Hình ảnh của những ngôi trường nổi tiếng nhất Sài Gòn xưa – Phần 1: Lasan Taberd, Pétrus Ký và Lê Quý Đôn

Mời các bạn xem lại hình ảnh của 3 trong số những ngôi trường lâu đời nhất của Sài Gòn, đó là trường Lasan Taberd (nay là trường trung học chuyên Trần Đại Nghĩa), trường Chasseloup Laubat, nay là trường THPT Lê Quý Đôn, và trường Petrus Ký (nay là trường trung học chuyên Lê Hồng Phong).

Lasan Taberd

Ngôi trường trung học lâu đời nhất của Sài Gòn có lẽ là Lasan Taberd, nay là Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Thời VNCH, trường có địa chỉ số 53 đường Nguyễn Du, gần góc đường Tự Do.

Trường La San Taberd hoạt động từ năm 1873 đến năm 1975, vốn là sản nghiệp riêng của Hội truyền giáo Công giáo, có công và thanh danh lớn trong việc đào tạo nhân tài trong xứ thời bấy giờ.

Trường được điều hành bởi các sư huynh Dòng La San và áp dụng các lý thuyết của thánh Gioan La San (Jean-Baptiste de la Salle) đặt ra, là chú trọng đến việc giáo dục phát triển các phần: Trí dục, đức dục và thể dục.

Những người điều hành trường Taberd được gọi là “sư huynh” là vì được dịch nghĩa của cùng một danh từ trong tiếng Châu Âu: Frater (tiếng Latin), Frère (tiếng Pháp) hay Brother (tiếng Anh). Những từ này được du nhập vào đời tu trì Kitô giáo nhằm nêu bật một đặc trưng của đạo, đó là tinh thần huynh đệ trong cộng đoàn.

Trường Taberd chú ý hướng dẫn học sinh làm việc thiện và hiểu biết đời sống người nghèo. Trong những năm đầu thập niên 1970, học sinh Taberd các lớp 9 và 10 hàng tuần được hướng dẫn đi thăm viếng các khu lao động nghèo, hớt tóc cho các em nhỏ và phát thuốc cho những người đến khám bệnh ở những trạm chẩn bệnh miễn phí, theo toa các bác sĩ và các sinh viên y khoa. Học sinh cũng được dạy học thêm nghề như như chụp hình, rửa ảnh, sửa radio…

Vào năm 1964, nhóm học sinh kiêm nhạc sĩ Jo Marcel, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang và Kỳ Phát tổ chức tại Trường Trung học La San Taberd một đại nhạc hội với chủ đích kỷ niệm Cách mạng 01 tháng 11. Đến năm 1969, sự kiện này chính thức mang danh Đại hội Nhạc trẻ, và mặc dù địa điểm tổ chức không cố định, nhưng sân trường Taberd vẫn nơi thường xuyên nhất của nhạc hội này.

Duy Quang và Thanh Lan trên sân khấu đại hội nhạc trẻ ở trường Taberd

Những nghệ sĩ đã từng học ở trường Taberd có thể kể đến là Jo Marcel, Nguyễn Ánh 9, Mai Châu, Trần Trịnh…, thế hệ sau này có Don Hồ. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi cũng từng có thời gian dạy nhạc ở trường Taberd.

Sau năm 1975, trường La San ở Sài Gòn và các phân hiệu ở các nơi khác là Nha Trang, Vũng Tàu, Mỹ Tho, Sóc Trăng… đều bị nhà nước thu lại. Trường La San Taberd bị đóng cửa năm 1976, sau đó cơ sở trường được dùng làm trường Trung học Sư phạm và sau đó là trường Trung học Phổ thông Chuyên Trần Đại Nghĩa.

Mời các bạn xem một số hình ảnh khác của trường Taberd qua các thời kỳ:

Tượng thánh John Baptist de La Salle trong sân trường La San Taberd

Collège Chasseloup Laubat

Trường Lê Quý Đôn ở Sài Gòn là ngôi trường trung học lâu đời thứ 2 ở Sài Gòn. Thời Pháp, ngôi trường này thường được biết đến với cái tên Collège Chasseloup Laubat, nằm giữa 3 con đường trung tâm là Chasseloup Laubat, Testard và Palais, sau này đường Palais đổi tên thành Barbet, rồi trở thành Barbé. (Ba con đường này sau năm 1955 mang tên Hồng Thập Tự, Trần Quý Cáp, Lê Quý Đôn. Sau năm 1975, đường Hồng Thập Tự mang tên Xô Viết Nghệ Tĩnh, rồi sau đó cắt 1 đoạn để đặt tên Nguyễn Thị Minh Khai, còn đường Trần Quý Cáp mang tên Võ Văn Tần).

Chưa đến 10 năm sau khi người Pháp chiếm được Gia Định, năm 1894, Thống đốc Nam Kỳ đã ký nghị định thành lập một ngôi trường trung học tại Sài Gòn nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em những người Pháp tại Sài Gòn. Chương trình giảng dạy theo chính quốc, dạy từ tiểu học đến tú tài (chương trình Pháp). Trường sở được khởi công xây dựng ngay vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877.

Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), sau này con đường trước cổng trường được đặt tên là Chasseloup Laubat thì tên trường cũng đổi thành Collège Chasseloup Laubat (tên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa lúc bấy giờ).

Ban đầu, trường chỉ nhận các học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 thì mở rộng để nhận thêm học sinh người Việt, tuy nhiên phải có quốc tịch Pháp.

Sau năm 1954, với dụng ý tránh gợi nhớ thời thuộc địa, trường được đổi tên là trường Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu là học sinh người Việt, nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Hai con đường đi ngang qua 2 cổng trường là Chasseloup Laubat và Barbé được đổi tên lần lượt là Hồng Thập Tự và Lê Quý Đôn.

Đến 1967, trường được trả lại cho Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn, lấy theo tên của con đường Lê Quý Đôn.

Hai cô giáo người Việt của trường Collège Chasseloup Laubat

Từ 1975, chính quyền mới vẫn giữ tên gọi Lê Quý Đôn cho ngôi trường này, tuy nhiên phân tách thành hai khu dành cho học sinh cấp II (trường THCS Lê Quý Đôn) và khu dành cho học sinh cấp III (trường THPT Lê Quý Đôn).

Mời các bạn xem lại một số hình ảnh của trường Collège Indigène/Collège Chasseloup Laubat/Jean Jacques Rousseau/Lê Quý Đôn:

Đường Chasseloup Laubat thời Pháp

Trường Lê Quý Đôn ở phía cổng đường Hồng Thập Tự  
Năm 1964, thời điểm trường mang tên Jean Jacques Rousseau

Trường Lê Quý Đôn ở phía cổng đường Lê Quý Đôn
Trường Lê Quý Đôn ở phía cổng đường Trần Quý Cáp

 

 

Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện nay là trường chuyên nổi tiếng nhất của Sài Gòn. Trước năm 1975, đây cũng là ngôi trường danh riêng cho nam sinh nổi tiếng nhất đô thành với cái tên Pétrus Trương Vĩnh Ký, là niềm tự hào của nhiều thế hệ từng học tại đây.

Ngôi trường Pétrus Ký ban đầu là một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat. Tuy nhiên như đã nhắc ở trên, Collège Chasseloup Laubat nằm ở trung tâm Sài Gòn chỉ dành cho con em người Pháp hoặc người Việt có quốc tịch Pháp, thì trường Pétrus Ký nằm ở khu vực hẻo lánh (vào thời điểm đó) là Chợ Quán, thu nhận toàn bộ là học trò người Việt, dạy từ lớp 6 đến lớp 12. Nhiều học sinh các tỉnh, sau khi xong bậc tiểu học ở quê, có thể lên Sài Gòn dự thi vào trường. Về sau, từ thời Ðệ nhất Cộng Hoà, do số học sinh tăng nhanh, muốn vào trường công lập phải qua kỳ thi tuyển sinh gắt gao, nên học sinh nào đậu vào trường là niềm hãnh diện lớn cho bản thân và cả gia đình.

Về tên gọi của trường Petrus Ký, tháng 12-1929, sau khi khánh thành tượng đồng của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký ở công viên trước dinh Norodom (nay là dinh Độc Lập), trường chính thức mang tên là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. Tuy nhiên, nhiều người vẫn gọi tắt là Pétrus Ký và tên này được sử dụng trong gần 50 năm.

Từ thời đệ nhất cộng hoà, một số cơ sở và đất đai của Trường Pétrus Ký bị cắt xén, trưng dụng để dùng cho những cơ quan giáo dục khác.

 

Ba dãy lầu lớn của Trường Pétrus Ký được dùng cho ĐH Khoa học và ĐH Sư phạm. Nhà tổng giám thị Pétrus Ký được dùng làm Trung tâm Thính thị Anh ngữ, một số các nhà chức vụ khác của trường cũng được dùng cho một số viên chức Bộ Giáo dục Sài Gòn.

Tuy bị cắt xén nhiều nhưng Trường Pétrus Ký vẫn còn là một trường trung học lớn nhất dành riêng cho nam sinh ở miền Nam.

Trường Pétrus Ký là một tổng hòa công kiến trúc đẹp, gói gọn trong khuôn viên xanh, rộng rãi lên tới 8ha. Với những hàng cây cổ thụ, tháp đồng hồ hay những dãy hành lang lát gạch ca rô ẩn nấp phía dưới những mái vòm cong độc đáo được xem là những điểm nhấn đặc biệt của ngôi trường.

Có thể nói đây là tiêu biểu cho phong cách kiến trúc phương Tây tổng hòa với nền giao thoa văn hóa bản địa Á Đông, tạo ra lối kiến trúc Đông Dương, đặc trưng cho một thời kỳ lịch sử Việt Nam.

Trước năm 1975, trường Pétrus ký dạy từ lớp 6 đến lớp 12 (đệ thất tới đệ nhất). Sau năm 1975, trường đổi tên thành Trung học cấp 2-3 Lê Hồng Phong. Nhưng từ năm học 1976-1977, trường không nhận học sinh vào lớp 6 nữa, rồi chấm dứt cuốn chiếu các lớp 7,8,9 cho tới năm 1979 thì chỉ còn là trường dạy cấp 3. Từ năm học 1980-1981, trường chính thức mang tên trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong.

Mời các bạn xem lại những hình ảnh xưa của ngôi trường danh tiếng này:

Công trường xây dựng trường Petrus Ký ở Sài Gòn thập niên 1920.

 

Toàn cảnh trường Petrus Ký nhìn từ trên cao, thập niên 1920. Một số tòa nhà của trường thời điểm này đang được thi công.
Cánh cổng có hai tầng (bên trái) ở mặt trước, hình ảnh mang tính biểu tượng về trường Petrus Ký.
Tiểu cảnh cây xanh ở mặt trước của trường.
Từ cổng nhìn về khu nhà chính của trường.
Sân danh dự nằm giữa các tòa nhà ở trung tâm.

Khu nội trú

Các dãy hành lang có mái che liên kết các tòa nhà của trường
Giờ tan trường vào một ngày của thập niên 1930.
Toàn quyền Philipines Davis M. Robin thăm trường Petrus Ký vào tháng 2/1931.

Giờ học môn địa lý

Bài: Đông Kha (biên soạn) – nhacxua.vn

Exit mobile version