Hoàn cảnh sáng tác bài Thu Sầu (nhạc sĩ Lam Phương) – Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ…

Thập niên 1960, mối tình đơn phương mà nhạc sĩ Lam Phương dành cho danh ca Bạch Yến đã trở thành nguồn cảm tác để ông sáng tác nhiều ca khúc bất hủ trong sự nghiệp âm nhạc lừng lẫy của mình, tiêu biểu nhất trong số đó là Tình Bơ Vơ, Chờ Người, Tiễn Người Đi,Thu Sầu.

Mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ
Trời chiều man mác buồn nát con tim
Lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên
Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy

Người ôm thương nhớ ra đi từ đấy
Trời đày hai đứa vì thiếu tơ duyên
Rừng còn thay lá tình vẫn chưa yên
Thương chi cho lắm giờ cũng xa nhau.


Click để nghe Thanh Lan hát Thu Sầu trước 1975

Danh ca Bạch Yến từng tâm sự rằng cô đã gặp nhạc sĩ Lam Phương từ khi cô còn rất nhỏ. Đến năm 1957, khi mới 15 tuổi thì cô đã bắt đầu vụt sáng khắp các phòng trà Sài Gòn với bài Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương.

Một vài năm sau, nhạc sĩ Lam Phương có mang lễ sang nhà để hỏi cưới Bạch Yến, nhưng vì cô còn quá nhỏ, chỉ mới 16,17 tuổi nên mẹ của cô chưa đồng ý. Thời gian này nhạc sĩ Lam Phương nổi tiếng là một người đẹp trai, tài hoa, và cũng rất đào hoa, đến năm 1959, ông lập gia đình với nữ ca sĩ – kịch sĩ nổi tiếng Túy Hồng.

Bạch Yến tâm sự rằng mối quan hệ của cô với Lam Phương chưa bao giờ được xem là chuyện tình đúng nghĩa, vì lúc đó cô còn quá nhỏ, chỉ có một sự cảm mến đặc biệt, nhưng rồi cũng dừng lại ở đó khi nhạc sĩ có gia đình.

Tuy nhiên với một nhạc sĩ đa tình và đa cảm như Lam Phương, khi “trời chiều man mác” cũng đủ để làm cho ông khơi niềm nhớ và “buồn nát con tim”, nên những sự cảm mến đơn thuần của nàng ca sĩ cũng đủ để ông viết thành những bài ca yêu đương thắm thiết, nhớ về những “kỷ niệm êm đềm” mà có lẽ phần nhiều là do sự tưởng tượng nhiều thêm.


Click để nghe Kim Anh hát Thu Sầu

Dù sao đi nữa thì sau này nhạc sĩ Lam Phương cũng đã thừa nhận rằng tình cảm ông dành cho nữ ca sĩ Bạch Yến là có thật, nhưng vì thiếu tơ duyên nên không thể thành đôi, nên từ đó trong tâm tư của ông thì “tình vẫn chưa yên” suốt nhiều năm trời, và dù “thương chi cho lắm” nhưng cuối cùng cũng xa nhau, xa về khoảng cách trái tim lẫn khoảng cách địa lý.

Năm 1959, khi nhạc sĩ Lam Phương lập gia đình thì trong cùng năm đó Bạch Yến cũng rời Việt Nam để sang Pháp du học. Năm 1963, cô trở về nước hát phòng trà một thời gian trước khi lên đường sang Mỹ năm 1965 và có 12 năm liên tục lưu diễn khắp nước Mỹ, xuất hiện ở những show nhạc lừng danh trên xứ cờ hoa. Trong 12 năm đó, cô có vài lần trở về thăm Việt Nam rồi ra đi vội vã.

Chính những lần đi và về đó đã để lại những vương vấn trong lòng nhạc sĩ Lam Phương, nên ông viết thành những lời ca rất day dứt trong nhiều bài hát nổi tiếng, như:

“Về làm chi, rồi em lặng lẽ ra đi
Gom góp yêu thương quê nhà
Dâng hết cho người tình xa!” (Tình Bơ Vơ)

“Rồi đây chốn xa xăm biết người nhớ tôi những gì!” (Tiễn Người Đi)

“Thôi em ra đi về nơi xứ xa
Đêm Đông cô đơn buồn cho kiếp không nhà” (Chờ Người)

“Thà rằng người đừng về
Cho nuối tiếc thêm dâng cao…” (Tình Chếƭ Theo Mùa Đông)

Và trong bài Thu Sầu là:

“Người ôm thương nhớ ra đi từ đấy”

và:

Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu
Nhịp cầu Ô Thước hẹn đến mai sau
Ngày dài nhung nhớ mình cũng như nhau
Trên cao bao vì sao sáng, rừng vắng có bao lá vàng
Là bấy nhiêu sầu.

Người từ ngàn dặm về lại để mang lại bao nhiêu là nỗi sầu, buồn nhiều như những vì sao, nhiều như là lá rừng, và khi người đi thì cũng để lại những nhớ nhung khắc khoải không nguôi:

Người đi hoa lá chêt trong mùa nhớ
Người về lặng lẽ tình vẫn bơ vơ
Thà rằng chôn kín mộng ước xa nhau
Quên đi cho hết một kiếp thương đau…

Trong đoạn cuối của bài hát, nhạc sĩ có nhắc đến “Tình Bơ Vơ”, là tên bài hát rất nổi tiếng sau đó cũng của nhạc sĩ Lam Phương. Còn Thu Sầu thì được ông sáng tác vào khoảng cuối thập niên 1960, đã từng được cố danh ca Thái Thanh trình bày:


Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975


Click để nghe Lưu Hồng hát Thu Sầu

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version