Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc Nhìn Những Mùa Thu Đi (Trịnh Công Sơn)

Nói về những mùa thu trong ca khúc nhạc Trịnh Công Sơn, hoạ sĩ Trịnh Cung từng chia sẻ rằng: “Đối với nhạc sĩ và những nhà thơ, kể cả hoạ sĩ, thiên nhiên luôn luôn là nguồn cảm hứng với những màu sắc khác nhau giữa các mùa. Mùa thu cho người ta những cơ hội lãng mạn, có một chút buồn nhưng luôn đẹp. Vì vậy Trịnh Công Sơn cũng như những nhạc sĩ khác luôn bị mùa thu quyến rũ.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Trịnh Công Sơn với cái nhìn về mùa thu của anh, chuyển từ “Nhìn Những Mùa Thu Đi” cho đến bài cuối cùng viết về mùa thu của anh là “Nhớ Mùa Thu Hà Nội”. Đó là một sự chuyển động, biến chuyển trong ngôn ngữ và trong giai điệu âm nhạc. Cái mùa thu thuở “Nhìn Những Mùa Thu Đi” là cái thời mà sự bay bướm, chữ nghĩa của Trịnh Công Sơn bắt đầu chớm báo hiệu một thời kỳ ngôn ngữ cho âm nhạc rất đẹp, nhưng mà nó vẫn nằm trong một khung trời của tuổi trẻ đầy tưởng tượng và có chút gì buồn.

Nhưng mà sang đến những bài khác thì nó lộng lẫy hơn, lãng mạn hơn nhiều và mang trong đó hình ảnh tình yêu trong đó lớn và rõ ràng, như “Chiếc Lá Thu Phai” chẳng hạn, như “Nắng Thuỷ Tinh” chẳng hạn. Giai đoạn đó là thời kỳ anh  đang có một tình yêu hoặc là có nhiều tình yêu. “Nhớ Mùa Thu Hà Nội” thì bắt đầu có thực tế tâm thức của anh ta trong giai đoạn sau 1975, cho nên cái chung nó được đẩy lên mạnh hơn, rõ hơn là những bài nói về mùa thu trước của anh Trịnh Công Sơn, những bài trước thì cá nhân hơn, tình tự hơn.”

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết Nhìn Những Mùa Thu Đi từ năm 1963, khi ông còn là chàng sinh viên trẻ đa sầu đa cảm, tuy đã già dặn hơn người, nhưng sự chiêm nghiệm và trải đời vẫn còn non nớt so với chính ông ở giai đoạn sau. Có thể vì vậy mà ca khúc này, nhờ sự “non nớt” đó, theo như lời Trịnh Cung nói, mang tính cá nhân hơn, tình tự hơn cả trong số những ca khúc viết về mùa thu khác của cố nhạc sĩ. Ở giai đoạn sáng tác đầu tiên này, vẻ đẹp ngôn từ trong âm nhạc Trịnh chưa đạt đến đỉnh cao nhưng cũng đã rất sắc sảo và tinh tế.


Click để nghe Khánh Ly hát Nhìn Những Mùa Thu Đi trong băng Sơn Ca 7

Lướt qua toàn bộ ca khúc, có thể thấy Nhìn Những Mùa Thu Đi được nhạc sĩ chia thành 3 phần rõ rệt: phần đầu là tâm sự của cô gái, phần cuối tâm sự của chàng trai, phần điệp khúc ở giữa giống như lời người dẫn chuyện. Cô gái và chàng trai không còn được gặp nhau nữa, không có bất cứ liên hệ nào, mỗi người mỗi nơi, nhưng đều ôm mối tâm tư sầu muộn về mối tình chung đã thành quá khứ.

Đầu tiên là lời tâm sự của cô gái:

Nhìn những mùa thu đi
Em nghe sầu lên trong nắng
Và lá rụng ngoài song
Nghe tên mình vào quên lãng
Nghe tháng ngày chết trong thu vàng

Mùa thu lại đang tới và mùa thu cũng đang qua. Không biết đã bao thu rồi em vẫn ngồi nơi quen thuộc đó, ở phía trong song cửa và nhìn ra ngoài trời. Như là con chim ở trong lồng, em ngỡ đó là an yên và hạnh phúc. Nắng thu rọi vào qua song cửa, tưởng như có thể làm bừng sáng gương mặt em, nhưng không phải, vì em chỉ nghe một nỗi “buồn len lén tâm tư”. Thoảng nghe chiếc lá vàng ngoài kia vừa rụng xuống, em vẫn không thôi nghĩ về cuộc tình đã ra đi, để lại em ngồi đó bâng khuâng vô định ngỡ như là “nghe tên mình vào quên lãng”.

Cảm giác về không gian và thời gian nhoè đi, để rồi “nghe tháng ngày chết trong thu vàng”. Thời gian và không gian như là ngưng đọng vĩnh viễn ở thời khắc chêt lặng đó.

Nhìn những lần thu đi
Tay trơn buồn ôm nuối tiếc
Nghe gió lạnh về đêm
Hai mươi sầu dâng mắt biếc
Thương cho người rồi lạnh lùng riêng.

Em mới chỉ “hai mươi” tuổi, cái tuổi trẻ trung, mơ mộng của đời con gái nhưng đã “sầu dâng mắt biếc” rồi, đã cô đơn một mình “tay trơn buồn ôm nuối tiếc”, rồi từng đêm về gió lạnh nghe lòng càng quạnh vắng hơn. Bàn “tay trơn” đó thể hiện rằng em không còn níu giữ được gì cho riêng mình, chỉ có thể nhìn tất thảy những gì thuộc về thanh xuân đã trôi vuột qua tầm tay. Em không hề oán trách, mà chỉ thương, “thương cho người rồi lạnh lùng riêng”, thương cho mối tình tan vỡ, thương người yêu cũ chắc cũng đang buồn đau như mình.

Đến đây, ta thấy rõ ràng giai đoạn này ngôn từ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn còn bị nhiều ảnh hưởng từ âm nhạc tiền chiến, từ những hơi thở của thơ ca lãng mạn. Đó là những “thu vàng”, “mắt biếc”, “lá rụng”, “sầu lên”, là “lạnh lùng riêng”,… của những Đặng Thế Phong, Văn Cao, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư,… Hãy nghe những câu:

“Thương cho người rồi lạnh lùng riêng”

“Từ ấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi còn giá tới bao giờ” – T.T.Kh

Hay câu:
“Nghe tháng ngày chết trong thu vàng”
với:
“Yêu là chết ở trong lòng một ít” – Xuân Diệu

Rõ ràng là cách sử dụng hình ảnh, ngôn từ và nhịp điệu trong âm nhạc Trịnh đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi trào lưu thơ ca lãng mạn của vài mươi năm trước đó. Có thông tin nói rằng Nhìn Những Mùa Thu Đi ban đầu được viết như một bài thơ tình, sau khi tìm tòi, học hỏi về âm nhạc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới đem ra phổ nhạc lại chính bài thơ của mình. Rồi rất nhanh sau đó, ông đã tìm cho mình một lối đi riêng hoàn toàn tự do, độc đáo với Diễm Xưa, Biển Nhớ, Hạ Trắng, Ca Khúc Da Vàng,… Âm nhạc của Trịnh Công Sơn biến đổi rất nhanh, rất đa dạng, hoà theo dòng thời gian, dù là nhạc về thời cuộc, mô tả những nỗi đau, niềm hân hoan, tình yêu, tình người,… những dấu ấn âm nhạc, ca từ riêng của Trịnh rất khó lẫn lộn.

Hãy nghe tiếp những giai điệu dìu dặt, mê đắm, ru hồn người của đoạn điệp khúc:

“Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi”

Ca khúc được bố cục giống như một vở kịch nhiều màn nhiều lớp diễn mà ở đó, nhân vật nữ xuất hiện, bày tỏ tâm sự rồi tránh vô trong cánh gà, người dẫn chuyện bước ra, kể tiếp câu chuyện về mối tình dang dở rồi lại lánh vô sau màn sân khấu để dành chỗ cho nhân vật nam. Khác với nhịp điệu trầm buồn ở đoạn trên và đoạn dưới, ở đoạn điệp khúc này tiết tấu nhạc sáng hơn, nhanh hơn. Ngôn từ âm nhạc của “người kể chuyện” cũng thanh thoát, rõ ràng hơn lời nhân vật. Và chỉ ở đoạn này, bức tranh không gian, thời gian mới được vẽ ra chân thực, khách quan. Ở đoạn lời hát tâm sự của cô gái và chàng trai, bức tranh thu vụn vỡ, gãy khúc theo cảm xúc của nhân vật, u ám, xám xịt theo cõi lòng của nhân vật.

“Gió heo may đã về”, nghĩa là trời đã chuyển sang đông rồi, và “mùa thu đã bay đi”, nắng đang dần tắt để lại “chiều tím loang vỉa hè”. Lời thề nguyện năm xưa đã tan như ảo mộng, đã bay theo gió. Lòng người xưa cũng đã loang lạnh. Mối tình xưa rồi cũng như mùa thu theo gió đông lạnh lẽo bay đi.

Trong nắng vàng chiều nay
Anh nghe buồn mình trên ấy
Chiều cuối trời nhiều mây
Đơn côi bàn tay quên lối
Đưa em về nắng vương nhè nhẹ

Khi mối tình tan vỡ, cả anh và em đều đau đớn. Nhưng nếu em chỉ ngồi câm lặng sau song cửa (nén nỗi đau vào lòng, tự lau những giọt nước mắt trong đêm khuya vắng lạnh) – Thì anh, mỗi chiều về đều lang thang vô định khắp các nẻo đường cũ. Anh gặm nhấm nỗi cô đơn bằng những kỷ niệm của cả hai. Anh lạc bước tới con đường ngày cũ vẫn thường đưa em về, nhưng giờ đây, chỉ có mình anh đơn côi, lạc lõng. Những cảm xúc từ ngày cũ, tình yêu như “nắng vương nhè nhẹ” lại về xoa dịu lòng anh.

Đã mấy lần thu sang
Công viên chiều qua rất ngắn
Chuyện chúng mình ngày xưa
Anh ghi bằng nhiều thu vắng
Đến thu này thì mộng nhạt phai

Nhiều mùa thu trước, cả khi trời bắt đầu chuyển sang mùa đông, trời lạnh hơn, sập tối nhanh hơn làm buổi chiều ngắn lại, anh vẫn lang thang ngoài công viên, nơi ngày xưa hai đứa từng hò hẹn. Từng nơi chúng ta đi qua, từng nơi chúng ta ngồi lại chuyện trò, anh đều khắc ghi.

Nhưng “đến thu này thì mộng nhạt phai”. Mối tình với em, anh vẫn khắc ghi và nhớ, nhưng “mộng” đã “nhạt phai” rồi. Anh đã thôi đau đớn, dằn vặt, đã thôi lang thang vô định tìm về chốn cũ, đã thôi nuối tiếc. Lời cuối của chàng trai cũng là lời kết cho cuộc tình đẹp của đôi trai gái. Cuộc tình dù tan vỡ, chia ly, dù buồn thương, nuối tiếc nhưng thời gian rồi sẽ xoá nhoà tất cả, sẽ chỉ còn lại những kỷ niệm đẹp.

Nhìn Những Mùa Thu Đi dù viết cho mối tình tan vỡ, có sầu bi, có nước mắt, có nuối tiếc, có đau thương, nhưng bi mà không luỵ, buồn nhưng vẫn đẹp, tan vỡ nhưng không biến chất. Tình yêu vẫn đẹp, vẫn thơ và vẫn được trân trọng dù đi qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đâu đó trong lời hát vẫn thấy thấp thoáng hé mở niềm tin, niềm lạc quan. Ca khúc đã hát xong nhưng lời hát của “người dẫn chuyện” vẫn như đang thì thầm rất khẽ, nhỏ dần rồi tan đi, giống như tình yêu của đôi trai gái kia đã hoá cánh thiên thần bay đi:

“Gió heo may đã về
Chiều tím loang vỉa hè
Và gió hôn tóc thề
Rồi mùa thu bay đi”

Bài hát được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết dựa theo những cảm xúc thật với một cô gái Huế tên là Phương Th., là em của ca sĩ Hà Thanh. Khác với những nỗi đau và niềm tiếc nuối một cách rõ rệt như trong bài hát, cuộc tình bên ngoài chỉ là những cảm xúc mong manh thoáng qua của chàng nhạc sĩ đa cảm, chưa bao giờ thực sự bắt đầu, nên dĩ nhiên là cũng không có kết thúc. Ông Nguyễn Đắc Xuân, một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Huế đã cho biết về “chuyện tình” trong Nhìn Những Mùa Thu Đi như sau:

“Bạn âm nhạc của Trịnh Công Sơn lúc ấy có Lê Gia Phàm, Hà Thanh và Thanh Hải (Hồ Quang Hải). Lê Gia Phàm yêu Hà Thanh, Trịnh Công Sơn, Thanh Hải (học đệ nhất với tôi và bác sĩ Trương Thìn sau này) đều yêu Ph. Th. Và, không chỉ hai người ấy, nói chung những người quen biết gia đình Hà Thanh, hay học cùng một lứa (promotion) với Ph.Th. đều là “đệ tử” trước vẻ đẹp thánh thiện của Ph. Th. Trong số “bái phục giai nhân Ph.Th.” ấy, Trịnh Công Sơn thuộc loại quán quân. Sau này có lần Trịnh Công Sơn kể lại là: “Hà Thanh có đến bốn năm người em gái, mình ngồi nói chuyện với Hà Thanh, mỗi lần Ph. Th. đến sau lưng mình là mình biết ngay. Khi nào cô ấy đến gần thì có một mùi hương đến trước. Nhờ cái mùi hương ấy mà mình không bao giờ nhầm Ph.Th. với các cô em gái khác của Hà Thanh”.

Chưa bao giờ Trịnh Công Sơn dám tỏ tình với Ph.Th, và Ph.Th. cũng chưa bao giờ có một cử chỉ khiến cho người bạn âm nhạc của chị mình hiểu nhầm là cô có cảm tình riêng với bạn chị. Thế mà Trịnh Công Sơn đã si tình và nhờ cái vẻ đẹp thánh thiện “em đứng lên gọi mưa vào hạ” ấy của Ph.Th. mà anh đã viết nên mấy bài hát Nhìn Những Mùa Thu Đi, Nắng Thuỷ Tinh và Gọi Ttên Bốn Mùa. Ph. Th. lập gia đình với ông tiến sĩ B. làm trưởng khoa luật rồi làm Bộ trưởng giáo dục, “tuổi tác không cân xứng nhưng danh vọng và sắc đẹp thì đẹp đôi”. Sau đó vì thời cuộc, tiến sĩ B. mất sớm, Ph.Th. vẫn giữ sự đoan trang, đức hạnh nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn tại Boston (Mỹ). Cuối năm 2000, gặp lại Hà Thanh và Ph. Th. tại Huế, tôi vẫn thấy hai chị em này “không sợ thời gian”, vẫn đẹp như “nắng thuỷ tinh” thuở nào. Nhớ lại chuyện xưa, các cô rất vui và xem đó là những kỷ niệm đẹp của giai đoạn đẹp nhất của đời mình. Tuy chỉ mới một chiều, nhưng bạn bè thuở ấy của Trịnh Công Sơn vẫn xem chuyện Trịnh Công Sơn si mê Ph.Th. là “mối tình đầu” của anh.”

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version