Bài hát Hoa Sứ Nhà Nàng của nhạc sĩ Hoàng Phương sáng tác chung với Hoài Nam năm 1969, có lẽ là bài nhạc vàng nổi tiếng nhất ở trong nước vào thập niên 1980. Có thông tin cho rằng đây là bài nhạc vàng duy nhất không bị cấm sau năm 1975, vì vậy thời điểm thập niên 1980, khi mà nhạc vàng chưa được cấp phép rộng rãi, thì đã có rất nhiều ca sĩ trong nước hát bài này.
Tuy nhiên Hoa Sứ Nhà Nàng có lẽ cũng là bài hát bị hát sai nhiều nhất, sai cả lời lẫn tựa đề của bài hát. Theo bản gốc phát hành trước 1975, bài này có tên là Hoa Sứ Nhà Em. Sau biến cố năm 1975, qua nhiều dị bản, nhiều ca sĩ khác nhau hát thời kỳ 1980, bài hát bị đổi tên thành Hoa Sứ Nhà Nàng. Cái tên mới này trở nên nổi tiếng đến nỗi làm cho người ta quên luôn cả tên gốc của bài hát là Hoa Sứ Nhà Em.
Ngoài việc sai thành phần quan trọng là tựa đề, nhiều ca sĩ còn hát sai hầu hết phần lời. Nguyên do có thể là vì khi các ca sĩ sau 1975 hát, họ đã không đối chiếu với tờ nhạc gốc, mà hát theo kiểu truyền tai nhau. Ngay từ các chữ đầu của bài hát đã bị hát sai là:
“Đêm đêm ngủ mùi hương” bị đổi thành “Đêm đêm ngửi mùi hương”
(Chữ “ngửi” có vẻ hợp lý, nhưng đã làm cho câu hát trở thành trần tục hơn lời gốc)
“đậm đã gây nhớ gọi tên” bị đổi thành “đậm đà đây đó gọi tên” (không hiểu “đây đó gọi tên” là gì)
“nhà nàng cách gần bên giàn hoa sứ ranh vườn” bị đổi thành “nhà nàng cách nhà tôi giàn hoa sứ quanh tường”
“biết chăng ngày sau khi ngõ về gần nhau tình ôi đóm lửa phai mầu” bị đổi thành “biết chăng về sau khi ngõ về gần nhau tình yêu đã vội phai màu”
“một trời tim tím thở than” bị đổi thành “một thời tim tím mộng mơ”
Hoa Sứ Nhà Em là bài hát có trường hợp đặc biệt, là TẤT CẢ các ca sĩ hát bài này sau năm 1975 đều hát sai, không có bất kỳ bản thu âm sau 1975 nào hát đúng lời gốc. Ngay cả ca sĩ Chế Linh, là người duy nhất hát đúng lời gốc khi thu trong băng Kim Đằng 2 trước 1975, nhưng sau 1975, ông vẫn hát sai lời. Có lẽ cũng từ phiên bản hát sai lời này của Chế Linh khi thu âm trong băng nhạc Làng Văn sau 1975, làm cho các ca sĩ trẻ khác hát sai lời theo. Mỗi ca sĩ lại hát sai theo những cách khác nhau.
Mời các bạn nghe phiên bản Chể Linh hát trong băng Kim Đằng 2 trước 1975, phiên bản duy nhất được hát đúng lời gốc phát hành của nhạc sĩ Hoàng Phương:
Click để nghe Chế Linh hát
Từ lâu nay, nhắc đến Hoa Sứ Nhà Nàng, người ta chỉ nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương, và ngược lại. Vì ca khúc này quá phổ biến nên khoảng đầu thập niên 1990 nhạc sĩ Hoàng Phương đã viết thêm Hoa Sứ Nhà Nàng 2,3…
Tuy nhiên theo những nhạc sĩ cùng thời thì người góp sức không nhỏ trong việc sáng tác Hoa Sứ Nhà Em là nhạc sĩ Hoài Nam, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như Ba Tháng Quân Trường, Chín Tháng Quân Trường, Những Dòng Lưu Niệm, Sau Lần Hẹn Cuối… Thời điểm sáng tác bài Hoa Sứ Nhà Em là 1969, khi đó nhạc sĩ Hoàng Phương vẫn chưa có sáng tác nào. Sau thời gian ngắn sáng tác với một nhạc trẻ tuổi hơn là Phượng Vũ, nhạc sĩ Hoàng Phương có ý tưởng sáng tác Hoa Sứ Nhà Em và đã cùng với người bạn là nhạc sĩ Hoài Nam cùng sáng tác.
Sau năm 1975, có rất ít tin tức về nhạc sĩ Hoài Nam. Có thông tin nói rằng ông đã qua đời trong nghèo khổ ở Vũng Tàu, và không ai còn liên lạc được với gia đình của ông sau này.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn