Bài hát Quê Em Mùa Nước Lũ được nhạc sĩ Tiến Luân sáng tác năm 2000, trước sự kiện cơn lũ lịch sử ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Suốt 75 năm trước đó, chưa có mùa lũ lụt nào lớn, phủ diện rộng, ngập sâu và kéo dài ngày như trận lũ năm 2000 ở miền Tây. Nó đã gây ảnh hưởng rộng lớn và rất nặng nề về người, tài sản và môi trường.
Nhạc sĩ Tiến Luân cho biết ông sáng tác Quê Em Mùa Nước Lũ với sự gợi ý của Hương Lan khi cả nước đang chứng kiến mùa lũ lịch sử năm 2000, cũng chính Hương Lan là người đầu tiên hát bài này, và vẫn còn được yêu thích cho đến nay, thường được phát lên trong những đợt kêu gọi nhân dân cứu trợ lũ lụt ở miền Tây cũng như miền Trung trong suốt 20 năm qua.
Nhạc sĩ chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác bài hát: “Qua truyền hình, tôi bàng hoàng xúc động khi ống kính quay cận cảnh một bà mẹ ngồi thu lu trong góc tối ôm đứa con ướt sũng, gương mặt mẹ thất thần dường như bà đã khóc con đến không còn nước mắt. Cảnh tan hoang điêu tàn, nước ngập mênh mông, đàn gà chạy táo tác…”
Nếu nghe lại bài hát này và so với hoàn cảnh lũ lụt hiện nay ở vùng Quảng Nam Đà Nẵng – Huế – Quảng Trị – Quảng Bình (gọi chung là miền Trung), thì có lẽ sẽ thấy rất tương đồng:
Không còn con sông nước dâng tràn lên bãi bồi.
Anh về quê em khắp nơi như là biển khơi.
Chập chờn mái tranh ngôi lên giữa ngọn triều dâng,
những đàn gà con chơi vơi đứng nhìn trời xanh.
Bao ngày trôi qua lũ cao lại dâng nữa rồi,
không còn nhận ra tiếng ai đi tìm người trôi.
Mẹ ngồi dưới mưa tay ôm ấp trẻ lạnh căm,
xóm làng chìm trong bao la những nỗi đau này.
Ôi nước lũ dâng cao, nước lũ dâng cao,
dâng theo bao nỗi sầu đau.
Ôi nước tràn bờ đê, nước tràn bờ đê,
tang thương khắp một miền quê.
Bên bờ đê cao mái tranh tạm che kiếp người.
Ơi đồng bằng ơi biết bao thân phận nổi trôi.
Còn một trái tim ai ơi nhớ lại miền Tây,
Nhiễu điều mà thương dân ta lắm nỗi đoạn trường.
Nếu thay thế một chữ trong bài hát, xin đổi chữ “miền Tây” thành “miền Trung” để xót thương cho biết bao hoàn cảnh của người dân vùng Trung bộ hiện nay, khi mùa dịch chưa qua mà mùa lũ đến liên miên chồng chất nhau. Vùng đất Bình Trị Thiên nằm chính giữa dải đất hình chữ S, là nơi khô cằn sỏi đá. Trải qua bao thế kỷ qua, những người dân quê ở đây đa số là nông dân, vẫn lam lũ bám vào hoa màu để mưu sinh. Mỗi năm người quê dành dụm không được bao nhiêu tiền, tài sản cùng lắm cũng chỉ là ngôi nhà, thửa ruộng, nhưng mỗi mùa lũ đến thì hầu như tất cả đều bị cuốn trôi, hoa màu bị hủy hoại, và tính mạng của người dân quê hiền lành cũng trở nên quá mong manh trước sự cuồng nộ của thiên nhiên. Trước hoàn cảnh này, xin nhắc lại câu hát của nhạc sĩ Tiến Luân: Nhiễu điều mà thương dân ta lắm nỗi đoạn trường…
Thời gian sau này, Phương Mỹ Chi hát lại bài hát và cũng rất được yêu thích:
Click để nghe Phương Mỹ Chi hát
Đông Kha – nhacxua.vn