Ca khúc Ướt Mi vốn được xem là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hồi năm ông 19 tuổi. Dù đây không phải là bài mà ông sáng tác đầu tiên, nhưng là bài đã đưa tên tuổi của nhạc sĩ gốc Huế này đến với đông đảo công chúng yêu nhạc ở Sài Gòn. Đặc biệt hơn, Ướt Mi được viết cho một người ca sĩ lúc đó mới 15 tuổi, và sau này trở thành một ca sĩ huyền thoại của làng nhạc miền Nam.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn kể về hoàn cảnh sáng tác ca khúc này như sau:
“Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi vào lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì chưa hẳn, vì tôi mang mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập.
Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền mua một ly đá chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát khao đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt Mi” đầu tiên trong đời”.
Click để nghe Thanh Thúy hát Ướt Mi trước 1975
Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…
Mưa rơi rơi ngoài hiên lạnh vắng, lòng chàng trai chơi vơi theo mưa nơi gác trọ, cùng tiếng hát khói sương trên sân khấu vẫn còn ám ảnh không nguôi. Tiếng hát cùng tiếng mưa buồn đã đem đến cảm xúc cho nhạc sĩ về hình ảnh cô ca sĩ tuổi mới trăng rằm có giọng hát liêu trai, đôi mắt lúc nào cũng như nhòe ướt, đêm đêm dưới ánh đèn màu sân khấu và hát bằng tâm tư sầu muộn của mình.
“Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca” – Lời hát an ủi người thôi đừng buồn nữa để tiếng hát như đẫm nước mắt đêm mưa, đừng như oán như than trong từng câu ca não ruột.
Vì sao tiếng hát của người nữ ca sĩ trẻ đó lại buồn ai oán đến như vậy? Bởi vì đó là thời điểm cha của cô vừa qua đời không lâu, mẹ lại đang bị lao phổi nặng. Mang nỗi niềm riêng, cô vừa hát vừa khóc một bài hát thật buồn của nhạc sĩ Đặng Thế Phong – ca khúc Giọt Mưa Thu. Vì vậy chàng trai trẻ họ Trịnh muốn an ủi tiếng hát buồn đó:
Người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế
Người ơi mang về, tình ấm hồn ta thêm say mê
Người em “thương mưa ngâu” người em hay “khóc sầu nhân thế” gợi nhớ đến ca khúc bất hủ Giọt Mưa Thu, và giọng hát buồn nhưng mê đắm đó đã chinh phục hoàng toàn chàng trai sinh viên nghèo Trịnh Công Sơn đêm nào cũng ngồi dưới ghế khán giả chờ nghe, để ngắm nhìn người hát ru mộng tình có nét đẹp u sầu với giọng ca huyền ảo.
“Người ơi mang về, tình ấm hồn ta say mê” là tâm tư của chàng khán giả đó, ban đầu là rung cảm từ giọng hát, sau đó đã cảm thương luôn người ca sĩ, mong sao người mang về “tình ấm” cho hồn ta vốn đã say mê càng mê say bay bổng trong cảm xúc tình yêu âm nhạc thêm.
Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về nghe não nề…
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh ướt mi
Ai còn nhìn mưa mãi rớt bên song thêm lạnh lùng
Ai còn buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông….
Mưa lạnh lùng mưa từng giọt rơi rơi giữa đêm càng cô quạnh thêm tình buồn ấp ủ. Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya lạnh gợi nhớ tới những giọt ướt mi của người ca sĩ đêm nao.
Tâm hồn nhạc sĩ đa sầu đa cảm, thấy “buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông”. Hình ảnh chiếc lá rụng rơi mang đến nỗi buồn mất mát chia xa, được đưa vào giai điệu chậm buồn cho người nghe nhạc cảm nhận một tâm trạng yêu đơn lẻ đầy nỗi sầu tư chìm đắm trong những cơn mưa ngoài đời lê thê từng cơn não nề.
Ngoài hiên mưa rơi rơi, buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi
Buồn đi trong đêm khuya, buồn rơi theo đêm mưa
Điệp khúc mưa được lặp lại như tiếng sầu ca gõ nhịp của nỗi lòng gửi theo từng nốt nhạc, được nhắc lại khi nhớ đến đêm mưa nào nghe tiếng hát của người như có “buồn dâng lên đôi môi” với nỗi buồn đau nhân thế đã thấm đậm trong từng câu hát và đã làm hoen ướt mi người.
Còn mưa trong đêm nay, lòng em buồn biết mấy
Trời sao chưa thôi mưa, để mắt người em ấy
Từ đây thôi mờ nước mắt buồn mi em thơ ngây
Đêm nay trời vẫn còn mưa, chắc là “lòng em buồn biết mấy”. Khi thương mến rồi thì lòng luôn nghĩ đến người, mong cho người vui và đừng u sầu ủ dột nước mắt trên rèm mi. Mong sao trời thôi mưa cho người thôi buồn, cho đôi mắt còn trong sáng thơ ngây, thôi đừng sầu nhân thế để hoen mi lệ buồn.
Sau này, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói thêm về Ướt Mi như sau: “Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi, đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ”.
Click để nghe Khánh Ly hát Ướt Mi
Nhạc phẩm này đã được giới trẻ Sài Gòn yêu thích trong những năm 1959 – 1960 mà đưa tên tuổi Trịnh Công Sơn lần đầu tiên xuất hiện trịnh trọng trong làng nhạc. Tiền bản quyền mà nhạc sĩ nhận được là 5.000 đồng – số tiền lớn đối với một chàng sinh viên nghèo. Một năm sau Ướt Mi, ông nhớ bóng dáng ca sĩ Thanh Thúy mặc áo dài, sau đêm nhạc hối hả về nhà với mẹ, nên đã viết thành một ca khúc khác, lấy tên Thương Một Người.
Hai trong số những ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là viết về người ca sĩ nổi danh Sài Gòn đó, tuy nét nhạc không mang đậm dấu ấn của những ca khúc nhạc Trịnh mà người ta vẫn biết, nhưng cũng góp phần không nhỏ để Trịnh Công Sơn tạo dựng được một sự nghiệp lớn lao trong làng nhạc miền Nam trước 1975.
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn