Góc ảnh của xưa và nay được chụp cùng một vị trí phần 2 với những hình ảnh của con đường mang tên Tự Do năm xưa (nay là đường Đồng Khởi).
Con đường này dài chưa tới 1km nhưng có nhiều cửa hàng, khách sạn sang trọng, sầm uất bậc nhất Sài Gòn suốt 3 thế kỷ qua, là con đường có nhiều cây xanh, có những công trình kiến trúc trên 100 năm là Nhà Thờ, Bưu Điện, Opera House và Continental Palace, có khách sạn Caravelle nổi tiếng, có thương xá Eden với Eden Passage được nhiều người nhớ tới, có công viên Chi Lăng được ví như một vườn treo đầy cây xanh ở giữ khu vực đắc địa nhất.
Đầu đường là con sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng với Majestic Hotel, và kết thúc là Vương Cung Thánh Đường (Nhà Thờ), là công trình kiến trúc độc đáo. Đường Tự Do còn có phòng trà Tự Do với những tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng, có phòng trà Maxim’s vang bóng một thời, có hàng loạt những nhà hàng sang trọng từng đón bước chân biết bao nhiêu cặp đôi tài tử giai nhân một thời của Sài Gòn phồn hoa…
Sau đây là những hình ảnh xưa và nay được đăng theo thứ tự từ đầu đường (đoạn bến sông) cho đến Vương Cung Thánh Đường. Hình ảnh xưa trước 1975 được sưu tầm từ trang của anh Mạnh Hải trên flickr, hình ảnh ngày nay được nhacxua.vn thực hiện năm 2020:
Về lịch sử của con đường Catinat/Tự Do/Đồng Khởi, đã có tuổi đời hơn 150 năm. Từ khi Pháp chiếm được thành Gia Định đã có một con đường được đánh số 16, dẫn từ bờ sông thẳng vào cổng thành Bát Quái cũ (vị trí này, ngày nay là Hồ Con Rùa). Đến năm 1865, khi đề đốc De La Grandière quyết định đặt tên cho từng con đường một thì đường 16 chính thức được mang tên Catinat. Nhận thấy đây là con đường có vị trí đắc địa, Pháp đã lựa chọn Catinat để thiết lập đầu tiên khi bắt đầu triển khai quy hoạch thành phố mở ra quãng thời gian vàng son của con đường này nói riêng và Sài Gòn nói chung. Ngày đó đường Catinat kéo dài đến tận đường Mayer (nay là Võ Thị Sáu).
Một thời gian sau, đường Catinat được chia làm 3 đoạn với 3 tên đường khác nhau như sau:
1. Đoạn từ đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu) đến “Tháp nước” (tức Hồ Con Rùa hiện nay) mang tên là đường Garcerie.
2. Đoạn từ “Tháp nước” đến Nhà Thờ mang tên là đường Blanc Subé.
(Sau năm 1955, hai đoạn đường 1 và 2 này nhập thành 1 và đổi tên thành đường Duy Tân, sau năm 1975 thì đường Duy Tân trở thành Phạm Ngọc Thạch như ngày nay)
3. Đoạn từ Nhà Thờ kéo dài đến bờ sông Sài Gòn (tức Bến Bạch Đằng sau này) vẫn mang tên Catinat, sau 1955 đổi tên thành Tự Do, và sau 1975 đổi thành đường Đồng Khởi.
Thực hiện: Đông Kha Bản quyền bài viết của nhacxua.vn