Hoàn cảnh sáng tác của “Ai Về Sông Tương” (Thông Đạt) – Sông Tương là con sông nào?

“Ai Về Sông Tương” là bài hát nổi tiếng nhất của Thông Đạt, một bút danh khác của nhạc sĩ Văn Giảng. Bài hát được sáng tác năm 1949 ở Huế và được nhạc sĩ Mạnh Phát hát lần đầu trên đài Pháp Á. Lúc bấy giờ, Mạnh Phát là một trong những ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng nhất thập niên 1940 – 1950.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Mạnh Phát hát Ai Về Sông Tương, bản thu âm thập niên 1950 trong dĩa Phillips

Hơn 70 năm trôi qua, nhưng Ai Về Sông Tương vẫn được nhiều thế hệ yêu thích. Có lẽ là bởi lời hát tha thiết, êm đềm như lời tình tự mà những người yêu nhau muốn gửi đến cho nhau:

Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mộng say dịu êm…


Click để nghe Hà Thanh hát Ai Về Sông Tương trước 1975

Nhạc sĩ Văn Giảng vốn sinh trưởng và làm việc ở Huế trước khi chuyển vào Saigon sau sự kiện Mậu Thân 1968. Nơi ông sống có dòng Hương Giang hiền hòa thơ mộng. Tuy nhiên bài hát nổi tiếng nhất của ông lại là “Ai Về Sông Tương” chứ không phải là “Ai Về Sông Hương”. Vì sao lại như vậy?

Nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt)

Khi tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác của bài hát nay, người viết tình cờ bắt gặp bài viết của một học trò cũ của nhạc sĩ Văn Giảng tại Huế. Người này cho biết là khi nhạc sĩ Văn Giảng đứng lớp giảng dạy, ông thường kể về các giai thoại âm nhạc. Một lần, nhạc sĩ cao hứng kể về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc “Ai Về Sông Tương”. Câu chuyện như sau:

Thời trẻ, Văn Giảng ở trong Thành Nội và yêu một cô gái bên làng Kim Long. Làng này nằm bên bờ sông Hương, nổi tiếng có nhiều cô gái đẹp được các đời vua Nguyễn tuyển chọn vào cung. Đời vua Thành Thái còn có câu ca dao:

Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi

Ngay cả nhà vua mà còn si mê như vậy, huống hồ là anh chàng mới lớn Ngô Văn Giảng. Tuy nhiên, duyên không thành vì gia đình nho phong của cô gái không có cái nhìn thiện cảm với những người nghệ sĩ trong ngành âm nhạc, vốn bị người đời gán cho cái tội “xướng ca”. Vậy là họ chia tay và cô gái đi lấy chồng.

Nhiều năm sau, nhạc sĩ Văn Giảng vào rạp cine Tân Tân ở gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc Sông Hương để coi phim “Bé Nhà Trời” (Les enfants du paradis). Bỗng ở hàng ghế trước mặt, ông thấy một cô gái tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa Ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long khi xưa. Nhạc sĩ Văn Giảng bị xúc động mạnh đến nỗi không thể ngồi lại lâu hơn trong rạp chiếu bóng để xem phim. Ông vội vàng ra khỏi rạp, rồi cỡi chiếc xe đạp Dura Mercier của mình chạy xe dọc theo bờ sông Hương đến cửa Thượng Tứ để về nhà ở Thành Nội.

Trong thoáng chốc, dòng sông Hương hiện ra như dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư Trung Quốc. Về đến nhà, nhạc sĩ thả ngay chiếc xe đạp ngoài hiên, rồi vội vã vào nhà lấy giấy bút, hoàn thành bản nhạc bằng tất cả những hoài niệm và xúc cảm chấn động dị thường như thể có phép màu. Bản nhạc Ai Về Sông Tương được nhạc sĩ cấp tốc hoàn thành chỉ trong vòng mười lăm phút!

Hình vợ chồng nhạc sĩ Văn Giảng chụp năm 1949

Với bài hát này, nhạc sĩ Văn Giảng ký tên là Thông Đạt, ghép từ pháp danh Nguyên Thông của ông và Tâm Đạt của người vợ, rồi gởi đến đài phát thanh toàn quốc là đài Pháp Á. Bài hát với tiếng hát Mạnh Phát đã được giới sinh viên, học sinh đón nhận nồng nhiệt.

Phần giới thiệu ca sĩ Mạnh Phát phía sau bìa tờ nhạc

Khi nhạc sĩ Văn Giảng kể xong câu chuyện về hoàn cảnh sáng tác này của bài Ai Về Sông Tương, có một học trò xung phong hỏi:

“Thưa Thầy, tại sao mình có sông Hương, mình cũng có Hương giang đầu, Hương giang vỹ mà Thầy lại phải vay mượn sông Tương của Tàu như rứa ạ?”

Nghe xong thì nhạc sĩ Văn Giảng cắt nghĩa là vì sông Hương chưa có câu chuyện tình nào nổi tiếng trong tình sử như sông Tiêu Tương. Dòng Tương Giang là một con sông nổi tiếng của Trung Hoa, bắt nguồn từ núi Duyên Hải, chảy qua Hồ Nam dài hơn hai ngàn dặm. Ý nghĩa của tựa đề “Ai Về Sông Tương” là bắt nguồn từ cảm hứng của bốn câu thơ tình sử, trích từ khúc Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, đời Hậu Chu.

Đời Hậu Chu (907- 955) thời Ngũ Đại, ở vùng sông Tiêu Tương tỉnh Hồ Nam có nàng Lương Ý vừa đẹp lại hay chữ. Nhà nàng có chàng Lý Sinh hàn sĩ phong lưu tuấn tú ở trọ. Có lần hai người gặp nhau lúc đi ngắm trăng, trai tài gái sắc tâm đầu ý hợp nên sau đó thường hay lui tới và đem lòng yêu nhau. Cha của Lương Ý là Lương Công hay chuyện, rất tức giận bèn đuổi Lý Sinh đi.

Ý Nương đau đớn, thương nhớ rồi đổ bệnh. Nàng làm bài Trường Tương Tư để gởi gắm niềm tâm sự của mình. Lý Sinh nhận được bài thơ cảm xót vô cùng, chàng nhờ người mai mối đến năn nỉ với Lương Công xin hỏi cưới Ý Nương. Ban đầu Lương Công còn dùng dằng nhưng sau đọc được bài thơ này của con gái mình, ông cảm động mà chấp nhận cho hai người nên duyên.

Bốn câu thơ trích trong bài Trường Tương Tư mà nhạc sĩ Văn Giảng lấy cảm hứng viết thành Ai Về Sông Tương, đó là:

Ngã tại tương giang đầu,
Quân tại tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm tương giang thủy.

(Đầu sông Tương em đợi
Cuối sông Tương chàng mong
Nhớ nhau mà chẳng gặp
Cùng uống nước chung dòng)

Thông tin bên trên được tác giả Trần Kim Đoàn, học trò cũ của nhạc sĩ Văn Giảng viết.

Ông còn cho biết thêm, khi gặp lại Văn Giảng năm 1963, lúc này nhạc sĩ vẫn còn sinh sống ở Huế, lúc 2 thầy trò đang đi đò Thừa Phủ ra giữa sông Hương, học trò đã hỏi thầy Văn Giảng để bắt chuyện:

“Thưa Thầy, đã có ai về sông Tương chưa ạ?”

Nhạc sĩ cười đáp lại:

“Đối với tôi thì sông Tương là sông Hương. Tôi chỉ mong cuối đời về lại con sông này…”

Vậy là nhạc sĩ Văn Giảng cũng thừa nhận rằng sông Tương với sông Hương, với ông tuy 2 mà là 1. Mượn sông Tương để nói chuyện sông Hương. Ông chỉ mong cuối đời về lại được con sông này, nhưng ước nguyện không thành. Ông định cư ở Úc từ khoảng đầu thập niên 1980 rồi mất tại đây năm 2013, hưởng thọ 89 tuổi.


Click để nghe Hùng Cường hát Ai Về Sông Tương trước 1975

Liên quan tới ca khúc Ai Về Sông Tương còn có một câu chuyện khá thú vị do nhạc sĩ Lê Dinh – một người bạn với nhạc sĩ Văn Giảng từng nhiều năm cùng làm việc chung ở đài phát thanh Sài Gòn – kể lại:

Thập niên 1940 – 1950 ở Huế, ông Tăng Duyệt khi đó là giám đốc nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế (Khác nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam ở Saigon do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo làm giám đốc). Nơi in ấn và phát hành số lượng nhạc phẩm khá ít ỏi của thời đó.

Là nhạc sĩ, Văn Giảng có mối quan hệ khá thân thiết với ông Tăng Duyệt. Một số hành khúc của nhạc sĩ Văn Giảng đều do nhà xuất bản Tinh Hoa Huế của ông Tăng Duyệt ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ngụ ý bảo rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi, những bản tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.

Nhạc sĩ Văn Giảng nghe xong không nói gì, chỉ về nhà và âm thầm lấy giấy bút viết bài “Ai Về Sông Tương”, không ghi tên tác giả là Văn Giảng như mọi khi mà đề tên tác giả là Thông Đạt – một bút hiệu mới toanh trong làng tân nhạc Việt Nam thời đó.

Bản “Ai Về Sông Tương” được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế và Saigon. Bản nhạc được phát trên đài phát thanh khắp cả nước, rồi nhanh chóng trở nên được yêu thích bởi những ca từ đậm chất thơ, mềm mại và dịu êm:   

Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương, bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn, mong vài lời em ngập hương


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Ai Về Sông Tương

Bài hát đã tạo được một hiện tượng thời đó, rất nhiều khán giả yêu tân nhạc muốn tìm nhạc bản để tập đàn, tập hát. Ông Tăng Duyệt là giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa, dĩ nhiên là rất quan tâm đến việc đó. Một lần ông gặp nhạc sĩ Văn Giảng, bèn để hỏi thăm rằng có biết nhạc sĩ Thông Đạt là ai không để ông thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc phẩm Ai Về Sông Tương. Nghe vậy, nhạc sĩ Văn Giảng tảng lờ như không biết Thông Đạt là ai.

Một hôm, hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ đến nhà Văn Giảng chơi, tình cờ nhìn thấy bản thảo bài “Ai Về Sông Tương” trong xấp nhạc trên bàn, nên bèn nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông này mới lái xe ngay tới nhà Văn Giảng, và vài ngày sau đó, giới ngưỡng mộ tân nhạc mới có một bản nhạc tờ được phát hành của ca khúc Ai Về Sông Tương trong tay, để mà ngân nga cho đỡ thương nhớ những khi trái tim rung động vì một bóng hình nào đó:

Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương, mối tình tôi vẫn cô đơn
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên, hương tình mộng say dịu êm 

Chính nhờ những lời ca giàu chất thơ, bay bổng, lãng mạn này mà Ai Về Sông Tương ngay từ khi ra mắt đã được thính giả Đài phát thanh Pháp Á bình chọn là bài hát hay nhất năm 1949. Dù được sáng tác khá muộn, nhưng Ai Về Sông Tương thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến, bởi chất nhạc bàng bạc, mang hơi hướm cổ phong với những mùa thu lê thê, sầu mộng rất đặc trưng:

Bao ngày qua, Thu lại về mang sầu tới
Nàng say tình mới hồn tôi tơi bời
nhìn hoa cười đón mừng vui duyên nàng
Tình thơ ngây từ đây nát tan 

Hoa ơi! Thôi ngưng cười đùa lả lơi
Cùng tôi buồn đắm đừng vui chi tình
Đầy bao ngày thắm dày xéo tâm hồn này
Lệ sầu hoen ý thu

Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương, sao đành nỡ dứt tơ vương
Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ
Dây tình tôi nắn cung tơ, rút lòng sầu trách người mơ

Cái hay nhất của nhạc phẩm Ai Về Sông Tương là dù viết cho “mối tình thơ ngây nát tan” nhưng người nghe không hề cảm thấy nặng nề, bi luỵ, thê thiết mà chỉ thấy một nỗi buồn thanh tao, chừng mực phảng phất trên nền nhạc du dương, nhẹ nhàng và sang trọng.

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version