Hoàn cảnh sáng tác “Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa” (nhạc sĩ Tô Vũ) – Tuyệt phẩm trữ tình lãng mạn của thập niên 1940

Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa là một nhạc phẩm trữ tình nổi tiếng của nhạc sĩ Tô Vũ được sáng tác từ năm 1947, được đánh giá là một trong những tuyệt phẩm của Tân nhạc Việt Nam thời kỳ đầu.


Click để nghe danh ca Anh Ngọc hát Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa trước 1975

Nhạc sĩ Tô Vũ sáng tác không nhiều, nhưng ông đã có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của âm nhạc Việt. Ngay từ thập niên 1940, nhạc sĩ Tô Vũ (tên thật là Hoàng Phú) cùng với anh trai là nhạc sĩ Hoàng Quý đã phôi thai thành lập nên nhóm “Đồng Vọng” để cùng sinh hoạt văn nghệ và sáng tác nhạc. Nhóm lôi kéo được sự đóng góp và tham gia của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Canh Thân, Phạm Ngữ, Văn Cao,…

Bên cạnh thể loại nhạc hùng ca, vui tươi, khoẻ khoắn, nhóm còn cho ra đời loại “nhạc tâm tình”, tức những bài nhạc tình, nhạc lãng mạn. Tuy nhiên, nhưng bản nhạc tình này không được in vào trong những tập nhạc “Đồng Vọng” của nhóm mà chỉ phổ biến hạn hẹp, truyền tay nhau trong các nhóm bạn bè tri kỷ. Bên cạnh công việc sáng tác, Tô Vũ còn là một giáo sư, nhà nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc. Ông giữ vai trò quan trọng trong việc tham gia xây dựng và phát triển các trường, viện âm nhạc tại Việt Nam, đào tạo ra nhiều thế hệ nhạc sĩ, ca sĩ sau này.

Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 năm 2002, nhạc sĩ Tô Vũ từng chia sẻ rằng đó là một câu chuyện có thật của chính ông. Câu chuyện được nhạc sĩ kể lại rất dễ thương như sau:

“Bản nhạc được tôi viết năm 1947, khi đơn vị tuyên truyền huyện Kiến An chúng tôi tiếp nhận 3 nữ cứu thương của huyện Tiên Lãng đi phục vụ chiến đấu bị lạc đường. Tôi và 2 người bạn ở trong một ngôi đình. Khi chúng tôi tập hát thì các cô này rủ nhau tới xem. Thoạt đầu họ còn e dè nhưng sau đó cũng nhận lời tập múa hát chung với chúng tôi. Trong đó, một cô hát rất hay và vững nhịp nên thường song ca với tôi. Mỗi lần đi biểu diễn, tiết mục của chúng tôi được hoan hô nhiều nhất. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau thì ba cô gái này phải trở về đơn vị cũ, cách chỗ tôi khoảng 8 km. Khi chia tay, chúng tôi ước hẹn sẽ sang thăm nhau vào chủ nhật mỗi tuần. Nếu họ không qua thì ba đứa tôi sang, nếu cả hai bên cùng sang thì sẽ gặp nhau ở giữa đường, bởi là đường độc đạo và phải qua một bến sông. Hôm ấy trời mưa, chúng tôi không thể sang bên kia thăm được. Buổi chiều trời vẫn mưa. Tôi đang “trụ trì” ngôi đình (hai ông bạn kia đã đi chơi) thì đột nhiên “em” một mình đội mưa đến. Xúc động đến bồi hồi, tôi đã viết: 

Em đến thăm anh một chiều đông
Em đến thăm anh một chiều mưa
Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều
Em đến thăm anh, người em gái…

Ở chữ “gái”, tôi chọn nốt “si bémol” (si giáng) lửng lơ mà khi hát lên, nghe rất… nũng nịu, không chút gì giống với “người em gái” bình thường cả. Tuy nhiên, theo thời gian tôi không tài nào nhớ nổi người nào trong số 3 cô gái đã “hiện ra” trong buổi chiều mưa năm ấy. Sau này, tôi cũng đã lần lượt gặp lại từng “cố nhân”. Có người nhận “là em đấy!” nhưng tôi không tin. Có người lại chối phắt, người còn lại thì không tiện hỏi… đành phải tan giấc mơ hoa: 

Ta ước mơ một chiều thêu nắng
Em đến chơi quên niềm cay đắng và quên… đường về!”

Câu chuyện kể về “giấc mơ hoa” mờ ảo trong quá khứ của nhạc sĩ dù chẳng thể hé mở ra gương mặt, tên tuổi, vóc dáng của “người em gái” xưa. Nhưng nào có hề gì, bởi chỉ cần nghe những lời ca dìu dặt, mộng mơ được nhạc sĩ viết lại trong cơn xúc động cũng đã đủ cho những hình dung, suy tưởng ngọt ngào trong lòng người thưởng nhạc:

Em đến thăm anh một chiều đông
Em đến thăm anh một chiều mưa
Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều

Em đến thăm anh,
Người em gái
tà áo hương nồng,
Mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh 

Em đến thăm anh chiều đông giá
Em đến thăm anh trời mưa gió
Đường xa lạnh lùng
Mặt nhìn mặt, cầm tay bâng khuâng không nói một câu
Lời nghẹn ngào, hồn anh như say như ngây, vì đâu? 


Click để xem video Sĩ Phú – Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa năm 1984

Cuộc gặp gỡ của đôi trai gái diễn ra trong một hoàn cảnh đầy chất xúc tác. Giữa chiều đông lạnh, “mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều”, chàng nhạc sĩ trẻ hẳn là đang một mình thẩn thơ với nỗi buồn vắng hoang lạnh xung quanh, thì cô gái bất ngờ xuất hiện, một mình, đội mưa tìm đến: “tà áo hương nồng, mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh”. Hẳn là chàng trai đã vô cùng xúc động trước tấm chân tình của cô em gái mà chàng đã thầm để ý.

Trong nguồn cảm xúc dâng trào, họ nắm tay nhau, nhìn nhau đầy thấu hiểu nhưng “không nói một câu” bởi mọi ngôn từ đều tắc tịt, “nghẹn ngào” và bởi trái tim loạn nhịp đã chiếm giữ lý trí khiến “hồn anh như say như ngây”. Cả đoạn hát, nhạc sĩ sử dụng những ca từ nhẹ nhàng, giản dị nhưng giai điệu thì đắm đuối, da diết lột tả trọn vẹn cõi lòng của đôi trai gái “tình trong như đã mặt ngoài con e”.

Gió đưa cánh chim trời
Đó đây cách xa vời
Chiều vui mưa lạc cánh 

Khá thương kiếp bềnh bồng
Dẫu khắng khít đôi lòng
Chiều nào em xa anh?

Tuy nhiên, niềm vui gặp gỡ nhanh chóng bị xâm lấn bởi những cảm xúc âu lo, ái ngại. Bởi trong hoàn cảnh tao loạn, cả chàng trai và cô gái đều chẳng thể biết được ngày mai còn có thể gặp lại hay không, chẳng biết rồi cuộc đời, công việc, những nhiệm vụ sẽ đưa đẩy họ đi đâu về đâu. “Dẫu khăng khít đôi lòng”, chàng trai vẫn không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến tương lai: “Chiều nào em xa anh?”

Có hay lúc em về
Gót chân bước reo âm thầm
Trên đường một mình ngoài mưa 

Hình ảnh cô gái với đôi chân reo vui trở về một mình giữa cơn mưa sau khi từ biệt chàng trai được nhạc sĩ phác hoạ thật đẹp. Nhưng đối lập với hình ảnh đáng yêu đó là nỗi buồn dầm dề như cơn mưa rả rích phủ xuống tâm hồn người đứng trông theo:

Mưa như mưa trong lòng anh
Lòng bồi hồi nhìn theo chân em chìm trong ngàn xanh 

Và chàng trai ước rằng:

Ta ước mơ một chiều thêu nắng
Em đến chơi quên niềm cay đắng
…và quên… đường về

Giá như chẳng có cơn mưa kia, giá như chẳng có những cay đắng, rào cản, giá như cô gái không phải trở về, giá như cô quên mất… đường về…

Ca khúc khép lại bằng những lời ca bềnh bồng mang theo niềm ước ao khôn nguôi của chàng trai trẻ. Cuộc gặp gỡ chóng vánh để lại bao cảm xúc, quyến luyến đã nhanh chóng kết thúc bằng một cuộc chia ly vội vã không kém, để lại bao tiếc nuối, nhớ nhung cho chàng nhạc sĩ trẻ.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version