Hoàn cảnh sáng tác “Quê Nghèo” của nhạc sĩ Phạm Duy – Thương quê nghèo Bình Trị Thiên

Năm 1948, sau khi đã đính hôn với ca sĩ Thái Hằng, nhạc sĩ Phạm Duy – lúc đó vẫn đang ở trong hàng ngũ Việt Minh – đã xung phong tham gia vào một hành trình rất gian nan, đó là dấn bước hiểm nguy để từ Thanh Hóa về vùng Bình Trị Thiên trong 6 tháng, vừa để biểu diễn văn nghệ, vừa là đi thực tế để sáng tác những ca khúc phục vụ quần chúng. Những ca khúc nổi tiếng đã ra đời sau chuyến đi này của nhạc sĩ Phạm Duy gồm có Bao Giờ Lấy Được Đồn Tây (Sau đó đổi tên thành Quê Nghèo – viết cho Quảng Bình), Bà Mẹ Gio Linh (viết cho Quảng Trị) và Về Miền Trung (viết cho Huế).

Vùng Bình Trị Thiên năm xưa chìm trong khói lửa, khổ đau tang tóc triền miên, nhưng không chỉ vậy, đó là dải đất dường như chịu số phận là phải mang gánh nặng nhất của đất nước hình chữ S, với mưa dầm nắng gắt và bao mùa bão lũ. Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết về vùng đất này trong bài hát có tựa đề chỉ 2 chữ, nhưng đã bao hàm hết ý nghĩa: Quê Nghèo.

“Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói,
có những cánh đồng cát dài
Có lũy tre già tả tơi

Ruộng khô có những ông già rách vai
Cuốc đất bên đàn trẻ gầy
Có người bừa thay trâu cầy”

Kinh kỳ là vùng đất Huế xưa, sát bên đó là một vùng quê nghèo đất cày lên sỏi đá, nước mặn đồng chua. Vào những mùa bão lũ, kể cả kinh đô hay thôn xóm nghèo thì cũng đều chung một số phận, dù là cánh đồng hay bãi cát, lũy tre hay ruộng khô cũng đều bị ngập sâu dưới mênh mang nước đục.

Ban đầu, bài hát Quê Nghèo được mang tên Bao Giờ Lấy Được Đồn Tây với lời nhạc cũng rất khác:

Chiều qua, tôi đi qua vùng chiếm đóng
Không bóng trâu cầy bên đồng
Vắng tiếng heo gà trên sân…

Khi bài hát này được ra mắt, nhạc sĩ Phạm Duy bị lãnh đạo văn nghệ “phê bình” vì bài hát về cuộc sống khó khăn của người dân quê này bị đánh giá là có nội dung tiêu cực. Nhạc sĩ Phạm Duy đã thực sự đến tận nơi, sống cùng và nghe trực tiếp những câu chuyện thương tâm của người dân vùng quê miền Trung, nên bài hát là bức tranh sống động đặc tả được chính xác cuộc sống ở quê nghèo:

Bình minh khi sương rơi mờ trên rẫy
Thấp thoáng bóng người bên ngòi
Tát nước với giọt mồ hôi

Chiều rơi thoi thóp trên vài luống khoai
Hiu hắt tiếng bà mẹ cười
Vui vì nồi cơm ngô đầy…

Phần nội dung của lời được viết lại này đã không còn xoay quanh cuộc chιến nữa, mà đã mô tả hình ảnh chân thực về con người và cuộc sống khó khăn nơi đây mà nhạc sĩ được chứng kiến tận mắt trong những ngày được sống chung với dân quê. Đó là những ông già rách vai, đàn trẻ gầy gò, những cô gái quê ngày đêm vất vả, bên những mái tranh điêu tàn xơ xác…

Bao giờ cho lúa được mùa luôn, lúa ơi
Để cho cô con gái không buồn vì gió Đông
Bao giờ cho lúa về đầy sân, hỡi em
Để cho anh trai tráng được gần người gái quê.

Làng tôi luôn luôn vươn vài đám khói
Những mái tranh buồn nhớ người
Xơ xác điêu tàn vì ai

Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai
Có tiếng o nghèo thở dài
Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi…


Click để nghe Thái Thanh hát Quê Nghèo năm 1952, khi bà mới 18 tuổi

Nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng những vùng quê miền Trung ông đi qua hoàn toàn thiếu bóng trai trẻ, vì hầu hết đã không còn sau những trận càn của giặc, số còn lại thì cũng đã lên đường vào quân ngũ. Vì vậy những cảnh tượng mà Phạm Duy chứng kiến là “nửa đêm thanh vắng không một bóng trai” và điệu ru con buồn của những bà mẹ trẻ, vỗ về giấc ngủ trẻ thơ bùi ngùi…

Nhạc sĩ Phạm Duy có sức sáng tác mạnh mẽ hiếm thấy, và trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của mình ông đã để lại rất nhiều bài hát bất hủ, trong đó các bài nhạc về vùng quê nghèo như là Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê, Quê Nghèo, Nương Chiều, Tình Hoài Hương… Những bài hát đã trở thành gia tài quý giá cho nhiều thế hệ yêu nhạc được nghe và cảm nhận, để thêm yêu những vùng quê, người dân hiền lành chân chất mà bao nhiêu năm qua rồi vẫn chưa thể thoát ra những phận đời đau xót.

Mời các bạn nghe lại ca khúc Quê Nghèo qua giọng hát Thái Thanh:


Click để nghe

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version