Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc “Như Một Lời Chia Tay” (Trịnh Công Sơn) – Những hẹn hò từ nay khép lại… –

Trong di sản âm nhạc của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời một gia tài âm nhạc đồ sộ với hơn 600 ca khúc. Có những ca khúc được chắt lọc từ đời sống riêng tư, có những ca khúc ra đời từ những chiêm nghiệm trong cuộc sống, những nhân sinh quan của nhạc sĩ. Nhưng tất cả đều rất Trịnh. Nhạc Trịnh khó lẫn lộn với hằng hà sa số những ca khúc khác của âm nhạc Việt, bởi cái chất thơ bàng bạc, tinh tế xung quanh ca từ, chất thiền sâu lắng trong hồn cốt, chất nhạc dịu dàng như những hạt kim tuyến lấp lánh phủ lên lớp áo lóng lánh của ca từ.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn từ ca khúc đầu tiên là Ướt Mi, đến ca khúc cuối cùng là Tiến Thoái Lưỡng Nan, hầu hết đều được yêu thích, đều được hát lên trong sự yêu mến và kính trọng dành cho người nhạc sĩ đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho âm nhạc, cho đời sống, không mệt mỏi đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Năm 2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trút những hơi thở cuối cùng, từ biệt cõi đời trong sự bàng hoàng, tiếc thương của hàng triệu người hâm mộ khắp mọi miền. Trong những giờ phút tiễn đưa và trong những đêm nhạc tưởng nhớ sau này, có một ca khúc thường xuyên được hát lên như một lời tiễn biệt dành cho nhạc sĩ, đó chính là “Như Một Lời Chia Tay”. Dù ca khúc này được viết cho lời từ biệt một mối tình, nhưng cũng thường được cất lên khi tiễn biệt đời sống này. Bởi trong âm nhạc của Trịnh, tình yêu, thân phận, đời sống con người giống như những sợi dây tơ mềm mại kết nối, dung hoà, nương tựa vào nhau trong một tổng thể khó phân định.


Click để nghe Khánh Ly hát Như Một Lời Chia Tay

“Như Một Lời Chia Tay” được nhạc sĩ viết từ năm 1981, cùng thời điểm ra đời với ca khúc “Hoa Vàng Mấy Độ”, và cả 2 ca khúc này đều nhắc về hoa vàng – một loài hoa Hoàng Lan.

Trong lời đề tặng của bài Hoa Vàng Mấy Độ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ghi: “Viết cho sinh nhật Hoàng Lan 25.4.1981 – Trịnh Công Sơn 08.04.1981”. Đó là món quà mừng sinh nhật tuổi 21 của nữ nghệ sĩ ba lê mang tên Hoàng Lan. Hoàng Tạ Thích, em rể của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một bài viết đã trực tiếp xác nhận điều này như sau:

Năm 1981, anh gặp Hoàng Lan. Cô gái lúc nào cũng sống động vui tươi này gợi lên hình ảnh một đôi hài ba lê duyên dáng gõ trên phím dương cầm thánh thót. Tóc mây buông xõa, môi cười họa mi, đóa hoa vàng đã nhập vào hồn làm anh ngây ngất. Nhân ngày sinh của người đẹp, anh mang đến tặng nàng 21 cánh hoa hồng màu vàng: “Yêu em một đóa hoa vàng, yêu em một phút hoàng lan tình cờ”. Bài hát anh viết cho Hoàng Lan năm 1981 mang tên Một Thuở Hoa Vàng, sau được đổi thành Hoa Vàng Mấy Độ lúc xuất bản: “Em đến bên đời, hoa vàng một đóa, một thoáng hương bay, bên trời phố lạ, nào có ai hay, ta gặp tình cờ”.

Tuy nhiên, mối duyên phận này đã chẳng thể đi đến đâu. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù phải lòng người đẹp gốc Huế mang vẻ đẹp nền nã, thanh nhã nhưng cô gái trẻ tuổi chỉ dành cho người nhạc sĩ tài hoa này một sự ngưỡng mộ và kính trọng. Bởi tình yêu của cô khi đó đã dành tất cả cho mối tình đầu của mình đang ở bên kia bờ đại dương.

Cũng trong năm 1981, biết được ý định “xuất ngoại” của người đẹp để trùng phùng với người cũ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc thứ hai “Như Một Lời Chia Tay” để gửi tặng người đẹp. Tuy nhiên, năm 1982, Hoàng Lan xuất ngoại không phải với tình đầu mà là với chồng, là mối tình thứ hai. Sự ra đi của người đẹp Hoàng Lan tiếp tục như một thứ định mệnh dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông viết “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ” hồi 15 năm trước đó.

Nếu ai từng theo dõi câu chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và cô gái mang tên Dao Ánh thì hẳn sẽ biết đó là một mối tình vô cùng sâu nặng trong đời của người nhạc sĩ họ Trịnh. Bởi sâu nặng nên trong lời thư, lời hát cho Dao Ánh luôn đầy ắp những sầu bi, hờn trách, oán than, không thể buông bỏ cho tới tận mấy chục năm sau. Tiễn Dao Ánh theo chồng, Trịnh Công Sơn viết ca khúc Tình Xa gửi tặng, với những lời hát u sầu, tuyệt vọng:

Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
Hồn ta gió cát phù du bay về
Đôi khi trên mái tình ta nghe những giọt mưa
Tình réo tình âm thầm
Sầu réo sầu bên bờ vực sâu. (Tình Xa)

Còn với người đẹp Hoàng Lan, mối tình đó chỉ thoáng qua như một giấc mộng đời vội vã. Lời chia tay vì vậy dành cho “đoá hoa vàng” Hoàng Lan cũng nhẹ bẫng như mây như khói:

Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui

Đó là những câu hát thế hiện sự buông bỏ nhẹ nhàng, vô ưu, vô sầu, với âm điệu khiến lòng người thanh thoát, dễ chịu lạ kỳ.

Viết để chia tay tình yêu nhưng lời hát không hề sầu bi hay oán hận, chỉ nhẹ nhàng “khép lại” một mối tình như thơ, như mơ, như mây, như khói. Trong thời gian quen biết, nhạc sĩ có lẽ đã phần nào cảm nhận được những khúc mắc, những ân tình trĩu nặng, những áy náy, ngại ngần, thương chứ không yêu của cô gái trẻ dành cho mình. Vậy nên, lời hát được viết ra giống như một sự “cởi bỏ”, “giải thoát” cho người đi và cả người ở lại.

Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn

Cũng vẫn là giọng nhạc bay bổng, buông bỏ nhẹ nhàng. Đi trên những cung đường cũ đã từng đón đưa, nhạc sĩ nhớ lại những “sớm chiều mong” xưa, nhưng không hề muộn phiền, ưu sầu mà chỉ đau đáu những nghĩ suy, những câu hỏi về người tình, bởi bàn chân xưa đã từng qua đây ngại ngần. Và trong nỗi trăn trở đó, mong thấu hiểu đó, ông đã thốt lên: “Làm sao biết từng nỗi đời riêng”, nhưng không phải để oán trách, sầu bi mà là “để yêu thêm yêu cho nồng nàn”.

Bởi những rung cảm trong cuộc tình đó dù chỉ một “chút tình thoảng như gió vội” vẫn rất đẹp, rất thơ:

Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi


Click để nghe Tuấn Ngọc hát qua bản hòa âm tuyệt vời của Duy Cường

Có những cuộc tình làm cho người bị thất thần, mê đắm, chìm sâu vào khổ não, vương vấn mãi không thôi, nhưng cũng không hiếm những cuộc tình khiến ta được thăng hoa, tỉnh ngộ, nhìn ra được những điều chưa từng cảm nhận trước đó. Cuộc tình với người đẹp Hoàng Lan dù chỉ như một cơn “gió vội” thoảng qua, nhưng làm người bừng tỉnh: “tôi chợt nhìn ra tôi”. Phải chăng, đó là lần đầu tiên trong đời, nhạc sĩ nhìn ra những góc cạnh khác trong tâm hồn mình, trong tình yêu? Dường như khi si mê “đoá hoa vàng” trinh nguyên ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã là một người đàn ông trải đời và sâu sắc nên những góc nhìn về tình yêu cũng chợt “đổi thay” bất ngờ? Không ai biết rõ điều đặc biệt gì đã xảy đến trong tâm hồn nhạc sĩ khi đó, bởi ông chưa một lần chia sẻ, nhưng chắc chắn đó là những rung cảm tích cực, những nhìn nhận tích cực, bởi ông đã viết:

Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi
Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi

Trong những cuộc tình tan vỡ trước đó, nỗi sầu buồn, bi luỵ dường như nhấn chìm tâm hồn người nhạc sĩ trong lời những oán than dành cho tình yêu. Chỉ đến mối tình với người đẹp Hoàng Lan, ông mới “chợt nhìn ra”, tình yêu cũng là “ân điển” mà cuộc đời ban tặng. Vậy nên, lần đầu tiên trong đời ông “muốn một lần tạ ơn với đời”, bởi những “mặn nồng” dù nhỏ nhoi được nhận, được hưởng rất đáng, rất đẹp, dù “có những lần nằm nghe tiếng cười nhưng chỉ là mơ thôi”. Nhưng trong đời sống, có mấy người được ban tặng những “giấc mơ” đẹp đến như vậy. Những “giấc mơ” tình đó chính là món quà mà đời sống đã ban tặng cho nhạc sĩ, cho ông những rung cảm, nguồn cảm hứng để viết nên những nhạc phẩm đẹp dâng đời.

Hãy nghe nhạc sĩ thổ lộ về mối tình này bằng những lời ca bay bổng, phiêu lãng và đầy tận hưởng:

Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Tình như đá hoài nỗi chờ mong
Tình vu vơ cho ta muộn phiền

Đó là một cuộc tình ngắn ngủi, bất chợt đến trong bình minh, rồi vội tắt trong chiều hôm; chẳng xa xôi trong ảo mộng, nhưng cũng không gần gũi đậm sâu. “Tình như đá hoài nỗi chờ mong”, một mối tình chưa từng thăng hoa, chỉ vu vơ, thoảng hoặc “muộn phiền”, “hoài nỗi chờ mong”, chẳng mong cầu và cũng chẳng thể hy vọng gì một kết cục viên mãn. Vậy nên, những kỷ niệm về mối tình ấy cũng mơ hồ, hư thực, chếnh choáng như một cơn say:

Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Ngỡ chỉ là cơn say
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay…

Cho đến tận những câu hát cuối cùng, nhạc sĩ vẫn khẳng định, cuộc tình ấy thật đẹp, thật thơ nhưng chỉ là một cuộc tình thoáng qua, ngắn ngủi như một cơn mơ, cơn say hư thực. Bởi “Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời”, hay đoá “Hoàng Lan” xinh đẹp không xa cũng không gần, lãng đãng “cuối trời” ngay từ lúc bắt đầu đã được định trước “như một lời chia tay”, không gì có thể thay đổi. Và nhạc sĩ chấp nhận điều đó như một định mệnh trong đời, không mong cầu, không ngóng đợi, không buồn thương, hờn giận, oán đời, oán người.

Cái hay của ca khúc “Như Một Lời Chia Tay” chính là được viết nên từ một tâm hồn hướng thượng, một tình yêu cao thượng, dịu dàng và tinh tế của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Dù tình yêu đó không thành, thì những rung cảm, những “mặn nồng” mà nó mang đến vẫn rất đẹp, rất đáng được trân trọng. Vì vậy mà từ sâu thẳm trái tim mình, nhạc sĩ vẫn gửi lời cám ơn tình yêu, cám ơn đời và cả “đoá hoa vàng mỏng manh” đã mang lại những giây phút thăng hoa, hạnh phúc với tình yêu.

Ca khúc dù viết cho một tình yêu hiển hiện, dường như vẫn chỉ là một cái cớ, một lớp áo lóng lánh để nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thầm cảm ơn đời, cảm ơn người, cảm ơn cuộc sống và cả định mệnh đã trao cho ông những mối duyên và những sứ mệnh thật xứng đáng, cho một cuộc đời đầy ý nghĩa, lóng lánh như thơ như mơ.

Có rất nhiều những ca sĩ đã thể hiện thành công ca khúc này, trong đó phải kể đến những giọng ca truyền thần đầy rung cảm như Khánh Ly, Tuấn Ngọc,… và cả những giọng ca trẻ trung, tươi mới, hồn nhiên, nồng nhiệt đã làm nên một phiên bản Trịnh Công Sơn rất khác như Hồng Nhung, Quang Dũng.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version