Hình ảnh hiếm hơn 70 năm trước của Quốc Lộ 20 nối Sài Gòn – Đà Lạt

Ngày nay, quốc lộ 20 là tuyến đường ngắn nhất nối Sài Gòn tới Đà Lạt. Đường quốc lộ này rất đông đúc xe cộ, đặc biệt là dịp cuối tuần, nhiều người gọi đây là “cung đường tử thần” vì đã có nhiều tai nạn xe khách xảy ra trên tuyến đường này suốt nhiều năm qua.

Cho tới nay, quốc lộ 20 đã được hình thành hơn 90 năm, là tuyến đường mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để xây dựng vào thời Pháp thuộc. Sau đây là xe đang lưu thông trên quốc lộ 20 năm 1952:

Hình chụp đoạn giữa sông La Ngà và Định Quán, lúc này đường đi băng ngang rừng nguyên sinh.

Quốc lộ 20 đoạn qua Định Quán, xe lưu thông trên đường năm 1952

Sau khi toàn quyền Doumer duyệt kế hoạch xây dựng trạm nghĩ dưỡng trên cao nguyên Langbian, ông đã cho thành lập 3 phái đoàn cùng nghiên cứu tìm ra 3 con đường ngắn ngắn nối Sài Gòn với Đà Lạt.

Kết quả là một tuyến đường được khởi công từ năm 1900, tức là trước đường Đà lạt – Phan Thiết, nhưng vì tính chất phức tạp địa hình của tuyến này nên mãi tới năm 1932 nó mới được hoàn thành, chính là quốc lộ 20 ngày nay.

Ban đầu con đường này rộng 6m, được trải đá và rải nhựa. Tới năm 1943, do yêu cầu phát triển Đà Lạt, đèo Prenn cũ (rộng 5.5m) được thay bằng đèo mới, đổi hướng đi, rộng 7m5, giảm độ dốc từ 10 xuống 7%, giảm cua quẹo còn 1 nửa, từ 140 xuống còn 70 khúc cua.

Hình ảnh này là đường tắt qua cầu tạm, trong lúc đường chính đang được sửa ở gần đèo Chuối

Một số hình ảnh xưa khác dọc theo quốc lộ 20 len Đà Lạt:

Bên trên là hình ảnh quen thuộc đối với hàng triệu du khách đã từng đi Đà Lạt theo quốc lộ 20 trong suốt 90 năm qua, đó là Đá Ba Chồng ở Định Quán.

Đó là ba hòn đá chồng lên nhau với chiều cao 36m, nằm chênh vênh ngay bên cạnh quốc lộ 20. Ai đã từng một lần nhìn thấy hòn đá này đều có chung cảm giác đó là “không an toàn”. Tuy nhiên, những hòn đá này đã chênh vênh như vậy trong hàng triệu năm và không suy chuyển.

Theo tài liệu địa chất thì quần thể thuộc di chỉ văn hóa Óc Eo Phù Nam ở thềm cao nguyên Đông Nam Bộ, đây là chứng nhân của hàng loạt sự kiện vận động của trái đất, tại đây, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều công cụ sản xuất, sinh hoạt của người xưa bằng đá, đồng, đất nung… đó là những minh chứng của một trong những nền văn hóa đầu tiên của nhân loại. Trải qua hàng triệu năm dãi dầu mưa nắng với ba lần ngâm mình dưới biển khi nước biển tràn vào, chứng kiến hàng trăm ngọn núi lửa hoạt động dữ dội, Đá Ba Chồng vẫn đứng đó tạo ra một cảnh quan hùng vĩ.

Xe bò kéo chở bắp ở một ngôi chợ sát QL20 ở Định Quán năm 1957
Nằm sát bên Định Quán là Gia Kiệm, vùng đất của những người Bắc di cư, Trong ảnh là chợ bắp ở Gia Kiệm năm 1957, những người trong ảnh đa phần là người Bắc 54
Khai hoang lập ấp ở rừng Đa M’ri, gần đèo B’lao (Bảo Lộc) năm 1957. Trước đó, đây là cánh rừng bạt ngàn, nhưng đã bị mất dần dưới sự xâm lấn của con người
Đèo Bảo Lộc xưa
Quốc lộ 20 đoạn đi qua thị trấn B’lao năm 1956. Đây là thị trấn nhỏ, nơi mà vài năm sau đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tới dạy học và sáng tác 1 số ca khúc nổi tiếng tại nơi đây. Ngày nay, B’lao là thành phố Bảo Lộc
Khu tái định cư của người Thượng do chính phủ lập ở gần Madagui năm 1957
Thiếu nữ hái trà ở B’lao
Hái trà ở B’lao năm 1956
Du khách đi Đà Lạt năm 1957, đang dừng chân ở Ql 20, đoạn qua B’lao. Phương tiện di chuyển là xe khách thời Pháp hiệu Renault
Trường Nông Lâm Mục năm 1959. Đây là ngôi trường được thành lập năm 1955, thuộc bộ Canh Nông, đào tạo các kỹ sư nông nghiệp đầu tiên của VNCH. Năm 1963, trường đổi tên thành Nông Lâm Súc
Nhà công vụ lục lộ trên QL20, đoạn qua Di Linh, năm 1953
Di Linh 1957
Một nhóm đi săn bắn ở Di Linh năm 1957
Khai hoang lập ấp ở Tùng Nghĩa năm 1956, nay thuộc huyện Đức Trọng
Quốc lộ 20 đi ngang qua trung tâm Đức Trọng
Ngôi làng mới ở Đức Trọng năm 1957
Phi Nôm, Đức Trọng năm 1957. Vùng đất này vốn có đông dân cư ở từ trước khi người Pháp xây dựng Đà Lạt. Nơi này là 1 trong những trạm dừng chân của bác sĩ Yersin khi ông thám hiểm cao nguyên Langbian trước khi đề xuất xây dựng vùng đất nghĩ dưỡng

Đèo Chuối năm 1957, đèo đầu tiên của QL20 đi từ dưới đồng bằng lên Đà Lạt

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version