Trong gia tài âm nhạc của Phạm Duy với số lượng ca khúc đồ sộ, những câu chuyện về mẹ trở thành một đề tài quen thuộc và đạt được đỉnh cao của người nhạc sĩ tài ba này.
Phạm Duy đã viết rất nhiều ca khúc để ca tụng người mẹ, từ những điều nhỏ nhất cho đến những sự lớn lao, từ những người mẹ trẻ cho đến già nua, từ những người mẹ vô danh cho đến những người mẹ mang tính biểu tượng như là Mẹ Việt Nam, đều được ông nhắc đến trong Bà Mẹ Quê, Bà Mẹ Phù Sa, Bà Mẹ Gio Linh, Ru Con, Trường ca Mẹ Việt Nam… và ở trong nhiều ca khúc khác nữa, là những bài không viết riêng về mẹ những vẫn nhắc đến mẹ: Giọt Mưa Trên Lá, Ngày Trở Về, Người Về, Nhớ Người Ra Đi…
Một trong những ca khúc về mẹ xúc động, bi thương nhất của nhạc Việt, xin nhắc về Bà Mẹ Gio Linh, được nhạc sĩ Phạm Duy viết dựa trên câu chuyện có thực.
Click để nghe Thái Thanh hát trước 1975
Bà Mẹ Gio Linh có một chỗ đứng riêng biệt trong hành trình âm nhạc của Phạm Duy. Chính nhạc sĩ đã đánh giá ca khúc này là tác phẩm xuất sắc nhất của ông thời kỳ trước năm 1950.
Có thể nói đây là nhạc phẩm truyền tải được tất cả nỗi đau của người dân mất nước. Bài hát thì ai cũng hát được, nhưng gần như chỉ có duy nhất Thái Thanh mới diễn tả được trọn vẹn nỗi thê thiết của một người mẹ quê nghèo có người con hy sinh trong tình cảnh không thể bi thương hơn nữa.
Ca khúc này được nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác vào năm 1949, thời điểm ông xung phong đi vào vùng Bình-Trị-Thiên trong 6 tháng trước khi về Thanh Hóa làm lễ cưới với Thái Hằng. Trong chuyến đi này, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác thêm được nhiều ca khúc, mà nổi tiếng nhất là Về Miền Trung, Quê Nghèo, và Bà Mẹ Gio Linh:
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy…
Khung cảnh bài hát là ở một vùng quê có vẻ yên bình ở nơi khô cằn sỏi đá Gio Linh – Quảng Trị, với cảnh thôn dân dã thân thuộc như áo rách sờn vai của người mẹ quê phơi lưng trên những luống khoai hay vườn rau vườn cà. Dù cuộc sống cơ cực với cơm ăn bát vơi bát đầy, nhưng ý thức về tình yêu nước của người dân quê mùa không hề kém ai: “Mẹ già một con yêu nước có kém chi…”
Nhà thì nó đốt còn đây
Khuyên nhau báo thù phen này
Mẹ mừng con giết nhiều Tây
Ra công sới vun cầy cấy
Hò ơi ơi ới hò…
Con vui ra đi, sớm tối vác súng về
Mẹ già một con yêu nước có kém chi
Đêm nghe xa xa có tiếng súng lắng về
Mẹ nguyện cầu cho con sống rất say mê.
Ý thức đó có thể là không phải đến từ những lý tưởng to tát, và khởi nguồn từ sự tận mắt nhìn thấy “nhà thì nó đốt còn đây”, nhìn thấy những cảnh lầm than nơi quê nghèo khi giặc Tây tràn đến, nên bà mẹ quê “ra công sới vui cày cấy” để người con được an lòng và hứng khởi ra đi diệt thù.
Một ngày kia, cũng như mọi ngày khác, bà mẹ đang tưới nước trồng rau thì biến cố ập tới. Từ khung cảnh thanh bình, đổi thành sự tang thương:
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu
Trước cảnh tượng khủng khiếp đó, bà mẹ lẳng lặng nén sự khổ đau đến tột cùng, để đạt đến một thái dộ tưởng như là dửng dưng, vô cảm đến lạnh lùng. Nỗi đau quá lớn đã làm bà đóng băng mọi sắc thái, bước đi như kẻ vô hồn để tìm mang con về:
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa gieo…
Nhạc sĩ Phạm Duy cho biết là trong thực tế không có ngôi chùa nào ở gần nơi xảy ra tấn thảm kịch đó, nhưng trong một ca khúc buồn thảm và xót thương, ông muốn đưa vào một tiếng chuông chùa để làm nguôi ngoai lòng người mẹ Gio Linh, cũng như nguôi lòng người nghe, người hát.
Bi kịch được diễn tả bằng một nghịch lý: thái độ bình tĩnh một cách lạ lùng của người mẹ trước sự hy sinh thảm thương của con mình.
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta
Người mẹ khi ấy chắc là hãy chưa đến 60 tuổi, nhưng sự khắc khổ được in hằn bằng hình ảnh tóc trắng phất phơ bay.
Không còn thái độ dửng dưng nữa, khi nhìn đầu con thì bà bắt đầu rưng rức nước mắt. Bà thấy môi người con trai vẫn mỉm nụ cười hồn nhiên như con trẻ. Với bà, dù con có đi ngàn dặm, có vươn tay với được tới trời đi chăng nữa, thì đó vẫn là đứa con bé bỏng mà bà đã nâng niu từ thuở bé. Giây phút cuối cùng, bà thấy con vẫn còn mở mắt trông mình, ánh nhìn cuối cùng để vĩnh biệt trần đời này, có phải anh đã kịp lưu lại được hình dáng mẹ hiền hay không?
Hãy nghe lại Thái Thanh hát bài này, với tôi, với rất nhiều người, không ai có thể hát bài này hay bằng Thái Thanh, thậm chí không thể hay bằng 1 phần nhỏ nhoi nào đó của Thái Thanh. Chính Thái Thanh đã nói rằng lần nào hát bài này bà cũng khóc. Thái Thanh đã khóc thật sự, khóc ngay cả trong khi hát, với giọng rền rĩ đau thương trong câu hát thê thiết này:
Mẹ nhìn đầu con tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta môi thắm bết мáu cờ…
Mời bạn nghe lại bản thu âm vào khoảng cuối thập niên 1980 sau đây:
Click để nghe
Rồi thời gian trôi đi, nỗi đau xưa chưa thể nguôi ngoai, bà mẹ già một con sống lầm lũi những ngày còn lại của cuộc đời. Nỗi an ủi duy nhất của bà là thỉnh thoảng có từng đoàn người ghé nhà chơi. Đó là những người từng là đồng đội của con bà, và được bà đón tiếp niềm nở. Nhìn họ, bà như là nhìn thấy lại được lòng nhiệt huyết của con mình năm xưa.
Đoàn người đã ghé về chơi
Khơi vui bếp lửa tơi bời
Mẹ già đi lấy nồi khoai
Bưng lên khói hương mờ bay
Hò ơi ơi ới hò…
Khi trông con nuôi xúm xít dưới túp nhà
Mẹ nhìn đàn con thương nhớ đứa con xưa
Con, con con ơi, uống hết bát nước đầy
Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đây.
Phần lời này có nhiều phiên bản khác nhau. Trong phần lời in trong tập nhạc ở trong nước sau khi nhạc sĩ về lại Việt Nam, ông đã ghi câu này là: “Bộ đội đã ghé về chơi”, phản ánh đúng về giai đoạn lịch sử năm đó. Tuy nhiên trong các bản thu của Thái Thanh thì lời nhạc đã được đổi lại thành “đoàn người đã ghé nhà chơi”.
Ở những miền quê nghèo miền Trung ngày ấy, những mảnh vườn nhỏ thường chỉ trồng rau hay những luống khoai, và bà mẹ quê không có gia tài gì khác ngoài tình cảm trìu mến dành cho những người con đến nhà chơi này. Bà xởi lởi và hiền từ, bưng lấy nồi khoai nóng hổi để đãi bầy con đang xúm xít vui vầy dưới nếp già đơn sơ ấm áp tình quân nhân.
Mẹ nhìn các anh mà thương nhớ đứa con xưa, dặn dò hãy năng lui tới ghé thăm cho cảnh nhà bớt quạnh quẽ. Bà đã mất đi người con duy nhất, nhưng đã có thêm rất nhiều người con…
Trong bản nhạc tờ ấn hành năm 1953 của Tinh Hoa ở Huế với tên bài hát là “Bà Mẹ Nuôi”, thì phần lời cuối của bài hát hoàn toàn khác, và hầu như không thấy bản thu âm nào có phần lời này. Xin chép lại như sau:
Mẹ già nấu nước chờ tôi
Con nuôi đã về thăm người
Soi hình trên vách tả tơi
Thân trai ấm nhà đơn người
Hò ơi hò…
Ngày ngày tôi đến nhà chơi
Khơi vui bếp lửa tơi bời
Mẹ già đi nấu nồi khoai
Bưng lên khói hương mờ bay
Hò ơi hò…
Tôi ngâm câu ca
Khe khẽ dưới túp nhà
Mẹ ngồi trầm mơ thương nhớ đứa con xưa
Con, con con ơi
uống hết bát nước đầy
Rồi mẹ nhìn tôi hoa thắm hé trên môi.
Câu chuyện về Bà Mẹ Gio Linh được nhạc sĩ Phạm Duy viết hoàn toàn dựa trên sự thật mà ông nghe kể lại khi đi qua vùng Bình Trị Thiên năm 1949. Sự việc xảy ra chỉ vào 1 năm trước đó ở làng Mai Xá Chánh, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, lính Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được xã đội trưởng của Việt Minh tên là Nguyễn Đức Kỳ rồi đem đi hành quyết giữa chợ.
Nghe tin dữ, bà mẹ tên là Lê Thị Cháu cắp thúng ra chợ, gói đầu con vào chiếc khăn rồi giấu trong thúng đem về, sau đó bỏ vào hộp vuông đem đi chôn cất.
Năm 1949, nhạc sĩ Phạm Duy từ Thanh Hóa vào Thừa Thiên, đi ngang qua Quảng Trị, nghe người dân kể câu chuyện này, ông đã nhờ người dẫn đến thăm bà mẹ. Là một người nhạc sĩ nhạy cảm, ông dễ dàng rung động trước câu chuyện quá thê lương này, cộng với nỗi nhớ về người mẹ ở quê nhà đã không gặp từ khi theo kháng chiēn, ông đã sáng tác Bà Mẹ Gio Linh (ban đầu đặt tên là Bà Mẹ Nuôi) chỉ sau một đêm. Sáng hôm sau, ông đã hát luôn cho bà mẹ Gio Linh nghe, vì vậy bà chính là người đầu tiên được nghe ca khúc cảm động viết về hoàn cảnh của mình.
Như đã nói đến ở đầu bài viết, chỉ có duy nhất Thái Thanh mới diễn tả hết được trọn vẹn cái bi kịch trong bài hát. Lúc sinh thời, bà đã nói như sau:
Tôi hát Bà Mẹ Gio Linh từ lúc mười mấy tuổi, mà lần nào tôi cũng khóc, không chỉ hồi kia, mà ngay cả thời gian sau này. Bài hát có những hình ảnh, tình cảm mà không bao giờ có thể phai nhạt được. Chỉ có những người cùng thế hệ với Thái Thanh, lớn hoặc nhỏ hơn một xíu, mới hiểu được cái bi kịch và thảm cảnh đó. Thế hệ sau này chỉ được biết qua sách vở, qua lời kể nên những cảm xúc khi nghe bài hát không được như thế hệ trước. Còn thời xưa khi tôi hát, 100 người nghe thì có trọn 100 người không cầm được nước mắt. Cả người hát lẫn khán giả cùng nhau khóc, vì hiểu rõ được hoàn cảnh trong bài hát…
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn