Hoàn cảnh sáng tác và cảm nhận về bài hát “Ru Tình” (Trịnh Công Sơn) – Ru em ngồi yên nhé, tôi tìm cuộc tình cho…

Lúc sinh thời, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Tình yêu cho phép những ca khúc ra đời. Nỗi đau và niềm hân hoan làm thành bào thai sinh nở ra âm nhạc. Âm nhạc như thế là tình yêu, là trong bản thân nó hàm chứa 1 cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc. Không có bất hạnh và nụ cười có lẽ âm nhạc cũng không thể có duyên ra đời”.

Ru Tình chính xác là một ca khúc như vậy: Được phôi thai từ niềm hân hoan và nỗi đau, ẩn chứa trong đó tình yêu nhưng đồng thời cũng hàm chứa ý nghĩa về một cõi nhân sinh bề bộn những khổ đau và hoan lạc.


Click để nghe Khánh Ly hát Ru Tình (Trịnh Công Sơn)

Bài hát Ru Tình được Trịnh Công Sơn viết từ trước năm 1975. Lúc đó ông nhận được “đặt hàng” của một đài truyền hình Nhật Bản, sáng tác riêng một ca khúc cho một nữ ca sĩ trẻ người Nhật dự kiến sang lưu diễn tại Việt Nam. Cô ca sĩ đó mới 16 tuổi, vốn rất mến mộ tài năng của chàng nhạc sĩ họ Trịnh nên cũng háo hức muốn nhanh chóng sang Việt Nam biểu diễn và gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, dự định không thành, cô đột ngột gặp tai nạn và quɑ đời. Tiếc thương cho cô ca sĩ trẻ bạc mệnh, ngẩn ngơ trước mối duyên hội ngộ bị bỏ lỡ vô thời hạn, nhạc sĩ họ Trịnh viết ca khúc Ru Tình. Đó là lời hát ru người đi vào cõi hư vô, hát cho một tình yêu tưởng tượng mà thậm chí còn chưa bao giờ gặp mặt, mối tình dù không có thật nhưng cảm xúc lại da diết, chân thực vô cùng.

Xuyên suốt ca khúc, nhạc sĩ sử dụng những câu nhạc ngắn, nhịp điệu chầm chậm, lời hát êm dịu, ngân nga như tiếng ru vỗ về để Ru Tình. Dù được viết tặng cho một cô gái Nhật, những hình ảnh như là sen hồng, hong tóc bên hồ, hài nhung gấm, gót sen hồng,… được sử dụng trong ca khúc lại rất thuần Việt. Bởi vậy ngay khi những câu hát đầu tiên được cất lên, khán giả Việt đã thấy thân thương và gần gũi. Những cô gái nào nghe ca khúc này có lẽ đều có chung một cảm xúc là được yêu thương, vỗ về như thể ca khúc viết cho mình:

Ru em đầu con gió, em hong tóc bên hồ
Khi sen hồng mới nở, nụ đời ôi thơm quá

Em ngồi hong tóc bên hồ sen, gió thổi nhè nhẹ thoang thoảng hương sen thơm mát làm ngơ ngẩn hồn anh. Chàng nhạc sĩ tài hoa đã vẽ nên bức tranh thơ tuyệt đẹp nơi người thương đang ngồi hong tóc, trong trẻo và ngát hương tựa đoá “sen hồng mới nở”. Phải chăng lần đầu tiên được nếm mùi vị của tình yêu, rạo rực trước nhan sắc xuân thì của cô gái, chàng trai đã thốt lên “nụ đời ôi thơm quá”, bởi vậy chàng mới tất tả “ru em đầu con gió”, để nhờ gió mang tâm tình gửi tới người thương (?).

Nhưng lại chợt nghĩ, nếu chỉ nói về nhan sắc cô gái và tình yêu, chàng nhạc sĩ có lẽ không cần phải “đao to búa lớn” sử dụng từ “nụ đời”. Một từ mang hàm nghĩa rất lớn, bao quát cả đời sống rộng mênh mông, sâu tận cùng thăm thẳm. Vì vậy, “nụ đời” trong ngôn ngữ của Trịnh có lẽ đa tầng, đa nghĩa hơn là chỉ nói về tình yêu”, nó hàm chỉ cả đời sống này như trong nhiều nhạc phẩm của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn bày tỏ tình yêu nồng nhiệt với đời sống, với con người: “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp này. Còn cuộc đời ta cứ vui”. Vậy nên “nụ đời ôi thơm quá” có lẽ cũng là câu cảm thán của cô gái đang ngồi hong tóc còn rất hồn nhiên, yêu đời.

Ru em tình khi nhớ, ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ, rụng đầy một mùa thu

Khi nhắc về lá mùa thu, nhạc sĩ không nhắc đến lá vàng, lá úa của những buồn bã, tàn tạ, cô liêu như thường thấy, mà viết là “bầy lá nhỏ”, nghe vừa tinh nghịch, vừa yêu thương, vừa gần gũi mà lại rất đặc trưng của ca từ nhạc Trịnh. Đó cũng là bởi em đang ngồi hong tóc bên hồ sen mới nở, tức là đầu mùa hạ, gió chắc cũng nóng nực hanh khô chứ không tươi mát, trong trẻo như mùa thu. Bởi vậy, anh mới “ru” cho rụng một “bầy lá nhỏ”, vì còn đương mùa hè, lá vẫn còn xanh mướt trên cành, chứ không phải lá to hay lá già để mang gió thu đến cho em hong tóc. Tình cảm của anh chân thật, lay động cả đất trời, làm rụng cả “bầy lá nhỏ”, để tặng cho em “đầy một mùa thu”.

Ru khi mùa mưa tới, ru em mãi yêu người
Ru em hoài bé dại, một hồn thơm cây trái

Mùa hạ của tuổi trẻ rực rỡ, hồn nhiên, nồng nhiệt rồi sẽ qua đi. Mùa thu dịu dàng, đầy mơ mộng cũng sẽ qua đi. Khi mưa gió bão bùng ập đến, những giông bão khổ đau của kiếp người đổ xuống, anh mong em vẫn “mãi yêu người”, yêu đời. Mong em vẫn mãi là cô gái hồn nhiên, thơ dại, là đoá sen thanh khiết của mùa hạ khi xưa. Bởi chàng nhạc sĩ luôn tin rằng “em hồn nhiên rồi em sẽ bình mình”, còn anh sẽ luôn ở đây:

Ru em chờ em nói, trên môi tình thoát thai
Ru em ngồi yên đấy,
ru tình à ơi…

Đi qua giông bão cuộc đời, tâm hồn em có thể đã trầy xước ít nhiều, tình yêu của em với người, với đời sống này đã sứt mẻ. Em có lẽ chẳng thể thốt lên “nụ đời ôi thơm quá” nữa. Nên anh lại tiếp tục “ru em chờ em nói”, chờ em trở lại tin yêu đời sống này giống như anh vậy. Tình yêu đó nhất định phải tự bung nở từ trong tim em, trong tâm hồn em mà “thoát thai” ra ngoài. Những lời ru êm ả, ngọt ngào của anh sẽ chỉ như những tiếng vỗ tay động viên, chia sẻ nỗi lòng với em. Anh chỉ có thể “ru em ngồi yên đấy”. Vậy nên, em hãy ngồi yên đấy, bình tâm, tĩnh lặng, suy nghĩ về cuộc đời, về anh, và hát khúc “ru tình” của riêng mình.

À a a à a á a ờ…
À a a à a á a ờ…
Ru người ngồi mãi cùng tôi
Ru người ngồi mãi cùng tôi…

Ở những câu hát này, phảng phất trong lời ru là bóng dáng của điệu nhạc ngũ cung Nhật Bản. Những giai điệu ngọt ngào vừa như vỗ về, vừa như níu giữ, chỉ mong “ru người ngồi mãi cùng tôi”. Anh chỉ mong cầu em ngồi mãi đây cùng anh, cùng tìm vui trong cuộc đời này như câu hát “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”. Ý tưởng về sự mãi mãi và vô thường trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn tưởng chừng như đối nghịch nhau nhưng lại hoà trộn hài hoà với nhau trong một tổng thể chung của đời sống.

Bởi sự ảnh hưởng của chất Thiền, chất Phật trong âm nhạc Trịnh là điều không thể phủ nhận, nếu đem những tâm thức đó ra để lý giải cho âm nhạc Trịnh. Chúng ta có thể bắt gặp ý tưởng này ở bài hát nổi tiếng khác trước đó là “Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng”. Dù là ngàn năm hay là mãi mãi, thì sự hữu hạn của kiếp sống con người là có thực. Chỉ có thể lý giải cho sự “mãi mãi” này bằng sự lý giải của nhà Phật rằng: đời sống này chính là những vòng luân hồi nối tiếp nhau. Chỉ có tâm tưởng, tâm thức con người mới là thứ bất diệt, thứ mãi mãi ngàn năm. Bởi vậy, anh không chỉ mong em yêu anh, yêu đời sống này hời hợt, thoáng qua trong kiếp sống này mà yêu từ trong tâm thức, yêu mãi ngàn năm. Vượt lên trên tất cả mọi trở ngại, khổ đau của đời sống để “thoát thai” ra thứ tình yêu, hạnh phúc mãi mãi. Và anh mong hai ta hoà hợp với nhau cả về tâm thức, để có thể “ngồi mãi cùng nhau”.

Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng
Ru bay tà áo rộng, vượt tình tôi chắp cánh
Ru trên đường em đến, xôn xao từng tiếng chim
Ru em là cánh nhạn miệng ngọt hạt từ tâm

Tình yêu của chúng ta, cuộc đời của chúng ta rồi sẽ đi qua rất nhiều cung bậc cảm xúc từ lúc tuổi trẻ rực rỡ, xôn xao, rạo rực như mùa hạ, lúc lãng mạn, êm đềm, đầy mơ mộng như mùa thu, rồi quay quắt trong gió bão cuộc đời khi mưa giông đổ xuống. Nhưng chỉ cần vượt qua được tất cả những trở ngại đó, thì bình minh sẽ lại ló dạng. Tình yêu, tình đời, tình người sẽ lại thăng hoa. Em sẽ vượt lên cả mối tình nhỏ mọn của tôi để bay lên, để rực rỡ với “hài nhung gấm”, “gót sen hồng”, “tà áo rộng”, để cất lên khúc ca yêu đời, yêu người như nàng công chúa mải mê ca hát lạc bước vào khu rừng hạnh phúc, để “trên đường em đến” sẽ “xôn xao từng tiếng chim”. Và em sẽ là “cánh nhạn” mùa xuân “miệng ngọt” đem “hạt từ tâm” rải khắp thế gian, đem truyền tình yêu cho khắp muôn loài. Và anh vẫn ở đó, tiếp tục với hành trình “ru” của mình:

Ru em tình như lá trăm năm vẫn quay về
Môi em là đốm lửa cuộc đời đâu biết thế

Tình yêu như chiếc lá trên cành kia, sinh ra từ đất mẹ, làm đẹp, che mát cho đời, đến lúc rụng xuống lại trở về với đất mẹ. Em cứ bay đi ru khúc tình đời của riêng mình nhưng dù trăm năm, ngàn năm hãy nhớ quay về với tình anh. “Môi em là đốm lửa”, “đốm lửa” đã trải qua trui rèn giông bão, đã thoát thai từ tâm hồn em để sưởi ấm tình yêu của anh, để thắp đuốc dâng những tin yêu cho đời nhưng cuộc đời vốn tàn nhẫn “đâu biết thế”. Vậy nên:

Xin em còn đâu đó cho tôi còn tiếng ru
Ru em ngồi yên nhé, tôi tìm cuộc tình cho.

Một ngày, nếu em lại bị bão giông vùi dập, làm cho chao đảo, mong em hãy vững vàng để tôi còn có em trong cuộc đời, “để tôi còn tiếng ru”, để tôi được vỗ về tâm hồn em. Và em nếu mỏi mệt rồi “xin hãy ngồi yên nhé” đừng gắng gượng, đừng làm đau mình nữa, hãy ngồi xuống bình tâm, tĩnh lặng để “tôi tìm cuộc tình cho”.

Về câu hát “Ru em ngồi yên nhé, tôi tìm cuộc tình cho”, rất nhiều người cho rằng, chàng nhạc sĩ trẻ họ Trịnh muốn biểu đạt thứ tình yêu cao thượng, vượt lên sự nhỏ nhen tầm thường, tìm cho người mình yêu một “cuộc tình”. Tuy nhiên, trong một cuốn phim tài liệu, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giải nghĩa rằng: “Thực ra tôi muốn bảo là cô gái hãy ngồi im đó, tôi đi tìm cuộc tình cho, vì em đẹp quá, em đi tìm rồi tôi mất em làm sao. Tôi dự định đi một hồi rồi quay lại nói: Anh tìm mãi không ra, thôi em yêu anh cho rồi. Nhưng tôi chưa kịp nói câu ấy”.

Lời giải thích khá tếu táo và giản dị của người nhạc sĩ tài hoa để chúng ta thấy rằng, cuộc đời cũng như tình yêu đôi khi giản dị đến bất ngờ. Tưởng như có thể dễ dàng nắm bắt được nhưng rồi lại không thể.

Với Ru Tình, một lần nữa, chúng ta lại thấy sự đa tầng và thú vị trong ngôn ngữ âm nhạc Trịnh, vừa thực vừa hư, vừa mang chất đời vừa mang chất thiền chất Phật. Đó chính là thứ men say huyền hoặc mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rắc vào âm nhạc của ông. Mỗi ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều như một búp sen chúm chím chuẩn bị bung nở. Và người yêu sen lật mở từng cánh sen tươi mát, hít hà thứ hương thơm dìu dịu, thanh thoát mà quyến rũ đắm say lòng người.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version