Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Bài Không Tên Số 5” (Vũ Thành An) – Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời mình cũng qua

Hãy cố vươn vai mà đứng
Tô son lên môi lạnh lùng
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Đó là những câu hát nổi tiếng trong ca khúc Bài Không Tên Số 5 của nhạc sĩ Vũ Thành An, được ông viết cho người vợ đầu tiên của mình là Nguyễn Thị Thoa.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát Bài Không Tên Số 5 trước 1975

Trước khi lấy vợ năm 1969, nhạc sĩ Vũ Thành An đã trải qua rất nhiều mối tình khác nhau, và có sự trùng hợp là tất cả các cô gái đó đều có gia cảnh khá giả, và những chuyện tình đều bị chia ly cũng vì lý do môn đăng hộ đối, có khi là cô gái bị gia đình ngăn cấm, có khi là vì nhạc sĩ mặc cảm, tự ti với cuộc sống của một nghệ sĩ nghèo. Vì vậy khi gặp được cô nữ sinh Nguyễn Thị Thoa vào khoảng năm 1968, nhạc sĩ Vũ Thành An đã tìm được một sự đồng cảm.

Hoàn cảnh của cô gái rất đáng thương. Cha bị bệnh, mẹ cũng yếu không làm việc được, nên dù còn đi học nhưng cô Thoa quyết định đi làm để mong giúp đỡ gia đình. Điều đó đã làm cho chàng nhạc sĩ thấy cảm phục và trân trọng cô gái nhiều hơn.

Nhạc sĩ Vũ Thành An viết lại trong hồi ký:

“Khi có em bên cạnh, anh cảm thấy bình yên. Anh đã quá mệt mỏi với những cuộc tình đã qua, cho nên muốn đến với em và cùng em xây dựng gia đình.

Em có nhiều nét đặc biệt lắm. Giọng nói em thật êm đềm, nhỏ nhẹ. Khi cười em chỉ chúm chím môi chứ không cười hẳn. Nhưng đối với anh, nét cười đó thật duyên dáng, quyến rũ. Hình ảnh em ra khỏi lớp học ban đêm trong chiếc áo dài ngày đó, bây giờ anh vẫn còn nhớ như in. Anh hiểu vì sao anh đã si mê em.

Chúng ta quen nhau và rồi em đã đồng ý về với anh để cùng “chia nhau nghèo khó, quên lo tương lai mịt mờ”.”

Lời ca khúc Bài Không Tên Số 5:

Quấn quít vân vê tà áo
Run run đôi môi mở chào
Tiếng nói thơ dại ngày đó
Bây giờ mộng đời bay cao

Góp hết tương lai vào tiếng
Yêu thương trao em một đời
Hãy sắt se đợi ngày tới
Mai rồi ngọt bùi sẽ chia

Mai rồi ngọt bùi sẻ chia
Nâng niu cô đơn từng ngày
Xoa tay khi em vào đời
Mà đời còn nhiều đắng cay

Hãy đến chia nhau nghèo khó
Quên lo tương lai mịt mờ
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Lâu rồi đời mình cũng qua
Xin em đôi tay nuột nà
Xin em đôi môi thật thà
Thật thà chịu nhiều xót xa

Hãy cố vươn vai mà đứng
Tô son lên môi lạnh lùng
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Bài hát này được nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác ngay khi cô Thoa nhận lời về sống chung nhà với ông. Bài Không Tên Số 5 đã được nghệ sĩ Jo Marcel mua bản quyền với giá 10 ngàn đồng, một con số khá lớn vào năm 1969, và nhạc sĩ đã dành toàn bộ tiền này để may áo cưới cho vợ.

Họ đã quen nhau khi cô Thoa vẫn còn là một nữ sinh, nên mở đầu bài hát là nét ngượng ngùng thường thấy của một người nữ sinh trung học. Mỗi lần được người yêu đón đi học về, cô gái vẫn e thẹn vân vê tà áo, mở lời chào mà môi vẫn còn run:

Quấn quít vân vê tà áo
Run run đôi môi mở chào
Tiếng nói thơ dại ngày đó
Bây giờ mộng đời bay cao

Từ những ngập ngừng e ngại buổi ban đầu, đến bây giờ mộng đời đã bay cao, vì tình lứa đôi đã trọn trao nhau, và như nhạc sĩ kể lại, mọi sự sau đó đến rất đẹp, rất thơ mộng. Trong số 10 bài hát không tên được nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác trước năm 1975, có lẽ Bài Không Tên Số 5 là có nội dung tươi sáng nhất, đầy tin yêu nhất giữa một loạt tình khúc buồn và có phần u uẩn:

Góp hết tương lai vào tiếng
Yêu thương trao em một đời
Hãy sắt se đợi ngày tới
Mai rồi ngọt bùi sẻ chia

Mai rồi ngọt bùi sẻ chia
Nâng niu cô đơn từng ngày
Xoa tay khi em vào đời
Mà đời còn nhiều đắng cay

Dù tình duyên trọn vẹn, nhưng “đời còn nhiều đắng cay”, bởi vì trong cuộc sống này không chỉ có tình yêu, vì tương lai phía trước còn phải đối mặt với đầy rẫy những có khăn của cuộc sống mưu sinh, nên vẫn còn đó nhiều nỗi lo toan. Vậy nên chàng nhạc sĩ đã “góp hết tương lai vào tiếng yêu thương” để trao về người, khuyên người và khuyên mình hãy cùng nhau sắt se đợi một ngày được ngọt bùi sẻ chia, trong một tương lai tốt đẹp hơn.


Click để nghe Tuấn Ngọc hát (sau 1975)

Hãy đến chia nhau nghèo khó
Quên lo tương lai mịt mờ
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Lâu rồi đời mình cũng qua
Xin em đôi tay nuột nà
Xin em đôi môi thật thà
Thật thà chịu nhiều xót xa

Hãy cố vươn vai mà đứng
Tô son lên môi lạnh lùng
Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

Câu hát “Hãy cố yêu người mà sống” sau này thường được nhắc lại, như là một lời khuyên dành cho những người cảm thấy cuộc sống bế tắc. Bởi suy cho cùng thì thứ duy nhất có ý nghĩa trên đời này là tình yêu thương, có được nó thì sẽ có động lực to lớn để vượt qua được tất cả mọi khó khăn trên đời.

Đoạn hát này cũng thể hiện sự trân trọng vô bờ mà nhạc sĩ Vũ Thành An dành tặng cho vợ sắp cưới. Đôi tay nuột nà, đôi môi thật thà kia đáng lẽ xứng đáng phải có được những điều tốt đẹp nhất, nhưng nàng vẫn chấp nhận một cuộc sống khó khăn, chịu nhiều xót xa để nên duyên cùng một người chồng với đôi bàn tay trắng, đối diện với sự nghèo khó và tương lai mịt mờ, để cùng nhau vươn vai xây lập cuộc đời từ con số 0 tròn trĩnh.

Nhạc sĩ Vũ Thành An thập niên 1970

Và trời cũng không phụ lòng người, không phụ những cố gắng của đôi vợ chồng trẻ, nên những điều tốt đẹp dần đến với họ. Nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại trong hồi ký rằng những ông thầy xem tử vi hồi đó nói cô Thoa có số Vượng phu ích tử, và đã đúng như vậy thật. Ngày đứa con chào đời vào tháng 5 năm 1973 cũng là thời điểm mà Vũ Thành An đi nhận chức Trưởng Ty Thông Tin Gia Định khi mới tròn 30 tuổi (tương đương với chức Giám đốc sở của một tỉnh hiện nay). Ông đã bắt đầu có được công danh với đời.

Nửa năm sau, Vũ Thành An được cử đi Hà Lan để tu nghiệp ngành phát thanh, sau đó về làm Vụ trưởng Vụ văn hóa trong chính phủ đệ nhị cộng hòa vào cuối năm 1974, một chức vụ rất cao so với một người mới 31 tuổi. Chỉ trong vài tháng, ông được giao những công việc rất quan trong như Giám đốc báo chí, Chánh sở Chương trình kiêm Chánh sở kế hoạch của Đài phát thanh Sài Gòn.

Đường công danh rạng rỡ nhưng thật ngắn ngủi. Sau 1975, vì đã giữ nhiều chức vụ quan trọng như vậy của chế độ cũ nên Vũ Thành An bị ở tù tròn 10 năm, để lại người vợ đơn chiếc và “thật thà chịu nhiều xót xa”.

Năm 1984, khi đang ở trại Nam Hà, ông quyết định ký giấy ly hôn để vợ hoàn thành thủ tục để đưa con đi định cư ở Hoa Kỳ. Chia tay nhưng vẫn trân trọng những ký ức đẹp về nhau, một thời tình nghĩa vợ chồng đã cùng nhau trải qua nhiều thăng trầm, từ gian khó đến vinh hoa ngắn ngủi, nhạc sĩ Vũ Thành An nhắc đến vợ trong hồi ký:

“Anh cảm phục em mấy mươi năm qua đã một mình nuôi dạy con trai chúng ta khôn lớn và nên người.

Xin cho em cuối đời được bình yên”

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version