Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc “Tình Cầm” (Hoàng Cầm – Phạm Duy) – “Nếu anh còn trẻ như năm cũ…”

Sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng ông rất yêu mến các sáng tác của nhà thơ Hoàng Cầm, đã nhiều lần đưa thơ vào nhạc. Tình bạn thân thiết của Phạm Duy và Hoàng Cầm không chỉ đơn thuần là mối quan hệ giữa một nhạc sĩ phổ nhạc và một nhà thơ. Mà qua những bài thi nhạc hòa quyện đó, họ vỗ về nhau về tinh thần, nâng đỡ nhau cùng thăng hoa trong sự nghiệp.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click
Thi sĩ Hoàng Cầm và nhạc sĩ Phạm Duy

Có nhiều nhận xét rằng, xét về tài phổ nhạc vào thơ, không ai qua được nhạc sĩ Phạm Duy. Điều đó dường như chưa bao giờ sai, và với những bài thơ mà Phạm Duy đã trót yêu, ông hiếm khi làm người nghe thất vọng. Dù luôn khiêm nhường ca tụng những người thi sĩ đã mang cho ông những bài thơ tuyệt mỹ, nhưng chính ông cũng đóng góp không nhỏ vào việc phổ biến những ca khúc và tên tuổi của những thi sĩ ấy.

Nhiều người không thích ông bởi tính cách phóng túng, “nghiện tình” có phần “bừa bãi” của ông, nhưng cách ông tiếp cận một bản thơ, làm sống dậy nó bằng âm nhạc luôn khiến người ta ngưỡng mộ. Ngoài tài năng thiên bẩm, như thể muôn vàn nốt nhạc đã được soạn sẵn trong đầu, đọc thơ mà ra nhạc, thì đó còn là sự chăm chút chỉn chu, thấu đáo của người nhạc sĩ trong từng câu chữ và ngôn từ. Và ca khúc “Tình Cầm” mà Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Nếu Anh Còn Trẻ” của thi sĩ Hoàng Cầm chính là minh chứng cho sự toàn tâm, thuỷ chung đó của nhạc sĩ Phạm Duy với âm nhạc.


Click để nghe Sĩ Phú hát Tình Cầm

Bài thơ được Hoàng Cầm viết năm 1941, nhưng đến tận năm 1985, Phạm Duy mới đem phổ nhạc. Có lẽ bởi đến tận khi đó, khi tuổi đã ngoài sáu mươi, mọi chuyện đã an bày, ông mới thấu cảm được nỗi đau của người bạn trong mối tình ẩn giấu sau bài thơ chất chứa nhiều dự cảm buồn.

Xuất xứ bài thơ “Nếu Anh Còn Trẻ” – Những dự cảm buồn vận vào cuộc tình Giai nhân – Thi sĩ

Người đẹp trong mối tình buồn ấy chính là nữ nghệ sĩ của sân khấu kịch Tuyết Khanh. Đó là người phụ nữ mà nhan sắc và tài năng của nàng đã khiến bao chàng trai si tình phủ phục. Nhưng chuyện đời lắm lúc oái ăm. Phớt lờ tất cả những săn đón hào hoa, người đẹp lại đem lòng yêu chàng thi sĩ Hoàng Cầm, vào lúc mà ông đã lập gia đình. Không thể đem thân đáp trả tình yêu của người đẹp, Hoàng Cầm bèn viết tặng nàng một bài thơ để bày tỏ lòng mình. Đó chính là bài thơ “Nếu Anh Còn Trẻ”:

Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh…

 Bài thơ là lời than thở, tiếc nuối về mối duyên tình ngang trái, lỡ làng giữa chàng thi nhân và nàng nghệ sĩ. Đặc biệt, trong những câu thơ cuối cùng, cái kết của đôi trai gái, cũng chính là cái kết của mối duyên Hoàng Cầm – Tuyết Khanh sau đó:

Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về lãng đãng bến sông xa
Thì em còn đấy hay đâu mất?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà…

Đúng 4 năm sau ngày bài thơ được viết ra, người vợ đầu, được cha mẹ cưới gả của Hoàng Cầm đột ngột qua đời khi ông đang xa nhà. Năm 1946, Hoàng Cầm kết hôn với người vợ thứ 2, đó chính là người đẹp Tuyết Khanh. Cuộc tình của hai người thăng hoa với sự ra đời của cô con gái mang tên Kiều Loan và một vở kịch thơ cùng tên do Hoàng Cầm chắp bút, Tuyết Khanh đảm nhiệm vai nữ chính. Vở kịch được công diễn một lần duy nhất tại nhà hát lớn Hà Nội tháng 11 năm1946. rồi bị chìm vào quên lãng đến tận hơn 60 năm sau mới được diễn lại. Người đàn bà đẹp, tài năng Tuyết Khanh cũng vĩnh viễn rời xa ánh đèn sân khấu ngay khi vở kịch “Kiều Loan” hạ màn.

Năm 1948, khi cô con gái Kiều Loan được 2 tuổi, hai vợ chồng Hoàng Cầm đưa con lên chιến khu tản cư theo Đoàn Văn nghệ tuyên truyền lưu động Việt Bắc. Tuy nhiên, cuộc sống tạm bợ, rong ruổi, cực khổ nơi rừng núi khiến việc nuôi dưỡng cô con gái nhỏ gặp rất nhiều khó khăn. Một hôm, Tuyết Khanh nhận được tin mẹ đang tìm kiếm mình sau thời gian ly loạn và lưu lạc, bặt tin tức. Tuyết Khanh quyết định đưa con về Hải Phòng với mẹ. Cuộc chia ly buồn bã nhưng không tuyệt vọng bởi không ai nghĩ rằng, đó lại là cuộc ly biệt đã cướp đi gần nửa đời người.

Năm 1954, Hoàng Cầm trở về, tìm lại vợ cũ và con nhưng Tuyết Khanh sau thời gian đợi chờ vô vọng, đã lập gia đình mới và đưa con vào Nam theo chồng. Không còn hy vọng trùng phùng, ông lập gia đình với người vợ thứ ba là bà Hoàng Yến. Nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, ông vẫn mong chờ tin tức của người vợ cũ và cô con gái nhỏ Kiều Loan. Năm 1975, khi 2 miền thống nhất, Hoàng Cầm mới được gặp lại con gái tại Sài Gòn. Cuộc hội ngộ vô cùng xúc động trong tiếng khóc nức nở của cô con gái Kiều Loan lúc này đã 28 tuổi, đã lập gia đình và có hai con. Còn về phần Kiều Khanh, sau khi nuôi dạy con gái trưởng thành, bà qua Mỹ định cư. Về cuối đời, bà chọn con đường tu hành, ăn chay niệm Phật, buông bỏ tơ vương trần thế.

Ca khúc “Tình Cầm” – Lời an ủi của nhạc sĩ Phạm Duy dành cho người bạn thơ của mình.

Ngay từ tựa đề ca khúc, dường như có một sự “chơi chữ” nho nhỏ của nhạc sĩ Phạm Duy. Tình Cầm vừa có ý chỉ mối tình của Hoàng Cầm, lại vừa mang ý nghĩa chỉ một mối tình bị “giam cầm”, không được thăng hoa.

Như đã nói ở trên, nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc “Tình Cầm” năm 1985. 44 năm đã trôi qua kể từ thời điểm bài thơ được viết, cuộc đời mỗi người đã được an bày theo những cách không thể ngờ đến. Cuộc tình mộng ước “nếu anh còn trẻ” khi xưa đã không còn là tình mộng, tình tâm tưởng mà thành sự thực, đã mang đầy đủ những cung bậc của yêu thương và sầu hận, của hội ngộ và chia ly, của hạnh phúc và khổ đau, của thăng hoa và bế tắc, hy vọng và cả tuyệt vọng,…

Nếu bài thơ của Hoàng Cầm chỉ vỏn vẹn có 3 khổ thơ. Hai khổ thơ đầu lột tả niềm khao khát, ước ao, sự tiếc nuối của chàng thi sĩ khi không thể sánh duyên cùng người yêu. Khổ thơ cuối cùng phảng phất những dự cảm ly biệt sầu buồn tuyệt vọng. Thì với ca khúc “Tình Cầm”, nhạc sĩ Phạm Duy đã “cập nhật” thêm rất nhiều tình tiết mới trong mối tình Hoàng Cầm – Tuyết Khanh. Vậy nên, ca khúc “Tình cầm” cũng theo đó mà dài ra thêm một khổ, chất chứa nhiều cảm xúc hơn, trở thành một phiên bản mới đặc biệt, có nhiều khác biệt so với bài thơ gốc.

Bài thơ của thi sĩ Hoàng Cầm viết năm 1941:

Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận
Anh lụy đời quên bến khói sương
Năm tháng…năm cung mờ cách biệt
Bao giờ em hết nợ Tầm Dương?

Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về lãng đãng bến sông xa
Thì em còn đấy hay đâu mất?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà…

Và ca khúc viết lại của nhạc sĩ Phạm Duy:

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
Những khi chiều vàng phơ phất đến
Anh đàn em hát níu xuân xanh 

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc Xuân xưa. 

Nhưng thuyền em buộc trên sông Hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ

Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến Thu xa
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha… 

Những câu hát mở đầu đầy tiếc nuối, chất chứa ước mơ và khát vọng của chàng thi sĩ đã lập gia đình, lỡ vương tình với người đẹp được nhạc sĩ Phạm Duy giữ lại y nguyên, không thay đổi.

Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh 

Bởi dù là 44 năm trước hay là 44 năm sau, chàng thi sĩ có lẽ vẫn ở tâm trạng đó, không đổi dời, vẫn “quyết đón em về sống với anh” nếu anh còn trẻ, nếu anh còn cơ hội. Chỉ một từ “quyết” đó thôi đã nặng hơn cả vạn lời yêu đương, hứa hẹn. Chàng thi sĩ trong cơn say tình đã vẽ ra cả một viễn cảnh hạnh phúc với người đẹp:

Những khi chiều vàng phơ phất đến
Anh đàn em hát níu xuân xanh 

Trong thơ, Hoàng Cầm viết “những khoảng chiều buồn phơ phất lại”. Đó là khoảng thời gian rảnh rỗi, buồn tẻ vu vơ, không biết làm gì, đến rồi lại đến. Vì chiều buồn nên “em đàn anh hát” để xua đi nỗi buồn và để “níu” lại “xuân xanh”. Câu thơ phảng phất một nỗi buồn của tuổi, của thời gian, của đời sống. Thứ buồn sầu muộn mơ màng luôn xuất hiện trong thơ Hoàng Cầm.

Nhạc sĩ Phạm Duy thì khác, ông không chịu đựng cái sự buồn của những buổi chiều mà tận hưởng nó, nên ông viết lại thành: “Những khi chiều vàng phơ phất đến”. Nhạc sĩ chỉ thay chữ “buồn” bằng chữ “vàng”, ý nghĩa lời hát đã đảo ngược hoàn toàn. Đó là những buổi “chiều vàng” phớt nắng đầy lãng mạn, được đón đợi “đến”, chứ không phải “lại” đến một cách nhàm chán, để đôi nhân tình “anh đàn em hát níu xuân xanh”. Cũng là “níu” đấy nhưng là cái sự “níu” trong niềm hạnh phúc, trong sự tình tứ, lãng mạn của tình nhân chứ không phải để xua đi những “khoảng chiều buồn”. Bởi những buổi “chiều vàng” kia có rất nhiều thứ đáng để ngắm nhìn, để hồi tưởng, để mơ ước, để tận hưởng và để “níu xuân xanh”.

Trong thơ, viễn cảnh tình tứ sau khi “quyết đón em về” chỉ được Hoàng Cầm rón rén đề cập trong câu: “Những khoảng chiều buồn phơ phất lại, anh đàn em hát níu xuân xanh”, bởi mối tình Hoàng Cầm – Tuyết Khanh của năm 1941 chỉ là mối “tình câm”, mối tình tâm tưởng. Còn “Tình Cầm” của năm 1985 đã trải qua những tháng ngày hạnh phúc, thăng hoa thực sự, đã nhuốm màu bay bổng, tình tứ của “người tình già” đa tình Phạm Duy. Hãy nghe những câu hát tiếp theo của nhạc sĩ:

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ 

Nhạc sĩ Phạm Duy đã vẽ nên một bức tranh chiều muộn vô cùng tình tự với “mây bạc”, “trăng vàng” cùng nhau hiện diện, minh chứng cho tình yêu đôi lứa, chắp cánh cho giấc mộng tình của đôi nhân tình. Trong bức tranh đó, vẫn là cảnh chàng trai và cô gái tình tự “anh đàn em hát” nhưng cụ thể hơn, rõ ràng hơn về thời gian:

Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc Xuân xưa

Chỉ với hình ảnh “so phím cũ” và “hát khúc Xuân xưa”, vòng quay của thời gian đã được xác nhận. Đôi tình nhân trong bức tranh dường như đã ngồi đó từ rất lâu rồi, phím đàn cũ, ca khúc xưa đã được họ hát đi hát lại nhiều lần, cũ mà không cũ, bởi tình yêu giữa họ vẫn ngập tràn thương nhớ, và những giấc mơ chưa bao giờ thôi được thắp sáng. Bằng sự tinh tế và tài tình, nhạc sĩ Phạm Duy đã khéo léo thổi vào bức họa tình yêu những sắc màu huyền thoại lấp lánh của thứ tình yêu không tuổi tác, không thời gian, thứ tình yêu vĩnh hằng.

Tình yêu trong mơ ước, trong mộng tưởng bao giờ cũng đẹp, cũng lấp lánh, thi vị và quyến rũ như vậy. Nhưng “đời không như là mơ”, nên Hoàng Cầm viết:

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận
Anh lụy đời quên bến khói sương
Năm tháng, năm cung mờ cách biệt
Bao giờ em hết nợ Tầm dương?

Yêu một người đã lập gia đình thì đúng là nàng Tuyết Khanh đã “buộc sai duyên phận” thật. Nhưng vào thời điểm 4 năm sau đó, thì câu thơ này lại không còn đúng nữa, bởi Hoàng Cầm – Tuyết Khanh đã nên duyên nên phận vợ chồng thực sự. Và chỉ chừng 10 năm sau thì mối duyên phận của họ lại bị đẩy sang một thái cực hoàn toàn đối lập.

Thi sĩ Hoàng Cầm năm xưa trong sự lấn cấn và cả những bất đồng không được hoá giải đã khiến cuộc ly biệt trở thành vĩnh viễn. Bởi khi cất bước ra đi, Tuyết Khanh cũng mang chút ít giận hờn Hoàng Cầm trong những lời cuối để lại cho chồng: Ba ngày sau em sẽ về, nếu anh không lo được tiền thì em vẫn cứ về. Em không thể chịu nổi nữa, nếu anh về với em thì càng tốt, nếu không cũng đành”. Phụ nữ nói có là không, nói không là có, dù bảo là “cũng đành” nhưng yêu thật sự thì sẽ “không đành”. Không hiểu Hoàng Cầm khi đó có hiểu điều đó hay không? Nhưng nhạc sĩ Phạm Duy dường như lại hiểu thấu nỗi niềm tâm sự rất phụ nữ này, do đó ông đã viết lại thành câu hát:

Nhưng thuyền em buộc trên sông Hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ

Người bàn bà dù giận chồng, ôm con đi, vẫn nuôi hy vọng rằng người chồng sẽ mau chóng tìm tới hai mẹ con. Nhưng ngày tháng trôi qua mà cũng chỉ có những đêm vò võ ôm con đợi chồng, thân thể mệt mỏi, tàn tạ, tâm trí héo mòn mà chồng thì biền biệt mãi “chẳng quay về với trúc tơ”. Hỏi sao mà không “hận”?

Sau vài năm chờ đợi trong vô vọng, không tin tức, chênh vênh, cô độc giữa tháng ngày loạn lạc, Tuyết Khanh đi bước nữa, rồi theo chồng vào Nam năm 1954. Đó cũng là năm Hoàng Cầm quay lại Hà Nội tìm vợ cũ và con nhưng không kịp gặp mặt. Sau này, Hoàng Cầm tìm lại được con gái nhưng hình như ông chưa một lần được tái ngộ với Tuyết Khanh. Tan vỡ trong mối tình với Tuyết Khanh có lẽ cũng khiến Hoàng Cầm sau này ít nhiều day dứt.

Vậy nên, thay vì để thi sĩ làm một người tình chủ động quay lưng, chủ động đón nhận sự mất mát, cô độc trong niềm tuyệt vọng không thể hồi cứu như trong lời thơ xưa của Hoàng Cầm:

Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về lãng đãng bến sông xa
Thì em còn đấy hay đâu mất?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà…

Thì nhạc sĩ Phạm Duy lại để chàng thi sĩ trở thành một kẻ bị động, kẻ đợi chờ, đợi chờ tình yêu, đợi chờ sự tha thứ nhưng là một kẻ đợi chờ mang tình yêu và hy vọng

Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến Thu xa
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữa
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha… 

Bởi trong tận đáy lòng mình, nhạc sĩ hẳn cũng cầu mong cho người bạn Hoàng Cầm của mình có thể “long phụng sum vầy” với người xưa, dù rằng “đôi mái tóc không còn xanh nữa”. Nhưng “bến Thu xa” vẫn còn đó, vẫn lặng lẽ ghi dấu một mối tình nổi trôi theo thời cuộc và “mây bạc trăng vàng” chẳng phải “vẫn thướt tha” đó sao…

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version