Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc “Đêm Tàn Bến Ngự” (Dương Thiệu Tước) – Đây lúc đêm tàn tình đã lạt phai…

Trong gia tài đồ sộ những tác phẩm âm nhạc vượt thời gian của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, công chúng yêu nhạc nhớ đến nhiều nhất bài hát Đêm Tàn Bến Ngự. Đây là bài hát có giai điệu đậm chất trữ tình, thiên về tả cảnh với những hình ảnh rất thơ nhưng cũng rất buồn đặc trưng của xứ Huế. Giai điệu trầm lắng ngân nga, như là đưa từng lời hát trôi trên sông nước nhẹ nhàng êm ái, như con thuyền lững lờ trôi trên dòng Hương lặng lẽ, mênh mông và vô định. Trong bài viết này, xin gừi đến các bạn 4 phiên bản Đêm Tàn Bến Ngự thu thanh trước 1975 của 4 nữ danh ca đều là người Huế: Minh Trang, Thanh Thúy, Hà Thanh và Ngọc Cẩm.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng
Nhớ chăng non nước Hương Bình
Có những ngày xanh lưu luyến bao tình
Vương mối tơ mành…

Khi sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đang lênh đênh sông Hương và Bến Ngự, để rồi tức cảnh sinh tình mà viết thành ca khúc, nhưng mở đầu bài hát lại là nỗi lòng của một người đang ở cách xa Huế với tình lưu luyến trào dâng, chỉ có thể gửi gắm niềm thương nhớ non nước Hương Bình thông qua “Ai về bến Ngự”. Ai trong câu hát này là ai? hay đó chỉ là lời nhắn gửi bâng quơ để mượn lời thể hiện tâm tư của người lữ khách đối với nơi mà chưa xa đã nhớ:

Hàng cây soi bóng nước Hương,
Thuyền xa đậu bến Tiêu Tương
Lưu luyến thay phút say hương dịu buồn.
Nhưng thoảng nghe khúc ca Nam Bình sầu than
Như nức nở khóc duyên bẽ bàng…

Thấp thoáng trăng mờ
Ai than ai thở đời vui chi trong sương gió.
Ai nhớ thương ai
Đây lúc đêm tàn tình đã lạt phai…

Thuyền ơi đưa ta tới đâu
Tìm trăng, trăng khuất đã lâu,
Sương xuống trên bến cô liêu, thêm sầu.
Bèo nước gió mây đêm ngắn tình dài.
Có ai nhớ, ai nơi giang đầu…


Click để nghe Ngọc Cẩm hát (trước 75)

Bài hát đã gần như mượn hết những cặp hình ảnh mô tả tình yêu đôi lứa trong ca dao Việt Nam : thuyền – bến, gió – trăng, bèo – nước… Mượn hình bóng để viết thành lời ca ai oán, nức nở và than thở cho một mối tình bẽ bàng.

Nhìn hàng xây soi bóng nước Hương và bóng thuyền thấp thoáng xa xăm, người như trôi lạc vào một cõi mênh mông, tưởng như rằng có thể thấy được bến Tiêu Tương.

Tiêu Tương là một vùng sống do hai sông Tiêu và Tương hợp lưu với nhau ở tình Hồ Nam, Trung Quốc, gọi chung là Tiêu Tương, chảy vào hồ Động Đình. Vùng Tiêu Tương có nhiều cảnh sơn thủy xinh đẹp, gọi là “Tiêu Tương bát cảnh” (tám cảnh đẹp vùng Tiêu Tương).

Trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn có nhắc đến Tiêu Tương, là:

Lang cố thiếp hề Hàm Dương
Thiếp cố lang hề Tiêu Tương
Tiêu Tương yên trở Hàm Dương thụ
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang

(dịch Nôm:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng)

Cảnh gợi buồn trên sông Hương lúc tàn canh đã làm cho nhạc sĩ nghĩ về những trùng trùng ly biệt của tình nhân, như là chàng-thiếp năm xưa trên bến Tiêu Tương, và những mối duyên bẽ bàng tình đã lạt phai lúc đêm tàn trên Bến Ngự của ngày nay.

Nhưng biết đâu rằng đêm ngắn nhưng tình dài, lời thở than kia dù vẳng dài giữa thăm thẳm đêm trôi cũng không tả thấu được nỗi sầu miên trường nhân thế.


Click để nghe Thanh Thúy hát (trước 1975)

Dù nhạc sĩ Dương Thiệu Tước là người sinh ra và sống cả một tuổi trẻ ở Hà Nội, nhưng khi sáng tác một ca khúc đậm chất Huế này, ông vẫn dùng chữ “lạt phai”, chứ không phải là “nhạt phai” như cách mà người xứ Bắc thường nói. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong toàn bộ một ca khúc mà từ lời ca, giai điệu đến luyến láy đều mang phảng phất những điệu ca Huế, có nét nhạc dung dị, lời ca tượng hình và thanh tao. Đặc biệt là âm giai của bài hát lúc trầm, lúc bổng, như một dòng chảy miên man bất tận, đưa hồn người lạc vào một cõi sông mê.

Bài hát còn có lời 2 như sau:

Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng.
Bến xưa non nước Hương Bình
Những phút tàn canh
Vương vấn bao tình
Ai rứt sao đành…

Thuyền mơ trong khúc Nam Ai,
Đàn khuya trên sông ngân dài.
Ai luyến ai tiếc khúc ca Tần Hoài!
Ôi vẳng nghe tiếng ai âm thầm trầm ngân
Như nhắn nhủ mối duyên thờ ơ

Sông nước lững lờ,
Ai mong ai chờ đời vui chi trong sương gió.
Đây phút cô đơn
Ai oán cung đàn sầu vọng trần gian.

Thuyền ơi, đưa ta tới đâu!
Hồn thơ vương vấn canh thâu,
Thương tiếc chi phút bên nhau thêm sầu.
Bao kiếp giang hồ ly biệt thường tình.
Có ai nhớ ai nơi Hương Bình.

Vào thời kỳ đầu của sự nghiệp, nhạc của Dương Thiệu Tước thường bị ảnh hưởng nhiều từ giai điệu Phương Tây. Cho đến cuối thập niên 1940, nhạc của ông quay về thuần túy của dân tộc, như trong Tiếng Xưa, Ơn Nghĩa Sinh Thành Đêm Tàn Bến Ngự.

Trong Hồi Ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét:

“Dương Thiệu Tước ít khi chịu rời khỏi lĩnh vực nhạc tình tứ và cao sang đặc biệt của ông. Về sau, khi nhạc dân ca được coi như phản ánh đúng tâm hồn dân tộc, Dương Thiệu Tước quay hẳn về nhạc ngũ cung để cống hiến những bài hát bất hủ như Tiếng Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự…”


Click để nghe Hà Thanh hát (trước 1975)

Xứ Huế có một sự gắn bó định mệnh với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Từ thời trẻ tuổi, ông hay có những chuyến đi từ Hà Nội đến phế đô để tìm hiểu về các làn điệu dân ca. Huế với những thánh quách cổ rêu phong, từng lưu dấu bao tình này cũng là nơi xuất thân của danh ca Minh Trang, người đã cùng với Dương Thiệu Tước trở thành đôi tài tử – giai nhân nổi tiếng của làng nghệ thuật. Và bài hát Đêm Tàn Bến Ngự sáng tác vào cuối thập niên 1940 cũng đã được giọng hát Minh Trang cất lên lần đầu tiên trên đài phát thanh Pháp Á, cũng như thu thanh vào dĩa than Phillips hồi 70 năm trước.


Click để nghe bản thu của Minh Trang gần 70 năm trước

Danh ca Minh Trang và nhạc sĩ Dương Thiệu Tước

Hoàn cảnh sáng tác của ca khúc này, danh ca Minh Trang kể lại như sau:

“Anh Tước viết bài đó sau hai tháng trời sống dưới đò trên sông Hương, nghe ca Huế. Viết xong anh gửi cho Minh Đỗ, nhưng nhạc miền Trung có một cái nét đặc thù của nó mà Minh Đỗ không quen hát, nên không hát. Sau đó anh gửi cho tôi.

Mỗi ca sĩ có một cách hát, nhưng riêng bài Đêm Tàn Bến Ngự, có thể nói là tôi hát một cách tự nhiên, vì từ nhỏ tôi đã đàn tranh, đã hát Kim Tiền – Lưu Thủy rồi, nên khi cầm bản Đêm Tàn Bến Ngự lên đọc qua đã thấy quen thuộc. Những chỗ láy cho ra Huế, nó đến với tôi một cách tự nhiên, không một chút cố gắng nào cả. Tuy tôi nói giọng Quảng nhưng vì ca Huế nó nằm sẵn trong huyết quản mình…”

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version