Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của ca khúc Sơn Nữ Ca (Trần Hoàn) – “Sơn nữ ơi, hoàng hôn xuống dần đợi chờ ai đây?”.

Trần Hoàn là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng từ thời tiền chiến, dù sau năm 1954 ông sinh sống và công tác ở miền Bắc nhưng những ca khúc được ông sáng tác từ thập niên 1940 vẫn được công chúng yêu nhạc miền Nam yêu mến, đó là 2 bài Lời Người Ra Đi Sơn Nữ Ca.

Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928 ở Hải Lăng, Quảng Trị. Về nghệ danh Trần Hoàn, thời trẻ do mê mẩn các nhạc phẩm của nhạc sĩ Văn Cao, đặc biệt là ca khúc Thiên Thai nổi tiếng, có câu hát “Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên trần hoàn” nên nhạc sĩ đã chọn luôn hai chữ “Trần Hoàn” làm nghệ danh cho mình.

Tới tuổi đi học, Trần Hoàn được cho theo học tại trường Quốc Học Huế. Tuy không được học hành bài bản về âm nhạc nhưng cha Trần Hoàn là một người đam mê và khá sành sỏi về âm nhạc, đặc biệt là ca Huế và hát bội. Điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến tố chất và niềm đam mê âm nhạc phát lộ từ rất sớm của Trần Hoàn. Ông bắt đầu mày mò tự học nhạc và có sáng tác đầu tay từ năm 16 tuổi, đến năm 20 tuổi thì cho ra đời ca khúc Sơn Nữ Ca nổi tiếng.


Click để nghe Sĩ Phú hát Sơn Nữ Ca trước 1975

Ca khúc này có một hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt. Đó là năm 1948, nhạc sĩ Trần Hoàn tham gia hoạt động trong Đoàn văn hoá nghệ thuật ở vùng chiến khu núi U Bò – Ba Rền, Quảng Bình. Dãy núi U Bò – Ba Rền toạ lạc ở phía Đông của quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng. U Bò là đỉnh núi cao nhất tại đây, cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 65km về phía Tây, do đỉnh núi nhô cao tựa như một cục u trên lưng bò nên được người dân trong vùng đặt tên là núi U Bò.

Cho đến ngày nay, U Bò vẫn là một đỉnh núi hoang sơ nằm giữa vùng rừng núi nguyên sinh bạt ngàn với hệ thống suối, thác, hang động, cây cối phong phú và kỳ bí, được nhiều du khách tìm tới khám phá. Nơi đây được mệnh danh là một Đà Lạt hay Sa Pa thu nhỏ của Quảng Bình bởi khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh sắc tuyệt đẹp, biến đổi theo từng mùa. Nếu đến đây vào mùa Xuân, du khách sẽ có dịp thưởng ngoạn cảnh sắc hoa lá tươi thắm ngút ngàn như thể lạc vào vương quốc của những loài hoa trong rừng rậm. Mùa hè, nhiệt độ cao nhất nơi đây cũng chỉ từ 22-24 độ C, vô cùng mát mẻ và trong lành. Vào mùa thu đông, mây và sương mù là đà phủ xuống vùng đồi núi tạo nên một cảnh sắc liêu trai, huyền bí, tịch mịch khác lạ.

Đỉnh U Bò cũng đánh dấu vị trí eo thắt, hẹp nhất của dải đất hình chữ S. Đứng từ đỉnh U Bò, nằm sát vị trí đường biên giới Tây Nam của đất nước, phóng tầm mắt nhìn về phía Đông sẽ thấy vùng rừng bao la trước mặt, xa xa là thành phố Đồng Hới với bờ cát trắng trải dài dọc bờ biển phía Đông của đất nước. Vùng rừng núi tuyệt đẹp này chính là nơi nuôi dưỡng nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Trần Hoàn đặt bút viết Sơn Nữ Ca, và người hát đầu tiên ca khúc này là Châu Kỳ, người sau đó trở thành nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng:

Một đêm trong rừng vắng
Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh

Một đêm trong rừng núi
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng

Một đêm trong rừng vắng
Có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng

Một đêm trong rừng núi
Có anh lữ khách nhìn trời xa xa biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm

Bằng việc sử dụng hàng loạt từ ngữ luyến láy linh hoạt với tiết tấu rất nhanh, Sơn Nữ Ca tựa như một bản giao hưởng đẹp của những âm thanh réo rắt, rúc rích nơi núi rừng hoang sơ. Đây là một ca khúc rất khó để hát cho hay, không chỉ đòi hỏi những giọng ca cao vút, thánh thót mà còn đòi hỏi một trường giọng vững vàng để giữ nhịp.

Theo lời kể của nhạc sĩ Trần Hoàn, thời kỳ ông hoạt động tại đây, có rất nhiều cô gái trẻ là nữ sinh của trường Phan Bội Châu, Huế cũng theo kháng ᴄhιến lên cùng. Biết nhạc sĩ Trần Hoàn có tài sáng tác âm nhạc và ca hát, rất nhiều cô để ý, yêu mến, thường đi theo trò chuyện, làm quen. Tuy nhiên, chàng trai trẻ Trần Hoàn mới chỉ vừa theo kháng ᴄhιến chưa được bao lâu, còn đang tràn đầy nhiệt huyết, ông bèn khéo léo từ chối bằng cách viết một ca khúc với ngụ ý “trả lời” với các cô:

Sơn nữ ơi!
Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạc thời gian vun vút trời mây

Sơn nữ ơi!
Đừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn từ nay nước mắt đầy vơi

Sơn nữ ơi!
Thời gian lôi cuốn bao lần bên rừng đầy hương bát ngát trời thu

Sơn nữ ơi!
Đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương

Ẩn khuất sau lời từ chối khéo léo, ý nhị của chàng “lữ khách” với cô sơn nữ là tình cảm quyến luyến, mê đắm với cảnh sắc thơ mộng, tươi đẹp, ngát thơm như “địa đàng” trần gian của khu rừng vắng.


Click để nghe bản thu đầu tiên của Sơn Nữ Ca: ca nhạc sĩ Châu Kỳ hát năm 1950

Hãy nhìn trăng lên, rồi lu mờ dần
Hãy nhìn mây bay, thiết tha về ngàn chờ đợi tay người sơn nữ

Khi nhìn chim bay, bay đi tìm đàn
Khi nhìn gió cuốn lá thu rời cành cuộn bay lên người sơn nữ

Sơn nữ ở đây cũng chẳng phải là cô sơn nữ đích thực nào cả, mà chính là các cô nữ sinh Huế tại vùng kháng ᴄhιến. Chính vì được viết ra để từ chối tình cảm, đồng thời khẳng định chí hướng của riêng mình khi đó nên hai câu cuối cùng của ca khúc, nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết:

Sơn nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ
Sơn nữ ơi! Thời cơ đến rồi đợi ngày ra tay.

Sau khi ra mắt tại vùng kháng chiến, Sơn Nữ Ca bất ngờ trở nên nổi tiếng và được yêu thích. Ca khúc sau đó được nhà xuất bản Tinh Hoa (Huế) phát hành năm 1951 và phổ biến rộng rãi ra khắp cả nước. Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng nói rằng để qua mắt sự kiểm duyệt của chính quyền thời Pháp khi đó, nhiều ca từ trong ca khúc đã được chỉnh sửa lại cho “phù hợp” hơn, trong đó có câu hát cuối cùng: “Sơn nữ ơi! Thời cơ đến rồi đợi ngày ra tay” đã được sửa thành:

Sơn nữ ơi! Hoàng hôn xuống dần đợi chờ ai đây?”.

Thời gian sau này, nhiều người hát lại câu hát “thời cơ đến rồi” này, đồng thời cũng sửa chữ “lữ khách” rất thi vị trong bài hát thành chữ “du kích”, làm cho bài hát bị kém đi sự lãng mạn và trữ tình:

Có anh lữ khách nhìn trời xa xa ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng…

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version