Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Gái Xuân” (Từ Vũ – Nguyễn Bính) – “Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân”

Từ một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính vào thời thập niên 1940, nhạc sĩ Từ Vũ ngẫu hứng soạn thành nhạc năm 1953, để rồi từ đó ca khúc Gái Xuân trở thành bất tử và đi cùng năm tháng suốt hơn 70 năm qua.


Click để nghe Thanh Lan hát Gái Xuân trước 1975

Nhạc sĩ Từ Vũ tên thật là Trần Đỗ Lộc, sinh năm 1932 tại Hà Nội, nhưng gần như cả cuộc đời ông gắn bó với đất Sài Gòn, và ca khúc nổi tiếng duy nhất của ông là Gái Xuân cũng được sáng tác ở Sài Gòn.

Sáng tác đối với nhạc sĩ Từ Vũ chỉ là ngoại đạo, như chính ông thừa nhận. Không trải qua một trường lớp hay người hướng dẫn nào, ông tự học sáng tác qua cuốn sách dạy nhạc tiếng Pháp tình cờ mua được ở tiệm sách khu Eden đường Catinat khi ông từ Hà Nội vào Sài Gòn để trọ học.

Đầu năm 1953, vào một mùa xuân xa nhà, xa gia đình, không người thân, những lúc rảnh rỗi thì Từ Vũ chỉ biết lục sách báo ra đọc. Một hôm tình cờ thấy trong một tập thơ Nguyễn Bính có bài thơ ngắn chỉ 8 câu, nhưng lại có một hấp lực kỳ lạ, cảm xúc dâng trào để đưa chàng trai 21 tuổi về lại với cố hương xứ Bắc, nơi có những “hoa mơ, hoa mận” cùng những cô gái quê “giũ lụa trên sông”.

Từ nét tài hoa của thi sĩ Nguyễn Bính khi mô tả tâm trạng của cô gái mới lớn, nhạc sĩ Từ Vũ cảm thấy có sự đồng cảm đặc biệt và viết thành nhạc. Ông viết một mạch, không chỉnh sửa:

Em như cô gái hãy còn Xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân

Xuân đi, Xuân đến, hãy còn Xuân
Cô gái trông Xuân đến bao lần
Xuân đến hoa mơ, hoa mận nở
Gái Xuân giũ lụa trên sông Vân

Lòng Xuân lơ đãng, má Xuân hồng
Cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi tám Xuân đi trên mái tóc
Đêm Xuân cô ngủ có buồn không?

Bài thơ chỉ có 8 chữ, rất ngắn, nên Từ Vũ đã tự thêm 2 câu “Xuân đi, Xuân đến, hãy còn Xuân, Cô gái trông Xuân đến bao lần…” để bài hát có nhịp điệu hoàn chỉnh.

Mùa xuân và Thiếu nữ là 2 đề tài tuy hai là một, tương đồng và thường được so sánh với nhau. Những cô gái mới lớn tuổi xuân thì căng tràn sức sống như là cả một bầu trời xuân phơi phới, trong trắng và thanh tân chưa từng lấm bụi trần.

“Xuân đến hoa mơ hoa mận nở” – Câu thơ mang đậm dấu ấn của nơi đồng quê Bắc bộ có hoa mơ và hoa mận nở trắng trời, cũng là nơi có hình ảnh thật đẹp để tô hồng bức tranh xuân đầy quyến rũ: Gái xuân giũ lụa trên sông Vân, là câu hay nhất trong toàn bài thơ, bài hát.

Xưa và nay, dáng điệu người con gái thường được so sánh với vải lụa rũ mềm, và hình ảnh “giũ lụa trên sông Vân” làm chúng ta liên tưởng đến những cô thôn nữ duyên dáng vừa giặt giũ vừa cùng đùa vui rộn rã vang cả một khúc sông quê. Sông Vân ở đây có thể là ở Ninh Bình, phụ lưu sông Đáy, nhưng cũng có thông tin cho rằng ở Nam Định quê hương Nguyễn Bính cũng có một đoạn sông tên Vân, cái tên thật đẹp và cũng đầy chất thơ.

Lòng Xuân lơ đãng, má Xuân hồng
Cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi tám Xuân đi trên mái tóc
Đêm Xuân cô ngủ có buồn không?

Đến đoạn này, tác giả đã ghép đôi cô gái và Xuân trở thành một. Lòng Xuân lơ đãng và má Xuân tươi hồng. “Lơ đãng” ở đây kiểu như là nỗi lòng con gái, giả đò lơ đãng ngây ngô nhưng đôi má lại đỏ thẹn khi nỗi lòng sâu kín chợt nghĩ về những tình duyên trai gái, “chuyện vợ chồng”. Là bởi vì cô đã đôi tám, tức là mười sáu trăng tròn, cái tuổi mà ngày xưa đã tính đến chuyện trăm năm rồi.

Câu cuối cùng là câu hỏi được tác giả đặt lửng lơ: “Đêm xuân cô ngủ có buồn không”, một câu hỏi đầy ý nhị đậm chất thơ Nguyễn Bính, như đường mũi tên trúng sâu vào tâm tư của cô gái đang nhiều niềm tâm sự.

Khi vừa phổ nhạc xong ca khúc Gái Xuân, nhạc sĩ Từ Vũ gởi cho một ca sĩ mà ông quen là Linh Sơn, rất nổi tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn khi đó. Nhưng bài hát lại không được đón nhận ngay lập tức. Một hôm ông gặp Tâm Vấn ở đài phát thanh và chép tay đưa cho nữ danh ca này bài hát, rồi sau đó về làm việc ở Phan Thiết mà chưa từng được nghe Tâm Vấn hát bài của mình lần nào, chỉ được bạn bè ở Sài Gòn thông báo qua thư từ rằng Gái Xuân với giọng ca điêu luyện của Tâm Vấn rất thành công và được công chúng yêu thích.

Danh ca Tâm Vấn trên hình bìa tờ nhạc Gái Xuân

Nhạc sĩ Từ Vũ kể lại, một buổi tối cuối năm 1953, ông lang thang trên đường phố Phan Thiết trong cái se lạnh của buổi tàn Đông, bỗng nghe được loa phóng thanh công cộng của Ty Thông tin Phan Thiết, tiếp sóng Đài Phát thanh Huế vang lên điệu nhạc Tango của bài Gái Xuân qua tiếng hát của nữ ca sĩ Diệu Hương. Tác giả bài hát đã xúc động đến trào nước mắt, vì tâm trạng của một người ly hương lại ùa về. Dù Diệu Hương là một ca sĩ vô danh, nhưng với ông, đó là lần mà ông cảm nhận được ca khúc của mình được hát hay nhất.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version