Hoàn cảnh sáng tác bài “Chuyến Tàu Hoàng Hôn” (Minh Kỳ & Hoài Linh): “Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ…”

Trong tâm thức của nhiều người, nếu có hình ảnh nào mà khi nhắc tới là đều gợi lên một nỗi niềm chia ly buồn nhưng đầy tính lãng mạn, thì đó chính là hình ảnh đường ray, sân ga và những chuyến tàu.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Có lẽ ai cũng cảm thấy buồn khi nghe tiếng còi tàu rời sân ga, bởi vì nó báo hiệu giờ chia tay, bởi vì đoàn tàu khuất rồi nhưng tiếng còi tàu thì vẫn còn văng vẳng, như hình bóng người thân còn mãi trong tâm tưởng. Hình ảnh đó đã xuất hiện rất nhiều trong âm nhạc, đặc biệt là ở thể loại nhạc chan chứa đong đầy tình cảm: dòng nhạc vàng.

Nổi tiếng nhất trong số những bài nhạc vàng viết về sân ga và con tàu có thể kể đến Tàu Đêm Năm Cũ, Hai Chuyến Tàu Đêm của nhạc sĩ Trúc Phương, Ga Chiều của nhạc sĩ Lê Dinh, Người Tình Không Đến của nhạc sĩ Ngân Giang, Hai Mùa Mưa của Lê Minh Bằng, đặc biệt là Chuyến Tàu Hoàng Hôn của 2 nhạc sĩ Minh Kỳ và Hoài Linh.

Đã gần 60 năm đã trôi qua, bài hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn đã được biết bao nhiêu ca sĩ của nhiều thế hệ trình bày, nhưng người ta vẫn ấn tượng nhất với người ca sĩ đầu tiên hát bài này là danh ca nhạc vàng Hoàng Oanh, với bản thu trong Dĩa Hát Việt Nam và phần hòa âm tuyệt vời của nhạc sư Nghiêm Phú Phi. Một điều đặc biệt là trong bản thu đầu tiên của Chuyến Tàu Hoàng Hôn, nữ ca sĩ Hoàng Oanh chọn hát lời 2, chứ không phải là phần lời 1 vốn quen thuộc hơn. Mời bạn nghe sau đây:


Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn phiên bản đầu tiên năm 1963

Chính Hoàng Oanh đã kể lại hoàn cảnh sáng tác Chuyền Tàu Hoàng Hôn như sau:

“Mùa hè năm 1962, nhạc phẩm Chuyến Tàu Hoàng Hôn ra đời trong một ngày mưa đầu mùa ly biệt. Nhạc sĩ Minh Kỳ là người đặt nhạc và khi hoàn tất, ông đã mang bản nhạc đến nhờ nhạc sĩ Hoài Linh đặt lời. Bản nhạc được viết tại Thị Nghè giữa năm 1962 và ngay sau đó đã được Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam (của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo) ấn hành và tái bản nhiều lần trong suốt những năm của thập niên 60”.

Bài hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn viết về cuộc chia ly rất buồn giữa hai người vào một buổi chiều hoàng hôn xế bóng:

Chiều nao, tiễn nhau đi khi bóng ngả xế tà
Hoàng hôn đến đâu đây màu tím dâng trong hồn ta
Muốn không gian đừng tan, níu đôi chân thời gian
Ngừng trôi cho giây phút chia ly này kéo dài,
Trước khi phân kỳ, ước sao cho tàu đừng đi.

Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn
mưa thu bay bay sắt se lòng ướt vai mềm
Hoàng hôn dần xuống
mà ai còn đứng nghiêng trong chiều sương xuống…

Vào một buổi cuối ngày ở trên sân ga sầu vắng, có một đôi người lưu luyến phút chia ly. Cả không gian và thời gian đó đều là những thứ gợi buồn, làm cho buổi chia ly này không thể nào bi thiết hơn nữa.

Không chỉ có vậy, giữa không gian mang mang nỗi buồn đó lại có thêm “mưa thu bay bay” làm mờ khuất lối đôi tình nhân. Người trên tàu nhìn bóng người yêu qua khung kính cửa sổ nhạt nhoà mưa giăng, còn người ở lại thì chơ vơ nhỏ bé giữa sân ga buồn đã sắp lên đèn.


Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn sau 1975

Tâm tư cô đơn trách con tàu nỡ sao đành
Đem yêu thương đi đến nơi nào cách đôi tình.
Đường bao nhịp nối
Tình trăm nghìn mối hướng theo một bóng người.

Khi bóng toa tàu cuối cùng dần khuất trong màn sương thì cũng là lúc niềm cô đơn phủ ngập hết cả không gian. Đường đời có bao nhịp nối, tình thì cũng có trăm nghìn mối, nhưng tình thủy chung của cô gái chỉ hướng theo duy nhất bóng người thương đã khuất theo cùng với con tàu về nơi xa xăm.

Tà dương khuất trong sương là mỗi lần ngóng chờ.
Nhìn theo phía chân mây đợi chuyến xe xưa về chưa.
Nếu hay chăng người ơi, chốn xa xôi chàng trai
còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn.
Nếu mai đây về, cũng trên chuyến tàu hoàng hôn.

Người đi về nơi xa, nàng ở phương cũ vẫn ngóng đợi vào những buổi chiều khi tà dương bắt đầu xuống và mờ khuất trong sương. Bao nhiêu buổi chiều hoàng hôn như vậy đã đi qua nhưng bóng chàng thì vẫn xa tít mù khơi, và chuyến tàu hoàng hôn của năm xưa vẫn chưa thể trở về.

Câu hát: “Chốn xa xôi chàng trai còn đem yêu thương rắc lên muôn vạn oán hờn” là những lời ca tuyệt mỹ nhất để nhắc đến một người chinh nhân, đã cho thấy được tài năng viết lời nhạc của nhạc sĩ Hoài Linh là danh bất hư truyền. Chi tiết đó được nhắc đến cụ thể hơn trong phần lời 2 của bài hát, vốn có rất ít người hát:

Chiều nay chuyến xe đi khi bóng ngả xế tà.
Nhịp xe lướt nhanh nhanh dồn khúc vang quân hành ca.
Nhắn em ơi đừng thương, chí trai anh ngàn phương.
Về đi sao cho thắm nương dâu, đẹp mảnh vườn.
Đến mai anh về giữ sao cho vẹn niềm thương.

Xe lăn êm êm lúc ga chiều sắp lên đèn.
Mưa Thu bay bay vắt ngang trời ướt vai mềm.
Hoàng hôn dần xuống,
người trai vì nước đi xây tình quê hương.

Tâm tư bâng khuâng hướng theo người đến xa vời.
Mong cho mai sau khúc thanh bình hát vang lời.
Tình ta lại nối và tươi đẹp mãi như trăng rằm giữa trời.

Người ơi, chí nam nhi khi đã gửi sa trường
thì xin phút chia ly này hãy quên đi sầu thương.
Đến mai đây mùa thương, nở hoa trên ngàn phương
là khi đôi tim sẽ vui chung nhịp nỗi niềm.
Ánh trăng chan hòa chiếu riêng cho mình và ta.

Năm 2016, khi trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 119 Nhạc Vàng Muôn Thuở và mời Hoàng Oanh hát lại một nhạc phẩm mang nhiều kỷ niệm nhất, và cô đã chọn hát lại Chuyến Tàu Hoàng Hôn, lồng ghép cả lời 1 và 2, phần phần mở đầu là ngâm những câu đầu trong bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Nguyễn Bính: Những Bóng Người Trên Sân Ga. Mời các bạn nghe lại sau đây:


Click để nghe Hoàng Oanh hát Chuyến Tàu Hoàng Hôn năm 2016

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version