Hoàn cảnh sáng tác “Bài Tango Cho Em” – Khúc tình ca đánh dấu một đoạn đời hạnh phúc của nhạc sĩ Lam Phương

Trong cuộc đời thăng trầm đầy biến động của mình, nhạc sĩ Lam Phương có lúc tưởng như đã bị “chôn vùi” vĩnh viễn trong hố sâu sầu não của cuộc đời khi phải bươn chải nhọc nhằn, trắng tay trên đất Mỹ, và đặc biệt khi cuộc hôn nhân đổ vỡ sau 20 năm chung sống với nghệ sĩ Tuý Hồng. Tuy nhiên, tựa như một phép màu, người đẹp Cẩm Hường đã xuất hiện, đến bên nhạc sĩ gieo vào lòng ông những hạt mầm hy vọng lóng lánh sắc hương.

Nhạc sĩ Lam Phương trong men say tình ái với người đẹp Cẩm Hường đã bất ngờ hồi sinh trở lại với hàng loạt ca khúc vui tươi, rộn rã, yêu đời như: Bài Tango Cho Em, Chỉ Có Em, Mùa Thu Yêu Đương, Nửa Đời Yêu Em, Thiên Đàng Ái Ân,… Cẩm Hường cũng là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Lam Phương sáng tác nhiều ca khúc nhất. Thật khó có thể tưởng tượng, tác giả của những tình khúc ái ân, tuôn trào tình thơ ý mộng đó cũng lại chính là người mà trước đó không lâu đã viết một loạt ca khúc ca sầu não, đầy oán giận và chán chường đến nỗi cả tựa đề ca khúc cũng không buồn cân nhắc, chỉ cay đắng thả xuống một chữ độc nhất như: Lầm, Say, Điên, Tiếc, Mất,..

Trong loạt tình khúc viết cho người đẹp Cẩm Hường, nổi tiếng nhất và được phổ biến rộng rãi nhất trong công chúng yêu nhạc chính là ca khúc Bài Tango Cho Em với những lời ca nồng nàn, ru say lòng người, cùng giọng hát mê đắm của Khánh Ly.

Nhạc sĩ Lam Phương đã chọn điệu tango để sáng tác ca khúc tặng cho người tình trong những ngày tháng mặn nồng thuở ban đầu. Có lẽ là vì không có điệu nhạc nào vừa yêu đời lại vừa quyến rũ như tango. Những đôi tình nhân thường chọn điệu vũ tango để quấn quít theo những bước nhảy song hành đầy những đam mê trong men tình. Vì khi nhịp bước tango, cặp đôi thường nép sát vào nhau để cảm nhận từ những nhịp chuyển động cơ thể cho đến mùi hương của người.

Ngay từ những câu hát đầu tiên của bài hát, nhịp điệu nhả chữ vừa từ tốn, thong dong vừa giật nhẹ vui tươi, nồng nhiệt đã lột tả gần như trọn vẹn tâm trạng hân hoan, tràn đầy hạnh phúc của nhạc sĩ:

Từ ngày có em về
Nhà mình toàn ánh trăng thề
Giòng nhạc tình đang tắt lâu
Tuôn trào ngọt ngào như giòng suối

Chắc hẳn chẳng có lời tỏ tình nào đắt giá hơn câu hát “Từ ngày có em về, nhà mình toàn ánh trăng thề”. Đó là thứ tình yêu ngọt lịm mà bao cô gái mơ ước, dù đã chinh phục được nhau, đã đưa nhau về chung một nhà, vẫn nồng đượm, ngọt ngào, say đắm những thề hẹn thuỷ chung. Tình yêu đến, dù muộn mằn đối với cả 2 người, nhưng đã mang một thứ quyền năng vô biên, huyền diệu đã khơi lại “giòng nhạc tình đang tắt lâu”, để âm nhạc của chàng nhạc sĩ đã ngoài 40 tuổi lại một lần nữa “tuôn trào ngọt ngào như giòng suối”.

Anh yêu phút ban đầu
Đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu
Trong mắt em buồn về mau
Em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau

Khi kể về một mối duyên tình, thứ người ta thường nhắc đến đầu tiên là những giây phút gặp gỡ ban đầu. Nhà thơ Thế Lữ xưa đã viết: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Lam Phương cũng vậy, ngay từ những phút ban đầu khi gặp gỡ người tình, ông đã phải lòng người đẹp: “Anh yêu phút ban đầu, đẹp nghiêng nghiêng dáng em sầu”. Chỉ bằng một câu hát giản dị, nhạc sĩ đã khắc họa được bức chân dung mỹ nhân khiến hồn ông điêu đứng.

Cẩm Hường là một người đẹp xứ Tây Đô (sinh quán Cần Thơ) khá nổi tiếng với sắc vóc của một hoa khôi. Bà nhỏ hơn chồng tới 13 tuổi. Khi gặp gỡ nhạc sĩ Lam Phương tại Pháp, bà còn rất trẻ trung và xinh đẹp dù đã truân chuyên lận đận qua hai đời chồng trước đó. Với sắc vóc của người đẹp Cẩm Hường thì nhạc sĩ Lam Phương có “trúng tiếng sét ái tình” ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên cũng là điều dễ hiểu.

Cẩm Hường tuổi đôi mươi

“Trong mắt em buồn về mau” là một lời ca rất sâu sắc, thấu đáo và đầy thấu hiểu của một người đàn ông từng trải và biết nâng niu phụ nữ. Đó là nỗi buồn vụt thoáng qua trong đôi mắt mỹ nhân, thoáng có thoáng không mà phải rất tinh tế, rất chú ý mới có thể nhìn thấy được, cảm nhận được và viết ra được. Và ngay từ phút giây đó, không chỉ là sự choáng váng của con tim loạn nhịp vì yêu, mà còn là sự đồng cảm, sự mong muốn gắn bó với một người đàn bà đã đi qua những đổ vỡ như mình, vì vậy nên nhạc sĩ đã viết: “Em ơi có khi nào lần gặp đây cho mai sau”.

Với một người đàn bà đẹp từng trải, những lời đường mật, hoa mỹ, bay bướm chẳng thế khiến họ lung lay mà chỉ có sự thật lòng, thật dạ, thấu hiểu, san sẻ, đồng điệu bền vững đến mai sau có thể níu giữ họ lại. Vậy nên, tình yêu dù đã sớm bộc phát say đắm, nồng nàn vẫn rất tinh tế, chín chắn chứ không cuồng vội.

Tiếng đàn hòa êm ái
Nhịp bước em thêm lả lơi
Cung điệu buồn chơi vơi
Đôi tâm hồn riêng thế giới

Bằng những lời ca mê đắm, lả lướt, đầy hình tượng, nhạc sĩ kể về buổi hẹn hò lãng mạn đầu tiên của mình và người tình. Hãy hình dung lại khung trời Paris hoa lệ ngày đó có đầy mộng mơ, hai người tình dìu nhau trong “tiếng đàn hoà êm ái”. Đó là một bức tranh tuyệt mỹ, say đắm lòng người khó có thể tìm đâu thấy. Trong những phút giây ngỡ ngàng đầu tiên, người đẹp dù lả lướt, mê say nhịp bước theo cung đàn, dù đã khiến người nhạc sĩ si mê tự bao giờ vẫn xa xôi vời vợi, vẫn “cung điệu buồn chơi vơi, đôi tâm hồn riêng thế giới”. Nhưng nhạc sĩ Lam Phương chỉ viết nhạc tình thôi mà đã vô cùng tinh tế, khéo léo, đã khiến bao cô gái xao lòng rồi, thì việc ông ra tay chinh phục người đẹp chỉ là vấn đề thời gian.

Mình dìu sát đi em
Để nghe làn hơi cháy
Trong tim nồng nàn
Tiếc thương chi trời rộng thênh thang
Vương vấn để rồi một đời cưu mang

Nhạc sĩ không hề tâng bốc người tình bằng những lời đường mật để cầu xin tình yêu, mà chầm chậm chinh phục bằng chính trái tim ấm nóng nồng nàn của mình: “Mình dìu sát đi em để nghe làn hơi cháy trong tim nồng nàn”; chinh phục bằng sự thấu hiểu, sẻ chia, bằng cách nhẹ nhàng cởi bỏ những khúc mắc, đeo mang trong trái tim đau thương của người đẹp vốn “tiếc thương chi trời rộng thênh thang, vương vấn để rồi một đời cưu mang”. Đó là thứ tình yêu thật đẹp và đầy bao dung mà chỉ những người thương nhau, yêu nhau thật lòng mới có thể hiểu và san sẻ cho nhau.

Giờ mình có nhau rồi
Đời đẹp vì tiếng em cười
Vượt ngàn trùng qua bể khơi
Dắt dìu cùng về căn nhà mới

Ta xây vách chung tình
Nhiều chông gai có tay mình
Xin cảm ơn đời còn nhau
Xin ghi phút ban đầu bằng bài tango cho em

Ca khúc kết lại bằng cái kết thật đẹp, thật thơ, lãng mạn và cũng vô cùng thực tế. Hai người tình “vượt ngàn trùng qua bể khơi” từ Việt Nam sang Mỹ, để rồi tìm thấy nhau trên đất Pháp; vượt qua bao bể dâu, đổ vỡ của tình đời để rồi tìm thấy tình yêu trong nhau, cùng nhau”dắt dìu cùng về căn nhà mới” và “xây vách chung tình”. Dù biết rằng “nhiều chông gai” phía trước đang chờ đón nhưng có tình yêu, có đôi tay thì mọi thứ rồi sẽ được hoá giải.


Click để nghe Khánh Ly hát Bài Tango Cho Em

MC Nguyễn Ngọc Ngạn trong một bài viết về nhạc sĩ Lam Phương đã chia sẻ:

“Đó là một giai nhân tên là Lê Thị Cẩm Hường mà tôi đã có lần nhắc đến trên Paris By Night. Lam Phương như ngọn cây thiếu nước suốt cả một mùa Hè, bây giờ mưa mới đổ xuống cho ngọn cây sống lại, nhất là Cẩm Hường từng nức tiếng về nhan sắc. Có tờ báo tả cô là “một hoa khôi đẹp mê hồn”! Lúc ấy, Lam Phương đã bước vào tuổi trung niên nên anh viết ngay bài Nửa Đời Yêu Em, rồi nối tiếp luôn một loạt tình ca chan hòa hạnh phúc như: Bài Tango Cho Em, Thiên Đường Ái Ân, Mùa Thu Yêu Đương, Chỉ Có Em… Lời ca của anh bây giờ vui tươi và thực tế lắm bởi anh vừa phục sinh sau những ngày dài mất hết niềm tin trong cuộc sống:

Từ ngày có em về
Nhà mình ngập ánh trăng thề…”

Và nếu tình yêu với người đẹp Cẩm Hường khiến âm nhạc Lam Phương hồi sinh mạnh mẽ bất ngờ trong một loạt ca khúc nổi tiếng suốt thập niên 1980, thì ở một góc cạnh khác, tình yêu của nhạc sĩ Lam Phương có lẽ cũng đã cho người đẹp một đoạn đời hạnh phúc suốt hơn 10 năm trời. Sau này, khi tình yêu đã cạn, nhạc sĩ Lam Phương và bà Cẩm Hường chia tay nhau nhưng hai người vẫn giữ liên lạc và quan tâm đến nhau. Năm 1999, khi nhạc sĩ Lam Phương bất ngờ lâm trọng bệnh, rồi sau đó trở nặng vào năm 2011, bà Cẩm Hường đã không quản ngại bay từ Pháp sang Mỹ để chăm sóc chồng cũ suốt nhiều tháng trời, lo cho nhạc sĩ từng chút từng chút một, như là để bù đắp một đời nợ nhau. Mối tình của họ dù không trọn thuỷ chung chồng vợ, có lẽ cũng đã trọn vẹn ân tình, không còn gì phải hối tiếc. Nhạc sĩ Lam Phương sau này đã chia sẻ:

“Dù xa cách Paris 15 năm nay, nhưng hình bóng Paris vẫn còn trong tâm trí của tôi. Tôi xin cám ơn một người đã cho tôi nhiều ước mơ để sống, và cho tôi nhiều cảm hứng để viết dòng nhạc mà cuộc đời tôi khó quên. Và cám ơn thành phố Paris đã cho tôi những đêm rất đẹp trong cuộc đời này tôi khó tìm lại được”.

Nhạc sĩ Lam Phương và người đẹp Cẩm Hường tại Pháp

Ngày hôm nay, những người tình xưa in dấu trong lời hát đều đã không còn nữa, chỉ còn tiếng hát của người ca sĩ là vang vọng mãi mãi, ghi dấu mãi mãi về một mối tình thật đẹp, thật sâu sắc. Xin cảm ơn người nhạc sĩ tài ba đã dành cả tâm hồn mình cho âm nhạc, xin cảm ơn những người tình đã đến bên nhau để khúc tình ca còn vang vọng mãi những lời tri ân nồng nàn, đắm say:

Xin cảm ơn đời còn nhau
Xin ghi phút ban đầu bằng bài tango cho em…

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version