Ca khúc Bạc Trắng Lửa Hồng là một trong những bài nhạc vàng trước 1975 quen thuộc nhất với công chúng, được nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sáng tác khoảng đầu thập niên 1970 với bút danh là Thy Linh. Ngoài Bạc Trắng Lửa Hồng, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân còn là tác giả của Hái Hoa Rừng Cho Em, Xé Thư Tình, Cung Tơ Chiều. Với bài hát Cung Tơ Chiều đã được danh ca Lệ Thu hát trước 1975, tuy không được nhiều người biết đến, nhưng bài hát này thực sự là một tuyệt phẩm, mang nhiều nét tương tự nhạc tiền chiến.
Trái ngược với phong cách nhạc của Cung Tơ Chiều, bài hát Bạc Trắng Lửa Hồng đơn thuần là một bài nhạc đại chúng với lời ca rất bình dân dễ hiểu, nói về một chuyện tình tan vỡ vì một người tham phú phụ bần, bước sang ngang khi đã quên tình cũ.
Click để nghe Thanh Tuyền hát Bạc Trắng Lửa Hồng trước 1975
Thời trung học, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân theo học ngôi trường nam sinh danh tiếng nhất Sài Gòn là Petrus Ký. Khi mới 12-13 tuổi, ông đã làm thơ với cái tên Nam Lynh (phiên âm từ tên Tây của ông là Nalis). Vài năm sau đó, ông gặp và yêu một nữ sinh Gia Long tên là Thy. Tuy nhiên mối tình học trò mong manh và nhanh chóng tan vỡ.
Sau này ông đã nhớ lại chuyện tình trong sáng thời trung học và sáng tác Bạc Trắng Lửa Hồng, lấy tên Lynh của mình ghép với tên người bạn gái thành bút hiệu Thy Lynh. Khi phát hành tờ nhạc, mở đầu bài hát là 4 câu thơ của Tú Nhi (Chế Linh):
“Em đi về với bạc tiền nhung lụa
Tôi âm thầm ôm nhung nhớ nào nguôi
Kỷ niệm ấy bây giờ không còn nữa
Cuộc tình xưa thôi đã dở dang rồi”
Về cái tên bài hát là Bạc Trắng Lửa Hồng, có nhiều người sẽ không hiểu rõ ý nghĩa của những chữ này. Trong bài hát, có 2 lần nhạc sĩ nhắc đếm cụm từ này:
“Bạc trắng lửa hồng nẻo đời thêm xa” và “Khóc cho đời bạc trắng lửa hồng”
Ngày xưa, để thử vàng bạc là thật hay giả, người ta thường dùng lửa hơ nóng. Vì vậy “bạc trắng” trong bài hát hàm ý là tình yêu và sự chung thủy, còn “lửa hồng” là những thử thách của cuộc đời. Những tưởng tình yêu sẽ thắm thiết và được dài lâu, nhưng khi gặp thử thách và gian truân thì người mới nhận ra được đâu là chân, là giả…
Khi mới bước chân vào đường tình, ở lứa tuổi đôi mươi thì tình yêu vẫn chưa nhuốm những gió bụi cuộc đời, hầu như là ai cũng lý tưởng hóa tình yêu của mình, ví đó như là áng mây cao và ánh trăng sao, luôn nghĩ rằng sẽ không có gì tách rời được đôi lứa. Chỉ khi xa nhau rồi thì mới ngỡ ngàng:
Tình nghĩa đôi mình chỉ thế thôi sao?
Gặp gỡ chi rồi thoáng tựa chiêm bao.
Tình anh như áng mây cao.
Tình em như ánh trăng sao.
Cớ sao mình chẳng được gần nhau?
Cuộc sống kim tiền chia cách đôi ta.
Bạc trắng lửa hồng nẻo đời thêm xa.
Đường anh sương gió bao la.
Đường em thêu gấm, thêu hoa,
Đớn đau này muôn kiếp không nhòa.
Vì cuộc sống này không phải là chỉ có duy nhất tình yêu, mà còn muôn vàn điều khác nữa có thể chi phối tình cảm của con người, làm đổi thay lòng người, và cái thường gặp nhất chính là “cuộc sống kim tiền”. Đó là cái đã chia đôi người đôi ngả, một người ra đi về miền sương gió bao la, còn một người thì sang ngang để vui cuộc sống trong nhung lụa gấm hoa, đã quên lời ước hẹn thuở hàn vi:
Hẹn ước nhau chi cho một người ôm mối hận
nhìn theo một chiếc xe hoa.
Trăm năm biết có duyên gì?
Gian truân nếu có qua cầu
thì hợp tan duyên số mà thôi.
Một bước xa rời muôn kiếp ly tan.
Một cánh thiệp hồng tiễn người sang ngang.
Mười hai bến nước thênh thang,
từ đây đôi nẻo quan san.
Khóc cho đời bạc trắng lửa hồng.
Sau khi sáng tác xong ca khúc này, nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân mang đến nhờ nhạc sĩ đàn anh là Khánh Băng xem, chỉnh sửa và nhờ phổ biến giúp. Bài hát được Chế Linh thu âm lần đầu, sau đó được rất nhiều ca sĩ hát lại.
Nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân sinh năm 1939, hiện nay đang sống âm thầm và cô đơn một mình trong căn phòng chỉ có vài mét vuông ở đường Trần Huy Liệu, Phú Nhuận với nhiều căn bệnh tuổi già suốt nhiều năm qua. Trong vài năm gần đây, sức khỏe ông đã kém đi nhiều vì bị những cơn suyễn hành hạ…
Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)