Hoàn cảnh sáng tác “Lời Buồn Thánh” (Trịnh Công Sơn) và sự thực về hình bóng giai nhân trong bài hát

Năm 1964, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tốt nghiệp sư phạm Qui Nhơn và được bổ nhiệm lên Lâm Đông để làm trưởng giáo một trường sơ cấp chỉ có ba lớp với học sinh hầu hết là con em người Thượng.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nơi nhạc sĩ ở trọ lọt thỏm giữa một vùng xung quanh là dốc núi mù sương, cách không xa nhà thờ. Vào những chiều Chúa Nhật buồn, có thể nghe được tiếng chuông dồn dập từng hồi thúc dục con chiên đến giáo đường. Đó cũng là thời gian mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu sáng tác rất nhiều bài hát nổi tiếng, trong đó có bài Lời Buồn Thánh.

Ở trọ cùng nhạc sĩ họ Trịnh khi đó là một bạn đồng môn, đồng nghiệp, tên là Nguyễn Thanh Ty. Ông Ty có tả lại quang cảnh và thời gian đó như sau:

“Những ngày bó gối nằm nhà, Sơn thường ngồi tư lự trước bàn viết duy nhất dành cho cả hai soạn bài dạy, nhìn ra con đường đất đỏ. Mùa này, bông lau nở trắng xóa khắp nơi, dọc theo con đường dốc chạy dài từ trong buôn ra tới quốc lộ, băng ngang trước nhà chúng tôi. Buổi chiều, những cơn gió nồm thổi nhẹ tới từng cơn, lướt qua rừng bông lau, xô chúng ngả nghiêng xuống, rồi chúng bật dậy, tạo thành những âm thanh xào xạc nhè nhẹ, đều đều, buồn buồn.

Chiều xuống dần, những vạt nắng cuối cùng chiếu xiên trên ngọn bông lau, lấp lánh sáng ngời. Gió lắng dần, không gian trở nên im ắng, tĩnh mịch. Chợt tiếng kèn đồng xa xa vẳng lại, lúc nghe, lúc mất thật hiu hắt buồn. Đó là lúc cô nữ sinh hàng xóm, cô Ngà, đúng giờ đi lễ. Chuông nhà thờ đang dồn dập từng hồi thúc giục con chiên đến giáo đường. Thật đúng như tên đặt, da cô trắng ngà, người mảnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, khuôn mặt phảng phất như Đức mẹ Maria. Rất dịu dàng trong dáng đi, mỗi buổi chiều cô đi lễ, đều đi ngang nhà chúng tôi. Hai tay ấp quyển Kinh Thánh trước ngực, đầu hơi cúi xuống, lặng lẽ, khoan thai bước.

Với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Sơn đã thành công khi đưa tất cả những âm thanh mơ hồ của ngàn lau, của tiếng kèn đồng, tiếng chuông nhà thờ cùng dáng yểu điệu của cô Ngà hòa nhập với gió chiều nhè nhẹ để cấu thành chất liệu tuyệt vời tạo nên nhạc phẩm Lời Buồn Thánh”.


Click để nghe 2 nam danh ca Duy Trác và Sĩ Phú cùng song ca Lời Buồn Thánh trước 1975

Chiều Chúa Nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Trời mưa, trời mưa không dứt
Ô hay mình vẫn cô liêu.

Chiều Chúa Nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Nghe tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Bạn bè rời xa chăn chiếu
Bơ vơ còn đến bao giờ…

Theo lời bài hát, thì đó là những buổi chiều nằm trên căn gác đìu hiu. Tuy nhiên theo ông Ty cho biết đó chỉ là cách thi vị hóa lời nhạc, chứ nơi ở trọ không phải là một căn gác nhỏ như khán giả thường nghĩ đến khi nghe câu hát này, mà đó lại là một căn villa tương đối tiện nghi. Bên cạnh nhà trọ này có một dãy chung cư, là nơi ở của những gia đình công chức của ty Công Chánh, trong đó có gia đình cô Ngà.

Theo mô tả của ông Ty, cô Ngà đẹp, có gương mặt thánh thiện như Đức Mẹ Maria, làm mê đắm những anh giáo ở trong căn nhà trọ kia mỗi khi cô đi qua:

Chiều chúa nhật buồn
Nằm trong căn gác đìu hiu
Tôi xin em năm ngón tay thiên thần
Trong vùng ăn năn, qua cơn hờn dỗi
Tôi xin năm ngón tay em đưa vào cô đơn.

Bài hát chỉ thoáng nói về giai nhân qua câu hát “năm ngón tay thiên thần”, được lấy cảm hứng từ dáng ngọc thoát tục của cô Ngà. Đối với nhiều chàng trai, bàn tay thon dài của thiếu nữ luôn có một hấp lực ghê gớm, gợi những khát khao vô bờ. Có lẽ một phần là bởi vì khi có thể nắm được tay nàng, cũng có nghĩa là đã chiếm lĩnh được trái tim nàng.

Cũng theo mô tả của ông Ty thì cô Ngà đi lễ mỗi chiều ngang qua nhà trọ, hai tay ôm quyển Thánh Kinh trước ngực. Hình dáng quen thuộc đó đã thu hút ánh nhìn say mê dõi theo của những chàng trai từ gác lầu căn nhà trọ.

Cô Ngà lúc 15 tuổi

Tuy nhiên đã có những sự nhầm lẫn đến từ chính ông Ty cũng như nhạc sĩ họ Trịnh.

Khi người viết bài này liên lạc được với cô Ngà, hiện vẫn đang ở Sài Gòn, cô Ngà nói rằng cô theo đạo Phật chứ không phải Công giáo, nên ngày đó cô không đi lễ nhà thờ như những người trong căn nhà trọ Bảo Lộc năm xưa cùng lầm tưởng. Thời điểm đó, cô Ngà chỉ mới 15 tuổi, mỗi buổi chiều trong tà áo dài trắng ôm sách đi học về, chứ không phải là ôm cuốn Thánh Kinh đi lễ nhà thờ như ông Ty đã viết.

Cô Ngà cũng nói rằng trong 4 người ở nhà trọ đó, chỉ có ông Ty là từng bày tỏ tình cảm yêu mến đối với mình, còn Trịnh Công Sơn với cô Ngà chưa từng có mối quan hệ thân thiết nào, ngoài những lần hiếm hoi Trịnh Công Sơn cùng với ông Ty đến nhà cô chơi.


Click để nghe Lệ Thu hát Lời Buồn Thánh trước 1975

Cũng xin nói thêm rằng thời điểm đó, nhạc sĩ họ Trịnh vẫn thư từ qua lại với Dao Ánh, nên hình bóng cô Ngà trong bài hát Lời Buồn Thánh chỉ là sự thoáng qua rất mong manh hư ảo. Mỗi buổi chiều, nhìn thấy dáng áo trắng thiếu nữ bước ngang qua mà ông ngỡ là đang đi lễ nhà thờ, cộng với việc thấu hiểu tình cảm của người bạn ở chung là ông Ty dành cho cô gái còn rất nhỏ tuổi đó, bài hát Lời Buồn Thánh đã ra đời. Bóng dáng thiên thần của giai nhân chỉ là một điểm xuyết để cho ca từ bài hát được thăng hoa, chứ không hẳn là có những tình ý thực sự nào ở ngoài đời.

Cô Ngà còn nói thêm rằng thuở đó cô còn nhỏ tuổi rất vô tư, cũng không bao giờ có thể nghĩ rằng bài hát Lời Buồn Thánh danh tiếng kia lại có chút liên quan gì đến mình. Mãi đến năm 2018, cô mới biết về thông tin này, thông qua một người quen ở Bảo Lộc, cũng như qua bài viết kể lại của ông Nguyễn Thanh Ty, hiện nay là nhà văn sống ở Hoa Kỳ.


Click để nghe Bạch Yến hát Lời Buồn Thánh trước 1975

Bài hát Lời Buồn Thánh sau đó được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi về Sài Gòn và ngay lập tức nổi tiếng ở khắp các phòng trà qua giọng hát Bạch Yến – Khi đó cũng vừa mới trở về sau khi đi du học ở trời Âu.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version