Thỉnh thoảng ngồi vỉa hè Sài Gòn lại gặp hai ông già đi bán vé số, ôm theo cây đàn guitar và hát những bản nhạc vàng.
Không biết vô tình hay cố ý mà ông cụ hay chơi nhạc của Trần Thiện Thanh. Đêm Sài Gòn thế kỷ 21 đôi khi vẫn rũ rượi hồn phách của một thời Sài Gòn đèn vàng u uẩn. Giọng hát dù ở vỉa hè vang lên như một thứ âm linh chưa tan hết phách vía, hay cất lên từ những băng Akai cổ của các diva một thời như Thanh Thúy, Mỹ Thể… ở trong những quán vắng, bàn ghế gỗ nứt toang toác mùi thời gian… Tất cả dường như vẫn vậy, vẫn là lời thì thầm lãng mạn sau tấm màn nhung dày, phiêu phiêu trong thứ nhịp nhà đòn chậm thê thiết đầy màu tang chế. Dù là âm thanh của các diva trước 75 hay của một ông thương binh sống nốt quãng cuối của cuộc đời cũng từa tựa như một thứ ma túy, làm tê liệt thần kinh về ý thức hiện tại.
Khoái cảm của cuộc phiêu lưu trên chuyến tàu thời gian bằng âm thanh, uống hồn phách những cuộc tình, mất mát, chia ly, đầy dự cảm của những nghệ sỹ một thời quá vãng giống như vị đắng cà phê, khiến người ta ngầy ngật trong cơn say.
Đa phần các nhạc sỹ hồi đó đều là những mảnh đời bất hạnh. Có cần gửi đến họ, những kẻ vác thập giá buồn lời cảm ơn vì đã làm nhân gian thêm buồn não nùng, một nỗi buồn đẹp và duy mỹ?
Đôi khi chỉ là những tâm sự rất sến sũng của chàng nghệ sỹ trong bài Hoa Trinh Nữ của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh đã nằm lòng trong ký ức bao người. Hồi đó nhạc sỹ yêu ca sỹ Minh Hiếu, một giai nhân trong làng cầm ca Sài Gòn. Một dịp lên Tây Nguyên ca hát phục vụ quân đội, Minh Hiếu lọt vào tầm ngắm của tướng Vĩnh Lộc. Về người đàn ông quyền lực nắm giữ chức tư lệnh quân đoàn 2 (toàn bộ Tây Nguyên), tướng Vĩnh Lộc được nhiều người xem như vua do xuất thân từ dòng hoàng tộc, ngang hàng với Bảo Đại. Người đẹp Minh Hiếu xiêu lòng trước quân vương và trở thành “trung tướng phu nhân”.
Ca sĩ Minh Hiếu
Chàng nhạc sỹ Trần Thiện Thanh ôm mối tình nghèo viết nên bài Hoa Trinh Nữ:
“Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường.
Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền…
Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa,
không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son.
Tôi chỉ là người lính phong trần, thấy hoa nhớ người yêu rất xa…”.
Tuy nhiên, dù bị người tình phụ bỏ, trong tâm tưởng ông, cô vẫn tráng lệ và huy hoàng lắm nên mới có câu hát:
“Khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân.
Vua xao xuyến tâm hồn vời nàng về chốn hoàng cung,
truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng.
Trên ngôi cao chín tầng Hoàng hậu đẹp hơn ánh sao”.
Nghe Trần Thiện Thanh hát Hoa Trinh Nữ
Có thể sau này những bản phối sau 1975, với sự thừa mứa đồ chơi + tính năng điện tử đã làm nhạc vàng mất đi cái đẹp, cái hồn trở thành một thứ nhạc giải trí bình dân, thậm chí là dễ dãi nhưng đâu đó giữa cuộc đời, những bản nhạc đó vẫn thỉnh thoảng vang lên dù ngô nghê hay mỹ miều, làm người ta lặng người.
Bài: Nguyễn Hậu
(Trích đăng với sự đồng ý của tác giả)