Hình ảnh đẹp của “thị xã Cần Thơ” thập niên 1960

Cần Thơ là một trong những thành phố lớn nhất ở miền Nam, đồng thời được xem là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ với tây gọi là Tây Đô.

Về nguồn gốc tên gọi “Cần Thơ”, đến nay vẫn chưa được khẳng định chắc chắn mà chỉ dựa theo giai thoại, truyền thuyết.

Có giai thoại kể rằng khi chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu, thuyền ngài lênh đênh trên sông Hậu, trong đêm khuya thanh vắng ngài nghe có tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hòa nhau rất nhịp nhàng, từ một khúc sông xa vọng lại. Ngài xúc động và đặt tên con sông nhỏ này là “Cầm Thi Giang”. Cầm Thi được đọc trại thành Cần Thơ.

Một truyền thuyết khác nói là khi xưa vùng Cần Thơ có trồng nhiều rau cần và rau thơm. Mỗi khi chèo ghe đi bán trên sông rạch, chủ ghe thường rao: “Ai mua rau cần thơm không”. Rau cần thơm vì vậy đã vào ca dao, và cần thơm đọc trại thành Cần Thơ:

Rau cần rau thơm xanh mướt
Mua mau kẻo hết, chậm bước không còn
Rau cần lại với rau thơm
Phải chăng đất ấy rau thơm có nhiều

Một giả thuyết khác nói chữ Cần Thơ xuất phát từ chữ Khmer “kìntho” (cá sặc rằn), là một loại cá thời xưa có rất nhiều ở vùng đất này.

Cần Thơ là tên gọi thành phố, đồng thời cũng là tên của một tỉnh. Từ đầu thế kỷ 20, tỉnh Cần Thơ là một trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ. Trước năm 1900, Cần Thơ chỉ là tên gọi của một vùng đất nhỏ thuộc huyện Vĩnh Định, sau đó là huyện Phong Phú của tỉnh An Giang thời Nam Kỳ Lục Tỉnh của triều Nguyễn.

Ngày 23 tháng 2 năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ ra Nghị định mới lấy toàn bộ huyện Phong Phú, cộng thêm một phần nhỏ thuộc phía nam tỉnh Vĩnh Long cũ và một phần huyện An Xuyên thuộc phủ Tân Thành, tỉnh An Giang cũ để lập ra hạt Cần Thơ với thủ phủ là Cần Thơ. Đến ngày đầu tiên của thế kỷ 20 (1/1/1900), tất cả các hạt (arrondissement) đổi thành tỉnh (province), ban đầu tỉnh lỵ Cần Thơ đặt tại làng Tân An thuộc tổng Định Bảo, quận Châu Thành.

Ngày 18 tháng 12 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập thành phố Cần Thơ có Ủy ban thành phố, thị trưởng do chủ tỉnh bổ nhiệm và có ngân sách riêng. Tuy nhiên sau này vẫn thường gọi là thị xã Cần Thơ.

Sau năm 1954, ban đầu thì tên gọi tỉnh Cần Thơ cùng với thị xã Cần Thơ vẫn được duy trì như thời Pháp thuộc. Đến tháng 8 năm 1956, chính quyền VNCH ban hành Dụ số 50 về việc bãi bỏ quy chế thị xã, giải thể thị xã Cần Thơ, đồng thời địa bàn thị xã được chuyển thành xã Tân An trực thuộc tổng Định An, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ.

Ngày 22 tháng 10 năm 1956, chính quyền đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tên mới là Phong Dinh, có tỉnh lỵ đặt tại Cần Thơ.

Tòa hành chánh tỉnh Phong Dinh (nay là tỉnh Cần Thơ)

Đến năm 1970, thị xã Cần Thơ được tái lập, là thị xã tự trị trực thuộc trung ương, đồng thời kiêm luôn vai trò là tỉnh lỵ của tỉnh Phong Dinh. Đây cũng là nơi đặt Bộ tư lệnh Quân khu 4 của quân đội. Từ đó đến năm 1975, thị xã Cần Thơ và tỉnh Phong Dinh là 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau.

Mời các bạn xem lại những hình ảnh Cần Thơ trước 1975:

Đường Nguyễn Trãi
Chùa Tàu ở Cần Thơ năm 1967
Nữ sinh Cần Thơ năm 1958 trên đường Phan Đình Phùng, phía trước là Ngã Tư Phan Đình Phùng – Ngô Quyền
Công viên Đồ Chiểu năm 1968
Rạp hát Minh Châu trên đường Phan Đình Phùng năm 1958
Các nữ sinh tại Cần Thơ, một người cầm chiếc lồng đèn giấy, đang trên đường đến dự buổi diễu hành cổ động kỳ bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ngày 11-9-1966.
Công viên Tao Đàn ở Cần Thơ năm 1958
Chợ Cần Thơ thập niên 1960
Dinh Tỉnh trưởng Cần Thơ năm 1968
Bến Ninh Kiều năm 1967
Trại Lê Lợi của Quân đoàn 4
Ngã tư Phan đình Phùng – Ngô Quyền, ngôi nhà bên phải là Ty Bưu điện Cần Thơ
Sân bay Trà Nóc, Cần Thơ năm 1968
Công Trường Độc Lập năm 1968, phía trước dinh tỉnh trưởng
Góc ngã ba Bến Ninh Kiều – Ngô Quyền
Ngã ba Bến Ninh Kiều – Ngô Quyền năm 1968
Sông Cái Khế 1966
Đường Ngô Quyền
Bến xe Chợ Mới
Đường Nguyễn Trãi, dốc cầu Cái khế.
Đường Phan Đình Phùng

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version