Sự thật về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Người Ngoài Phố của nhạc sĩ Anh Việt Thu

Xin từ giã đường phố trắng mưa mau
Làm chim bay mỏi cánh
Nước mắt đêm tạ từ

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Thành phố cũ người yêu xưa
Còn đâu, còn đâu?
Giờ đây xin giã từ…

Người Ngoài Phố là ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Việt Thu, và cũng là 1 trong những ca khúc được yêu thích nhất của nhạc vàng. Nhạc sĩ Anh Việt Thu qua đời vì bạo bệnh từ năm 1975, nên hoàn cảnh, xuất xứ những sáng tác bất hủ của ông thường trở thành bí ẩn, hoặc được kể lại bởi những câu chuyện không thể xác thực. Thập niên 1980, nhà báo Lâm Tường Dũ ở hải ngoại đã xuất bản một cuốn sách nói về hoàn cảnh ra đời của những ca khúc nhạc vàng nổi tiếng. Điều đáng nói là hầu hết các câu chuyện về hoàn cảnh sáng tác được nhắc tới trong cuốn sách đó đều là câu chuyện tưởng tượng, không có thật, và những điều không có thật đó vẫn được truyền tụng cho tới nay, ví dụ như là hoàn cảnh ra đời ca khúc Người Ngoài Phố được ghi trong cuốn sách đó như sau:

Trong một ngày cuối tháng chạp, trời đang chuẩn bị vào xuân, dòng người nô nức qua lại trên đường phố. Nhưng với riêng nhạc sĩ Anh Việt Thu thì không như vậy. Ông vừa bước ra khỏi cửa hiệu của Hãng Dĩa Việt Nam ở đường Võ Di Nguy. Nơi đây đã từ chối cho ông vay tiền để sắm Tết, vì ông vẫn chưa trả hết nợ cũ, đã lâu rồi chưa có thêm sáng tác mới nào để bán.

Theo lời kể của người bạn của nhạc sĩ, lúc đó ông đang rất cần tiền để lo cho gia đình và trang trải dịp tết.

Bước ra đại lộ Lê Lợi trong một chiều cuối năm, dưới ánh nắng vàng nhạt, nhạc sĩ Anh Việt Thu ngồi lại bên đường nhìn dòng người đang náo nhiệt mua sắm trên phố mà xót thương cho hoàn cảnh của mình. Với áp lực kinh tế, cùng với sự tưởng tượng về một cuộc giã từ mối tình đầu, ông đã viết thành ca khúc Người Ngoài Phố ngay trong buổi chiều cuối năm để bán cho hãng dĩa, và có tiền để tiêu sắm Tết năm đó.

Nhờ “Người Ngoài Phố”, nhạc sĩ không những trả được nợ cũ, mà còn đủ tiền để cùng vợ con đón được một cái Tết đầm ấm, còn khán giả yêu nhạc vàng thì được thưởng thức một tác phẩm bất hủ.

Anh Huỳnh Hữu Việt Bằng – con trai của nhạc sĩ Anh Vệt Thu (tên thật là Huỳnh Hữu Kim Sang) cho biết câu chuyện bên trên hoàn toàn không có thật. Mồ côi cha từ lúc còn nhỏ, anh Việt Bằng chỉ có thể tìm hiểu về các ca khúc của nhạc sĩ Anh Việt Thu qua những người bạn của cha mình, một trong số đó là nhạc sĩ Thanh Sơn.

Trước khi Thanh Sơn qua đời không lâu, ông đã kể về hoàn cảnh sáng tác Người Ngoài Phố cho anh Huỳnh Hữu Việt Bằng biết. Đó là thời điểm khoảng năm 1970, nhạc sĩ Duy Khánh đang thực hiện chương trình 1000 bài ca hay, và hẹn 2 nhạc sĩ Thanh Sơn – Anh Việt Thu ra quán gặp, nói chuyện và “đặt hàng” sáng tác ca khúc mới để xuất bản. Mỗi người nhận lời sáng tác 2 ca khúc, và 1 trong 2 ca khúc của nhạc sĩ Anh Việt Thu lúc đó chính là Người Ngoài Phố.

 

Theo nhạc sĩ Thanh Sơn kể lại, ông còn được biết Anh Việt Thu đã nhớ lại mối tình đầu khoảng 10 năm trước đó để sáng tác ca khúc Người Ngoài Phố.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu học ở trường Quốc Gia Âm Nhạc năm 1957, khi 18 tuổi, và tốt nghiệp năm 1963 sau hơn 6 năm học tập và nghiên cứu và âm nhạc. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông về Tây Ninh dạy nhạc. Tuy nhiên trước khi tốt nghiệp thì ngay từ năm 1960, nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng đã có thời gian ngắn đi dạy ở vùng Lái Thiêu ở Bình Dương, vùng đất giáp ranh Sài Gòn. Vì lúc đó vẫn còn là sinh viên trường Quốc Gia Âm Nhạc nên Anh Việt Thu chỉ dạy 1 tuần 3 tiết.

Lúc đó giáo sư Trương Văn Di – Hiệu Trưởng trung học Trịnh Hoài Đức (Lái Thiêu) đã mời chàng sinh viên âm nhạc tài năng Huỳnh Hữu Kim Sang (tức nhạc sĩ Anh Việt Thu, lúc đó đã khá nổi tiếng với ca khúc Giòng An Giang) tới vùng An Mỹ để dạy môn âm nhạc cho các lớp trung học đệ nhất cấp ở phân hiệu trường An Mỹ nằm ở xã An Thạnh (Lái Thiêu).

Thời điểm đó Anh Việt Thu mới ngoài 20 tuổi, và ông đã có một chuyện tình đẹp nhưng dang dở trong thời điểm đang dạy học ở xã An Mỹ. Chuyện tình đã trở thành “tình duyên đã lỡ rồi” khi chàng nhạc sĩ trẻ tuổi đẹp trai vẫn còn tay trắng, đường tương lai mịt mờ, và chính thức kết thúc khi Anh Việt Thu không còn dạy học ở đây nữa.

Tròn 10 năm sau đó, ông nhớ lại chuyện tình đầu, cảm xúc năm xưa tràn về và sáng tác thành một ca khúc để đời.


Click để nghe Phương Đại hát Người Ngoài Phố – bản thu âm đầu tiên

Người thu âm ca khúc này đầu tiên trong dĩa nhựa của Hãng Dĩa Việt Nam là ca sĩ Phương Đại, sau này bài hát cũng được Thanh Tuyền và Hương Lan hát lại trong băng cối.

Xin nói thêm về khoảng thời gian ngắn Anh Việt Thu đi dạy ở trường An Mỹ (Lái Thiêu), theo bài viết của người đồng nghiệp thuở đó là Lê Hưng:

Tôi làm việc ở trường Cộng đồng An Mỹ từ năm 1960 đến 1963, cũng là thời gian nhạc sĩ Anh Việt Thu dạy âm nhạc ở phân hiệu An Mỹ. Nhóm giáo chức “mê văn nghệ” chúng tôi – gồm các anh Nguyễn Đồng Danh, Võ Trí Khôn, Lê Minh Cương, Trần Thế Kiệt, Nguyễn Văn Hiển, Nguyễn Kim Phụng, Lê Hưng… thường rủ nhau “khởi đầu hẹn hò” Anh Việt Thu AVT uống cà phê (sau mỗi tiết giảng) hoặc “kết thúc hẹn hò” là lai rai chút rượu (với vài món nhắm bình dân ở một quán nhỏ trong xã An Mỹ).

Sau này, khi tôi về nhận việc ở trường Cộng Đồng Búng (niên học 1963 -1964) thì ít gặp lại Anh Việt Thu, nhưng cũng chính năm này anh tốt nghiệp ưu hạng ở Quốc Gia Âm Nhạc Saigon (chuyên ngành hòa âm). Do được tiếp cận nhiều với Anh Việt Thu – mỗi khi anh về An Mỹ dạy học, tôi rất ấn tượng về phong thái hài hoà “sư phạm với nghệ sĩ tính”. Anh có phong thái mẫu mực thầy giáo, bình thường thì ai cũng nhận thấy Anh Việt Thu nhu hòa, cởi mở, trang phục luôn chỉnh tề tươm tất. Mỗi khi anh bước vào lớp, thái độ đã khác hẳn: Nét mặt nghiêm nghị, quan sát từng cử chỉ mỗi học trò trong lúc giảng bài để tận tình chỉ dẫn nhạc lý cơ bản. Theo các em học sinh, hấp dẫn nhất là lúc thầy hướng dẫn phần thực hành: Các bài mẫu của thầy đều thích hợp với tuổi trẻ đồng quê, đó là các giai điệu bình dân – nhẹ nhàng nên thơ của phong vật Nam bộ…

Đông Kha

Exit mobile version