Rất nhiều những nhạc sĩ tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam, phần vì cảm mến tiếng hát Lệ Thu, phần có lẽ để tri ân giọng ca đã góp phần thăng hoa những sáng tác của mình đã viết nhiều nhạc phẩm cho tiếng hát của nữ danh ca. Có thể kể đến một số ca khúc như Nước Mắt Mùa Thu của nhạc sĩ Phạm Duy, Xin Còn Gọi Tên Nhau của nhạc sĩ Trường Sa, Chiếc Lá Thu Phai của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn,…
Dù cả 3 ca khúc trên đều từng được nữ danh ca thể hiện, được phổ biến và yêu thích rộng rãi, nhưng khi nhắc đến tên Lệ Thu, người ta lại nhớ nhiều nhất đến ca khúc Nước Mắt Mùa Thu mà nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác. Bởi ngay từ tựa đề ca khúc Nước Mắt Mùa Thu đã có thể thấy ngay sự liên hệ với cái tên Lệ Thu.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, nữ danh ca cho biết: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó nó không có trong tiềm thức của tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu”. Không ngờ rằng, chính cái tên tự nhiên rớt ra này kết hợp với tiếng hát buồn rơi, đầy cảm xúc của nữ danh ca đã trở thành nguồn cảm hứng âm nhạc cho các nhạc sĩ.
Có ý kiến cho rằng, nhạc sĩ Phạm Duy viết Nước Mắt Mùa Thu nhằm mục đích tri ân nữ danh ca đã có công hồi sinh và phổ biến ca khúc Ngậm Ngùi của ông.
Danh ca Lệ Thu là nữ nghệ sĩ hiếm hoi mà tên tuổi thành danh không gắn liền với riêng một nhạc sĩ hay dòng nhạc nào. Nhắc đến Lệ Thu, người ta nhớ đến “tiếng hát vàng mười” chỉn chu, rõ đẹp. Tiếng hát đó từng được xưng tụng là một trong những giọng hát tình ca hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam, đặc biệt là những tình khúc buồn. Lệ Thu hát chậm, rõ lời bằng chất giọng khàn nhẹ, sâu lắng và trầm buồn. Tiếng hát Lệ Thu khi hát những nốt cao, không chới với mà ngân vang đầy rung cảm. Hát về nỗi buồn mà cảm giác như cái buồn lận vào trong tim gan, rạn vỡ cả khối lòng băng giá. Ca sĩ Lệ Thu có lần nói: “Người nghe cảm nhận giọng của tôi có điều gì đó như uẩn ức. Thật ra, tôi là người biết làm chủ cảm xúc và diễn tả nó một cách tỉnh táo”.
Nước mắt mùa Thu khóc ai trong chiều
Bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu
Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo
Buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên
Nước mắt mùa Thu khóc thương triền miên
Nhạc sĩ Phạm Duy vốn mang một tâm hồn âm nhạc phong phú, một đôi tai tinh tế, một tài năng âm nhạc thuộc hàng đầu trong tân nhạc Việt. Vậy nên, không có gì quá khó hiểu khi ông yêu và trân trọng giọng hát Lệ Thu đến như vậy. “Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều”, và Lệ Thu cũng chính là nước mắt mùa thu. Nhạc sĩ đã sử dụng thủ pháp “chơi chữ” để xưng tụng tiếng hát của nữ danh ca một cách khéo léo. Ông không nhắc đến tên người ca sĩ mang giọng hát buồn đến rơi lệ một cách riêng tư mà xưng tụng giọng ca như nước mắt mùa thu của bà. Mùa Thu đã luôn mang một hình ảnh trầm buồn, sầu dâng man mác, nước mắt mùa thu lại càng buồn hơn, bi luỵ hơn. Có lẽ chỉ với hình nước mắt mùa thu đẹp, sầu, buồn, bay bổng mới có thể diễn tả hết được vẻ đẹp của tiếng hát Lệ Thu.
Với câu hát tiếp theo ta thấy có một sự liên tưởng khá độc đáo: “Bằng cây trút lá nghĩa trang đìu hiu”. Thì ra, nhạc sĩ nhìn những chiếc lá rơi nhanh trong khung cảnh nghĩa trang đìu hiu giống như là những giọt nước mắt của mùa thu đang đổ xuống: “Từng chiếc từng chiếc lệ khô vàng héo”. Những chiếc lá vàng khô rơi xuống tựa như những giọt lệ héo hắt, sầu buồn, vô vọng, buồn thương cho những kiếp người nằm dưới mộ, réo khóc những cái tên đã bị người đời lãng quên từ bao giờ.
(Câu hát này thường bị nhầm chữ Bằng thành chữ Hàng: Hàng cây trút lá nghĩa trang điều hiu. Xem lại trong tờ nhạc, và nghe lại bản thu âm đầu tiên của Lệ Thu thì nghe rõ chữ BẰNG. Tuy nhiên trong 1 bản thu âm sau 1975, chính Lệ Thu cũng hát nhầm thành HÀNG)
Và đây cũng lại giọng ca như “nước mắt mùa thu” ấy đang “khóc trong đêm dài”:
Nước mắt mùa Thu khóc trong đêm dài
Mùa mưa chới với tiếng mưa buồn rơi
Người xây ngục tối tình yêu lừa dối
Giọt mưa tìm tới để chia lầm lỗi với người hoài trinh
Nước mắt mùa Thu khóc cho cuộc tình
Click để nghe Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu qua phần hòa âm của Trúc Hồ
Ở đây ta bắt gặp tiếng hát của người ca sĩ ngân lên trên khúc nhạc tình buồn, tựa như tiếng khóc ỉ ôi, thê thiết trong một đêm dài dằng dặc. “Mùa mưa chới với tiếng mưa buồn rơi” là một hình ảnh so sánh rất sáng tạo của nhạc sĩ. “Mùa mưa” mà cũng phải “chới với”, phải “ngỡ ngàng” với tiếng hát như “tiếng mưa buồn rơi” của người nghệ sĩ. Và trong tiếng hát như “nước mắt mùa thu” ấy, hàng loạt những hình ảnh u buồn, tăm tối, thê lương nhất của một cuộc tình tan vỡ lần lượt hiện ra cấu xé tâm hồn người nghe.
Nước mắt mùa Thu khóc cho hạnh phúc
Mỏng manh vụt đến rồi tan tành, như trăng thanh
Nước mắt nào nguôi khóc cho đời mất thần linh
Rồi, người xa người (tôi xa tôi).
Rồi khi tiếng hát ấy “khóc cho hạnh phúc” cũng rất đỗi tinh tế, trầm sâu, giằng xé giữa những dòng cảm xúc. Thứ hạnh phúc “mỏng manh vụt đến rồi tan tành, như trăng thanh”. Như trăng thanh là một hình ảnh rất đắt, rất thơ mộng, quý hiếm và thanh thoát lạ kỳ.
Nếu nhạc sĩ Trường Sa viết về tiếng hát Lệ Thu bằng những ngôn từ thật đẹp, gần gũi và giản dị: “tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng”, thì nhạc sĩ Phạm Duy đã chọn một chỗ đứng thoáng rộng hơn để có thể nhìn bao quát hơn, xưng tụng tiếng hát của người ca sĩ một cách sâu sắc trong nhiều cung bậc cảm xúc. Trong âm nhạc Việt, đây có lẽ là ca khúc hiếm hoi mà người nhạc sĩ liên tục xưng tụng tiếng hát của người ca sĩ bằng những thanh âm thánh thót, những hình ảnh diễm lệ, bay bổng trong sự thấu cảm sâu sắc.
Nước mắt mùa Thu khóc than một mình
Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh
Giọng ca buồn bã vào trong đời úa
Thời gian còn đó còn thương còn nhớ hoài
Trời ơi nước mắt mùa Thu khóc thân phận mình
Những âm giai bay bổng, tỉ mỉ, tinh tế của nốt nhạc hoà với những lời ca sâu sắc, mê đắm đã kéo người nghe đi qua rất nhiều giai tầng cảm xúc trong tiếng hát của “nước mắt mùa thu”, nhưng có những tầng bậc thanh âm trong tiếng hát ấy không phải ai cũng nghe được. Đó là tiếng “khóc than một mình”, khóc cho “một đời ca sĩ hát trong buồn tênh”.
Những tiếng hát khóc cho đời, cho người thì dễ được đồng cảm, được lắng nghe, được thăng hoa, xưng tụng nhưng những tiếng hát lặn vào trong tim, khóc cho thân phận của chính những người ca sĩ thì lại lặng lẽ, “buồn bã vào trong đời úa”, và vang vọng mãi hoài. Câu hát “trời ơi, nước mắt mùa thu khóc thân phận mình” bật ra đầy chua chát, đắng cay. Những người ca sĩ, nghệ sĩ trong mắt người đời luôn là những người “thương vay khóc mướn” nhưng rất nhiều lần trong những giọt “nước mắt mùa thu” của họ lại là nước mắt, là tiếng lòng thực sự nhưng không thể sẻ chia, chỉ có thể thể ngậm ngùi chua xót “khóc thân phận mình”.
Click để nghe Lệ Thu hát Nước Mắt Mùa Thu trước 1975
Danh ca Lệ Thu trong một lần về nước biểu diễn, đã từng trả lời phỏng vấn về ca khúc này như sau: “Đúng là nhạc sĩ Phạm Duy viết bài hát này để tặng cho tôi, nhưng đó là cảm nhận của riêng ông. Đôi khi dưới ánh đèn màu mình có một cuộc sống khác, nhưng như tôi đã nói, cuộc sống của tôi không “buồn tênh” lắm đâu”.
Tuy nhiên, về cuối đời, nhạc sĩ Phạm Duy có lần tâm sự: “Tôi soạn Nước Mắt Mùa Thu không phải để dành tặng riêng cô Lệ Thu đâu” mà “Bài hát nói về tất cả những phận người, trong đó có cả những người ca sĩ không tên không tuổi, một đời phải hát trong buồn tênh…”.
Từ lời giải thích của nhạc sĩ Phạm Duy, có thể hiểu ông viết ca khúc này tặng cho tiếng hát Lệ Thu, chứ không phải viết riêng cho cuộc đời Lệ Thu. Nhạc sĩ chỉ mượn cái tên Lệ Thu, mượn tiếng hát Lệ Thu giống như một đại diện cho thân phận những người nghệ sĩ chìm trôi trong số mệnh cuộc đời. Người nghệ sĩ dù là thành danh trên sân khấu hay vô danh với “một đời ca sĩ hát trong buồn tênh” đều cũng sẽ có lúc ngậm ngùi “khóc thân phận mình”.
Nhạc phẩm Nước Mắt Mùa Thu không chỉ gắn liền với tên tuổi Lệ Thu, mà còn được danh ca thể hiện rất nhiều lần trên sân khấu ca nhạc trước và sau năm 1975. Riêng về thu thanh, Lệ Thu có ít nhất 7 bản thu cho ca khúc này (không tính bản live). Ngoài Lệ Thu, ca sĩ Khánh Ly cũng đã thể hiện rất thành công ca khúc.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn