Không khí ngày Tết chộn rộn khởi đầu từ ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo chầu Trời, chợ búa rộn rã kẻ mua người bán, vàng mã cho buổi cúng Tết Ông Công trong những ngày cuối Tháng Chạp.
Nói là Tết Ông Công, Tết Ông Táo cho xôm tụ, chứ thật ra chỉ là một lễ cúng đơn sơ tùy theo hoàn cảnh của từng gia đình. Xóm tôi ở có đủ người của ba miền Nam, Trung, Bắc và cuộc sống của mỗi gia đình cũng khác nhau, nhà nào cũng đông con, đủ ăn là may lắm. Nhưng cũng có những gia đình khá giả làm mâm cỗ cúng đầy đủ hơn, có hoa quả, bánh mứt, xôi gà. Người miền Nam như gia đình ba má tôi thường chỉ cúng dĩa trái cây và dĩa kẹo “thèo lèo cứt chuột” cùng vài ba miếng mứt bí mứt gừng.
Hồi nhỏ tôi cứ tưởng kẹo bông dâu áo đường, bên trong có hạt đậu phộng rang là “cứt chuột”, còn cục kẹo mè đen thui mới là “thèo lèo”. Cứt chuột đâu mà to như hạt trai lại có màu trắng màu hồng đẹp mắt. Thật ra kẹo mè đen mới là “thèo lèo cứt chuột” vì cái hạt mè đen to như cứt chuột nhắt nhưng thơm giòn hơn hạt mè trắng. Nói vậy thôi chứ bọn trẻ nhà nghèo chúng tôi thích nguyên cả đĩa kẹo mứt cúng Ông Táo trên cái mâm nhỏ đặt trước miệng ông lò lấm lem lọ nghẹ. Và tôi nhớ hồi năm lên mười, lần đầu tiên tôi khám phá một việc hệ trọng chấn động thiên đình trong tập truyện tranh thiếu nhi, là chuyện Ông Táo không mặc quần mà chỉ đội mão mang hia cưỡi cá chép về trình tấu Ngọc Hoàng tình hình làm ăn tốt xấu, cách cư xử của mỗi gia đình dưới trần thế.
Chuyện thần thoại thật hấp dẫn, tôi hí hửng học thuộc đem chuyện này đi khoe với mấy thằng bạn hàng xóm cho oai nào ngờ tụi nó quay lưng “xì” một tiếng, “chuyện cũ xì, tụi tao biết hết rồi”. Thằng Tèo bảo, “Ba tao biết nhiều chuyện trên thiên đình hạ giới. Ổng kể, Ông Táo không mặc quần vì suốt cả năm ngồi trên bếp lò nóng đổ lửa, mặc quần áo chi lấm lem tốn xà bông giặt đồ. Hơn nữa suốt ngày Ông Táo ngự trong bếp không lo cái ăn cái mặc như những người lao động xóm mình. Ba tao đạp xe ba gác kiếm ăn mỗi ngày còn không đủ nên Ông Táo nghèo không mặc quần xem ra còn sướng hơn ông Cả làng. Ba tao ngân nga như vầy nè: Ông Cả ngồi trên sạp vàng / Cả ăn, cả mặc, lại càng cả lo / Ông Bếp ngồi trong đống tro / ít ăn, ít mặc, ít lo, ít làm”.
Nghe thằng Tèo kể, thấy ba nó đúng là nhà thông thái. Ông Táo sướng cả năm, chẳng lo, chẳng làm chi cho cuộc sống. Nhiều nhà nghèo trong xóm tôi, buôn thúng bán mẹt, đạp xe ba gác, xích lô quanh năm suốt tháng, nhất là sau ngày Tết Ông Công phải lo may sắm quần áo mới cho đám con đông, lo mua trữ những món ăn ngày Tết cho đủ đầy với bà con chòm xóm. Trong khi bọn trẻ xóm tôi thì lòng lúc nào cũng hớn hở bắt đầu vào ngày tiễn đưa ông Táo. Kể từ ngày này, Tết thực sự đến với chúng tôi bằng những tấm áo mới, mơ tưởng đến những phong bao lì xì sớm vào ngày Mùng Một để có tiền mua phong pháo chuột đốt chơi đì đùng.
Nói là bọn trẻ con chúng tôi vui Tết từ ngày tiễn đưa Ông Táo, chứ tôi thấy người lớn rảnh rỗi mong Tết không thua gì bọn con nít xóm nhà lá tụi tui. Nhà nhà từ đầu trên xóm dưới đều thay màu vôi mới. Màu vàng chanh, màu khói, màu hồng phấn, màu xanh phớt da trời, nói chung những màu mát nhẹ tươi vui làm khuôn mặt những người đi qua xóm ai cũng nở nụ cười chào hỏi, “Chà, năm nay quét vôi ăn Tết lớn hả, anh Hai, anh Ba…” Đâu chỉ vậy thôi, dường như cả không khí mây trời cũng thay đổi, bầu trời xanh cao hơn, gió thoảng nhẹ mang theo hơi ấm mùa xuân tỏa khắp ngõ ngách mọi nhà, tiếng hát ngọt ngào thoát ra từ máy radio nhà ai cũng đầy xuân thắm. “Đón Xuân này tôi nhớ xuân xưa. Một chiều xuân em đã hẹn hò…”
Thường thì sau ngày tất niên nghỉ Tết ở trường, những thằng bạn thân trong xóm chúng tôi cùng hẹn nhau đi ra chợ… ngắm Tết. Chẳng cần đi đâu xa tận đến chợ Ông Tạ hay lén ba má nhảy lên xe lam ra chợ Bến Thành. Chợ Tết nơi nào chẳng đông đúc, nhất là ngôi chợ Hòa Hưng gần xóm nhà tôi. Gian hàng bánh mứt của mấy tiệm buôn mặt tiền cơi thêm ra tận lề đường, chưng bày từng bao mứt vun ngọn đủ loại đủ màu trông thật ngon lành.
Tiếng phèng la, nhịp trống ông địa lưng tưng của người rao bán thu hút bọn trẻ chúng tôi. “Bánh mứt Tết nhất bà con ơi, mại dô, mại dô. Hai trăm hạt dưa, nửa ký gừng, thêm bốn trăm chà là cho dì áo xanh. Nhanh tay lên ông Địa, bỏ trống đi, cân cho cô Tám Ù ký khoai, cho kẹo bông dâu đầy đủ, gói giấy đỏ tặng khách…”
Bọn nhỏ tụi tui đứng trố mắt nhìn nghe vui tai nhưng cũng chẳng hiểu đầu đuôi tai nheo ra sao giữa những người mua bán. Gì mà hai trăm hạt dưa, bốn trăm chà là. Thằng Tèo tài lanh: “Mày ngu quá! Người ta nói rõ ràng hai trăm hạt dưa tức là hai trăm cái hạt dưa. Còn bốn trăm chà là tức là bốn trăm trái chà là”. Thằng Tí cự lại: “Mày mới đúng là đại ngu! Hai trăm cái hạt dưa mua ăn làm gì cho mỏi răng. Hai trăm đồng hạt dưa, bốn trăm đồng chà là, mới đúng”.
Cãi nhau một hồi, bọn trẻ chúng tôi tiếp tục la cà các gian hàng khác. Nào dưa hấu, lá chuối, lá dong, trái cây, bông cúng, gà vịt, hoa kiểng chưng Tết, quầy bán pháo xen kẽ nối tiếp nhau khắp hai bên đoạn đường bao quanh chợ ra đến ngã tư Tô Hiến Thành và Lê Văn Duyệt vui thật là vui. Chợ Hòa Hưng không phải là chợ đầu mối nhưng trong những ngày cuối năm luôn nhộn nhịp, ồn ào tập trung nhiều hàng hóa. Tôi thích đứng nhìn những chiếc xe tải chở dưa hấu xuống hàng, người quăng người chụp chuyền tay nhau từng trái dưa to hơn trái banh bóng rổ mà chẳng hụt tay bao giờ. Nhưng với tôi, quang cảnh chợ Tết đẹp nhất vẫn là ở góc ngã tư phía trước bởi sản vật buôn bán bày biện đủ màu như một bức tranh cây trái của vùng sông nước miền Tây, từ các cần xé dừa, xoài, cam, bưởi, quýt, cho đến từng đệm bông cúng vàng rực cùng những giỏ hoa kiểng chưng Tết đắt tiền.
Đứng xem một hồi dường như thằng Tèo chán mắt. Nó rủ, “tụi mình lên xe ngựa ra Chợ Bến Thành xem chợ hoa đi, nhiều hoa đẹp hơn ở đây”. Nghe nó rủ tôi cũng muốn đi nhưng ngày mai Hăm Chín, má tôi hứa cho anh em chúng tôi đi chơi Lăng Ông Bà Chiểu để ngày Ba Mươi còn có thời gian nấu nướng cúng đón ông bà và gói nồi bánh tét cuối năm. Ba tôi khó tính, cúng ông bà phải đúng mười hai giờ trưa, mọi người lớn nhỏ ai cũng phải đốt nhang khấn vái mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Có năm cây nhang tôi cắm trong lư hương, tàn nhang cháy cong vòng mà không rớt xuống suốt ba ngày Tết. Ba tôi bảo rằng, “mình khấn vái thành tâm, ông bà về phù hộ cho cả nhà một năm suôn sẻ”.
Thật ra không phải năm nào má tôi cũng có thời gian cho con cái đi chơi Lăng Ông, chụp một tấm hình kỷ niệm cuối năm. Má tôi buôn bán gạo, nếp quanh năm ngoài chợ, ngày Tết đắt hàng phải nhờ mấy bà chị ra chợ ngồi bán thế. Tôi khoái đi Lăng Ông không phải thích ông Tả Quân Lê Văn Duyệt mà tôi thích đến vườn nhà bà đồng cốt ở gần miệt chợ Đa Kao. Thể nào má tôi cũng ghé đây trước, xem bói coi năm tới mua bán làm ăn có phát tài, trong khi anh em tụi tôi được chạy nhảy lung tung trong mảnh vườn cây trái bao quanh những ao cá. Không biết bà đồng cốt xem có đúng hay không nhưng người ta đến coi đông lắm, phải lấy số ngồi chờ tới phiên lượt mình. Má tôi thì được ưu ái hơn, có khi xem xong tới giờ ăn trưa được mời ở lại ăn bữa, còn anh em tôi nhận được mỗi đứa một phong bao lì xì với lời chúc dài khó nhớ, “ăn no chóng lớn, học hành tấn tới, thi đâu đậu đó…”
Bao lì xì sớm chỉ là tờ giấy một đồng xanh nhưng lòng tôi vui hơn bao giờ hết. Rồi Ba Mươi Tết sau khi cúng đón ông bà, anh em tụi tui quây quần chăm chúc ngọn lửa bên nồi bánh tét nhỏ cuối năm kéo dài đến trước Giao Thừa. Tôi ngồi bên nồi bánh, tai lắng nghe tiếng pháo xa gần đì đùng chuẩn bị đón Giao Thừa đang tới gần thì cũng vừa lúc những đòn bánh nhỏ được vớt ra, tắm rửa sạch sẽ ngự lên bàn thờ, trên mâm cúng khói hương nghi ngút. Phong pháo nhỏ treo trước cửa rào đã sẵn sàng. Một tràng pháo đầu ngõ báo tin giờ Giao Thừa đã đến, thế rồi tiếp theo sau là một chuỗi cười rộ vang lên khắp nơi đì đùng đì đùng như thế kéo dài suốt một năm tương lai, bắt đầu niềm hân hoan trong mù khói và mùi diêm sinh tống tiễn năm cũ, đón mừng năm mới.
Nguồn: Trang Nguyên (baotreonline.com)