Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa của bài Cát Bụi (Trịnh Công Sơn) – Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng là Phó tổng biên tập Tập san Thế Giới Âm Nhạc của Hội nhạc sĩ Việt Nam, rất nhiều bài viết của ông đã được đăng trên cuốn tập san này. Trong ấn phẩm số 1 phát hành năm 1998, Trịnh Công Sơn đã cho đăng một bài viết ngắn chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Cát Bụi nổi tiếng:

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

“Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6 . Đây là bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong 6 tập có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh, mỗi lúc một uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường dưới gốc cây to có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một đám lá vàng đỏ trải dài trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt giây. Người nghệ sĩ mù nói: có kẻ bất thiện dang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay.

Hết phim, tôi tản bộ ngang trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tôi về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn “Zorba le Grec”. Đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa. Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi. Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích.

Đó là câu chuyện sự ra đời của bài “Cát Bụi”. Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu. Bây giờ thì người hiệp sĩ mù kia đã chêt rồi. Khoảng hai năm nay. Người viết Zorba đã qua đời dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chêt. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakits tiểu thuyết hoá thì nay ông cũng mất rồi.

“Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”

Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi!”

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác Cát Bụi vào khoảng năm 1965, khi ông còn là một thầy giáo trẻ 26 tuổi nhưng những chiêm nghiệm, suy tư của ông về thân phận con người, về đời sống đã vô cùng sâu sắc. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn không đơn thuần là âm nhạc mà luôn mở ra cho người nghe những ngả đường suy ngẫm khác nhau về đời sống, về thân phận của chính mình. Ngay mở đầu bài hát, nhạc sĩ họ Trịnh đã đưa ra một câu hỏi đáng suy ngẫm:

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?
Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Những hiểu biết của con người về đời sống, về vũ trụ luôn vô cùng nhỏ bé. Thân phận của con người cũng vậy, chỉ tựa như một hạt cát vô danh giữa sa mạc mênh mông cát trắng. Loài người đã sinh sống và tan biến đi đã ngàn vạn năm trên trái đất này mà vẫn chưa thể trả lời câu hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Và ta sẽ đi về đâu sau khi chếƭ? Chỉ biết một điều rằng, sau khi qua đời, thân xác con người sẽ trở thành cát bụi. Và nhạc sĩ chỉ có thể vin vào điều duy nhất đó, thả một câu hỏi vu vơ vào thinh không: “hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi?”. Nhưng dù có là một “hạt bụi” hoá thành thì kiếp sống này nhất định cũng rất đáng, bởi:

Ôi, cát bụi tuyệt vời
Mặt trời soi một kiếp rong chơi


Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi trong băng Sơn Ca 7 trước 1975

Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi về Phật giáo, dòng tư tưởng ảnh hưởng rất nhiều đến nhạc Trịnh. Trịnh Công Sơn trả lời rằng: “Những năm gần đây tôi thường nghỉ về Phật Giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát-na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát-na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nắm ngồi. Không làm công việc này mà nghỉ đến công việc khác. Với tôi đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục thực tập cách sống như thế hằng ngày.”  Đó chính là thái độ sống “an trú trong hiện tại”, hài lòng với những gì hiện hữu, hiện thực, không hoài niệm quá khứ, cũng không tham vọng về tương lai.

Thân xác con người dù chỉ như một hạt bụi hoá thành, nhưng có “mặt trời soi một kiếp rong chơi” thì có gì là phiền muộn nữa. Những lời ca của Cát Bụi vì vậy cứ nhẹ nhàng cất lên, không một chút oán hờn thân phận:

Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi, cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chêt một ngày

Sống trên đời, làm gì có ai tránh được vòng quay của “Sinh – Lão – Bệnh – Tử”. Chớp mắt cái đã đi qua hết một kiếp người, chớp mắt cái đã tóc đen hoá tóc bạc. Thân phận con người cũng như chiếc lá trên cây, đến một lúc nào đó cũng phải úa vàng, rã rời rụng xuống. Cũng giống như “hạt bụi”, hoá kiếp thành những phận người, rồi đến một lúc nào đó cũng sẽ “cát bụi mệt nhoài”, sẽ rơi rụng như chiếc lá úa kia, trở lại thành cát bụi.

Về câu hát “tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi”, có ý kiến cho rằng đó là tiếng búa đóng đính xuống nắp quan tài khi con người nằm xuống. Nhưng thiết nghĩ, khi thân xác đã nằm xuống, đã trở về với cát bụi thì những nhịp gõ đó ai còn nghe thấy, còn nghĩ suy. Đó có thể là những nhịp gõ báo hiệu của thời gian, của năm tháng, báo hiệu về điểm dừng của một đời người, và người ta chỉ có thể cảm nhận một cách sâu sắc, rõ ràng nhất tiếng gõ nhịp đó khi đã về già, khi đã “mệt nhoài” thân xác. Điều này, rõ ràng một chàng trai trẻ đang còn rất sung sức và yêu đời không thể cảm nhận được. Nhưng Trịnh Công Sơn đã từng trải qua và thấm thía sâu sắc “nhịp gõ” ấy trong những ngày tháng “thập tử nhất sinh” trên giường bệnh khi mới chỉ 18 tuổi. Nhờ những trải nghiệm hiếm có đó, dù viết về một đề tài rất khó nhằn và đặc biệt là thân phận con người, âm nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn có thể tuôn trào tự nhiên như chính hơi thở của ông.

Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui

Những câu hỏi về thân phận, về đời sống dù trở đi trở lại nhiều lần trong Cát Bụi, nhưng tuyệt nhiên không sầu muộn, bi luỵ mà nhẹ nhàng, lãng đãng, thâm trầm. Đồng thời với sự chiêm nghiệm sâu sắc là những gam màu tươi sáng, lấp lánh, bàng bạc phủ tràn lên bức tranh đời sống, lên thân phận con người. Có thể thấy, trong bất kỳ ca khúc nào của Trịnh, thứ ánh sáng kỳ diệu nhất mà ông ca tụng vẫn luôn là Tình Yêu. Thứ Tình Yêu nguyên sơ, tràn đầy, tự nhiên và chưa từng phôi pha trong âm nhạc Trịnh.


Click để nghe Khánh Ly hát Cát Bụi

Nếu có ai đó hỏi rằng, thân phận con người mong manh, vô định, dễ “rụng rơi” như vậy thì sự tồn tại của con người có ý nghĩa gì? Xin hãy trả lời rằng, đó là Tình Yêu. Tình yêu giữa con người với con người, Tình Yêu của con người dành cho đời sống, vạn vật và cả cho thân phận mình. Chính nhạc sĩ họ Trịnh cũng đã từng nói: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.

Tình yêu là thứ chính yếu làm cho cuộc sống của con người trở nên tươi đẹp và ý nghĩa, để một ngày nào đó dù có phải nằm xuống, phải chia lìa với đời sống này vẫn có thể bình thản hát lên khúc ca da diết cho đời sống, cho thân phận:

Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi, cát bụi phận này
Vết mực nào xoá bỏ không hay

Con người dù có bám rễ chằng chịt, sâu đậm vào trong đời sống như những cụm rừng thì đến lúc “lá xác xơ cây”, đến thời điểm cuối của đời người, cũng sẽ nghe những “nhịp gõ”, những “lời mời” vẫy gọi từ vực sâu. Chẳng điều gì có thể thay đổi hay hoán đổi được thân phận đó.


Nghe bản thu âm đầu tiên của cố danh ca Lệ Thu thập niên 1960 trong dĩa nhựa, nhạc sĩ Văn Phụng hòa âm

Về câu hát cuối cùng: “Ôi, cát bụi phận này, vết mực nào xoá bỏ không hay”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã có lần lý giải rằng: Ở Huế ngày xưa, khi một người được sinh ra, người quản lý hộ tịch sẽ viết tên người đó vào cuốn sổ theo dõi nhân khẩu. Và khi họ mất đi, người ta sẽ gạch tên người đó ra khỏi cuốn sổ, đặt dấu chấm hết cho một phận người. Phận người như cát bụi, làm sao hay biết được khi nào vết mực lưu tên mình bị xoá bỏ, nên ngầm chứa trong câu hát, dù không tuyệt vọng, bi quan vẫn khắc khoải, ngậm ngùi, xót xa cho thân phận con người.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version