Hình ảnh “Áo Dài” trong thơ và nhạc Việt Nam gần 100 năm qua

Đã từ lâu, hình ảnh tà áo nhẹ nhàng, thướt tha đã gắn liền với nét duyên của người con gái xứ Việt, và vẻ đẹp ấy cũng không quên ghi lại dấu ấn trong biết bao tác phẩm âm nhạc.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Cho đến nay vẫn chưa rõ nguồn gốc nguyên thủy của chiếc áo dài, chỉ biết rằng hình ảnh đôi tà áo thân quen đã xuất hiện trên Trống Đồng Ngọc Lũ từ hàng ngàn năm trước. Theo truyền thuyết kể rằng, khi cưỡi voi đánh giặc, Hai Bà Trưng đã khoác trên mình tấm áo xẻ tà với giáp Vàng uy nghi.

Sau nhiều biến đổi cùng thời gian, chịu ảnh hưởng từ các nền Văn hóa và xu hướng thời trang từng thời kỳ, hình dáng của chiếc Áo dài đã được cách tân thay đổi không ngừng, song nó vẫn giữ nguyên vẻ đẹp tinh túy toát lên từ hai tà áo thướt tha.

Không giống các trang phục truyền thống khác như Kimono (Nhật Bản) hay Hanbook (Hàn Quốc), chiếc Áo dài Việt Nam có tính ứng dụng khá cao, khi người mặc không cần phải sử dụng nhiều phụ kiện rườm rà, nặng nhọc. Chỉ với đôi tà áo, người phụ nữ có thể xuất hiện tại các nghi lễ trang nghiêm, những buổi tiệc sang trọng hay kể cả mặc đến công sở mỗi ngày. Nhưng có lẽ để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong âm nhạc vẫn là tà áo nữ sinh với sắc trắng tinh khôi, “như trải nắng cả một góc trời”.

Nhắc đến những ngày tháng tươi đẹp bên mái trường xưa cùng thầy cô bè bạn, có lẽ nhiều người vẫn chưa quên ca khúc Phượng Hồng của nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ Trung Quân, với “ngày khai trường áo lụa gió thu bay”, tác giả đã mang đến cho người nghe một khung trời đầy ấp kỷ niệm với bao buồn vui tuổi học trò.

Vẫn còn đó những chùm phượng vỹ, những “cơn mưa giăng, giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả giấc mơ”…

Trong nhạc phẩm Ngày Xưa Hoàng Thị của nhạc sĩ Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư, hình ảnh chiếc áo dài được khắc họa “với đôi bờ vai nhỏ, chân đi dịu dàng, tà áo vờn bay”. Những hình ảnh đẹp đó thật khó phai trong ký ức tuổi học trò với lắm mộng mơ.

Còn với Hạ Trắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông đã khéo léo gom hết mây trời gửi vào vạt áo, làm “lối em đi về trời không có mây” “đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy…” Nét đẹp ấy đã mãi nằm lại trong âm nhạc và ký ức của người nhạc sĩ tài hoa, theo trọn cả một đời: “…Dài cho mãi sau… Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau…”.

Vào đầu thế kỷ 20, đặc biệt trong giai đoạn trường Nữ sinh Trung học Đồng Khánh được thành lập (năm 1917), đồng phục thời bấy giờ là kiểu áo rộng tà mang dáng dấp áo dài xưa, được sử dụng mặc chung với quần trắng dài chấm gót. Điểm đặc biệt của áo dài Huế là mang màu tím rất riêng, nó không giống màu tím lục bình của miền Nam, hay tím hoa cà của miền Bắc. Sắc tím của tà áo dài Huế chỉ vừa đủ đậm như màu mực học trò nổi bật trên nền trắng giấy tập. Một nét duyên thầm chỉ có ở người con gái xứ sông Hương núi Ngự. Màu tím xứ Huế đã đi vào lịch sử như một biểu tượng văn hóa truyền thống góp phần tôn lên vẻ đẹp tà áo Việt.

Cùng với sự nền nã của sắc màu, vẻ kín đáo của kiểu dáng, nét dịu dàng, thanh thoát trong cử chỉ người mặc, chiếc áo dài tím với đôi tà lồng lộng gió, cùng vành nón che nghiêng mái tóc thề, không biết tự bao giờ đã trở thành hình ảnh không thể thiếu khi nhắc về vẻ đẹp người con gái Cố Đô.

Về sau, tuy trường Đồng Khánh có sự thay đổi, chỉ dùng màu trắng cho mùa khô và màu xanh nước biển cho mùa mưa, nhưng vẻ đẹp của màu áo tím xứ Huế đã mãi in sâu trong tâm tưởng bao người.

Ngày nay, sắc trắng tinh khôi của đôi tà áo trắng vẫn được chọn làm đồng phục cho nữ sinh nhiều trường trên cả nước. Điều này đã góp phần không nhỏ tôn lên vẻ đẹp của người con gái Việt Nam. Tà áo dài như đánh dấu sự trưởng thành của người thiếu nữ, khoác trên mình tấm áo, họ học cách gìn giữ, nâng niu. Điểm đặc biệt của áo dài là với dáng vẻ thướt tha, thanh thoát cũng khiến người mặc phải nhẹ nhàng từ tốn, sửa từng dáng đi, nết ngồi thể hiện nét đoan trang, thùy mị của người con gái xứ Việt.

Chất liệu làm nên chiếc áo cũng rất quan trọng vì nó có thể nói lên địa vị, danh phận của người mặc. Trong xã hội xưa, những chất liệu như lụa Hà Đông, Lãnh Mỹ A, lụa tơ tằm, Gấm… không chỉ đảm bảo cho sự quyền quí cao sang mà nó còn mang đến cho người mặc cảm giác mềm mại, dễ chịu và đặc biệt là rất thoải mái giữa những ngày trời hanh nắng.

Trong nhạc phẩm Áo Lụa Hà Đông được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ từ thơ Nguyên Sa, chiếc áo dài được ngợi khen: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát… Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”

Cũng trong thơ Nguyên Sa, chúng ta bắt gặp hình ảnh áo dài của người con gái Việt tuyệt đẹp như sau:

Có phải em mang trên áo bay
Hai phần gió thổi, một phần mây
Hay là em gói mây trong áo
Rồi thở cho làn áo trắng bay?

Áo dài là hình ảnh quen thuộc, gợi cảm hứng bất tận cho những tao nhân mặc khách, những thi sĩ nhạc sĩ tài hoa trong gần thế kỷ. Ngay từ thời kỳ tiền chiến hồi 80 năm trước, nhà thơ Huy Cận đã ca tụng:

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng…

Ngay sau đó, thơ nhạc của Đinh Hùng, Phạm Đình Chương trong ca khúc bất hủ Mộng Dưới Hoa thì áo dài cũng hiện lên đầy gợi cảm với “áo bay mở khép niềm tâm sự…”. Áo dài trong nhạc của Hoàng Dương là “áo màu tung giớ chơi vơi” (Hướng Về Hà Nội), và trong nhạc của Trịnh là “áo xưa lồng lộng” (Tình Nhớ)…

Làm sao kể hết được những hình ảnh của vạt áo dài dịu dàng và thướt tha trong thơ và nhạc. Tà áo dài mềm mại đã nhẹ nhàng êm ái đến với cuộc đời, nhẹ nhàng êm ái đi vào lòng người…

Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, dù ở chốn quê nhà gần gũi, hay ở phương trời nào xa thẳm, chiếc áo dài cũng mang theo bầu trời quê hương, cũng mang về mùa xuân ấm áp trong lòng người Việt.

Qua bao mùa tang thương dâu bể, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, chiếc áo dài truyền thống, chiếc áo dài duyên dáng và trữ tình của người phụ nữ Việt Nam vẫn luôn luôn là hình ảnh khó phai mờ và còn đọng lại mãi trong lòng người.

nhacxua.vn tổng hợp
Nguồn: 2sao, Lê Hữu

Exit mobile version