Hình ảnh về Chợ Đà Lạt xưa – Kiến trúc độc đáo của thập niên 1950

Chợ Đà Lạt hiện nay không chỉ là một ngôi chợ với các hoạt động mua bán thông thường với người bản xứ, mà còn là nơi nối tiếng thu hút khách tham quan khi đến với thành phố này. Chợ Đà Lạt trước năm 1975 được gọi là Chợ Mới, được xây dựng từ năm 1958. Trước đó có Đà Lạt có một ngôi chợ khác tại vị trí rạp chiếu phim ở khu Hòa Bình hiện nay. Từ chợ cũ sang chợ mới chỉ cách nhau mấy bước chân, đi bằng những bậc thang cao và rộng, sau đó còn được bổ sung thêm cầu nổi trên cao để nối 2 khu chợ.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Còn trước đó nữa, vào thời kỳ sơ khai của xứ này, khu chợ đầu tiên của người Đà Lạt là một dãy chợ nhỏ tự phát, nằm ở vị trí sau này là Ấp Ánh Sáng.

Trước năm 2015, khu Ấp Ánh Sáng này vô cùng quen thuộc không chỉ với người Đà Lạt, mà còn nổi tiếng với du khách vì có những hàng quán ăn sáng đông đúc trong một con hẻm khá nhỏ, lát bằng những miếng đá gồ ghề. Tuy nhiên hiện nay con hẻm này đã bị giải tỏa.

Đến năm 1929, khi dân số Đà Lạt tăng lên được 2000 người, công sứ Pháp đặc trách Đà Lạt là Chassaing cho dời ngôi chợ nhỏ này lên đỉnh cao nhất của một ngọn đồi mà ngày nay gọi là khu Hòa Bình. Nơi đó dựng nên một ngôi chợ bằng cây rừng ván gỗ, lợp tôn, nên còn được gọi là “Chợ Cây”. Vì làm bằng cây nên chợ hoạt động không bao lâu thì bị 1 trận hỏa hoạn thiêu rụi vào năm 1931.

Chợ Cây

Đến năm 1937, khi dân số Đà Lạt tăng lên 6500 người, chính quyền đã cho xây dựng ngay tại vị trí chợ cũ bị cháy một khu chợ xây bằng gạch khang trang để thay thế Chợ Cây, chính là ngôi chợ trong hình bên dưới. Dù không còn làm bằng cây nhưng người Đà Lạt vẫn quen gọi là Chợ Cây.

Đến cuối thập niên 1950, chợ cũ trở nên chật chội trước sự tăng dân số nhanh chóng của Đà Lạt, đặc biệt là sau làn sóng di cư, chợ cũ không thể phục vụ cho số dân đã tăng lên hơn 8 lần so với khi nó được xây dựng. Lúc đó chính quyền thị xã Đà Lạt thuộc tỉnh Tuyên Đức quyết định đầu tư xây dựng một ngôi chợ lớn hơn, hiện đại hơn, đồng thời chỉnh trang lại khu vực Chợ Cây (tức khu Hòa Bình hiện nay).

Việt Tấn Xã số 3591 ngày 4/1/1961 đã viết: “Ở vùng Cao-Nguyên Trung-Phần, chợ Đà Lạt có một nét tân-kỳ lộng lẫy không kém các chợ danh tiếng ở Đông-Nam-Á”

Từ một thung lũng với mấy vạt đất trồng cải, mùa mưa cỏ mọc um tùm, đầm lầy tù đọng, đã mọc lên một ngôi chợ hiện đại làm thay đổi diện mạo trung tâm Đà Lạt.

Theo cuốn sách khảo cứu “Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù” của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên, ý tưởng về một ngôi chợ mới bề thế làm điểm nhấn cho Đà Lạt có thể đã đến từ năm 1957, sau khi ông Trần Văn Phước nhậm chức Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức kiêm Thị trưởng Đà Lạt, ông nhận ra ngay rằng chợ Cũ đã quá chật chội. Có thể nói dự án xây cất khu Chợ Mới là một quyết định đầy táo bạo của ông thị trưởng, vì khi đó nguồn tài chính công của Đà Lạt rất eo hẹp, phải xin phép Tổng thống được vay 30 triệu đồng từ Quỹ hưu bổng văn giai Việt Nam để xây chợ. Số tiền này được bên vay cam kết trả bằng 15 niên khoản liên tiếp, tính từ năm 1959 đến năm 1973.

Một cuộc đấu thầu công khai để xây dựng chợ được tổ chức ngày 4/7/1958 tại Tòa hành chánh Đô thị Đà Lạt do ông Trần Văn Phước làm chủ tọa, công ty của ông Nguyễn Linh Chiểu đã thắng thầu với mức giá đưa ra là 30.326.000 đồng. Lễ động thổ xây Chợ Mới diễn ra vào 9 giờ ngày 10/10/1958, dự kiến hoàn thành trong 20 tháng. Bản thiết kế ngôi chợ 3 tầng lầu của kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức với phong cách tên kỳ tọa lạc tại khu tam giác các đường Lê Đại Hành – Nguyễn Thái Học và Phan Bội Châu, diện tích mỗi tầng là 1600m vuông, cao 19.45m, dài 80m, rộng 18m. Tầng dưới cùng là bán thực phẩm, tầng thứ nhì là vải vóc, tạp hóa, tầng 3 phục vụ giải trí.

Chung quanh chợ là mái hiên xi măng cốt sắt rộng 6m, diện tích 1000m vuông để che mưa nắng khi di chuyển mua sắm bên dưới. Bốn góc chợ đặt bốn cầu thang lên xuống. Từ đường Lê Đại Hành xuống khu chợ có một đường đi rộng, với bậc thang lộ thiên cao 17m, chia làm 3 đợt nghỉ chân. Vào thời điểm đó, những tính toán về thoát nước, dẫn nước và điện được tổ chức rất khoa học và bài bản.

Trong khi chợ vẫn đang được xây theo tiến độ thì vào giữa năm 1959, trong một lần đi kinh lý tại Đà Lạt, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đề nghị cần có sự gắn kết trực tiếp khu Chợ Mới với khu Chợ Cũ (tức Khu Hòa Bình), đảm bảo tính tiện ích và an toàn. Việc này được giao cho kiến trúc sư Ngô Viết Thụ mới vừa từ Pháp trở về, tính toán một họa đồ thiết kế đường dẫn và phân lô chung quanh. Với sự sửa đổi theo đồ án của Ngô Viết Thụ thì chi phí xây dựng tăng lên so với ban đầu, thị trưởng Trần Văn Phước đã mượn thêm 5 triệu đồng của Kiến Ốc Cục.

Chợ Mới

Năm 1960, Chợ Mới Đà Lạt hoàn thành và đưa vào sử dụng, đây cũng là ngôi chợ có tầng lầu đầu tiên ở Việt Nam. khu Chợ Mới được kết nối từ nhiều phía đã trở thành một trung tâm mua sắm sầm uất, hiện đại nhưng vẫn giữ một không gian mở, hướng tới những cư dân bản địa từ trên núi cao vẫn giữ thói quen đi về trung tâm với tập quán mua bán, trao đổi sản vật địa phương ở ngoài trời.Ngoài khu chợ bên trong thì vẫn có một bãi chợ rộng rãi được tổ chức bên trái chợ, lót gạch sọc vàng và che dù sặc sỡ, chia ra 112 lô cho các hàng bán rau và gà vịt, nông sản địa phương.

Khi Chợ Mới hoạt động thì Chợ Cây đã được các kiến trúc sư thiết kế cải tạo thành rạp chiếu bóng Hòa Bình, với điều kiện của chính quyền đưa ra là phải giữ nguyên kiến trúc cũ để bảo tồn di tích. Rạp cine này có 800 chỗ ngồi khá hiện đại và sân khấu khá rộng.

Ban đầu cái tên Hòa Bình chỉ dùng cho rạp chiếu phim (rạp Hòa Bình) nằm trong Hội Trường Hòa Bình, dần dần sau đó gọi chung cho khu vực lân cận, được gọi là khu Hòa Bình.

Toàn cảnh khu Hòa Bình

Sở dĩ có cái tên này là vì công ty nhận cải tạo rạp mang tên là Hòa Bình do một số người Hoa cùng đứng ra thành lập, được chính quyền cấp phép khai thác kinh doanh rạp Hòa Bình trong 25 năm.

Để bù đắp một phần chi phí đầu tư vào rạp chiếu bóng, chính quyền còn cho phép công ty Hòa Bình xây dựng dãy ki ốt dọc hai bên rạp để cho thuê bán đồng hồ, mắt kính, các quầy bán hàng mỹ phẩm… tạo thành một khu thương mại sầm uất.

Chợ Cũ và Chợ Mới, một bên là trên đỉnh đồi cao, một bên là dưới thung lũng, kết nối với nhau bằng dãy bậc thang rộng và rất cao, tạo thành một nét độc đáo của khu vực trung tâm Đà Lạt.

Dọc cầu thang là những gánh hàng rong được bày bán
Cây cầu nổi được kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thêm vào trong đồ án sửa chữa, nối liền Chợ Cũ với Chợ Mới

Hình ảnh này thấy toàn cảnh Chợ cũ (khu Hòa Bình) và Chợ mới (Chợ Đà Lạt ngày nay), với cây cầu bắc ngang đi từ chợ cũ sang chợ mới.

Sau đây mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của chợ Đà Lạt:

Chợ Đà Lạt cuối thập niên 1950:



Những hình ảnh khu chợ Cũ (Chợ Cây):

Đường Minh Mạng, nay là đường Trương Công Định. Đường xéo bên trái hình là Duy Tân (nay là đường 3/2)
Đường Minh Mạng đi ra Hội Trường Hòa Bình
Đường Thành Thái, nay là đường Nguyễn Chí Thanh. Đường dốc bên phải là Lê Đại Hành, dẫn lên chính diện Hội Trường Hòa Bình

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version