Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về ca khúc “Chỉ Chừng Đó Thôi” (Phạm Duy) – Cả triệu người yêu nhau, còn ai là không thấu?

Trong đời mình, nhạc sĩ Phạm Duy chưa bao giờ phủ nhận bản thân ông là một người đào hoa, đã đi qua đời không biết bao nhiêu người đàn bà. Nhưng với người đẹp Lệ Lan thì nhạc sĩ lại luôn quả quyết đó chỉ là một mối tình thơ nhạc trong sáng và không có đụng chạm về thể xác. Mười năm bên nhau, họ đồng cảm, gắn bó và trao tặng nhau rất nhiều những vần thơ, khúc nhạc.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ngày Lệ Lan (tên tiếng Anh là Alice) quyết định dứt áo theo chồng, nàng gửi cho nhạc sĩ một bức thư rõ ràng, quả quyết những cũng thấm đẫm ân tình: “Mười năm, quá đủ cho một mối tình đẹp và một đời người ngắn ngủi (…) Từ đây đến ngày cưới có thể L. sẽ xin gặp chú một, hai lần nữa. Chẳng để làm gì cả. L. chắc chú cũng nghĩ như L. Chẳng có gì bi thảm. Chẳng có gì tiếc hận. Một mối tình đẹp kết thúc một cách êm ái. L. chỉ xin giữ lại một chút dư hương để truyền lại cho các con của L. sau này cho chúng nó cũng có một tâm hồn biết yêu thương đằm thắm”.

Và nhạc sĩ Phạm Duy khi tuổi già xế bóng vẫn không thôi yêu thương, ngậm ngùi cho mối tình thơ ấy. Ông tâm sự: “Tôi yêu người phụ nữ ấy lắm. Trong gia tài các nhạc phẩm của tôi, tôi dành tặng bà ấy 40 bài hát là Phạm Duy lúc còn trẻ. Với tôi, có 3 bài hát đánh dấu thời điểm tôi yêu, tôi xa và tôi quên bà ấy là Ngày Đó Chúng Mình, Nghìn Trùng Xa Cách và Chỉ Chừng Đó Thôi”. 


Click để nghe Duy Quang hát Chỉ Chừng Đó Thôi trước 1975

Vậy mới thấy, cái sự yêu đương của các bậc tiền bối khi xưa có rất nhiều cung bậc. Một mối tình rõ là lãng mạn, tri âm tri giao tri kỷ suốt 10 năm ròng vậy mà khi buông là buông thật nhẹ. Nữ thi sĩ buông bỏ tất cả để gầy dựng hạnh phúc mới cho mình. Người nhạc sĩ đứng lại lặng nhìn theo người tình dần khuất bóng, để mặc cơn dư chấn cuộn xoáy trong lòng kết thành những bản nhạc tình bất hủ.

Với ca khúc Chỉ Chừng Đó Thôi được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác năm 1975, bằng thứ giai điệu mộc mạc, chân phương, nhạc sĩ Phạm Duy đã thổi vào khúc hát những thanh âm phiêu lãng, tụng ca cho cuộc tình đã chia ly 7 năm trước đó:

Chỉ chừng một năm trôi
Là quên lời trăn trối
Ai nuối thương tình đôi
Chỉ chừng một năm thôi

Chỉ cần một năm qua
Là phai mờ hương cũ
Hoa úa trong lòng ta
Chỉ cần một năm xa… 

Mỗi cuộc tình đi qua, dư hương để lại dù ít dù nhiều cũng sẽ phai mờ dần theo thời gian, đó là điều hiển nhiên và rất đỗi bình thường. Nhưng những lời hát phiêu lãng, tưởng như vu vơ trên kia lại ẩn chứa những bất thường của dòng tâm trạng. Đoạn hát có 8 câu thì có đến 4 câu lặp đi lặp lại cùng một ý: “Chỉ chừng một năm trôi.. chỉ chừng một năm thôi… chỉ cần một năm qua… chỉ cần một năm xa…” Nhân vật tự sự dường như đang gắng gượng xua đi nỗi buồn chia ly vừa ập đến, gắng gượng ve vuốt, hồi sinh trái tim đang nứt vỡ. Nhưng dù có ve vuốt, vỗ về nhiều bao nhiêu để cố xua đi những vụn vỡ trong lòng, thì những hồi ức, kỷ niệm xưa cũ vẫn ùa về, phủ ngập trái tim đau thương.

Khi xưa em gầy gò
Đi ngang qua nhà thờ
Trông như con mèo khờ
Chờ bàn tay nâng đỡ 

Ta yêu em tình cờ
Như cơn mưa đầu mùa
Rơi trên sân cỏ già
Làm rụng rơi cánh hoa

Người tình hiện ra trong một vóc dáng có lẽ là “độc nhất vô nhị” trong thơ ca Việt: “Khi xưa em gầy gò… trông như con mèo khờ, chờ bàn tay nâng đỡ”. Người thiếu nữ xuất hiện hoàn toàn không mang dáng vẻ gì của một mỹ nữ có thể khiến người ta say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng tiếng sét ái tình vẫn “tình cờ” phủ xuống trái tim chàng trai. Tình yêu ấy tựa như “cơn mưa đầu mùa, rơi trên sân cỏ già, làm rụng rơi cánh hoa”, khiến trái tim cằn cỗi của chàng trai như tan ra trong những rung cảm tinh khôi, ngọt ngào.

Chỉ cần một cơn mưa
Là vai gầy thêm nữa
Cho ướt môi, mềm da
Chỉ cần giọt mưa sa 

Chỉ chờ một cơn mưa
Để không ngờ chi nữa
Đi dưới mưa hồng nghe
Giọt nhẹ vào tim ta

Trong dòng cảm xúc trào dâng bộc phát, chàng trai đã ước “một cơn mưa” đổ xuống để chàng có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp ẩn dấu sau dáng vẻ “mèo khờ” của nàng, để trái tim được thăng hoa trọn vẹn, “để không ngờ chi nữa”. Từng lời hát đổ xuống tinh tế, diễm lệ, lột tả trọn vẹn vẻ đẹp thanh tân của người con gái: vai gầy, môi ướt, da mềm nuột nà,… mà bất kỳ chàng trai nào khi yêu cũng khao khát được ngắm nhìn, tận hưởng. Mong cầu đó cũng từng được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khéo léo thổ lộ trong nhạc phẩm Mưa Hồng: 

“Em đi về cầu mưa ướt áo
Đường phượng bay mù không lối vào
Hàng cây lá xanh gần với nhau”

Đó là thứ bản năng tự nhiên, thứ sắc hồng lóng lánh mà tình yêu trao tặng cho những người yêu nhau, khiến họ sa vào nhau, vướng vít trong nhau:

Ta yêu em mù lòa
Như Adam ngù ngờ
Yêu Eva khù khờ
Cuộc tình trinh tiết đó 

Nhưng thiên tai còn chờ
Đôi uyên ương vật vờ
Chia nhau xong tội đồ
Đầy đọa lâu mới tha… 

Tình yêu với một khởi đầu như thơ như mơ, ngỡ như đã nảy nở từ thuở hồng hoang, khi Adam ngù ngờ và Eva khù khờ nếm trái cấm trong vườn địa đàng, ngỡ như sâu nặng chẳng thể chia xa vậy mà đã chẳng thể đứng vững trong gió bão cuộc đời. Tình yêu tan tác, “uyên ương vật vờ”, hạnh phúc trong phút chốc bỗng hoá thành tro bụi. Những người tình bỗng “trở mặt” thành “tội đồ”, “đày đoạ” nhau trong oán giận, yêu thương giằng xé không dứt. Tan một cuộc tình mơ!

Chỉ một chiều lê thê 
Ngồi co mình trên ghế 
Nghe mất đi tuổi thơ 
Chỉ một chiều bơ vơ 

Chỉ là chuyện đong đưa 
Đời luôn là cơn gió 
Thay áo cho tình ta 
Chỉ là chuyện thiên thu

Những lời hát như những tiếng thở dài dằng dặc thả vào thinh không, cô lạnh, hoang hoải. Cuộc tình đi qua để lại những vết sẹo, những vụn vỡ không thể xoá dấu. Người tình quay bước, tình tan, mộng tan, tình yêu cũng theo đó mà mất đi sự vô tư, trẻ thơ. Người đã đi qua tan vỡ chẳng thể mong còn có được những rung cảm trinh nguyên xưa cũ, chỉ có thể kéo lê cuộc đời mình đi qua những “chiều lê thê”, bơ vơ, co mình trên chiếc ghế thời gian, phó mặc cho dòng đời đẩy đưa.

Tưởng chừng nghìn năm sau 
Chẳng ai còn yêu nhau 
Nào ngỡ đâu tình yêu 
Giăng bẫy nhau còn nhiều 

Nghe lòng còn khô ráo 
Nghe chừng còn khát khao 
Nên gục đầu rất lâu 
Xưng tội cả kiếp sau

Nỗi đau tình sâu đậm đã khiến mọi niềm hy vọng vào tình yêu đều sụp xuống. Những lời hát chập chờn, ám ảnh, càng lúc càng u uất, sầu muộn phủ xuống. Tình yêu đã chẳng còn được nhìn bằng ánh mắt thơ ngây, trinh nguyên như ngày “ta yêu em tình cờ” nữa mà đã chuyển sang oán hận, nghi hoặc: “giăng bẫy nhau còn nhiều”. Nhưng dù lý trí có trăm ngàn lần phủ nhận thì trái tim vẫn không thôi khát khao, không thôi thổn thức suốt kiếp này và mãi cả kiếp sau. Và đâu đó trong trái tim đau thương ngục tù, tình yêu vẫn lấp lánh những tia sáng:

Cả triệu người yêu nhau
Còn ai là không thấu
Len giữa u tình sâu
Một vài giọt ơn nhau 

Tia sáng Thiên Đường cao
Rọi vào ngục tim nhau… 

Đó là những “tia sáng Thiền Đường cao”, những “giọt ơn nhau” mà tình yêu đã ban tặng cho những người yêu nhau. Vậy nên, dù đã có đi qua muôn cuộc tình tan vỡ, dù sầu hận chất ngất, thì tình yêu vẫn là thứ phép màu mê hoặc, cuốn hút trái tim con người, là món quà mà trần đời đã ban tặng cho loài người.

Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Duy hoàn thành vào năm 1975, sau khi chia tay mối tình kia đã nhiều năm, nhưng nỗi đau, nỗi nhớ như là vẫn rất tươi mới, vì đó là mối tình mà ông thực sự tha thiết và tiếc nuối.

Lời hát hát này mang những hình ảnh rất gần với thơ của Nguyễn Tất Nhiên, nên sau này có nhiều người nhầm lẫn Chỉ Chừng Đó Thôi là được phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Sau này, khi được hỏi về những hình ảnh rất lạ trong âm nhạc, nhưng cũng rất thú vị như: Chỉ một chiều lê thê, ngồi co mình trên ghế…, nhạc sĩ Phạm Duy nói:

Đây là một bài hát nói về số kiếp ngắn ngủi của tình yêu. Tưởng rằng khi không còn gần người yêu nữa thì chỉ chừng một năm thôi là “quên lời trăn trối” nhưng câu cuối vẫn là “cả triệu người yêu nhau, còn ai là không thấu, len giữa u tình sâu, một vài giọt ơn nhau” và “tia sáng thiên đường cao, rọi vào ngục tim nhau”.

Chỉ Chừng Đó Thôi” dù là một nhạc phẩm buồn, có cấu tứ lạ, những hình ảnh ẩn dụ hầu như không thân thuộc, gần gũi, nhưng bằng những giai điệu mềm mại, êm đềm, lời hát giàu tính tự sự, lôi cuốn đã trở thành một trong những nhạc phẩm nổi tiếng được rất nhiều người yêu thích. Đây cũng là một trong những ca khúc được nhạc sĩ Phạm Duy “đo ni đóng giày” cho phù hợp với tiếng hát trữ tình, thủ thỉ, ngọt ngào của nam ca sĩ Duy Quang.


Click để nghe Duy Quang hát sau 1975

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version