Tiếp theo 3 phần đã đăng về những hình ảnh xưa và nay của những ca sĩ nổi tiếng trước 1975, xin giới thiệu đến các bạn phần 4, cũng là phần cuối của loạt bài này. Có một điều khác biệt, đó là tất cả những ca sĩ trong bài này đã về cõi vĩnh hằng, nên có thể gọi đây là các hình ảnh “trước và sau”, chứ không phải là “xưa và nay”.
Khánh Ngọc (1937-2021)
Ca sĩ Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Nam, sinh năm 1937, là minh tinh điện ảnh thuộc thế hệ đầu tiên của làng nghệ thuật Sài Gòn. Trong lĩnh vực âm nhạc, bà sở hữu giọng hát nhiều nội lực, từng là thành viên của ban Thăng Long danh tiếng, và cũng là vợ cũ của nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
Không chỉ thành công trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, Khánh Ngọc thời trẻ còn nổi tiếng là người có nhan sắc quyến rũ.
—
Lệ Thu (1943-2021)
Ca sĩ Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943, thường được nhắc đến như là 1 trong 3 nữ ca sĩ nổi tiếng nhất của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975, cùng với Khánh Ly và Thái Thanh.
Nhắc đến Lệ Thu, người ta nhớ đến “giọng hát vàng mười” rất sang trọng, giàu năng lượng, truyền cảm và sâu lắng. Giọng hát đã thể hiện thành công rất nhiều ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trường Sa, Cung Tiến…
—
Thái Thanh (1934-2020)
Danh ca Thái Thanh tên thật là Phạm Thị Băng Thanh, sinh năm 1934 và qua đời năm 2020. Bà được mọi tầng lớp khán giả, các nghệ sĩ và giới nghiên cứu âm nhạc xưng tụng là tên tuổi lớn nhất trong số những ca sĩ của tân nhạc Việt Nam. Bà được nhà văn Mai Thảo gọi là “Tiếng hát vượt thời gian”, và danh hiệu này đã đi liền với cuộc đời và sự nghiệp của bà. Nhiều người cũng gọi Thái Thanh là “đệ nhất danh ca” của âm nhạc Việt Nam.
—
Thái Hằng (1927-1999)
Ca sĩ Thái Hằng tên thật là Phạm Thị Quang Thái, sinh tại Hà Nội. Bà được biết đến với vai trò là vợ của nhạc sĩ Phạm Duy, chị ruột của danh ca Thái Thanh.
Thái Hằng còn là thân mẫu của các ca sĩ nổi tiếng Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo và nhạc sĩ Duy Cường. Tên tuổi nữ danh ca Thái Hằng gắn bó với Phạm Duy và ban hợp ca Thăng Long thành một gia đình nghệ sĩ hàng đầu đã có những đóng góp lớn lao cho âm nhạc Việt Nam.
—
Duy Quang (1950-2012)
Ca sĩ Duy Quang sinh năm 1950, là con trai đầu của nhạc sĩ Phạm Duy và danh ca Thái Hằng, là một trong những ca sĩ nổi bật của tân nhạc Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai. Với chất giọng ngọt ngào, tình cảm, Duy Quang hát thành công nhiều thể loại: từ nhạc tình ca, nhạc tiền chiến đến một số ca khúc thuộc dòng nhạc vàng, tuy nhiên thành công nhất vẫn là những bài tình ca do cha của ông là nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác, được giới sinh viên – học sinh rất mến chuộng.
—
Hà Thanh (1937-2014)
Ca sĩ Hà Thanh tên thật là Trần Thị Lục Hà, sinh năm 1937, là giọng ca xuất thân từ Huế và thành danh ở Sài Gòn từ đầu thập niên 1960, sở trường hát nhạc thính phòng cổ điển, nhạc tiền chiến, và cả nhạc vàng.
Tiếng hát của Hà Thanh được nhận xét là thanh nhã, cao quý và có nội lực, khi lên cao thì chót vót, trong trẻo, khi xuống thấp thì dịu dàng, mượt mà, đầy tự sự. Bà là nữ ca sĩ mà từ tài năng, phẩm hạnh đến thân thế đều có sự đồng nhất, luôn sang trọng và quý phái.
—
Duy Khánh (1936-2003)
Ca – nhạc sĩ Duy Khánh tên thật là Nguyễn Văn Diệp, sinh năm 1936, được xem là nam danh ca nhạc vàng được yêu thích nhất trước năm 1975, được xưng tụng là một trong “tứ trụ nhạc vàng” cùng với Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực ca hát, ông còn là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc nhạc vàng bất hủ như: Thương Về Miền Trung, Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, Thư Về Em Gái Thành Đô, Đêm Bơ Vơ…
Có thể nói, Duy Khánh là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc có tầm ảnh hưởng lớn nhất của làng nhạc vàng trước năm 1975.
Cố ca sĩ – nhạc sĩ Duy Khánh sinh năm 1936 và qua đời năm 2003, ông được xưng tụng là 1 trong tứ trụ nhạc vàng, và có thể xem là “cánh chim đầu đàn” của dòng nhạc vàng được khai sinh vào thập niên 1950-1960 ở miền Nam.
—
Nhật Trường – Trần Thiện Thanh (1942-2005)
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (ca sĩ Nhật Trường) sinh năm 1942, là tên tuổi nổi bật của dòng nhạc vàng, đặc biệt thành công trong cả vai trò nhạc sĩ và ca sĩ, được xưng tụng là một trong “tứ trụ nhạc vàng”, là người tài hoa nhưng cũng không kém phần lận đận, đặc biệt là sự nghiệp trong những năm cuối đời.
—
Hùng Cường (1936-1996)
Ca sĩ Hùng Cường sinh năm 1936, qua đời năm 1996, được công chúng yêu nhạc xưng tụng là một trong tứ trụ nhạc vàng cùng với Duy Khánh, Chế Linh và Nhật Trường.
4 nam danh ca này vừa có khả năng hát, vừa có khả năng sáng tác nhạc vàng, và là những nam danh ca nổi tiếng nhất của làng nhạc miền Nam vào thập niên 1960 – nửa đầu thập niên 1970. Nếu chỉ xét riêng trong dòng nhạc vàng thì tên tuổi của Hùng Cường có phần yếu thế nhất trong 4 cây “đại trụ” này, nhưng nếu xét về sự đa tài, mức độ tài hoa thì Hùng Cường lại nổi trội hơn cả, vì ông không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, mà còn là tài tử điện ảnh nổi tiếng, một kép chính cải lương lừng danh và là một trong những nghệ sĩ kịch đầu tiên của miền Nam.
—
Sĩ Phú (1940-2000)
Danh ca Sĩ Phú tên thật là Nguyễn Sĩ Phú, sinh năm 1940 tại tại thành phố Boneng Thaket, Lào. Cha của ông là người Hà Nội và mẹ quê ở Bắc Ninh sinh năm 1940. Ông là 1 trong 3 nam danh ca nổi tiếng nhất của dòng nhạc trữ tình trước năm 1975, cùng với Anh Ngọc và Duy Trác.
Dù là một danh ca nổi tiếng, nhưng nghề hát vẫn chỉ là nghề tay trái của Sĩ Phú, vì ông là một quân nhân chuyên nghiệp với quân hàm sau cùng là thiếu tá.
—
Mỹ Thể (1940-2000)
Ca sĩ Mỹ Thể tên thật là Công Huyền Tôn Nữ Mỹ Thể sinh năm 1940 tại Huế. Xứ Huế là nơi đã sản sinh ra nhiều giọng hát đã trở thành huyền thoại, từ thế hệ thập niên 1940 là danh ca Minh Trang, Minh Diệu, Mộc Lan, Ngọc Cẩm, sau đó là thế hệ Hà Thanh, Thanh Thúy, và Mỹ Thể.
Mặc dù Mỹ Thể kém danh tiếng nhất trong số những nữ ca sĩ có xuất thân từ Huế, nhưng giọng hát đặc biệt của cô vẫn luôn được khán giả yêu nhạc vàng nhớ đến với những ca khúc Đường Xưa Lối Cũ, Xe Hoa Một Chiếc, Con Đường Xưa Em Đi, Lá Thư Không Gửi…
—
Dạ Hương (1951-2009)
Ca sĩ Dạ Hương tên thật là Nguyễn Thị Vẹn, sinh ngày 4 tháng 11 năm 1951 tại Saigon.
Trong số những nữ ca sĩ nổi danh trước 1975, cái tên Dạ Hương có lẽ không quen thuộc lắm với đại đa số người nghe nhạc như nhiều tên tuổi lừng lẫy khác, nhưng tiếng hát của cô vẫn để lại một ấn tượng rất đặc biệt đối với những người từng thưởng thức, dù là chỉ một lần.
Ca sĩ Dạ Hương xuất hiện khá muộn trong làng nhạc, được biết đến chỉ từ đầu thập niên 1970 trong những cuốn băng nhạc Shotguns, Thanh Thúy, và trình diễn ở một số phòng trà ca nhạc Sài Gòn. Giọng hát của cô thiên về chất mộc, đượm một nỗi buồn đằm thắm, trình bày thành công các ca khúc 7000 Đêm Góp Lại, Hồn Trinh Nữ, Mùa Xuân Đầu Tiên, Người Tình Và Quê Hương…
—
Minh Trang (1921-2010)
Danh ca Minh Trang tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1921 tại Bến Ngự – Huế, là ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng từ cuối thập niên 1940. Bà là thân mẫu của cố ca sĩ Quỳnh Giao, là vợ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển rực rỡ của tân nhạc thời kỳ đầu thập niên 1950.
Trong số những nữ danh ca đầu tiên của tân nhạc Việt Nam thuộc thế hệ thứ 2 từ cuối thập niên 1940, người ta thường nhắc đến những tên tuổi như Minh Đỗ, Tâm Vấn, Thái Thanh và Thái Hằng ở miền Bắc, miền Trung có Minh Diệu, Mộc Lan, và Sài Gòn có Minh Trang.
Vào cuối thập niên 1940, khi Thái Thanh, Thái Hằng, Tâm Vấn… và nhiều nghệ sĩ khác vẫn còn sinh hoạt văn nghệ ở miền Bắc, chưa di cư vào Nam, thì có thể xem Minh Trang là đệ nhất danh ca của Sài Gòn thời điểm đó.
—
Quỳnh Giao (1946-2014)
Ca sĩ Quỳnh Giao tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sinh ngày 8 tháng 11 năm 1946 tại làng Vỹ Dạ, Huế. Cô là con gái của nữ danh ca Minh Trang nổi tiếng từ thập niên 1940 tại Sài Gòn.
Sinh ra trong gia đình nghệ sĩ (cha dượng cô là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, từ bé Quỳnh Giao đã được hát trên đài Phát thanh Quốc gia Sài Gòn, trong những chương trình Tuổi Xanh của Ban Nhi Đồng Kiều Hạnh.
Năm 15 tuổi, thay thế cho mẹ là Minh Trang để hát trong ban Hoàng Trọng, từ đó Quỳnh Giao chính thức bước vào con đường ca hát chuyên nghiệp, trở thành ca sĩ tiêu biểu của nhạc trữ tình thập niên 1960 nối tiếp thế hệ của Thái Thanh, Mộc Lan, Kim Tước…
Không chỉ nổi tiếng trong vai trò ca sĩ, Quỳnh Giao còn nghiên cứu về tân nhạc, đóng góp nhiều bài viết giá trị về âm nhạc trong những năm cuối đời.
—
Mai Hương (1941-2020)
Ca sĩ Mai Hương tên thật là Phạm Thị Mai Hương, sinh năm 1941 trong một đại gia đình nghệ sĩ có nhiều đóng góp nhất cho nền nghệ thuật Việt Nam. Cha của bà là Phạm Đình Sỹ (anh ruột của danh ca Thái Thanh, Thái Hằng, Hoài Bắc…). Mẹ của bà là Kiều Hạnh, nữ kịch sĩ nổi tiếng.
Mai Hương được hầu hết đồng nghiệp nhận xét là nắm rất vững nhạc lý, nên khi vào hát trong đài phát thanh ngay từ khi còn rất trẻ, bà có thể cầm tờ nhạc lên là có thế hát ngay được và phối hợp rất ăn ý với ban nhạc, chứ không cần phải tập dượt trước như nhiều ca sĩ khác.
Tên tuổi Mai Hương được biết đến nhiều chủ yếu là từ các chương trình phát thanh và truyền hình. Ngoài đài phát thanh Pháp Á và Đài Phát Thanh Sài Gòn, bà còn hát trên những đài Quân Đội và Tiếng Nói Tự Do, đài Truyền Hình Việt Nam, cộng tác với hầu hết những chương trình ca nhạc nổi tiếng vào thời đó với các trưởng ban như Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Quí Lãm, Võ Đức Tuyết, Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ Thành…
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn