Hoàn cảnh sáng tác đặc biệt của ca khúc Người Về (nhạc sĩ Phạm Duy) – “Me có hay chăng con về, chiều nay thời gian đứng im để nghe”

Tháng 7 năm 1954, sau khi đã định cư ở Sài Gòn được khoảng 2 năm, nhạc sĩ Phạm Duy giã từ gia đình, vợ con để lên đường sang Pháp du học, mong muốn tiếp cận tinh hoa nhạc học của thế giới.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhạc sĩ Phạm Duy xa quê hương trong thời điểm rất đặc biệt, vì cũng trong tháng 7 của năm đó, hiệp định Geneve được ký kết, với mục đích ban đầu là khôi phục hòa bình tại Đông Dương. Vì ý nghĩa tốt đẹp đó, ai cũng nghĩ rằng sau đó thì người lính được trở về nhà bên gia đình, sẽ được vĩnh viễn xa rời những miền ᴄhιến địa.

Từ trời Tây, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác ca khúc Ngày Trở Về để ghi dấu “ngày trọng đại” đó:

Ngày trở về, anh bước lê
Trên quãng đường đê đến bên lũy tre
Nắng vàng hoe,
vườn rau trước hè cười đón người về…

Sau đó không lâu, ông còn sáng tác một bài hát khác nữa có cùng chủ đề, đó là bài Người Về.

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong hồi ký như sau:

“Tôi học được nhiều điều trong những ngày làm quen với không khí kinh đô văn hoá là Paris này. Tuy nhiên, tò mò đi vào thế giới văn học và nghệ thuật của Pháp quốc, tôi vẫn chưa quên được Việt Nam. Vẫn còn bị ám ảnh bởi hình ảnh quê hương, tôi soạn bài Người Về trong một đêm đi một mình giữa Paris vắng lạnh. Bài này nói tới người mẹ, người vợ và đàn con trong bài Nhớ Người Ra Đi của thời kháng chiến, nay rất vui mừng khi thấy người đi đã trở về”.

Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng rưng lệ nhoè…


Click để nghe Thái Thanh hát Người Về trước 1975

Theo lời nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, ca khúc Người Về là phần nối tiếp theo của ca khúc Nhớ Người Ra Đi được ông sáng tác năm 1947. Sau ca khúc viết cho người lính ra đi diệt thù, 7 năm sau đó ông đã cho người lính đó được trở về với mẹ già, trong vòng tay người vợ hiền và đàn con thơ. Cả 2 bài hát đều có 3 lời riêng biệt, viết cho người mẹ, người vợ, và người con.

Hình bóng mẹ già trong bài Nhớ Người Ra Đi là:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già…
Cầu cho đứa con trai
Ở đâu đó con ơi, được vui…

Người vợ:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền…
Rồi em nhớ em mong
Chờ chiến sĩ xa xăm lập công…

Và đàn con:

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ…
Rằng: Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho con, mẹ ơi…


Click để nghe Thái Thanh hát Nhớ Người Ra Đi trước 1975

Thời điểm bài hát ra mắt vào cuối thập niên 1940, Nhớ Người Ra Đi đã gây được xúc động mạnh đối với những người vợ, người mẹ có người thân ra trận. Những bà mẹ quê tiễn con ra đi, chắc chắn là ai cũng mong con sẽ được lành lặn trở về, hoặc ít nhất là: “Cầu cho đứa con trai. ở đâu đó con ơi, được vui…”

Từng là một người trong cuộc, nhạc sĩ Phạm Duy rất hiểu điều đó, nên ông đã cho người về đoàn tụ bên gia đình bằng bài hát Người Về khi nghe tin hiệp định Geneve được ký kết:

Me có hay chăng con về
Chiều nay thời gian đứng im để nghe
Nghe gió trong tim tràn trề
Nụ cười nhăn nheo bỗng rưng lệ nhoè

Con thấy me yêu đã già
Hẳn là miền quê những năm vừa qua
Chiếc bóng in trên vách nhà
Một ngày một đêm tóc sương phai mờ

Bài hát được viết trên cung Rê trưởng, nét nhạc uyển chuyển và tha thiết, trong lời nhạc hân hoan có cả sự ngậm ngùi. Miền quê đã âm thầm và lặng lẽ trong một quãng thời gian quá lâu, nay được bừng dậy khi người con xa trở về. Hình ảnh “chiếc bóng in trên vách nhà” đã tô đậm sự đơn độc và tủi buồn của người mẹ già đã tóc sương phai mờ trong thời gian dài chờ đợi.

Những đêm dài hãi hùng của quê hương rồi cũng qua đi, trong giây phút sum vầy vỡ òa hạnh phúc, người lính bỗng rưng rưng khi thấy được niềm vui trong nụ cười nhăn nheo và mắt lệ nhòe của mẹ già. Cũng giây phút đó, chàng cựu binh chạnh nhớ về những đồng đội thiếu may mắn của mình nay đã thành những linh hồn vắng nhà. Tiếng chuông chùa thoáng ngân vang từ nơi xa vời như là làm cho thời gian lắng đọng lại trong giây phút thiêng liêng:

Me ơi, me ơi, chuông chùa nào la đà
Nhớ tới, nhớ tới những linh hồn vắng nhà
Một vòng hương trắng xóa
Tình nồng trong thương nhớ
Gửi người chiến sĩ ᴄҺết trong xa mờ…

Ở đoạn tiếp theo là hình ảnh xúc động của vợ đón chồng về:

Em có hay chăng anh về
Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê
Ai dám mong chi xuân về
Nào ngờ vườn đêm có bông hoa kề

Người vợ nhìn chồng đã về đứng ngay nơi đầu ngõ mà tưởng như là cơn mộng đẹp nhất trần đời. Hình ảnh ẩn dụ bông hoa kề trong vườn đêm thật là tuyệt diệu, và mùa xuân ở đây không phải là mùa xuân của đất trời, mà là xuân trong lòng người vợ trẻ được đón chồng về sau những đêm trường tưởng như là dài vô tận, và đó chính là mùa xuân đẹp nhất của đời người.

Trong phút giây hân hoan cũng có xen chút nỗi ngậm ngùi, đoái thương cho những ai vẫn khổ đau vì chia cách: “Buồn vì ai đó khóc ai trong chiều”. Bởi vì không phải người vợ nào cũng may mắn thấy lại được chồng, vì đã có rất nhiều ᴄhιến sĩ đã ngã xuống ở nơi xa mờ, nên tình cũng thành tơ liễu mong manh giữa dòng đời nước cuốn.

Anh nhớ những khi não nề
Sầu trên nẻo xa chắn ngang đường đi
Nhưng nước non chưa yên bề
Thì đành tình duyên gác bên lời thề

Em ơi, em ơi xích lại gần đây nào
Nhớ tới, nhớ tới những duyên và số nghèo
Trời làm cơn mưa bão, tình người như tơ liễu
Buồn vì ai đó khóc ai trong chiều…

Đoạn cuối cùng là lời thương xót cho con của người cha đã bao tháng năm dài biền biệt:

Con có hay chăng cha về,
Lời ca hồn nhiên líu lo ngoài kia
Chinh ᴄhιến đã qua một thì,
Tuổi thơ nở trên biết bao ê chề

Làm cha mẹ thì ai cũng mong cho con mình được lớn lên giữa trời yên vui, trong vòng tay ấm áp của cả mẹ lẫn cha. Nhưng mà trong trường thiên lịch sử nước Việt, đã có biết bao thế hệ phải lớn lên trong thời khói lửa loạn lạc, tuổi thơ không được nở thắm tươi trên mảnh đất thanh bình mà phải chịu biết bao ê chề. Dù vậy thì trẻ con thì vẫn hồn nhiên, vẫn líu lo, cứ vậy mà lớn lên theo số mệnh định sẵn. Trong niềm xót xa, người cha nay đã trở về mong muốn bù đắp lại bội phần cho đàn con thơ:

Thôi đã hết cơn chia lìa,
từ nay mầm non lớn trong tình quê
Như gió thu sau tháng hè,
thổi về ruộng nâu lúa tươi xanh rì

Con ơi, con ơi tiếng cười nở chan hòa
Nhớ tới, nhớ tới biết bao trẻ thiếu nhà
Ngoài đường trời đông giá
Một đàn chim nhỏ bé
Gọi về chia sớt miếng cơm khoanh cà…

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version