trình này.

3. Trình Diễn Trong Các Chương Trình Paris By Night:

Kể từ năm 2003, Hoàng Oanh bắt đầu hát và thu hình cho Paris By Night theo lời mời của Trung tâm Thúy Nga. Chương trình đầu tiên có sự góp của Hoàng Oanh là Paris By Night 70 chủ đề Thu Ca. Cô đã ngâm thơ, trình diễn bài hát Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao (Lê Dinh) và trả lời phỏng vấn (của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn) trong phần vinh danh nhạc sĩ Lê Dinh tại Paris.

Sau đó, khi Thúy Nga có chương trình song ca (Paris By Night 73 – The Best Of Duets), Hoàng Oanh đã đề nghị mời ca sĩ Trung Chỉnh hát chung với cô trong liên khúc Chuyện Chúng Mình (Trúc Phương) & Ngày Sau Sẽ Ra Sao (Vân Tùng). Tiết mục (sau khi Paris By Night 73 phát hành) được rất nhiều quý khán thính giả thương mến và yêu cầu Hoàng Oanh và Trung Chỉnh trở lại trong những chương trình sau.

Trong thời gian hát cho Thúy Nga, Hoàng Oanh đã trình diễn nhiều tiết mục đơn ca được yêu thích như: Người Yêu Của Lính, Mong Chờ, Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao, Sao Chưa Thấy Hồi Âm… và hát cùng nhiều nghệ sĩ như: Hà Thanh, Trung Chỉnh, Phương Dung, Hương Lan, Như Quỳnh và Mai Thiên Vân…

  1. Tình Yêu Trả Lại Trăng Sao (Lê Dinh) trong Paris By Night 70: Thu Ca.
  2. Liên khúc Chuyện Chúng Mình (Trúc Phương) & Ngày Sau Sẽ Ra Sao (Vân Tùng) hát cùng Trung Chỉnh trong Paris By Night 73: Song Ca Đặc Biệt
  3. Về Đây Anh (Nguyễn Hiền & Nhật Bằng) trong Paris By Night 74: Hoa Bướm Ngày Xưa
  4. Liên khúc Ai Lên Xứ Hoa Đào & Bài Thơ Hoa Đào (Hoàng Nguyên) hát cùng Trung Chỉnh trong Paris By Night 76: Xuân Tha Hương
  5. Hương Bình Lưu Luyến (Hồ Kim Thanh) trong Paris By Night 77: 30 Năm Viễn Xứ
  6. Lời Cám Ơn (Ngô Thụy Miên & Hạ Đỏ Chung Bích Phượng) hát cùng Hợp Ca trong Paris By Night 77: 30 Năm Viễn Xứ
  7. Sao Chưa Thấy Hồi Âm (Châu Kỳ) trong Paris By Night 78: Đường Xưa
  8. Mong Chờ (Xuân Tiên) trong Paris By Night 83: Những Khúc Hát Ân Tình
  9. Liên khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng & Lưu Bút Ngày Xanh (Thanh Sơn) hát cùng Hương Lan, Như Quỳnh trong Paris By Night 83: Những Khúc Hát Ân Tình
  10. Về Đâu Mái Tóc Người Thương (Hoài Linh) hát cùng Phương Dung trong Paris By Night 84: Thời Trang Và Âm Nhạc
  11. Hạnh Phúc Đầu Xuân (Lê Dinh & Minh Kỳ) hát cùng Trung Chỉnh trong Paris By Night 85: Xuân Trong Kỷ Niệm
  12. Xuân Miền Nam (Văn Phụng) hát cùng Khánh Ly, Phương Hồng Quế & Hương Lan trong Paris By Night 85: Xuân Trong Kỷ Niệm
  13. Chiều Tàn (Lam Phương) trong Paris By Night 88: Đường Về Quê Hương
  14. Liên Khúc Mẹ Trùng Dương, Mẹ Việt Nam Ơi (Phạm Duy) & Cô Gái Việt (Hùng Lân) hát cùng Hợp Ca trong Paris By Night 90: Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam
  15. Người Yêu Của Lính (Trần Thiện Thanh) trong Paris By Night 90: Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam
  16. Thương Về Xứ Huế (Minh Kỳ) hát cùng Hà Thanh trong Paris By Night 91: Huế – Sài Gòn – Hà Nội
  17. Một Người Đi (Mai Châu) trong Paris By Night 95: Cám Ơn Cuộc Đời
  18. Những Đồi Hoa Sim (Dzũng Chinh & Thơ: Hữu Loan) hát cùng Mai Thiên Vân trong Paris By Night 96: Nhạc Yêu Cầu 2

4. Trở Lại Trung Tâm Asia:

Năm 2010, Hoàng Oanh trở lại hát cho Trung tâm Asia trong chương trình đặc biệt về lịch sử Việt Nam Cộng Hòa (Asia 65: 55 Năm Nhìn Lại). Cô đã hát Chuyến Đò Vỹ Tuyến (Lam Phương) trong phần mở màn sau liên khúc Đoàn Chuẩn & Từ Linh (Lâm Nhật Tiến và Nguyễn Hồng Nhung trình bày). Từ đó, Hoàng Oanh trình diễn đều đặn trong các chương trình thu hình của Asia cho đến nay.

  1. Chuyến Đò Vỹ Tuyến (Lam Phương) trong Asia 65: 55 Năm Nhìn Lại
  2. Những Đóm Mắt Hỏa Châu (Hàn Châu) hát cùng Trung Chỉnh trong Asia 66: Cánh Hoa Thời Loạn
  3. Liên khúc Mùa Xuân Trên Cao (Trầm Tử Thiêng) & Tâm Sự Ngày Xuân (Hoài An) hát cùng Trung Chỉnh trong Asia 67: Đám Cưới Đầu Xuân
  4. Chiều Cuối Tuần (Trúc Phương) trong Asia 68: Sài Gòn Nỗi Nhớ
  5. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ (Nguyễn Đức Quang) hát cùng Hợp Ca trong Asia 68: Sài Gòn Nỗi Nhớ
  6. Liên khúc Nhớ Nhau Hoài & Người Ngoài Phố (Anh Việt Thu) trong Asia 69: Tác Giả Tác Phẩm – Liên Khúc Tuyệt Vời Tình Ca Muôn Thuở
  7. Ai Nhớ Chăng Ai (Hoàng Thi Thơ) trong Asia 70: Việt Nam Quê Hương Yêu Dấu
  8. Tiếng Vọng (Thái Sơn) trong Asia 71: 32 Năm Kỷ Niệm
  9. Ơn Cha (Y Vân) trong Asia 72: Dòng Nhạc Y Vân – 60 Năm Cuộc Đởi
  10. Tình Ca Quê Hương (Duy Khánh) hát cùng Trung Chỉnh trong Asia 73: Mùa Hè Rực Rỡ 2013

5. Tiếng Hát Dân Ca:

Trong gần 40 năm sinh hoạt văn nghệ ở Hải Ngoại, Hoàng Oanh thường xuyên tham gia vào các chương trình âm nhạc về Dân ca cổ truyền Việt Nam, chương trình văn nghệ sắc tộc của các cơ quan văn hóa Mỹ.

Năm 1978, Hoàng Oanh trình diễn trong đêm văn nghệ quốc tế International Arts Night do Vietnamese Arts Group (Trưởng nhóm là bác sĩ Đào Duy Anh) tổ chức tại Seatle (Tiểu bang Washington, Hoa Kỳ).

Năm 1981, cô tham gia giới thiệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam tại Nhà Văn Hóa Dân Tộc ở Washington D.C (The festival of American folklife at the smithsonian Washington D.C). Người điều khiển chương trình là giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.

Năm 1985, Hoàng Oanh đến trình diễn tại New York theo lời mời của Viện âm nhạc thế giới ở New York (World Music Institute in New York).

Trong hai năm 1987 và 1989, trình diễn dân ca cổ truyền ở đại học Kent (Kent State University) cùng giáo sư Nguyễn Thuyết Phong. Năm 1990 và 1993, Hoàng Oanh cùng giáo sư Nguyễn Thuyết Phong trình diễn cho chương trình Asian Art Musium in San Francisco, Hoa Kỳ.

Năm 1995, World Music Institute in New York mời Hoàng Oanh trình diễn lần nữa tại New York cùng với giáo sư Nguyễn Thuyết Phong. Năm 2001, họ thực hiện thêm một chương trình có Hoàng Oanh tham gia tại San Diego.

Năm 2013, Hoàng Oanh trình diễn dân ca cổ truyền cho chương trình Văn Hóa Sắc Tộc ở Utah, Hoa Kỳ cùng với bác sĩ Đào Duy Anh và Hương Lan. Cô đã đóng góp bốn tiết mục: Ngâm thơ Chinh Phụ Ngâm, hát dân ca miền Bắc – Vọng Nguyệt, Sao Chưa Thấy Hồi Âm và hát cùng bác sĩ Đào Duy Anh bài hát Tát Nước Đầu Đình.

6. Tiếng Hát Được Nhiều Thế Hệ Ca Sĩ Yêu Mến:

Với giọng hát ngọt ngào, phong phú cùng lối trình diễn trang nghiêm, thanh nhã, nụ cười e ấp, hiền lành, Hoàng Oanh được nhiều thế hệ hệ nghệ sĩ mến mộ và yêu thích từ những người đã nổi danh trước 1975 như Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Bạch Lê (hồ quảng), Hương Lan cho đến lớp ca sĩ sau này tại Hải Ngoại như Như Quỳnh, Tâm Đoan và Mai Thiên Vân… Lối phát âm, ngâm thơ, cách hát tròn vành rõ chữ và đầy cảm xúc của cô ít nhiều đã ảnh hưởng đến những thế hệ tiếp nối.

Hoàng Oanh chắc chắn là một tấm gương sáng để những lớp ca sĩ sau (dù theo đuổi dòng nhạc nào) cũng nên noi theo về giọng hát cũng như nhân cách và đạo đức nghề nghiệp.

Trong năm 2013, Trung tâm Thúy Nga phát hành CD Sao Chưa Thấy Hồi Âm với tiếng hát Hoàng Oanh. Và Trung tâm Asia phát hành CD Chuyến Đò Vỹ Tuyến và DVD Chuyến Đi Về Sáng dành cho Hoàng Oanh.

Hiện nay, Hoàng Oanh và phu quân là nhạc sĩ Mai Châu đang định cư ở miền Nam California. Cô vẫn đều đặn hát cho Trung tâm Asia, tham gia các chương trình văn nghệ Hải Ngoại và bận rộn điều hành Trung tâm băng nhạc Hoàng Oanh.

Bài viết của tác giả Duy An

Exit mobile version