Nhạc sĩ Phạm Trọng (Sau này lấy tên đầy đủ là Phạm Trọng Cầu) sinh đúng vào ngày Noel năm 1935 tại Phnom Penh (Campuchia). Cha của ông là trắc địa sư Phạm Văn Lạng, vốn gốc Hà Nội, nhưng đang làm việc tại đây (thời Pháp thuộc, những công chức có thể được điều chuyển khắp Đông Dương: Việt Nam, Campuchia, Lào), sang năm 1943, đã đưa gia đình về Sài Gòn và mẹ của ông (bà Đào Thị Ngọc Thư) mở một nhà hàng ca nhạc mang tên Aristo. Tại đây, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu được tiếp xúc với những ban nhạc Philippines và một số nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước.
Phạm Trọng Cầu cũng bắt đầu học chơi đàn mandoline, tuy nhiên, thời gian này khá ngắn ngủi – chưa tới 2 năm thì chiến cuộc lan tràn, gia đình ông phải tản cư lên Biên Hòa. Sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, gia đình ông trở về Sài Gòn, rồi chuyển dần xuống miền Tây Nam Bộ.
Ở Vĩnh Long, Phạm Trọng Cầu theo học trường Tiểu học Vũng Liêm và tham gia vào Đội tuyên truyền xung phong huyện. Năm 1948, Phạm Trọng Cầu trở lại Sài Gòn, tham gia phong trào xuống đường đấu tranh của sinh viên, học sinh. Một thời gian sau, ông thoát ly và vào bộ đội Tiểu đoàn 308, rồi Trung đoàn Cửu Long. Sau đó, ông bị thương phải cưa chân, mẹ ông đã tìm cách đưa ông vào Sài Gòn cứu chữa. Năm 1953, Phạm Trọng Cầu thi vào trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, và chàng trai 18 tuổi, nhớ về thời thơ ấu cắp sách đã sáng tác ca khúc Trường làng tôi… Tốt nghiệp xong, đến năm 1962 Phạm Trọng Cầu lại thi vào Nhạc viện Paris (Pháp).
Tại Paris, Phạm Trọng Cầu đã viết 12 bài ca quen thuộc trên đất Pháp, trong đó có bài hát bất hủ Mùa Thu Không Trở Lại, được ký tên là Phạm Trọng. Với ca khúc này, ông tâm sự: “Dạo ở Paris, mình gặp và yêu một cô gái Việt Nam có mái tóc đen dài, đôi mắt buồn vời vợi. Tình yêu đang độ trăng rằm thì nàng phải về nước và không bao giờ trở lại Paris nữa. Chúng tôi chia tay vào mùa thu – khung cảnh mùa thu ở châu u rất đẹp, nhưng nếu phải chia ly trong một cái nền như vậy thì nó lại trở nên thật tê tái:
Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại.
Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u.
Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề.
Qua vườn Luxembourg.
Sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua?
Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine.
Mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên?
Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa.
Đếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi…
Đối với tôi, đó là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu ‘Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại…’ Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi”.
Mùa thu trong vườn Luxembourg
Nói về Phạm Trọng Cầu và bài hát Mùa Thu Không Trở Lại, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn đã viết như sau trong tập Bông Hồng Tạ Ơn:
“Sinh viên Việt Nam cùng thời với Phạm Trọng nói rằng họ đều biết hoặc thuộc Mùa Thu Không Trở Lại. Ca khúc này của Phạm Trọng, cùng với thơ Nguyên Sa, thơ Cung Trầm Tưởng, đã làm cho những ngọn đèn của ga Lyon, sương mù sông Seine, công viên Luxembourg trở thành gần gụi hơn đối với các thính giả Việt Nam, nhất là các thính giả trẻ, vào cái thời còn ít người được đi xa:
Ngày em đi
Nghe chơi vơi não nề
Qua vườn Luxembourg
Sương rơi che phố mờ
Buồn này ai có mua
Từ chia ly
Nghe rơi bao lá vàng
Ngập dòng nước sông Seine
Mưa rơi trên phím đàn
Chừng nào cho tôi quên
Hôm… em ra đi mùa thu
Mùa thu không trở lại…
Sự gần gụi, cái chất thơ mộng, lãng mạn, người ta cảm nhận được khi đọc thơ, nghe nhạc, sự thật cũng chỉ có trong tưởng tượng”.
Bài hát này được nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu sáng tác vào thập niên 1960, nhưng mang đầy đủ những đặc điểm của dòng nhạc tiền chiến với lời nhạc rất thơ, rất lãng mạn. Bài hát “mùa thu” này của ông có thể xếp cùng loại với những sáng tác mùa thu khác của các bậc tiên phong tân nhạc như Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Văn Cao… Trước năm 1975, ca sĩ Thái Thanh đã trình bày bài hát này rất thành công. Sau này, rất nhiều ca sĩ trẻ đã hát lại Mùa Thu Không Trở Lại và xếp vào các album nhạc tiền chiến.
nhacxua.vn biên soạn
Nguồn: Hà Đình Nguyên, Nguyễn Đình Toàn