Ca khúc “Tình Hoài Hương” (nhạc sĩ Phạm Duy) và nỗi niềm của người ly hương

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ đa dạng và nhiều thể loại của nhạc sĩ Phạm Duy, có loạt ca khúc viết về quê hương mang những làn điệu âm hưởng dân ca mà ông gọi là những bài “dân ca mới”, những ca khúc được sáng tác từ 70-80 năm trước vẫn luôn được người yêu nhạc nhiều thế hệ nhớ đến. Một trong số đó là nhạc phẩm nổi tiếng Tình Hoài Hương đã gắn liền với giọng hát của nữ danh ca Thái Thanh.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để xem Thái Thanh hát Tình Hoài Hương trên Paris By Night 19 năm 1993

Năm 1952, ngay khi vừa mới đưa gia đình rời Hà Nội để vào sinh sống ở Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác Tình Hoài Hương để thể hiện niềm nhớ cố hương đã xa ngút ngàn. Trong tập hồi ký được viết vào thập niên 1990, nhạc sĩ chia sẻ về nhạc phẩm này:

“Tôi soạn bài Tình Hoài Hương (1952) nằm trong loạt huyền thoại quê hương mà tôi tạo ra, nhờ có cơ hội đi khắp ba miền đất nước trong thời bình và trong thời ᴄhιến… bài hát này không còn là một bài đối cảnh sinh tình như trước đây nữa. Nó là một bài hát hoài cảm, là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa. Ngờ đâu nó sẽ là bài hát hoài hương của một triệu người di cư vào Nam hai năm sau đó”.


Click để nghe Thái Thanh hát Tình Hoài Hương trước 1975

Cái hay của Tình Hoài Hương là chất tự sự, hoài nhớ da diết trong từng lời hát. Về cuối đời, khi nhìn lại nhạc phẩm này của mình, chính nhạc sĩ Phạm Duy cũng đặt câu hỏi về “niềm nhớ lớn lao” mà ông có được trong bài hát được ông viết khi ngoài 30 tuổi, đã có gia đình nhưng còn rất phong lưu và chưa hề chồn chân mỏi gối trên con đường phiêu du: “Tại sao vào cuối năm 1952 này tôi có nổi một niềm nhớ quá lớn lao như vậy? Nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng chưa đủ, còn phóng tâm tư đi tới những mối tình muôn đường của hàng ngàn phương trời mình chưa hề đặt chân tới. Cũng có thể vì sức sáng tác bị dồn nén sau gần hai năm bây giờ mới được toàn vẹn tung ra chăng?” (trích hồi ký Phạm Duy)

Và chính nhờ “niềm nhớ lớn lao” đó, “nhớ tất cả những chi tiết nhỏ nhất của dĩ vãng” mà đã có một bức tranh quê hương ngọt ngào, sống động, bình dị mà thân thương phủ tràn trong lời hát Tình Hoài Hương:

Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê

Quê hương tôi có con sông dài ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn!

Trong những lời kể về quê hương xứ sở của nhạc sĩ thấp thoáng một thứ tình yêu nồng nàn, vô điều kiện. Cụm từ “quê hương tôi” được lặp đi lặp như một sự đánh dấu chủ quyền, xen lẫn niềm tự hào sâu kín. Quê hương tựa như một người mẹ lớn mà mỗi người con xa quê khi nhắc nhớ về, tâm hồn đều bỗng như trẻ dại. Đó là thứ tình yêu không bao giờ đổi dời, không trầm bổng, éo le hay bội phản như tình yêu trai gái. Tình yêu đó nuôi dưỡng tâm hồn con người, ve vuốt, vỗ về trái tim mà bất cứ lúc nào, bất cứ thời khắc nào cũng có thể triệu hồi.

Và với tình yêu đó, nhạc sĩ như triệu hồi tất cả những gì ngọt ngào, thân thương nhất của quê mẹ vào trong ca từ, giai điệu. Từ cảnh sắc hiền hoà của làng quê với những con sông xinh xắn, những phiên chợ chiều xa tắp, những cánh đồng lúa thơm đủ hai mùa đến những người dân quê áo nâu rải bước trên đường chiều hay những ký ức thân thương với lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm,… đến những làn điệu dân ca ngọt ngào tình tự hoà quyện, phảng phất trong lời hát.


Click để nghe Thái Thanh hát Tình Hoài Hương trước 1975 với phần hát bè của Mai Hương – Quỳnh Giao

Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng khi viết Tình Hoài Hương, ông không chỉ làm công việc thụ động là nhắc lại ca dao, mà còn tích cực hơn, đó là đối thoại với ca dao. Những câu ca dao mà nhạc sĩ muốn nhắc tới hẳn là ai cũng đã từng nghe, từng thuộc:

Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen

Và cái sự đối đáp của ông cũng ngọt ngào, lênh láng tình tự không kém:

Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng?
Tôi về, về tôi nhớ hàm răng cô mình cười ơ ơ ớ!
Ai về mua lấy miệng cười
Để riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ ơ ớ ơ ơ ờ!

Nếu chỉ nghe ca khúc Tình Hoài Hương mà không biết đến hoàn cảnh ra đời của ca khúc, có thể sẽ có người tưởng là nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc khi ông đã là một người con tha hương nơi phía bên kia đại dương. Nhưng nếu nghe kỹ sẽ nhận ra, những hình ảnh quê hương, giai điệu và cả câu ca dao được đối đáp trong lời hát đều đậm chất Bắc Bộ. Bởi theo tâm sự của nhạc sĩ, bài hát “là sự nhớ nhung của riêng tôi đối với một nửa mảnh đất quê hương mà tôi vừa phải xa lìa”. 

Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, với một người đã có dịp đi khắp ba miền, thì bất kỳ nơi nào trên dải đất Việt Nam cũng là quê hương xứ sở, là máu thịt ruột rà, nên việc bị chia cắt không thể trở về một nửa quê hương ở xứ Bắc là điều đau đớn vô cùng. Huống hồ chi nửa quê hương ấy, còn là nơi chôn nhau cắt rốn, là tuổi thơ ngọt ngào êm đềm, là tuổi trẻ tung hoành ngang dọc. Có lẽ vì vậy mà nỗi nhớ về cố hương mới lớn lao, vời vợi đến vậy.

Nhưng cái hay của ca từ âm nhạc Phạm Duy là ông đã chắt lọc những gì tinh tuý nhất, trong trẻo nhất trong miền nhớ của mình để đưa vào âm nhạc. Ông không trải tràn nỗi đau chia cắt với một “nửa quê hương” lên mặt chữ, không than thở những lời u sầu, bi hoài, tuyệt vọng. Tất cả chỉ là những lời hát du dương, ngọt ngào, sâu lắng mà mỗi lần nghe người ta cảm thấy như tâm hồn được thanh lọc, tình yêu quê hương xứ sở bỗng trỗi dậy gần gũi, thân hương:

Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé
Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi
Nằm mộng gì? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi

Quê hương ơi! Tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu!

Bức tranh miền quê Bắc Bộ hiện ra thanh bình, êm ả với hình bóng mẹ già yêu dấu, bóng đa, đàn trâu, khúc sáo và những tiếng ru kéo người nghe trở về miền ký ức tuổi thơ êm đềm bên mẹ, bên gia đình. Tiếng gọi “quê hương ơi” vì thế cũng ngân dài ngân mãi ngọt ngào, da diết nhớ thương. Trong tiếng gọi ấy chứa đựng tình yêu, tấm lòng của người con xa xứ luôn hướng về quê hương:

Tình hoài hương!
Khói lam vương tâm hồn chìm xuống
Chiều xoay hướng!
Sống vui trong mối tình muôn đường

Tình ngàn phương!
Biết yêu nhau như lòng đại dương
Người phiêu lãng!
Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương! Yêu quê hương 

Câu hát “chiều xoay hướng sống vui trong mối tình muôn đường” nghe có vẻ khó hiểu nên nhiều ca sĩ trẻ sau này đã hát sai làm thay đổi ý nghĩa. Hãy nghe nhạc sĩ Phạm Duy tâm sự để hiểu hơn đoạn nhạc này với những tâm sự mà ông gửi gắm vào:

“Ngày hôm nay nhắc tới bài hát Tình Hoài Hương tôi còn thấy từ lúc ngồi nhớ con sông đào ngây ngất ở chốn quê cũ vào năm 1952, tôi đã mơ ước có một chiều xoay hướng để tôi được vượt qua những đại dương sâu thẳm, đi khắp các lục địa bao la, sống vui trong mối tình muôn đường… Không ngờ 23 năm sau, tôi đi tị nạn chính trị là thực hiện giấc mơ vượt cầu biên giới trở thành con người phiêu lãng của bài hát hoài hương xa lơ xa lắc. Rồi từ đó, được đi khắp năm châu bốn bể, dù nhiều phen nước mắt có chẩy về miền quê lai láng, cũng xin cám ơn cuộc sống vô cùng.”


Click để nghe danh ca Anh Ngọc hát Tình Hoài Hương trước 1975

Có lẽ với Phạm Duy, Tình Hoài Hương là thứ tình trong trẻo, ngọt ngào nhất mà dù có đi đâu có làm gì ông vẫn luôn giữ nó lại trong trái tim mình như một thứ gia tài, một thứ bảo bối mà một người du ca như ông cần có để làm nguồn cội, gốc rễ, để thăng hoa trong cuộc sống và cả âm nhạc.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version