Hình ảnh so sánh đường Sài Gòn xưa và nay với cùng một góc ảnh – Phần 2: Đường Tự Do (Đồng Khởi)

Góc ảnh của xưa và nay được chụp cùng một vị trí phần 2 với những hình ảnh của con đường mang tên Tự Do năm xưa (nay là đường Đồng Khởi).

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Con đường này dài chưa tới 1km nhưng có nhiều cửa hàng, khách sạn sang trọng, sầm uất bậc nhất Sài Gòn suốt 3 thế kỷ qua, là con đường có nhiều cây xanh, có những công trình kiến trúc trên 100 năm là Nhà Thờ, Bưu Điện, Opera House và Continental Palace, có khách sạn Caravelle nổi tiếng, có thương xá Eden với Eden Passage được nhiều người nhớ tới, có công viên Chi Lăng được ví như một vườn treo đầy cây xanh ở giữ khu vực đắc địa nhất.

Đầu đường là con sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng với Majestic Hotel, và kết thúc là Vương Cung Thánh Đường (Nhà Thờ), là công trình kiến trúc độc đáo. Đường Tự Do còn có phòng trà Tự Do với những tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng, có phòng trà Maxim’s vang bóng một thời, có hàng loạt những nhà hàng sang trọng từng đón bước chân biết bao nhiêu cặp đôi tài tử giai nhân một thời của Sài Gòn phồn hoa…

Sau đây là những hình ảnh xưa và nay được đăng theo thứ tự từ đầu đường (đoạn bến sông) cho đến Vương Cung Thánh Đường. Hình ảnh xưa trước 1975 được sưu tầm từ trang của anh Mạnh Hải trên flickr, hình ảnh ngày nay được nhacxua.vn thực hiện năm 2020:

Ở đầu đường (giáp với bờ sông Sài Gòn) là khách sạn Majestic danh tiếng. Từ khách sạn này có thể nhìn bao quát xuống toàn bến sông Bạch Đằng. Đây là ngã 3 đường Catinat – Quai le Myre de Vilers (tên thời Pháp), hoặc Tự Do – Bạch Đằng (tên trước năm 1975), đến nay trở thành Đồng Khời – Tôn Đức Thắng
Khách sạn Majestic được xây dựng cuối thập niên 1920 với 3 tầng lầu, chủ đầu tư một thương gia Việt gốc Hoa giàu có bậc nhất xứ Sài Gòn – Gia Định lúc bấy giờ là Hui Bon Hoa (tức Chú Hỏa – Hứa Bổn Hỏa). Năm 1965, khách sạn được cải tạo, nâng cấp theo bản vẽ của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ và được nâng thêm 2 tầng nữa. Năm 1994, khách sạn được sửa chữa lại, mang kiến trúc Châu Âu thời Phục hưng. Năm 2003, tiếp tục được nâng cấp và thêm 3 tầng lầu nữa thành 8 tầng, mở rộng thêm về đường Tôn Đức Thắng như ngày nay. Đến năm 2007, khách sạn này được Tổng cục Du lịch công nhận đạt chuẩn 5 sao, là khách sạn 5 sao đầu tiên do người Việt tự đầu tư, quản lý, điều hành.
Ở đằng sau và nối liền với khách sạn Majestic, là vũ trường, phòng trà nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng thi Thơ mang tên Maxim’s. Có một thời gian các hàng quán phải có tên tiếng Việt, nên Maxim’s mang tên là Mỹ Tâm. Phòng trà Maxim’s không chỉ có ca nhạc mà còn có ăn uống dành cho giới thượng lưu, sang trọng. Dưới sự điều khiển của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, phòng trà này có những màn nhạc kịch có chất lượng nghệ thuật cao.
Ở bên kia đường, ngay góc đường Tự Do – Ngô Đức Kế (tên thời Pháp là Catinat – Vannier) có 1 tòa nhà nổi tiếng là Saigon Palace Hotel, nay là Grand Hotel.
Từ năm 1958, chính quyền có chính sách là các cửa hiệu phải có tên tiếng Việt, nên Saigon Palace Hotel được mang tên Saigon Đại Lữ Quán, tồn tại đến năm 1975. Sau năm 1975, đường Tự Do đổi tên thành đường Đồng Khởi, và nơi này cũng đổi tên thành khách sạn Đồng Khởi. Từ năm 1995 đến nay, khách sạn lấy lại tên nguyên thủy hồi thập niên 1930 là Grand Hotel Saigon.
Một góc nhìn khác của Grand Hotel xưa và nay. Trước 1975, tầng trệt của tòa nhà này có hiệu may nổi tiếng Coya
Đường Tự Do (Đồng Khởi) đoạn giữa Hồ Huấn Nghiệp và Nguyễn Văn Thinh (nay là Mạc Thị Bưởi), dãy nhà vẫn còn cho đến nay, nhưng không đẹp như xưa.
Căn nhà có tầng trệt là quán cafe Imperial ở góc ngã tư Tự Do – Nguyễn Văn Thinh (nay là Đồng Khởi – Mạc Thị Bưởi). Cho đến nay kiến trúc của tòa nhà vẫn cơ bản được giữ nguyên sau hơn nửa thể kỷ.
Cũng ngay tại ngã tư Tự Do – Nguyễn Văn Thinh này còn có khách sạn Astor (xưa), nay là khách sạn Hương Sen. Hình ảnh được chụp từ đường Tự Do (Đồng Khởi) nhìn vô Nguyễn Văn Thinh (Mạc Thị Bưởi). Cuối đường là đâm ra Hai Bà Trưng
Góc ảnh khác của khách sạn Astor (Hương Sen), nhìn thì Nguyễn Văn Thinh ra phía Tự Do, nơi có quán cà phê Imperial
Đối diện bên kia đường của khách sạn Astor là tiệm thực phẩm Thái Thạch, nay là trụ sở Satra
Từ đường Tự Do nhìn vô Nguyễn Văn Thinh
Ngã 3 Tự Do – Thái Lập Thành (nay là Đồng Khởi – Đông Du), là nơi tọa lạc của phòng trà ca nhạc – vũ trường Tự Do danh tiếng.
Phòng trà Tự Do nằm ở số 80 đường Tự Do của ông Ngô Văn Cường sở hữu. Nơi đây từng vang lên tiếng hát của hầu hết những ca sĩ một thời lừng lẫy, đặc biệt là Bích Chiêu, Khánh Ly, Lệ Thu… Hiện nay, mặt tiền căn nhà này là quán cafe Trung Nguyên
Một tấm ảnh khác được chụp từ ngã 3 đường Tự Do – Thái Lập Thành (Đồng Khởi – Đông Du) nhìn ngược về phía đầu đường Tự Do
Ngay chính diện của ngã 3 Tự Do – Thái Lập Thành là tọa lạc của nhà hàng Kim Cương
Sau khi nhà hàng Kim Cương dẹp tiệm thì vị trí này thuộc về khách sạn Tự Do, ngày nay trở thành khách sạn Bông Sen. Nhìn qua bên tay phải hình là tiệm Brodard danh tiếng nằm ở góc đường Tự Do – Nguyễn Thiếp (nay là Đồng Khởi – Nguyễn Thiệp)
Đứng từ ngã 3 Tự Do – Thái Lập Thành (Đồng Khởi – Đông Du) nhìn về phía Nguyễn Thiếp
Tiệm Brodard danh tiếng ở góc đường Tự Do – Nguyễn Thiếp, nay vẫn còn
Từ ngã 3 đường nhìn vô đường Nguyễn Thiếp, phía bên kia là đại lộ Nguyễn Huệ. Sau 1975, không rõ lý do vì sao đường này được đổi tên thành Nguyễn Thiệp. Con đường này rất ngắn, có thể thấy dãy nhà bên tay phải vẫn còn. Dãy nhà này vốn là 1 khối nối liền với chung cư Catinat xưa kia.
Dãy nhà đó nằm trên đường Tự Do đoạn giữa Nguyễn Thiếp và Lê Lợi, nơi có cinema Catinat, phòng trà Đêm Màu Hồng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương (thông qua phía đường Nguyễn Huệ). Dãy nhà này nối liền khối với Phòng Thông Tin Đô Thành.
Đứng ở ngã 3 Tự Do – Nguyễn Thiếp nhìn về phía Lê Lợi, công trường Lam Sơn, Hạ Nghị Viện (Nhà Hát), Continental Palace…
Vỉa hè đường Tự Do nổi tiếng, là mặt tiền của chung cư Catinat
Hình ảnh được chụp cùng 1 vị trí của Opera House, là Nhà hát lớn đầu tiên ở Sài Gòn, một thời từng là Tòa nhà quốc hội, sau đó là trụ sở Hạ Nghị Viện.
Mặt tiền của Opera House xưa và nay
Continental Palace là khách sạn hạng sang đầu tiên của toàn cõi Nam Kỳ. Phía bên tay phải là Carravelle Hotel
Khách sạn hạng sang này đã tồn tại hơn 100 năm
Continental Palace và Opera House luôn hiện hiện trong những bộ hình đẹp nhất của Sài Gòn hơn 100 năm qua
Continental Palace được chụp từ đầu đại lộ Lê Lợi
Bên trái hình là Eden, nay trở thành Union Square
Continental Palace được xây dựng ở góc đường đắt giá nhất của Sài Gòn xưa và nay: Tự Do – Lê Lợi
Đoạn đường Tự Do ở giữa Lê Thánh Tôn và Gia Long (nay là Lý Tự Trọng) có một công viên nổi tiếng từ thời Pháp là công viên Chi Lăng, là mảng xanh rộng lớn ngay giữa quận 1 sầm uất. Ngày nay, công viên chỉ còn là một vạt cây xanh nằm cạnh một cao ốc.
Vỉa hè của công viên Chi Lăng xưa và nay. Phía trước, bên tay trái là khách sạn Atlas (nay là Paskson), bên tay phải là quán cafe nổi tiếng La Pagoda (nay trở thành 1 phần của Union Square)
Góc đường Tự Do – Gia Long (nay thành Đồng Khởi – Lý Tự Trọng)
Ngay ngã tư Tự Do – Gia Long có tòa nhà đã có từ năm 1926
Kết thúc đường Tự Do (Đồng Khởi) là Vương Cung Thánh Đường, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

Về lịch sử của con đường Catinat/Tự Do/Đồng Khởi, đã có tuổi đời hơn 150 năm. Từ khi Pháp chiếm được thành Gia Định đã có một con đường được đánh số 16, dẫn từ bờ sông thẳng vào cổng thành Bát Quái cũ (vị trí này, ngày nay là Hồ Con Rùa). Đến năm 1865, khi đề đốc De La Grandière quyết định đặt tên cho từng con đường một thì đường 16 chính thức được mang tên Catinat. Nhận thấy đây là con đường có vị trí đắc địa, Pháp đã lựa chọn Catinat để thiết lập đầu tiên khi bắt đầu triển khai quy hoạch thành phố mở ra quãng thời gian vàng son của con đường này nói riêng và Sài Gòn nói chung. Ngày đó đường Catinat kéo dài đến tận đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu).

Một thời gian sau, đường Catinat được chia làm 3 đoạn với 3 tên đường khác nhau như sau:

1. Đoạn từ đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) đến “Tháp nước” (tức Hồ Con Rùa hiện nay) mang tên là đường Garcerie.

2. Đoạn từ “Tháp nước” đến Nhà Thờ mang tên là đường Blanc Subé.

(Sau năm 1955, hai đoạn đường 1 và 2 này nhập thành 1 và đổi tên thành đường Duy Tân, sau năm 1975 thì đường Duy Tân trở thành Phạm Ngọc Thạch như ngày nay)

Con đường Blanc Subé nhìn từ bên trên Nhà Thờ Đức Bà. Bên kia tháp nước là đường Garcerie

3. Đoạn từ Nhà Thờ kéo dài đến bờ sông Sài Gòn (tức Bến Bạch Đằng sau này) vẫn mang tên Catinat, sau 1955 đổi tên thành Tự Do, và sau 1975 đổi thành đường Đồng Khởi.

Thực hiện: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

 

Exit mobile version