Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Em Về Miệt Thứ” của nhạc sĩ Hà Phương – “Miệt Thứ” là ở đâu?

Hai ca khúc Bông Điên ĐiểnEm Về Miệt Thứ của nhạc sĩ Hà Phương là những ca khúc nhạc quê hương tiêu biểu nhất thời kỳ sau năm 1975.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Sau một thời gian dài kể từ biến cố 1975, tạm quên đi chuyện nghệ thuật để xoay sở mưu sinh, mãi đến những năm 1990 nhạc sĩ Hà Phương mới sáng tác trở lại. Đó là giai đoạn ông cùng người bạn thân là nhạc sĩ Thanh Sơn được Trung tâm băng nhạc Vafaco mời về hợp tác.

Nhạc sĩ Hà Phương kể: “Kể từ đó chúng tôi chuyển sang viết ca khúc mang đậm phong cách dân ca Nam bộ và cho ra đời những ca khúc Bông Điên Điển, Em Về Miệt Thứ, Nhớ Đất Quê, Chiều Mưa Qua Sông, Đồng Sâu Xứ Lạ, Bông Lục Bình, Chuyện Tình Hoa Cát Đằng… Điều đó cũng phù hợp với tâm tư, tình cảm dành cho quê hương miền Tây, nơi mà chúng tôi lớn lên bên dòng sông, bến nước thấm đẫm những câu hò điệu lý, những làn điệu dân ca đã nuôi nấng tâm hồn chúng tôi. Mỗi ca khúc ra đời là sự thật phát xuất từ tâm hồn do thường xuyên lang bạt, gắn bó với miền đất phương Nam: Láng Linh, An Giang bạt ngàn bông điên điển với bóng hình những cô gái chèo xuồng hái bông đẹp làm sao. Có những đêm nơi Miệt Thứ, Cạnh Đền mà những sinh hoạt về đêm đều diễn ra trong mùng bò (mùng lớn) mới tránh khỏi muỗi đốt…”

Từ những cảm xúc đó, nhạc sĩ Hà Phương đã viết thành 2 ca khúc Bông Điên ĐiểnEm Về Miệt Thứ nổi tiếng qua tiếng hát Phi Nhung. Sau này ca sĩ Phi Nhung đã luôn biết ơn nhạc sĩ Hà Phương vì 2 ca khúc này đã góp phần lớn làm nên tên tuổi của cô ở hải ngoại.

Bài hát Em Về Miệt Thứ nói về cảm xúc của một cô gái quê Tiền Giang phải đi làm dâu ở tận miệt thứ Cà Mau:

Từ ngày xa đất Tiền Giang,
em theo anh về xứ cạnh Đền.
Muỗi kêu mà như sáo thổi,
đỉa lềnh tựa bánh canh.

Em yêu anh nên đành xa xứ,
xuôi ghe chèo miệt thứ Cà Mau.
Gió lao xao thổi vào mái lá,
như ru tình cô gái Tiền Giang.

Yêu quê hương thương miền cố thổ
vấn vương tình đất tổ quê cha.
Đêm đêm ra đứng hàng ba
trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.


Nghe Phi Nhung hát Em Về Miệt Thứ

Vậy Miệt Thứ là ở đâu? Câu trả lời là nó ở… xa lắm. Nhắc đến Miệt Thứ là nghĩ tới sự hoang vu, trắc trở, như là:

Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.

Cà Mau là phần cuối cùng nằm trong khu vực mà người xưa gọi là “Miệt Thứ”, trải dài từ các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn chạy tới vịnh Rạch Giá, dài xuống huyện U Minh (Cà Mau).

Theo bài viết của tác giả Huyền Văn thì “Miệt Thứ”, được Đại Nam Nhứt Thống Chí chép là vùng “Lâm Sác”, vùng Thập Câu, giới bình dân gọi nôm na đó là Miệt Thứ, là ven U Minh. Thập Câu là 10 con rạch mang tên là rạch Thứ Nhứt, rạch Thứ Hai cho tới rạch Thứ Mười, chảy song song từ vùng đất thấp U Minh Thượng ra biển.

Ông Bùi Đức Tịnh (1923-2008), một nhà nghiên cứu quê ở Ba Tri, Bến Tre, viết: “Thứ” là danh từ dùng riêng trong vùng Rạch Giá, Cà Mau để gọi 9 con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ chỗ gần sông Cái Lớn (Rạch Giá) xuống đến Khánh Lâm (Cà Mau). Ngọn rạch gần sông Cái Lớn nhất gọi là Thứ Nhứt, rồi đến Thứ Nhì, Thứ Ba… cho đến Thứ Chín.

Cần phân biệt vùng có những con rạch đến thứ chín này là khu vực Thới Bình, Huyện Sử (tên một ngôi chợ) với khu vực gọi là “Miệt Thứ” thuộc quận Năm Căn ngày trước. Đây là vùng U Minh Hạ có 12 con kinh đưa vào rừng lấy củi, lấy mật ong, được gọi theo thứ tự từ kinh 1 đến kinh 12.

Miệt Thứ, ngày xưa hoang vu và cách trở là vậy, nên khi nhắc tới Miệt Thứ, người ta lại nhớ đến những câu ca buồn rười rượi:

Đêm đêm ra đứng hàng ba,
Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version