Hình ảnh đẹp của Phú Nhuận thập niên 1960 – Một vòng xung quanh ngã tư Phú Nhuận xưa

Phú Nhuận là địa danh nổi tiếng trước 1975, là đơn vị hành chánh cấp xã, cũng là trung tâm của quận Tân Bình thuộc tỉnh Gia Định. Xã Phú Nhuận nối liền với đô thành Sài Gòn bằng cây cầu Kiệu bắc qua rạch Nhiêu Lộc nằm giữa 2 đường Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng) và Hai Bà Trưng.

Sau năm 1975, xã Phú Nhuận được tách khỏi quận Tân Bình để trở thành quận Phú Nhuận.

Những trục đường chính của Phú Nhuận xưa là Võ Di Nguy, Chi Lăng, Võ Tánh, Trương Minh Ký & Trương Minh Giảng, Ngô Đình Khôi (sau 1963 mang tên đường Cách Mạng 1/11). Ngày nay các tên đường này đều đã đổi tên thành Nguyễn Kiệm & Phan Đình Phùng, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sĩ và Nguyễn Văn Trỗi.

Mời các bạn xem lại cảnh cũ người xưa qua những tấm hình chụp khu vực Phú Nhuận thập niên 1960-1970.

Trung tâm của xã Phú Nhuận chính là ngã tư Phú Nhuận, một số hình ảnh ở khu vực này:

Hình bên trên là toàn cảnh Ngã Tư Phú Nhuận nhìn từ trên cao. Bên trái là đường Chi Lăng hướng đi Bà Chiểu, bên phải là đường Võ Tánh đi Lăng Cha Cả. Đường xéo góc là Võ Di Nguy, hướng bên trên về Sài Gòn, hướng xuống dưới đi Gò Vấp. Tòa nhà màu trắng là trụ sở của ngân hàng Việt Nam Thương Tín, còn tòa nhà có dấu chữ thập đỏ là Bệnh Viện Cơ Đốc (nay là hội Chữ Thập Đỏ Phú Nhuận).

Một tấm không ảnh khác chụp ngã tư Phú Nhuận. Bên trái là đường Chi Lăng, bên phải là đường Võ Tánh
Ngã tư Phú Nhuận nhìn từ trên cao. Đường bên dưới xéo qua trái là Võ Tánh. Đường bên trên là Chi Lăng. Đường bên phải là Võ Di Nguy về Sài Gòn. Đường bên trái là Võ Di Nguy về Gò Vấp
Ngã tư Phú Nhuận năm 1966. Chính diện hình là tòa nhà ngân hàng Việt Nam Thương Tín lúc đang xây dựng nâng thêm lầu. Hiện nay tòa nhà này vẫn còn, là trụ sở của ngân hàng Vietinbank trong suốt nhiều năm
Tòa nhà ngay góc ngã tư Phú Nhuận trước khi được cải tạo, xây thêm lầu

Một số hình ảnh của ngã tư Phú Nhuận lúc tòa nhà Việt Nam Thương Tín đang được xây thêm lầu:

Xe đang đi trên đường Võ Tánh đến gần ngã tư Phú Nhuận, đi thẳng qua bên kia sẽ là đường Chi Lăng về phía Bà Chiểu.

Hình bên dưới là lúc tòa nhà màu trắng đã được hoàn thành, xây thêm lầu chen vào chính giữa tòa nhà cũ đã có từ thời Pháp thuộc:

Tòa nhà màu trắng bên trái hình là Bệnh Viện Cơ Đốc, ngày này vẫn còn, là trụ sở của hội Chữ Thập Đỏ

Một số hình ảnh khác của Bệnh Viện Cơ Đốc ở góc ngã tư Phú Nhuận:

Chiếc xe van màu trắng bên trái đang đậu ở khu nhà nguyện của Hội Thánh Cơ Đốc
Bên phải hình là đường Võ Di Nguy hướng về Gò Vấp, ngày nay đường này mang tên Nguyễn Kiệm

Ngã tư Phú Nhuận hướng từ đường Chi Lăng qua đường Võ Tánh, bìa phải là bệnh viện Cơ Đốc. Cây xăng SHELL nay là vị trí cây xăng Petrolimex
Một góc ảnh khác giống hình bên trên. Người chụp hình đứng ở đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) chụp qua bên đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ)

Hình ảnh khác của cây xăng SHELL trên đường Võ Tánh:

Nhà thuốc Á Đông ở góc ngã tư Phú Nhuận, đối diện bên kia đường của bệnh viện Cơ Đốc. Bên phải của hình là đường Võ Tánh ra hướng Lăng Cha Cả
Một hình ảnh khác của nhà thuốc Á Đông ở góc ngã tư Phú Nhuận
Nhà thuốc Á Đông ở góc ngã tư Phú Nhuận. Bên trái là đường Võ Di Nguy về phía Sài Gòn
Ở chính giữa ngã tư Phú Nhuận nhìn về phía nhà thuốc Á Đông
Căn nhà sát bên nhà thuốc Á Đông
Ngã tư Phú Nhuận nhìn về phía đường Võ Di Nguy hướng về phía trung tâm Sài Gòn. Bên phải là nhà thuốc Á Đông

Ngã tư Phú Nhuận ngày nay là giao điểm của 4 con đường khác nhau: Hoàng Văn Thụ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Kiệm và Phan Đình Phùng. Trước 1975, đường Phan Đình Phùng và đường Nguyễn Kiệm là 1, gọi là đại lộ Võ Di Nguy (khác với đường Võ Di Nguy ở trung tâm đô thành Sài Gòn, nay là đường Hồ Tùng Mậu – Q1). Đường Hoàng Văn Thụ ngày xưa mang tên Võ Tánh (khác với đường Võ Tánh ở Sài Gòn, nay là đường Nguyễn Trãi – Q1). Đường Phan Đăng Lưu ngày xưa mang tên Chi Lăng, nối ngã 4 Phú Nhuận với Bà Chiểu ở xã Bình Hòa (trung tâm của tỉnh Gia Định).

Sau đây là hình ảnh các con đường xung quanh ngã tư Phú Nhuận:

Đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ):

Đường Võ Tánh đoạn gần ngã 3 với đường Trương Minh Ký, gần Lăng Cha Cả (nay là ngã 3 Hoàng Văn Thụ – Lê Văn Sĩ)
Đường Võ Tánh ở đoạn gần Bộ Tổng Tham Mưu. Đằng trước hình ngày nay là công viên Hoàng Văn Thụ, phía bên phải là đường Võ Tánh dẫn về ngã tư Phú Nhuận. Xe máy đang đi trên đường Cách Mạng 1/11, là con đường từ cầu Công Lý dẫn ra phía sân bay Tân Sơn Nhứt. Trước năm 1963, đường này tên là Ngô Đình Khôi. Sau 1975, đường này đổi tên thành Nguyễn Văn Trỗi.
Dãy nhà có hình chữ thập trên mái là bệnh viện quân đội Mỹ nằm trên đường Võ Tánh. Bên trái hình là khu vực Bộ Tổng Tham Mưu (nay là bộ tư lệnh QK7)
Đường Võ Tánh, đoạn từ Lăng Cha Cả hướng về ngã tư Phú Nhuận. Bên trái hình là trụ sở bộ Tổng Tham Mưu
Đường xéo ngang là Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ). Đường thẳng là Đại lộ Cách Mạng 1/11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi) đi về phía Sài Gòn. Đường bên trái ở dưới hình, nay là đường Phan Đình Giót nối ra đường Trường Sơn ra sân bay
Đường Võ Tánh năm 1965 khi chưa được mở rộng, đoạn từ bộ tổng tham mưu đi về Ngã tư Phú Nhuận
Đường Võ Tánh năm 1966, khi chưa được mở rộng
Đường Võ Tánh năm 1966 khi chưa mở rộng, đoạn về hướng Ngã Tư Phú Nhuận, bên trái hình là khu quân đội
Cổng xe lửa số 9 trên đường Võ Tánh
Đường Võ Tánh gần tới ngã tư Phú Nhuận
Đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ), phía xa xa là ngã tư Phú Nhuận
Hướng nhìn ngược lại, từ ngã tư nhìn về phía đường Võ Tánh

Đường Chi Lăng (nay là đường Phan Đăng Lưu):

Từ góc đường Võ Tánh nhìn qua cây xăng Esso bên đường Chi Lăng. Hàng rào bên trái là bệnh viện Cơ Đốc
Cây xăng Esso trên đường Chi Lăng, ở góc ngã tư Phú Nhuận. Ngày nay cây xăng này là của Petrolimex
Dãy nhà ở đầu đường Chi Lăng ở ngã tư Phú Nhuận. Bên trái là cây xăng Esso. Ngoài cùng bên phải hình là trụ sở ngân hàng Việt Nam Thương Tín (nay trở thành trụ sở của Vietinbank)
Một góc ảnh khác tương tự
Từ ngã tư Phú Nhuận nhìn về phía đầu đường Chi Lăng
Đường Chi Lăng nhìn về phía ngã tư Phú Nhuận
Đường Chi Lăng đoạn sát với ngã tư Phú Nhuận
Đường Chi Lăng đoạn gần tới đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Nguyễn Văn Đậu) của xã Bình Hòa. Xe Vespa đang đi hưỡng ngược về ngã tư Phú Nhuận
Đường Chi Lăng đoạn gần tới đường Ngô Tùng Châu (nay là đường Nguyễn Văn Đậu) của xã Bình Hòa. Đặc trưng của đường Chi Lăng thời kỳ này là hàng cây sao, nay đã không còn

Đường Võ Di Nguy (nay là đường Phan Đình Phùng):

Đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) đoạn hướng về phía cầu Kiệu. Xa xa là tháp nhà thờ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng
Từ ngã 4 Phú Nhuận nhìn về đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng). Các học sinh trường Chu Mạnh Trinh đang băng qua đường
Trường tư thục Chu Mạnh Trinh trên đường Võ Di Nguy gần ngã tư Phú Nhuận

Ở sát trường Chu Mạnh Trinh, góc Võ Di Nguy – Chi Lăng còn có một nơi nổi tiếng gọi là Cư xá Chu Mạnh Trinh, nằm ở hèm số 215 Chi Lăng, là nơi cư ngụ của những gia đình nghệ sĩ nổi tiếng nhất Sài Gòn: Năm Châu, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Thẩm Thúy Hằng, Mộc Lan, Lê Mộng Hoàng…

Nghệ sĩ Năm Châu ở trước căn nhà 215/16 đường Chi Lăng (hẻm 215)
Hẻm 215 Chi Lăng
Gia đình Phạm Duy tại tư gia ở cư xá Chu Mạnh Trinh hẻm 215 Chi Lăng. Gia đình ông sống ở đây cho tới năm 1975

Một số hình ảnh chợ Phú Nhuận trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng):

Chợ Phú Nhuận năm 1962. Ngôi chợ này nằm cách cầu Kiệu không xa, khá gần với chợ Tân Định của Sài Gòn
Chợ Phú Nhuận năm 1970. Phía xa xa là tháp nhà thờ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng
Chợ Phú Nhuận năm 1971
Rạp Văn Cầm trên đường Võ Di Nguy – Phú Nhuận (nay là đường Phan Đình Phùng.) Từ đường Hai Bà Trưng đi qua Cầu Kiệu, qua chợ Phú Nhuận 1 chút sẽ gặp ngay rạp Văn Cầm ở bên tay phải. Ngày nay vị trí này là ngân hàng Vietinbank, đối diện bên kia đường là nhà sách Phú Nhuận ở gần ngã 3 đường Huỳnh Văn Bánh – Phan Đình Phùng (trước 1975 là ngã 3 Nguyễn Huỳnh Đức – Võ Di Nguy).

Đường Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm):

Bên phải là đầu đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu), bên trái là đường Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm đi về phía Gò Vấp)
Đường Võ Di Nguy (nay là đường Nguyễn Kiệm) nhìn về phía ngã tư Phú Nhuận
Một tiệm cắt tóc trên đường Võ Di Nguy

Tên địa danh Phú Nhuận được nhắc đến trong sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, đó là tên của một thôn được thành lập từ năm 1698. Thôn Phú Nhuận thuộc tổng Bình Trị, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An (thành Gia Định). Những cư dân đầu tiên của Phú Nhuận hầu hết là di dân từ Đằng Ngoài, hoặc là gia đình của binh sĩ đóng ở trấn Phiên An, và cái tên “Phú Nhuận” theo tiếng Hán có nghĩa là mong muốn được thêm giàu có trù phú của những người lưu dân.

Đến giữa thế kỷ 19, thôn Phú Nhuận phát triển trở thành làng, trực thuộc huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định.

Năm 1911, chính quyền thuộc địa chia tỉnh Gia Định thành 4 quận: Thủ Đức, Nhà Bè, Gò Vấp và Hóc Môn, trong đó làng Phú Nhuận thuộc tổng Dương Hòa thượng, quận Gò Vấp.

Năm 1944, một số vùng phía Bắc của Gia Định được tách ra thành tỉnh riêng mang tên tỉnh Tân Bình, có tỉnh lỵ đặt tại làng Phú Nhuận. Tuy nhiên tỉnh Tân Bình chỉ tồn tại được hơn 1 năm thì lại giải thể, làng Phú Nhuận trở lại thuộc quận Gò Vấp của tỉnh Gia Định.

Sau năm 1956, các làng của tỉnh Gia Định được gọi thành xã, trong đó xã Phú Nhuận trực thuộc quận Tân Bình được tách ra từ quận Gò Vấp. Trung tâm hành chính của quận Tân Bình được đặt tại xã Phú Nhuận cho đến năm 1975. Các xã khác của quận Tân Bình còn có Bình Hưng Hòa, Phú Thọ Hòa, Tân Phú, Tân Sơn Hòa, Tân Sơn Nhì, Vĩnh Lộc.

Một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất ở Phú Nhuận là Nhà Thờ Ba Chuông trên đường Trương Minh Ký (nay là Lê Văn Sĩ)
Grace Baptist Church (Hội Thánh Báp Tít Ân Điển) ở góc đường Cách Mạng 1/11 – Minh Mạng (nay là Nguyễn Văn Trỗi – Nguyễn Đình Chính). Ngày nay Grace Baptist Church vẫn còn ở vị trí cũ và đã xây lại một tòa nhà khác hiện đại hơn

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)
Hình ảnh: manhhai flickr

Exit mobile version