Hoàn cảnh sáng tác ca khúc Tình Lỡ (Thanh Bình) – “Có còn lại chăng dư âm thôi…”

Năm 1970, đạo diễn Lê Mộng Hoàng tung ra bộ phim điện ảnh tình cảm, tâm lý xã hội mang tên “Nàng”, dựa theo bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư. Bộ phim kể về cuộc đời của một cô gái mồ côi, bằng sự chân thành, tử tế và nghị lực sống cô đã từng bước vượt qua những khó khăn, gian khổ để bước vào đời. Bộ phim với sự góp mặt của minh tinh điện ảnh Thẩm Thuý Hằng và các tài tử Trần Quang, La Thoại Tân, ca sĩ Phương Hoài Tâm,… đã dành được giải Tượng Vàng tại Đại Hội Điện Ảnh Á Châu lần thứ 17 diễn ra tại Đài Loan.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Bài Tình Lỡ trong phim Nàng với minh tinh Thẩm Thúy Hằng, giọng ca Khánh Ly

Cùng với sự nổi tiếng của bộ phim “Nàng”, ca khúc chính trong phim là Tình Lỡ của nhạc sĩ Thanh Bình sáng tác với phần thể hiện của nữ ca sĩ Khánh Ly cũng được khán giả biết đến rộng rãi và yêu thích. Tuy nhiên không nhiều người biết rằng ca khúc này đã được sáng tác từ trước đó rất lâu (năm 1956), viết cho mối tình sâu sắc của chính nhạc sĩ Thanh Bình từ nhiều năm trước đó. Tác giả kể về hoàn cảnh sáng tác như sau:

“Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào. Tôi vào nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng 1 tháng sau tôi viết được bài Tình Lỡ (1956)…”.


Click để nghe Khánh Ly hát Tình Lỡ trước 1975

Thôi rồi còn chi đâu em ơi
Có còn lại chăng dư âm thôi
Trong cơn thương đau men đắng môi 

Yêu rồi tình yêu sao chua cay
Men nào bằng men thương đau đây
Hỡi người bỏ ta trong mưa bay 

Ngay từ đầu bài hát là hai chữ “thôi rồi” buông thõng, thể hiện tâm trạng bất lực, sầu não nặng nề của chàng nhạc sĩ khi hay tin người yêu đi lấy chồng mà chẳng thể làm gì, chẳng thể hỏi han được điều gì. Mối tình mật ngọt, quyến luyến ngày nào giờ đây chỉ còn lại những “dư âm”, chẳng còn hy vọng, mong cầu gì nữa. Sự cay đắng, chua chát, lạnh lẽo hằn lên từng câu chữ, nó không vần vũ bão tố mà dai dẳng, thấm sâu như những cơn mưa bay lạnh lẽo, sầu muộn, quây kín cõi lòng.

Phương trời mình đi xa thêm xa
Nghe vàng mùa thu sau lưng ta
Em ơi, em ơi! Thu thiết tha 

Ơi người vì ta qua phong ba
Có còn gì sâu trong tâm tư
Mắt lệ mờ hoen dư âm xưa 

Năm 1954, trong lần chia tay kẻ Bắc người Nam, dù là xa xôi nghìn trùng thì chàng nhạc sĩ vẫn còn mang niềm hy vọng rất mong manh là một ngày nào đó được tao ngộ. Nhưng rồi khi nhận được tin nàng đã lên xe hoa, thì tất cả còn lại chỉ là một nỗi tuyệt vọng không thể cứu vãn. Câu hát “Nghe vàng mùa thu sau lưng ta/ Em ơi, em ơi! Thu thiết tha” tô đậm thêm nỗi nhớ về cuộc tình sâu nặng nơi xứ Bắc, nơi có những mùa thu vàng vọt càng thêm da diết, trầm sâu.

Một vầng trăng vỡ đã thôi không theo nhau
Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau
Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi 

Những câu hát này thể hiện cái buồn thật sâu, nỗi tuyệt vọng đến tận cùng. Vầng trăng đã vỡ đôi và lại không còn theo nhau nữa, đó là hai lần khẳng định cho một tình yêu đã hoàn toàn không còn chút hy vọng nào.

Hình ảnh trăng vỡ đôi làm liên tưởng đến 2 câu trong Truyện Kiều mà chúng ta đều biết: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. Với Kiều và Thúc Sinh thì dù xa xôi vạn dặm thì vẫn còn có thể trông thấy nhau qua Trăng. Ánh trăng đó vừa theo nhau trên những dặm trường, lại cũng vừa soi sáng cô phòng. Nhưng ở Tình Lỡ thì đó là vầng trăng vỡ và cũng không còn theo nhau nữa, không cho cuộc tình này một chút hy vọng mong manh nào, dù chỉ là trong ảo tưởng.

Con đường mình đi sao chông gai
Bước vào đời nhau qua bao nay
Em ơi, em ơi! Sao đắng cay 

Thôi đành vùi sâu tâm tư thôi
Hết rồi còn chi đâu em ơi
Hết rồi còn chi đâu em ơi … 

Nhạc sĩ Thanh Bình sáng tác khá nhiều ca khúc, nhưng nổi tiếng và được yêu mến nhất vẫn là Tình Lỡ. Ông từng tâm sự, âm nhạc của ông luôn được phôi thai từ cảm xúc và hoàn cảnh thật, chứ không hề vay mượn. Khi viết ca khúc Tình Lỡ, Thanh Bình mới chỉ 24 tuổi nhưng những lời ca đã day dứt, sầu muộn, tê tái đến cào xé cõi lòng. Nhiều người cho rằng, chính những ca từ đau thương đậm chất thơ này đã vận vào cuộc đời tài hoa nhưng thăng trầm của ông sau này, khiến ông lâm vào tình cảnh bi thảm khôn cùng khi về già.

Ai đã từng biết đến nhạc sĩ Thanh Bình, hẳn sẽ biết dù nổi tiếng là điển trai và tài hoa từ thời trẻ nhưng trong đời sống riêng, ông là một kẻ phận bạc. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, ông phải phiêu dạt nhiều nơi khắp nơi trước khi chọn sinh sống ở Sài Gòn từ năm 1954. Kết hôn được vài năm thì vợ ông đột ngột bỏ đi khi con gái vừa tròn 3 tuổi, nhạc sĩ một mình gà công nuôi con trong hoàn cảnh vô cùng khó nhọc sau năm 1975.

Những năm cuối đời, ở tuổi 80, nhạc sĩ Thanh Bìnhvẫn phải sống trong căn nhà thuê tạm bợ cùng con gái và con rể. Khi người con gái chẳng may lâm cảnh nợ nần, tù tội, con rể hắt hủi đem bỏ ông ở bến Miền Đông với vài đồng bạc lẻ trong túi. Sau hơn nửa tháng sống lay lắt, cầm hơi ở bến xe, ông được người cháu ruột đón về chăm sóc nhưng cuộc sống cũng chẳng khá hơn bởi cô cháu gái cũng rất khó khăn.


Click để nghe Khánh Ly hát Tình Lỡ sau năm 1975

Trong bản nhạc tờ ca khúc Tình Lỡ phát hành năm 1969, nhạc sĩ Thanh Bình đã cho in 8 câu thơ do chính ông viết:

Thôi thế từ nay cách biệt rồi
Đường đôi lứa rẽ đôi nơi
Từ đây vĩnh viễn xa nhau mãi
Vĩnh viễn xa nhau đến trọn đời

Em có khi nào nhớ đến anh
Chỉ xin một phút lặng sau mành
Anh từ đây sẽ không yêu nữa
Để giữ trong anh một bóng hình

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version