Hoàn cảnh sáng tác ca khúc Ga Chiều (nhạc sĩ Lê Dinh) – Những mối tình học trò trên sân ga buồn

Sài Gòn vốn là một thành phố nhập cư, không phải chỉ hiện nay hay gần đây mới như vậy, mà từ trăm năm trước, người dân ở tứ xứ đã di chuyển về đây để làm ăn, sinh sống và lập nghiệp, đặc biệt là thập niên 1950 Sài Gòn đã đón hàng triệu người di cư.

Xuyên suốt cả thế kỷ qua và cho đến tận ngày nay, mỗi năm Sài Gòn đều đón nhận thêm rất nhiều học sinh – sinh viên từ các tỉnh đổ về học tập ở các trường trung học – đại học danh tiếng.

Từ trước 1975 ở Sài Gòn đã có khái niệm quen thuộc là “trọ học”, vì đã có rất nhiều gia đình gửi con em mình lên Sài Gòn ở trọ nhà bà con hoặc người quen để có điều kiện học hành tốt hơn. Đến ngày nghỉ hè, các bến xe đò liên tỉnh và ga xe lửa lại tấp nập đưa học trò về quê nghỉ 3 tháng hè.

Ga xe lửa Sài Gòn những năm thập niên 1930

Một lần nhạc sĩ Lê Dinh được chứng kiến cảnh những người trẻ đưa tiễn nhau trên sân ga vào một buổi chiều tàn của mùa hè năm 1962, nỗi buồn chia ly đó được ông đưa vào trong ca khúc mang tên Ga Chiều, với lời đề tựa: “Mến trao các bạn học sinh trên đường về hè”:

Lòng sao xuyến buồn khi chia ly
Bạn ơi nhớ cầm tay nhau đi
Rồi mai đây tình sẽ cách đôi, phương trời xa xôi.

Nếu như sau này, học trò xa nhau 2-3 tháng hè rồi thì cũng sẽ được gặp lại nhau ở niên học mới, còn ở thời điểm 60 năm trước, học trò chia tay sang hè rất có thể cũng sẽ là lần cuối gặp nhau. Vì đó là thời của ly loạn vì khói binh, cuộc sống thường bị xáo trộn, nhiều gia đình cứ di chuyển từ nơi này qua nơi khác để lánh nạn, nơi ở không cố định, nên lứa tuổi học trò cũng vì vậy mà phải đi qua nhiều trường, nhiều lớp, và những buổi chia tay khi sang hè càng bùi ngùi và lưu luyến hơn. Đặc biệt là với những học trò quê ở tỉnh lẻ học chung ở Sài Gòn, rồi đến hè chia tay mỗi người về mỗi ngả, chưa biết bao giờ mới được trở lại những ngày vui bên nhau:

Tìm đâu thấy ngày vui bên nhau
Còn đâu những chiều trong mưa ngâu
Nhìn hoa lá mà ước hái cho nhau cánh hoa muôn màu.

Nhớ phút chia ly nhìn nhau chẳng biết nói nhau câu gì
Để rồi người đi ngàn phương xa lưu luyến lúc phân kỳ
Thôi cầm tay nhau để mong ước đến phút này mai sau
Dù xa nhau nguyện ghi nhớ đến thuở mình bạc đầu.

Trong giờ phút hai người bạn tiễn đưa, và có thể cũng là lần sau cùng được gặp nhau, họ muốn khắc ghi giây phút đó thật lâu, để rồi khi xa nhau rồi vẫn có thể nhớ nhau thật nhiều, ghi nhớ lại những kỷ niệm của một thời tươi đẹp nhất của cuộc đời.

Rồi anh bước lần vô toa trong
Lòng vương vấn niềm thương mênh mông
Người em gái tà áo trắng tung bay
Ga chiều im bóng.

Và khi tiếng còi vang nơi xa
Mình quay bước về trên sân ga
Chiều nay thiếu một bóng dáng thân yêu
Nhớ thương chan hòa…


Click để nghe Thanh Thúy hát Ga Chiều trước 1975

Tay cầm tay bịn rịn, nghẹn ngào chưa kịp nói lời tâm tư thì tiếng còi tàu báo hiệu giờ xa cách đã đến. Bóng người khuất dần vào toa trong, để lại sau lưng là một khoảng mênh mông của những nỗi niềm, những vương vấn và nhớ thương… Ga chiều tấp nập người đón người đưa, người đi người ở, nhưng người con gái đứng lặng lẽ dưới sân ga kia thấy mình thật lẻ loi, đơn độc.

Trên sân ga, vào bất kể thời nào, và với bất cứ ai từng đến đó, đều luôn là nơi ghi dấu ấn những cuộc tiễn đưa. Một nụ hôn, một ánh mắt trao nhau giờ ly biệt, hay có thể chỉ là một cái nắm tay vội vã, cũng làm cho người ra đi lưu luyến, người ở lại thẫn thờ ngơ ngác.

Khi bóng đoàn tàu đã khuất dạng, chỉ còn tiếng rền rĩ nào nùng vọng lại từ nơi xa, người con gái quay bước trở về. Xung quanh đây có biết bao người, nhưng với nàng thì ga chiều hôm nay hoàn toàn quạnh vắng, im bóng, vì từ giờ đã không còn người bóng dáng người thân yêu bên cạnh nữa. Nàng đang chìm đắm vào một dòng suy tưởng còn ngổn ngang, trong một thế giới riêng chỉ có sự thinh lặng đến lạnh người.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version