Trong vòng một trăm năm qua, hiếm có dân tộc nào phải chịu cảnh ly hương nhiều như người Việt. Trong tâm thức người Việt nói chung, quê hương là mẹ, là nhà, là cội nguồn gốc gác không bao giờ có thể cắt rời. Ly hương là một nỗi đau vừa thầm kín, vừa hiển hiện của những người con xa xứ. Nhiều nhạc sĩ tài hoa đã đem tâm tư đó vào âm nhạc, viết nên một loạt các ca khúc thương về cố xứ và dễ dàng nhận được sự đồng cảm của hầu khắp khán giả yêu nhạc.
Từ thời thập niên 1940, chứng kiến hoàn cảnh ly loạn, các nhạc sĩ thời tiền chiến đã sáng tác những ca khúc có nội dung như vậy và đã trở thành bất hủ, như là Trở Về (Châu Kỳ), Tình Quê Hương (Việt Lang), Ngày Về (Hoàng Giác), Quê Mẹ (Thu Hồ), Ôi Quê Xưa (Dương Thiệu Tước), thời thập niên 1950 có thêm các ca khúc Làng Tôi (Chung Quân), Hướng Về Hà Nội (Hoàng Dương), Thuyền Viễn Xứ, Tình Hoài Hương (Phạm Duy)… Đỉnh điểm là cuộc di cư năm 1954, khi vào đến miền Nam, nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những ca khúc nhớ về xứ Bắc: Chiều Mưa Nhớ Bắc (Hoàng Trọng), Giấc Mơ Hồi Hương (Vũ Thành), Nhạt Nắng (Y Vân), Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội (Phạm Đình Chương), và được yêu thích nhất có lẽ là Nỗi Lòng Người Đi, một ca khúc được nhạc sĩ Anh Bằng sáng tác trong 10 năm. Ông đã kể về bài hát này như sau:
“Khi lên tàu di cư vào miền Nam năm 1954, tôi đã có cảm hứng viết nhạc phẩm này. Nhưng đâu phải viết một lần là xong mà phải mất tới mười năm, sửa chữa nhiều lần và đến năm 1965 mới cho phổ biến bản này. Khi bản Nếu Vắng Anh phát hành được công chúng yêu chuộng thì tôi hứng khởi hoàn tất bản Nỗi Lòng Người Đi để tiếp tục cái đà sáng tác đang đi tới. Thực ra bản này được thai nghén đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình khi từ giã miền Bắc vào Sài Gòn. Hồi còn trẻ cũng có viết mấy bản nhạc đầu tay nhưng không được phổ biến, cho nên bây giờ cũng không còn nhớ rõ, và coi như là Nỗi Lòng Người Đi là đứa con đầu lòng mặc dù nó ra mắt chậm hơn bản Nếu Vắng Anh”.
“Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu” là câu mở đầu cho nhạc phẩm nổi tiếng đã nói thay được cho tâm sự của hàng triệu người. “Hà Nội” ở đây không còn là một địa danh riêng của tác giả, mà đã trở thành mỗi nơi cho mỗi người nghe nhạc, vì nếu ai cùng chung hoàn cảnh phải lìa xa quê hương và người yêu xưa thì đều yêu thích từng lời ca được bật lên từ “nỗi lòng người đi” này:
Tôi xa Hà Nội năm lên mười tám khi vừa biết yêu
Bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều
Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ
Ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa…
Tuổi mười tám là tuổi vừa biết mộng mơ khi bước vào đời, nên khi vừa biết mới bước vào đường yêu, lòng tràn đầy tha thiết cùng chung mộng ước về tương lai. Nhưng khi xa Hà Nội rồi thì “bao nhiêu mộng đẹp yêu đương thành khói tan theo mây chiều”, tình yêu bị ngăn cách không phải do lòng người, mà vì hoàn cảnh phải chia xa rời nhau mỗi người mỗi phương trời khác.
Chàng trai luôn nhớ về quê và người yêu cũ, khi nỗi lòng chất ngất dâng cao, mới gọi tên quê quán thiết tha với nỗi lòng tha thiết của người đi xa, câu “Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ” chứa đầy tình yêu và luyến tiếc pha với nỗi lo trăn trở của người đi xa, khi đã ra đi biền biệt không biết ngày nào mới trở lại.
Hình ảnh “Ai đứng trông ai ven hồ, khua nước trong như ngày xưa” thật đơn sơ và đẹp đẽ, tả người con gái Hà Nội đứng chờ người yêu ven hồ. Những lần hẹn hò bên hồ nước hữu tình đã khắc sâu mãi trong ký ức để nhớ nhung hoài về cảnh cũ người xưa.
Tôi xa Hà Nội năm em mười sáu xuân tròn đắm say
Đôi tay ngọc ngà dương gian tình ái em đong thật đầy
Bạn lòng ơi! Ngày ấy tôi mang cây đàn, quen sống ca vui bên nàng
Nay khóc tơ duyên lìa tan…
Tôi xa Hà Nội năm em tuổi mười sáu trăng tròn, lại mới bước vào đường yêu nên “tình ái em đong thật đầy” trong đôi tay ngà ngọc. Tuổi mười sáu mang nhiều mộng ước đầy tràn vì chưa nếm khổ lụy sẽ vương mang nếu một mai tình xa cách. Tuổi mười sáu đong đầy hy vọng màu xanh sắc lá, chưa hề nghĩ đến màu úa vàng khi một mai mỗi đứa mỗi nơi.
Sau chuỗi cung trầm thương tiếc là tiếng kêu “Bạn lòng ơi” chợt dần cao vút lên như tiếng buồn than cho kỷ niệm êm đềm ngày vui ấy đã xa rồi, ngày vô tư chưa nhuốm sầu lo, tôi chỉ biếtmang cây đàn quen sống ca vui bên nàng. Tình yêu thơ mộng thanh thoát với tiếng đàn lời ca bên nhau, cứ tưởng là mãi bền lâu, đâu có ai nghĩ đến có một ngày mình sẽ khóc tình duyên ngăn cách: “Nay khóc tơ duyên lìa tan”.
Giờ đây biết ngày nào gặp nhau
Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu
Thăng Long ơi! Năm tháng vẫn trôi giữa giòng đời,
ngậm đắng nuốt cay nhiều rồi
Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ…
Chuyện tình đang say đắm thì vụt tan mất khi hai người nay ở hai phương trời, biết ngày nào mới gặp lại. Định mệnh đã đắng cay chia rẽ tình duyên để “Biết tìm về nơi đâu ân ái trao nàng mấy câu”. Người nghe nhạc chùng lòng xuống theo điệu nhạc và cũng theo tấm chân tình của chàng trai, biết về đâu để gặp lại ngày xưa, để trao cho nàng những lời ân tình ngày cũ.
“Thăng Long ơi!” là tiếng gọi quê hương xứ sở của người đi vẫn không nguôi nhớ về nơi đã nuôi mình lớn lên từ khi mới ra đời. Dù tha phương về phương trời khác, dù gặp muôn vàn đắng cay chua xót trên đường đời nhiều gió cuốn hoa trôi, thì “Hồ Gươm xưa vẫn chưa phai mờ”. Người nghe nhạc cảm nhận được nỗi nhớ quê theo từng nốt nhạc trầm thương tiếc, nói lên được tình son sắt của người xa quê có đi đâu cũng hoài nhớ thương về.
Hôm nay Sài Gòn bao nhiêu tà áo khoe màu phố vui
Nhưng riêng một người tâm tư sầu vắng đi trong bùi ngùi
Sài Gòn ơi!
Mộng với tay cao hơn trời
Tôi hái hoa tiên cho đời để ước mơ nên đẹp đôi…
Hôm nay giữa Sài Gòn hoa lệ phố vui khoe sắc màu bao nhiêu tà áo, nhưng chỉ riêng một người đi trong bùi ngùi tưởng nhớ hình bóng ngày xưa, dù có đi đâu khắp thế gian cũng hoài vọng về một Hà Nội xưa cùng người yêu cũ.
Tâm tư sầu vắng mà “mộng với tay cao hơn trời” để hái hoa tiên cho đời. Chỉ có nghệ sĩ mới hái được loài “hoa tiên” để lại cho người đời. Và nhạc sĩ Anh Bằng đã sáng tạo âm nhạc, đã “hái” và để lại cho chúng ta một thương tình ca thương nhớ, mãi bất hủ vì ca khúc này chứa đựng hết tâm sự buồn thương hoài nhớ của “Nỗi lòng người đi”.
Ca khúc Nỗi Lòng Người Đi đã trở thành một tuyệt phẩm trữ tình sống mãi cùng năm tháng và hầu hết những người yêu nhạc hơn nửa thế kỷ qua, ai cũng biết đây là 1 sáng tác của nhạc sĩ Anh Bằng. Tuy nhiên vài năm trước có một nhạc sĩ vô danh ở trong nước tự nhận ông mới thực sự là tác giả của bài hát. Thông tin này chỉ gây xôn xao một thời gian, cho đến nay thì hầu hết khán giả yêu nhạc xưa chỉ công nhận rằng tác giả của ca khúc lãng mạn này là Anh Bằng, dựa theo thông tin trên tờ nhạc được phát hành chính thức:
Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn